Khoảng 2.077 tỷ đồng phục vụ Tết nguyên đán 2022
Thực hiện Chỉ thị số 12/CT-BCT ngày 12/11/2021 của Bộ Công Thương về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022; Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương ban hành Kế hoạch Bình ổn thị trường hàng hóa thiết yếu năm 2022, Tết Nguyên đán Nhâm Dần và ứng phó với dịch bệnh Covid-19 trong giai đoạn bình thường mới, góp phần bình ổn giá cả thị trường và thực hiện công tác an sinh xã hội.
Theo đó, tổng giá trị hàng Tết sẽ đáp ứng đủ nhu cầu của khoảng 2,6 triệu người dân đang sinh sống, hoạt động trên địa bàn tỉnh. Bảo đảm nguồn cung hàng hóa, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của ngành Công Thương. Vì vậy, ngành Công Thương tập trung chỉ đạo, đôn đốc các địa phương, doanh nghiệp bán lẻ, ban quản lý các chợ truyền thống trong việc xây dựng phương án bảo đảm nguồn cung hàng hóa theo từng giai đoạn và từng cấp độ diễn biến của dịch bệnh.
Các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhân dân năm 2022 bao gồm: Lương thực, thực phẩm, xăng dầu, thuốc trị bệnh và mặt hàng phòng, chống dịch bệnh. Theo kế hoạch cung ứng hàng hóa bình ổn năm 2022, tổng giá trị hàng hóa dự trữ khoảng 5.671 tỷ đồng (không tính xăng dầu, thuốc trị bệnh và khẩu trang, thiết bị y tế phòng chống dịch, sinh phẩm test nhanh...), trong đó giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 khoảng 2.077 tỷ đồng.
Lên phương án đảm bảo thực hiện tốt kế hoạch
Theo ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công Thương, nhằm bảo đảm nguồn cung hàng hóa, hiện nay ngành Công Thương đã cùng với các đơn vị cung ứng rà soát lại nguồn cung cầu hàng hóa và phương án cung ứng.
Tình hình chung của thị trường có nguồn cung ứng ổn định, Bình Dương có thể tự cân đối được nhu cầu những sản phẩm thiết yếu như lương thực, thực phẩm. Ngoài ra, Sở Công Thương cũng chú trọng đến tình hình chăn nuôi gia súc và sản xuất rau củ quả nhằm bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân.
Nhằm bình ổn giá bán thị trường, các doanh nghiệp tham gia chương trình xây dựng và đăng ký giá bán của từng mặt hàng cụ thể thuộc nhóm hàng hóa thực hiện bình ổn thị trường gửi đến Sở Tài chính, Sở Công Thương với giá thấp hơn của sản phẩm cùng quy cách, chủng loại, chất lượng tại thời điểm đăng ký.
Trường hợp thị trường biến động tăng hoặc giảm đối với giá nguyên liệu, chi phí đầu vào làm ảnh hưởng đến cơ cấu giá thành sản xuất, doanh nghiệp thực hiện điều chỉnh giá bán bình ổn thị trường và thông báo đến Sở Tài chính, Sở Công Thương. Trường hợp thị trường có biến động ảo do có hiện tượng làm giá, tạo khan hiếm giả, làm biến động thị trường, doanh nghiệp phải chấp hành việc cung ứng hàng hóa theo sự điều phối của Sở Công Thương.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương tổ chức bán hàng bình ổn thị trường kết hợp cùng Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn. Các doanh nghiệp tổ chức bán hàng bình ổn tại các siêu thị hiện hữu, ngoài ra, giao nhiệm vụ cho Siêu thị Co.op mart I và II, Co.op Food và Siêu thị Vinmart Mỹ Phước, Dĩ An và Dĩ An 2 thực hiện bán hàng lưu động tại các chợ truyền thống, khu, cụm công nghiệp, khu lưu trú công nhân, khu vực nông thôn và các huyện phía Bắc trên địa bàn tỉnh.
