Biện pháp cần phòng vệ thương mại của Hiệp định ACFTA

ThS. NGUYỄN VĂN VIỆT (Giám đốc Công ty TNHHMTV Xây dựng Minh Tiến)

TÓM TẮT:

Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) là một hiệp định được xây dựng tương đối chặt chẽ và đầy tham vọng. Từ góc độ pháp lý và phân tích định tính, về cơ bản, ACFTA là một công cụ được xây dựng chặt chẽ, đầy đủ và xuất phát từ nhu cầu hội nhập, góp phần tác động tích cực đối với phát triển kinh tế, mở rộng thương mại (cả thương mại nội bộ ASEAN và thương mại với Trung Quốc), đầu tư trực tiếp nước ngoài và giảm nghèo.

Từ khóa: Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), phòng vệ thương mại, kinh tế, thương mại, đầu tư trực tiếp nước ngoài, giảm nghèo.

I. Khái quát về Hiệp định ACFTA

Mối quan hệ kinh doanh hợp tác thương mại giữa ASEAN và Trung Quốc đã nhanh chóng phát triển trong những năm qua, đặc biệt là sau Hiệp định ACFTA về Hợp tác Kinh tế toàn diện ký tháng 11/2002 thiết lập khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), mục tiêu hiện thực hóa ACFTA vào năm 2010 đối với các nước như: Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Trung Quốc; vào 2015 với các nước như: Campuchia, Lào, Myanma, Việt Nam.

Hiệp định về thương mại các loại hàng hóa đã Thỏa thuận cơ chế giải quyết khi có tranh chấp giữa ASEAN và Trung Quốc ký tháng 11/2004 tại Viêng Chăn (Lào). Hiệp định về thương mại hàng hóa bắt đầu có hiệu lực từ tháng 7/2005. Hiệp định thương mại dịch vụ được ký bên lề Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 10 ASEAN - Trung Quốc vào tháng 1/2007 tại Cebu, Phillippines và có hiệu lực từ ngày 1/7/2007. Ủy ban Đàm phán thương mại ASEAN - Trung Quốc (AC - TNC) đã hoàn tất thương lượng về Hiệp định đầu tư ASEAN - Trung Quốc vào tháng 11/2008 và ký kết hiệp định này trong khuôn khổ Hội nghị các bộ trưởng kinh tế ASEAN lần thứ 41 vào tháng 8/2009 tại Bangkok, Thái Lan. Điều này đồng nghĩa với việc các tiến trình đàm phán giữa ASEAN - Trung Quốc về khu vực mậu dịch tự do đã được hoàn tất theo như Hiệp định khung về Hợp tác Kinh tế toàn diện giữa ASEAN và Trung Quốc đặt ra.

1. Tóm tắt các cam kết của Việt Nam trong Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA)

1.1. Cam kết trong lĩnh vực thương mại hàng hóa

Nội dung cam kết cắt giảm thuế của Việt Nam trong khuôn khổ Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) được điều chỉnh bởi Hiệp định Khung về Hợp tác Kinh tế toàn diện ASEAN - Trung Quốc được các nhà lãnh đạo Thượng đỉnh ASEAN và Trung Quốc ký ngày 4/11/2002 tại Campuchia (gọi tắt là Hiệp định Khung), Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN - Trung Quốc được ký kết ngày 29/11/2004 tại Lào và Biên bản ghi nhớ giữa Việt Nam - Trung Quốc ký ngày 18/7/2005 tại Trung Quốc. Theo đó, việc cắt giảm và tự do hóa thuế quan của Việt Nam trong ACFTA được chia thành 3 danh mục hàng hóa: Thu hoạch sớm, thông thường và nhạy cảm, cụ thể như sau:

Chương trình thu hoạch sớm (EHP): Gồm hầu hết các mặt hàng nông sản và thủy sản từ Chương 1-8 của Biểu thuế nhập khẩu. Các mặt hàng hiện đã được thực hiện giảm thuế từ năm 2004 và xóa bỏ thuế vào 2008 theo lộ trình sau:

1.2. Danh mục nhạy cảm (ST)

Đối với Việt Nam, Danh mục nhạy cảm của Việt Nam gồm 388 nhóm mặt hàng ở cấp độ HS 6 số (Phụ lục III của Biên bản ghi nhớ), chủ yếu là các sản phẩm như: Trứng gia cầm, đường, thuốc lá, động cơ, phương tiện vận tải (ô tô, xe máy), xăng dầu, sắt thép, vật liệu xây dựng, sản phẩm điện tử điện lạnh, giấy, dệt may... Những mặt hàng thuộc Danh mục nhạy cảm không có lịch trình giảm thuế cụ thể theo từng năm nhưng bị giới hạn mức thuế suất cuối cùng và năm cuối cùng thực hiện, cụ thể mô hình giảm thuế Danh mục nhạy cảm của Việt Nam như sau:

- Các mặt hàng nhạy cảm thường (SL): Có thuế suất 20% vào 2015 và giảm xuống 0-5% vào 2020.

