Tiềm năng rất lớn phát triển nguồn năng lượng tái tạo
Ngày 22/10, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng và Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn đã tiếp và làm việc với ông Per Hornung Pedersen - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn PNE (Đức) về một số vấn đề liên quan đến dự án điện gió ngoài khơi tại tỉnh Bình Định.
Bình Định là tỉnh có tiềm năng rất lớn để phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo, đặc biệt với bờ biển của tỉnh dài 134km rất thuận lợi để phát triển điện gió ngoài khơi.
Theo UBND tỉnh Bình Định, thời gian qua, tỉnh Bình Định đã nỗ lực, cố gắng, quan tâm kêu gọi, thu hút nhà đầu tư lớn có năng lực tài chính và kinh nghiệm đến tỉnh nghiên cứu, khảo sát để đầu tư dự án điện gió ngoài khơi, trong đó có Tập đoàn PNE (có trụ sở tại Cộng hòa liên bang Đức. Đây một trong những tập đoàn có nhiều kinh nghiệm phát triển điện gió, có hơn 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển các dự án điện gió trên bờ và điện gió ngoài khơi) đăng ký nghiên cứu, khảo sát đầu tư dự án Điện gió ngoài khơi tại tỉnh Bình Định với quy mô công suất 2.000 MW được chia thành 03 giai đoạn với tổng mức đầu tư khoảng 4,6 tỷ USD (mỗi giai đoạn dự án đầu tư khoảng hơn 1,5 tỷ USD).
Tại buổi tiếp, ông Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã trao đổi với lãnh đạo tập đoàn PNE về định hướng, chiến lược tiếp tục xúc tiến triển khai dự án điện gió ngoài khơi, phương án bố trí vốn khi dự án được chấp thuận đầu tư. Ông Phạm Anh Tuấn tin tưởng rằng, dự án khi được triển khai thực tế sẽ góp phần cung cấp nguồn năng lượng sạch phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cũng mong muốn ông Per Hornung Pedersen cùng Tập đoàn PNE tiếp tục quan tâm, giới thiệu các nhà đầu tư Đức đến đầu tư tại Bình Định.
Cần thảo luận kỹ chủ trương, chính sách, tính pháp lý của dự án
Ông Per Hornung Pedersen - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn PNE cho biết, đơn vị đã chuẩn bị kỹ, sẵn sàng để triển khai nhanh nhất sau khi có chủ trương đầu tư. Qua khảo sát sáng nay cùng lãnh đạo tỉnh Bình Định, ông Per Hornung Pedersen cho rằng, Bình Định có thể đáp ứng được mọi điều kiện của việc triển khai điện gió ngoài khơi như: tốc độ gió, cơ sở hạ tầng tốt... Hơn nữa dự án còn có sự hỗ trợ cũng như cam kết tối đa của chính quyền. Đây chính là yếu tố cần thiết nhất để phát triển dự án.
Tập đoàn cũng muốn đạt cơ sở pháp lý cũng như sự độc quyền để tránh chồng lấn và có cơ sở để huy động vốn cũng như các thành viên trong tập đoàn ủng hộ để triển khai trong thời gian tới.
Chủ tịch Tập đoàn PNE nhấn mạnh, dự án điện gió ngoài khơi tại tỉnh Bình Định được xúc tiến rất mạnh mẽ ở cấp độ Chính phủ và nhận được sự ủng hộ từ Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Công hoàn Liên bang Đức. Tập đoàn mong muốn dự án sớm được chấp thuận chủ trương đầu tư để trở thành một trong những dự án thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam cũng như được lựa chọn là dự án thí điểm trong chương trình hợp tác giữa Chính phủ Đức và Chính phủ Việt Nam.
Để dự án triển khai thực tế còn nhiều thách thức cũng như cơ hội, ông Per Hornung Pedersen mong muốn hai bên tập trung thảo luận chiến lược phát triển dự án này, từ đó có những định hướng tầm nhìn để hai bên hợp tác chặt chẽ, hiệu quả triển khai dự án một cách nhanh chóng.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng cho hay, Bình Định rất quyết tâm thực hiện dự án điện gió ngoài khơi, bởi dự án này bắt đầu triển khai từ vài năm trước. Lãnh đạo tỉnh cũng đã đến thăm, làm việc và tìm hiểu các công nghệ, dự án mà tập đoàn đang thực hiện ở Đức.
Bí thư Tỉnh uỷ Bình Định nhấn mạnh, hai bên tiếp tục vượt qua những khó khăn, thách thức khi triển khai dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên tại Việt Nam; tiếp tục làm việc, thảo luận, đánh giá hết tiềm năng, tính khả thi của dự án, thống nhất những cơ chế chính sách, hành lang pháp lý để triển khai dự án trong thời gian tới. Đồng thời tin tưởng, Tập đoàn PNE sẽ triển khai thành công dự án, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Dự án điện gió ngoài khơi do Tập đoàn PNE đăng ký đầu tư sau khi hoàn thành với tổng công suất 2.000MW, đưa vào vận hành phát điện thì mỗi năm sẽ cung cấp khoảng 7,1 tỷ kWh điện cho hệ thống lưới điện quốc gia góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đảm bảo cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế địa phương và khu vực, đóng góp nguồn thu ngân sách hàng năm cho tỉnh ước tính khoảng 1.600 tỷ đồng.
Dự án cũng sẽ góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại tỉnh Bình Định, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu ngân sách địa phương và hiện thực hóa chiến lược phát triển năng lượng tái tạo đến năm 2030 đã được phê duyệt. Đồng thời, việc phát triển các dự án điện gió ngoài khơi cũng là những điểm tham quan, du lịch học tập, góp phần tăng cường bảo vệ an ninh chủ quyền trên biển của Tổ quốc.