Bảo vệ thị trường trong nước nhìn từ câu chuyện mía đường

Từ câu chuyện của ngành mía đường, có thể thấy, việc sử dụng hiệu quả các công cụ phòng vệ thương mại đã tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng, lành mạnh giữa hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa sản xuất trong nước; bảo vệ doanh nghiệp Việt Nam, hàng hóa Việt Nam và người dân Việt Nam.
đường thái lan

Năm 2020, đường giá rẻ của Thái Lan ồ ạt tràn vào Việt Nam khiến 17 trong số 30 nhà máy đường đang hoạt động bị thua lỗ. Khoảng 3.300 người lao động đã bị mất việc làm và 93.225 hộ nông dân bị ảnh hưởng. Trước tình hình đó, Việt Nam đã tiến hành điều tra và áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với mặt hàng mía đường nhập khẩu từ Thái Lan, đưa ngành mía đường thoát khỏi khủng hoảng.

Từ câu chuyện của ngành mía đường, có thể thấy, việc sử dụng hiệu quả các công cụ phòng vệ thương mại đã tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng, lành mạnh giữa hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa sản xuất trong nước; bảo vệ doanh nghiệp Việt Nam, hàng hóa Việt Nam và người dân Việt Nam theo đúng những tập quán thương mại quốc tế.

Chúng ta cùng nhìn lại câu chuyện mía đường năm 2020.

Cuộc "khủng hoảng mía đường" năm 2020

Năm 2020, ngành đường Việt Nam phải chịu tác động kép bởi giá đường thế giới giảm mạnh do nhu cầu tiêu thụ giảm sút vì dịch Covid-19, đồng thời phải cạnh tranh với một lượng lớn đường nhập khẩu theo cam kết của Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Theo cam kết, Việt Nam phải cắt giảm thuế đối với sản phẩm đường nhập khẩu từ các thành viên ASEAN, trong đó có Thái Lan - một trong những nhà cung cấp, xuất khẩu đường hàng đầu thế giới.

Trước năm 2020, thời điểm Việt Nam chưa thực thi Hiệp định ATIGA đối với sản phẩm đường, đường nhập khẩu chủ yếu là đường thô, được nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan. Đến năm 2020, đường nhập khẩu có xuất xứ Thái Lan gia tăng nhanh chóng. Trong đó, đường tinh luyện RS và RE tăng gấp 13 lần so với năm 2019. Tổng lượng đường nhập khẩu trong năm 2020 là xấp xỉ 1,3 triệu tấn, thậm chí còn cao hơn tổng sản lượng sản xuất đường của tất cả các nhà máy trong nước (xấp xỉ 1 triệu tấn) trong niên vụ 2019/2020.

biểu đồ 1

Sức ép từ đường nhập khẩu đã gây ảnh hưởng rất lớn đến ngành sản xuất đường trong nước, do không thể cạnh tranh với đường giá rẻ có xuất xứ từ Thái Lan.

Trong 30 nhà máy đang hoạt động, có 17 nhà máy bị thua lỗ. Khoảng 3.300 người lao động đã bị mất việc làm và 93.225 hộ nông dân bị ảnh hưởng. Diện tích trồng mía bị thu hẹp đáng kể do thu nhập từ cây mía không đảm bảo cuộc sống của người nông dân. Người nông dân trồng mía bỏ không đầu tư chăm sóc cây mía, hoặc chuyển đổi sang trồng cây khác, dẫn đến năng suất, chất lượng và sản lượng mía đều giảm so với những niên vụ trước đó.

mía đường a

Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp sản xuất đường mía cũng như Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã nộp hồ sơ lên Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) đề nghị yêu cầu điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng đường mía nhập khẩu từ Thái Lan.

Ngày 21/9/2020, Bộ Công Thương đã chính thức ban hành Quyết định số 2466/QĐ-BCT về việc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Vương quốc Thái Lan.

Theo đó, căn cứ các thông tin thu thập được và bản trả lời câu hỏi của các bên liên quan, kết luận điều tra sơ bộ vụ việc và kết luận điều tra cuối cùng của cơ quan điều tra, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1578/QĐ-BCT ngày 15/06/2021 áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp chính thức với mức thuế lần lượt là 42,99% và 4,65%.

Thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đã thiết lập lại môi trường cạnh tranh công bằng giữa hàng hóa sản xuất trong nước với hàng hóa nhập khẩu, ngành đường mía đã có cơ hội hồi phục. Theo đó, lượng đường nhập khẩu từ Thái Lan giảm rất mạnh, sức mua của thị trường đối với đường sản xuất trong nước dần tăng lên.

biểu đồ 2

Đến năm 2021, lượng đường nhập khẩu xuất xứ từ Thái Lan đã giảm đáng kể xuống chỉ còn xấp xỉ 350 nghìn tấn. Trên thực tế, ngay từ thời điểm ban hành quyết định điều tra vào tháng 9/2020, đường xuất xứ Thái Lan nhập khẩu đã có xu hướng giảm rõ rệt do lo ngại việc áp thuế khiến giá đường Thái Lan tăng giá.