- Các mặt hàng nhạy cảm cao (HSL): Bao gồm không quá 140 nhóm mặt hàng HS 6 số và có thuế suất 50% vào 2018.

Danh mục thông thường (các mặt hàng phải cắt giảm và xóa bỏ thuế quan) của Việt Nam gồm: 90% số dòng thuế của biểu thuế nhập khẩu, đã thực hiện giảm thuế từ năm 2006. Ngoài việc giảm thuế theo lộ trình, Việt Nam cũng phải thực hiện một số cam kết bổ sung sau:

- Phải giảm thuế suất của ít nhất 50% các dòng thuế trong Danh mục Thông thường xuống 0-5% không muộn hơn ngày 1/1/ 2009.

- Phải xóa bỏ thuế quan của 45% dòng thuế trong Danh mục Thông thường không muộn hơn ngày 1/1/2013.

- Phải xóa bỏ thuế quan của ít nhất 85% số dòng thuế vào năm 2015, số còn lại 5% số dòng thuế - nhưng không được vượt quá 250 dòng thuế ở cấp độ HS 6 số sẽ được xoá bỏ thuế quan vào năm 2018.

- Theo Biên bản ghi nhớ giữa Việt Nam -Trung Quốc ký ngày 18/7/2005, một số mặt hàng cụ thể (thuộc cả danh mục thông thường và danh mục nhạy cảm) có lộ trình giảm thuế nhanh hơn quy định chung. Các mặt hàng thuộc danh mục nhạy cảm có mức thuế suất cam kết sớm hơn quy định chung, chủ yếu gồm: Ôtô tải loại tải trọng lớn, ôtô tải loại tải trọng nhỏ, xe máy, phụ tùng xe máy, sắt thép xây dựng...

Các mặt hàng còn lại của Biểu thuế nhập khẩu là các mặt hàng loại trừ (không phải giảm thuế) phù hợp với quy định của WTO.

1.3. Cam kết trong lĩnh vực thương mại dịch vụ

Các nước ASEAN và Trung Quốc hiện chưa kết thúc đàm phán về dịch vụ trong khuôn khổ ACFTA. Hiện các nước tham gia đang đàm phán gói 2 về dịch vụ. Cam kết của Việt Nam trong gói 1 tương đương với cam kết WTO.

II. Những tác động của ACFTA đối với nền kinh tế Việt Nam

Sự phát triển mau lẹ của quốc gia này có thể thấy được qua sự cải thiện rất nhanh về chỉ số Cạnh tranh toàn cầu. Việt Nam cũng đạt được thành tựu tương tự về chỉ số Cạnh tranh toàn cầu và sự tiến bộ của Việt Nam có thể nhanh hơn nữa nếu tiếp tục cải cách. Ngoại thương của Việt Nam đang mở rộng nhanh chóng. Bảo hộ thuế quan của Việt Nam đối với các sản phẩm công nghiệp cao gấp 3 lần mức của Trung Quốc.

Phân tích độ nhạy cảm sau (ex-post) cho thấy 3 ngành hàng (sản xuất kim loại, máy móc thiết bị và dệt may) có mức độ nhạy cảm cao, cụ thể là sản xuất tăng trưởng âm khi nhập khẩu từ Trung Quốc gia tăng. Nhập khẩu cho 3 ngành hàng nêu trên chiếm đến 50% tổng nhập khẩu từ Trung Quốc. Ngoài ra, tất cả các sản phẩm công nghiệp buôn bán với Trung Quốc đều có mức độ nhạy cảm nhất định, không có ngoại lệ. Sự nhạy cảm thể hiện ở một trong 3 khả năng sau:

- Gây thâm hụt thương mại, kể cả không tiếp tục xấu đi (khoảng 15% tổng nhập khẩu).

- Có thặng dư thương mại nhưng đi cùng với tỷ lệ xuất khẩu/nhập khẩu giảm (1,25% tổng nhập khẩu).

- Làm gia tăng thâm hụt thương mại (các ngành hàng nêu trên, được coi nhạy cảm cao).

Về hệ số mở trong thương mại song phương giữa Việt Nam - Trung Quốc, nếu thực hiện tự do hóa đầy đủ [cắt giảm thuế đầy đủ] đối với các ngành sản xuất, hệ số này sẽ tăng 1,59%, tương đối nhỏ so với mức tăng gần 11% trong giai đoạn từ năm 2001 đến năm 2007. Dệt may, dầu thô, máy móc thiết bị là 3 lĩnh vực có độ mở tăng cao nhất. Tác động của tự do hóa đầy đủ trong thương mại sản phẩm công nghiệp với Trung Quốc đến nhập khẩu và thu ngân sách tương đối hạn chế, đặc biệt khi tự do hóa diễn ra nhanh trong giai đoạn 5-10 năm. Giữa hệ số mở và tăng trưởng thực có mối quan hệ tích cực. Vì thế, đối với hầu hết các ngành, sự phát triển thương mại giữa Trung Quốc và Việt Nam không ngăn cản sự phát triển của các ngành trong nước. Mở cửa nền kinh tế đi đôi với tăng trưởng nhanh về việc làm trong các ngành sản xuất. Thương mại có thể gây ảnh hưởng đến môi trường, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng sẽ giảm dần theo thời gian cùng với sự phát triển của đất nước, sự nâng cao nhận thức trong nước và quốc tế. FDI từ Trung Quốc khá hạn chế, tuy nhiên nếu tính gộp cùng đầu tư từ Hồng Kông thì lại ở mức tương đối cao.

III. Một số biện pháp phòng vệ thương mại

Quy định về các biện pháp phòng vệ thương mại và giải pháp dự phòng cho các Bên theo Hiệp định TIG dựa cả vào cơ chế đặc thù của ACFTA và các nguyên tắc chung của WTO. Sự thừa nhận nền kinh tế thị trường của Trung Quốc là một nhân nhượng cụ thể đối với Trung Quốc và sẽ có ảnh hưởng đáng kể đối với việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại cũng như các giải pháp cứu trợ tình thế mà WTO cho phép theo cam kết gia nhập của Trung Quốc.

Đối với tác động tiêu cực do tự do hóa theo ACFTA, nhiều chuyên gia kinh tế chỉ ra 2 biện pháp phòng vệ tức thời có thể được kích hoạt để đối phó với sự gia tăng nhập khẩu đột biến có khả năng gây tổn thất nghiêm trọng đến các ngành trong nước của Việt Nam.

Một là cơ chế tự vệ theo WTO và hai là biện pháp tự vệ theo ACFTA. Nếu Việt Nam sử dụng biện pháp tự vệ của ACFTA thì không được đồng thời áp dụng cơ chế tự vệ của WTO. Báo cáo cũng đề cập đến phí tổn tương đối cao cho việc áp dụng biện pháp tự vệ khi so sánh với nhu cầu bảo hộ. Vì phải bồi thường tổn thất của nước đối tác do suy giảm thương mại, việc áp dụng các biện pháp tự vệ không được khuyến khích. Khả năng phòng vệ hợp pháp thứ hai là áp dụng biện pháp chống bán phá giá. Tuy nhiên, với việc thừa nhận nền kinh tế thị trường, Trung Quốc, Việt Nam đã tự loại bỏ khả năng áp dụng cơ chế WTO TPSGM và trong chừng mực nhất định, giảm sự quan tâm đối với việc theo đuổi các vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp trong tương lai, đặc biệt là khi không được ACFTA công nhận tương ứng về nền kinh tế thị trường của mình. Dù sao, Việt Nam vẫn có thể được hưởng sự đối xử có đi có lại, là kết quả của thỏa thuận chính trị đạt được với Trung Quốc và các thành viên ASEAN khác về việc công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam.