Dưới tác động của các biện pháp phòng vệ thương mại, Việt Nam dần giảm nhập khẩu đường từ Thái Lan. Trong năm 2022 và nửa đầu năm 2023, lượng đường Thái Lan nhập khẩu lần lượt giảm chỉ còn 115 nghìn tấn và gần 35 nghìn tấn.

mía đường

Thiết lập môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch

Ngày 21/9/2021, Bộ Công Thương tiếp tục ban hành Quyết định số 2171/QĐ-BCT về việc điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Vương quốc Thái Lan trên cơ sở Hồ sơ yêu cầu của đại diện ngành sản xuất trong nước và Hiệp hội Mía Đường Việt Nam. Các doanh nghiệp sản xuất trong nước và Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã cáo buộc đường Thái Lan lẩn tránh thông qua 05 nước ASEAN bao gồm: Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Myanmar để tiếp tục nhập khẩu vào Việt Nam.

Đến ngày 01/08/2022, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1514/QĐ-BCT áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Vương quốc Thái Lan được nhập khẩu vào Việt Nam thông qua 05 nước Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Myanmar. Mức thuế chống lẩn tránh với biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp được quy định lần lượt là 42,99% và 4,65%.

thu hoạch mía
Thu hoạch mía ở Kon Tum - Ảnh: Quang Vinh

Tương tự đường Thái Lan, do thuế nhập khẩu đường theo Hiệp định ATIGA giảm xuống 5% kể từ năm 2020, 05 quốc gia bao gồm Lào, Indonesia, Malaysia, Myanmar và Campuchia đã gia tăng xuất khẩu đường sang Việt Nam, trong đó chủ yếu là đường đã tinh luyện RS và RE.

Năm 2021 - khi đường Thái Lan bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, đường nhập khẩu từ 05 các quốc gia nêu trên đã tăng lên xấp xỉ 906 nghìn tấn. Xét tổng thể, dòng chảy đường nhập khẩu đã chuyển từ Thái Lan sang 05 quốc gia ASEAN trong năm 2021 và năm 2022.

Kể từ sau khi biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại được áp dụng, lượng đường nhập khẩu đã giảm rõ rệt. Trong nửa đầu năm 2023, lượng đường nhập khẩu từ các quốc gia trên đã giảm xuống chỉ còn dưới 175 nghìn tấn.

Trên cơ sở áp dụng đồng thời các biện pháp phòng vệ thương mại, nhu cầu đối với đường sản xuất trong nước đã tăng trở lại, doanh thu của ngành sản xuất trong nước theo đó cũng đã tăng lên đáng kể so với giai đoạn thiệt hại do đường nhập khẩu từ Thái Lan tràn vào năm 2020.

Kết thúc niên vụ 2022/2023, doanh thu của ngành sản xuất trong nước đạt mức cao nhất với hơn 13,2 nghìn tỷ đồng, tăng 1,6 lần so với giai đoạn khó khăn trước đây.

Kết quả này có được một phần nhờ tác động tích cực của các biện pháp phòng vệ thương mại đã được áp dụng, bên cạnh việc đảm bảo môi trường cạnh tranh, công bằng giữa hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa sản xuất trong nước, cũng khuyến khích và tạo điều kiện để thúc đẩy tiêu thụ trong nước đối với những sản phẩm, hàng hóa quan trọng như đường.

Việc khuyến khích sản xuất, tiêu dùng không chỉ đem lại cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước mà còn đem lại cơ hội phát triển cho toàn bộ chuỗi cung ứng, đặc biệt trong chuỗi sản xuất đường mía, từ thu nhập của người dân, người lao động đến địa phương.

Đến nay, mức thu nhập của người dân trồng mía tại các địa phương như Gia Lai, Kon Tum, Phú Yên, Khánh Hòa, Sơn La, Nghệ An, Thanh Hóa,… đã tăng đáng kể so với với thời điểm 2020-2021, đạt 1,2-1,4 triệu đồng/tấn.

Từ câu chuyện của ngành mía đường, có thể thấy rằng việc sử dụng hiệu quả các công cụ phòng vệ thương mại đã tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng, lành mạnh giữa hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa sản xuất trong nước; bảo vệ doanh nghiệp Việt Nam, hàng hóa Việt Nam và người dân Việt Nam theo đúng những tập quán thương mại quốc tế và phù hợp với các cam kết quốc tế.

Đây cũng là những kinh nghiệm rất thiết thực để Bộ Công Thương (Cục Phòng vệ thương mại) phối hợp tốt hơn nữa với các cơ quan hữu quan trong nước, nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, nhà sản xuất Việt Nam trong tình hình mới. Bên cạnh đó, qua những "cọ xát" kể trên, hệ thống pháp lý về phòng vệ thương mại của chúng ta sẽ không ngừng cải thiện, đảm bảo các quy định luôn phù hợp với chuẩn mực quốc tế và đáp ứng yêu cầu thực tế của thị trường. Sự minh bạch và hiệu quả trong công tác phòng vệ thương mại sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp tự tin, phát huy tối đa tiềm năng, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Đồng thời, qua đó cũng giúp các các doanh nghiệp nhận thức rõ cần thúc đẩy năng lực đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ để gia tăng giá trị trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

 

 

Tính đến hết tháng 9/2024, Việt Nam đã phải đối mặt với 265 vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài khởi xướng điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam đã sử dụng hiệu quả các công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam. Đến hết tháng 9/2024, Việt Nam đã tiến hành 30 cuộc điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với các nhóm sản phẩm như thép, đồ gỗ, nhựa, xơ sợi, phân bón, đường, bột ngọt…

 

                                                                                                                                

Huyền My