Một hướng xử lý khác cho Việt Nam là tăng cường bảo hộ cho các ngành trong nước (khi và chỉ khi rất cần thiết) thông qua thủ tục sửa đổi các nhân nhượng theo Điều 6 Hiệp định TIG. WTO cũng cho phép khả năng tương tự. Công cụ này không dễ dàng sử dụng, cũng không phải là cách thực tiễn nhất nhưng đáng xem xét và có thể là giải pháp hữu hiệu nhất để đáp ứng nhu cầu bảo hộ một số ngành cụ thể. Nếu muốn vận dụng thủ tục sửa đổi nhân nhượng hoặc đàm phán lại mức thuế, Việt Nam phải đảm bảo rằng thiệt hại của ngành trong nước (domestic injury) thực sự gây ra bởi tự do hóa thương mại theo WTO/MFN hoặc ACFTA. Cụ thể như sau:

1. Các biện pháp dự phòng

Theo Điều 9 Hiệp định TIG, các Bên là thành viên WTO “duy trì quyền hạn và nghĩa vụ của mình theo Điều XIX GATT và Hiệp định về Tự vệ của WTO”. Ngoài ra, Điều này cũng quy định cơ chế tự vệ quá độ đặc thù trong ACFTA. Cụ thể là cơ chế tự vệ của AFTA chỉ có thể được vận dụng trong giai đoạn quá độ của sản phẩm liên quan, là từ khi Hiệp định TIG bắt đầu có hiệu lực cho đến hết 5 năm sau ngày hoàn thành việc cắt giảm thuế đối với sản phẩm đó.

Như vậy, Hiệp định TIG cho phép các Bên tham gia ACFTA được vận dụng cơ chế tự vệ của WTO (trừ Lào, vì Lào chưa phải là thành viên của WTO). Ngoài ra, Hiệp định còn quy định một cơ chế đặc thù của ACFTA, với phạm vi về quyền hạn và nghĩa vụ hạn chế theo những gì các Bên đàm phán cho ACFTA. Các Bên được tự do lựa chọn vận dụng cơ chế nào phù hợp nhất với nhu cầu tự vệ. Tuy nhiên, nếu một Bên đã vận dụng cơ chế tự vệ của ACFTA thì không thể đồng thời vận dụng cơ chế tự vệ của WTO.

Các biện pháp tự vệ của ACFTA có thể được vận dụng nếu việc thực hiện nghĩa vụ theo EHP, Hiệp định khung hay Hiệp định TIG, hoặc những diễn biến không lường trước được liên quan dẫn đến việc nhập khẩu một sản phẩm cụ thể từ các Bên khác tăng đột biến về lượng (theo số tuyệt đối hay tương đối so với sản xuất trong nước) và trong những điều kiện có thể gây ra hoặc đe dọa gây ra tổn thất nghiêm trọng cho ngành trong nước sản xuất sản phẩm tương tự hoặc cạnh tranh của Bên nhập khẩu.

Các biện pháp tự vệ của ACFTA có thể dưới hình thức tăng thuế nhập khẩu nhưng không được vượt quá mức thuế WTO MFN áp dụng cho sản phẩm đó tại thời điểm áp dụng. Ngoài ra, các biện pháp tự vệ của ACFTA chỉ được duy trì trong một khoảng thời gian 3 năm và được gia hạn tối đa không quá 1 năm. Tuy nhiên, trong bất cứ trường hợp nào, các biện pháp tự vệ của ACFTA phải chấm dứt vào cuối giai đoạn quá độ của sản phẩm liên quan.

Khi áp dụng các biện pháp tự vệ của ACFTA, các Bên phải tuân thủ các quy định khác của Hiệp định WTO về Tự vệ, trừ quy định về các biện pháp hạn chế định lượng theo Điều 5 (về áp dụng các biện pháp tự vệ), Điều 9 (về các nước đang phát triển), Điều 13 (về giám sát) và Điều 14 (về áp dụng Cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO). Trừ các quy định trên (cũng như những quy định về khung thời gian áp dụng biện pháp và mức tăng thuế được phép mô tả ở trên), tất cả các quy định khác của Hiệp định về Tự vệ của WTO đều được lồng ghép vào vào Hiệp định TIG với những điều chỉnh thích hợp.

Trên cơ sở phân tích ở trên, có thể kết luận rằng, các biện pháp phòng vệ thương mại mà Việt Nam có thể vận dụng để đối phó với sự gia tăng nhập khẩu từ Trung Quốc gây ra hoặc đe dọa gây ra tổn thất cho ngành trong nước là các biện pháp tự vệ theo WTO hoặc cơ chế tự vệ của ACFTA quy định tại Hiệp định TIG.40 trái với quy tắc của WTO về tự vệ, phạm vi thực sự của cơ chế tự vệ trong ACFTA chỉ có thể đánh giá được bằng cách tính toán giai đoạn quá độ. Đối với Việt Nam, giai đoạn quá độ có thể kéo dài đến nam 2020 (các sản phẩm thuộc Danh mục cắt giảm thông thường) và năm 2025 (các sản phẩm thuộc Danh mục hàng nhạy cảm).

Phải nhấn mạnh rằng tất cả các biện pháp phòng vệ thương mại (dù theo cơ chế tự vệ của WTO hay ACFTA) Việt Nam quyết định áp dụng và thực hiện đều phải trả giá đáng kể. Cụ thể, phí tổn là mức độ đền bù mà Việt Nam phải trả cho đối tác thương mại “để đổi lấy” việc áp dụng biện pháp tự vệ và hạn chế nhập khẩu đối với các sản phẩm cụ thể. Vì lý do này, Việt Nam cần xem xét nhiều cách tiếp cận khác nhau để đáp ứng nhu cầu bảo hộ hiện tại cũng như trong tương lai, đặc biệt lưu ý lồng ghép các công cụ đã đề cập ở phần trên vào các FTA hiện đang đàm phán hay trong tương lai sẽ đàm phán.

2. Chống bán phá giá và đối kháng

Xét đến việc Trung Quốc đang trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, Mục 15 Nghị định thư về việc gia nhập WTO của Trung Quốc cho phép cơ quan điều tra của các thành viên WTO được phép sử dụng mức giá và chuẩn mực của một nước thứ ba khi so sánh giá cho mục đích xác định biên độ bán phá giá và trợ cấp. Cách thức này thường dẫn đến kết quả phát hiện có bán phá giá và trợ cấp, từ đó mức thuế chống bán phá giá và đối kháng cao sẽ được áp dụng. Theo Nghị định thư về việc gia nhập WTO của Trung Quốc, khả năng áp dụng mức giá của nước thứ ba trong việc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp liên quan đến các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ hết hạn vào năm 2016.

Việc thừa nhận Trung Quốc có nền kinh tế thị trường đầy đủ có nghĩa là khi tính toán biên độ bán phá giá và trợ cấp trong quá trình điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp liên quan đến các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc, các thành viên ASEAN không được sử dụng mức giá và chuẩn mực của nước thứ ba.

Việc thừa nhận Trung Quốc có nền kinh tế thị trường đầy đủ cũng làm cho các sản phẩm Việt Nam phải đối mặt với các biện pháp phòng vệ thương mại cứng rắn hơn và cạnh tranh khốc liệt hơn trong lãnh thổ của các Bên khác tham gia ACFTA cũng như trong lãnh thổ Việt Nam và Trung Quốc, so với các sản phẩm cạnh tranh của Trung Quốc. Cụ thể, sản phẩm của Việt Nam sẽ phải đối mặt với mức thuế chống bán phá giá và đối kháng cao hơn khi có bất kỳ cuộc điều tra nào của một thành viên ASEAN khác vì các quy tắc áp dụng trong khuôn khổ ASEAN FTA (và giữa các thành viên ASEAN) liên quan đến việc điều tra và thủ tục chống bán phá giá sẽ căn cứ vào quy tắc của WTO. Nghị định thư về việc gia nhập WTO của Việt Nam sẽ cho phép cơ quan điều tra của thành viên WTO được phép sử dụng các chuẩn mực thay thế để so sánh giá trong việc điều tra chống bán phá giá và đối kháng cho đến năm 2018.

Vì rằng các thành viên ASEAN có thể áp dụng các chuẩn mực của nước thứ ba trong việc tính biên độ bán phá giá và trợ cấp đối với sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam 41, trong khi không được phép làm như vậy đối với sản phẩm xuất khẩu của Trung Quốc do ACFTA, sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị đối xử kém ưu đãi hơn trong điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp bởi các thành viên ASEAN khác so với sản phẩm của Trung Quốc.

SAFEGUARD MEASURES OF THE ACFTA AGREEMENT

MA. NGUYEN VAN VIET

Director of Minh Tien Construction Company Limited

ABSTRACT:

The ASEAN-China Free Trade Area (ACFTA) is a relatively well-established and ambitious agreement. From a legal and qualitative perspective, the ACFTA is basically a well-built tool that is driven by integration needs, contributing to positive impacts on economic development, expand trade (both intra-ASEAN trade and trade with China) as well as foreign direct investment and poverty reduction.

Keywords: ASEAN-China Free Trade Agreement (ACFTA), trade defense, economic, trade, foreign direct investment, poverty reduction. Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 09 tháng 08/2017 tại đây.