Sở Công Thương phối hợp cùng Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức các Phiên chợ vui của chương trình đưa hàng Việt về nông thôn. Chương trình phải có sự gắn kết với việc bán hàng bình ổn thị trường và sản phẩm, hàng hóa phải đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý phục vụ nhu cầu tiêu dùng cho người dân kết hợp có các chương trình văn nghệ lành mạnh phục vụ miễn phí cho người dân đến tham quan và mua sắm tại mỗi phiên chợ (theo chương trình đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt trong năm).
Trong mỗi phiên chợ diễn ra được sự tham gia ít nhất từ 20-25 doanh nghiệp với 40 - 45 gian hàng do các siêu thị, trung tâm thương mại, doanh nghiệp uy tín trong và ngoài tỉnh tham gia.
Đối với việc bố trí, sắp xếp chợ Tết, UBND các huyện, thị xã, thành phố sớm xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu bình ổn thị trường của các hộ tiểu thương buôn bán trong chợ, bổ sung các nguồn hàng thiết yếu của địa phương, triển khai kế hoạch sắp xếp trật tự kinh doanh cho các hộ cố định trong chợ và bố trí sắp xếp thêm các điểm kinh doanh bên ngoài chợ để đảm bảo phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán, nhất là trong những ngày cận Tết.
Trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, Cục Quản lý thị trường phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm việc tàng trữ, vận chuyển, kinh doanh hàng lậu, hàng cấm, sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại và các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm.
Kiểm tra hoặc phối hợp kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá, đo lường, ghi nhãn hàng hoá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết... để không xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý nhằm đảm bảo ổn định thị trường phục vụ nhu cầu Tết cho nhân dân; Phối hợp với các ngành chức năng tăng cường kiểm tra việc vận chuyển, mua bán động vật hoang dã trái phép.
“Với những biện pháp trên, hệ thống phân phối bán lẻ trên địa bàn tỉnh đồng thời duy trì hoạt động trong điều kiện bảo đảm an toàn phòng dịch, giữ bình ổn giá hàng hóa thiết yếu. Ngoài ra, các doanh nghiệp bán lẻ cũng sẽ chủ động trong việc đa dạng hóa các hình thức bán hàng để giúp người dân dễ dàng tiếp cận mua hàng hóa”, ông Nguyễn Thanh Toàn cho biết.
Dự kiến nhu cầu tiêu dùng thiết yếu cho khoảng 2,6 triệu người trên địa bàn tỉnh bình quân 1 ngày như sau:
- Lương thực ( gạo, nếp…): 780 tấn;
- Lương thực khác( mì, bún, phở…): 520 tấn;
- Thực phẩm tươi sống: Thịt gia súc: 208 tấn, thịt gia cầm: 128 tấn, rau củ quả: 1.170 tấn, trứng gà vịt: 520.000 quả;
- Thực phẩm chế biến ( giò lụa, lạp xưởng, xúc xích…): 78 tấn;
- Thực phẩm công nghệ: Đường : 52 tấn, dầu ăn: 39 tấn( 55.000 lit), nước chấm: 26 tấn( 20.000 lít), muối: 13 tấn, sữa: 468 tấn( 460.000 lít).
- Ngoài ra, nhu cầu thiết yếu về các mặt hàng phòng, chống dịch: khẩu trang y tế: 2,6 triệu/cái/ngày ( 78 triệu cái/tháng); khẩu trang vải: 169.000 cái/ngày( 5,1 triệu cái/ tháng); nước sát khuẩn ( loại 0,5 lít); 65.000 chai/ngày ( 1,95 triệu chai/ tháng)
Doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn:
Công ty TNHH TTTM Lotte Việt Nam- Bình Dương, ( Siêu thị Lotte), Công ty TNHH AE)N Việt Nam- chi nhánh BD,Công ty TNHH FEDDY. Công ty TNHH MTV TP Sài Gòn Co.op, Công ty Ba Huân, Công ty Bách Hóa Xanh- CH Bách Hóa Xanh-BD, Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam chi nhánh Bình Dương, CN Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ Nghệ Súc Sản ( cửa hàng thực phẩm Vissan BD), Công ty CP TM Du lịch Bình Dương, Công ty CP DV TM Tổng hợp Wincommerce chi nhánh Bình Dương, Chi nhánh Công ty Mega Market Việt Nam tại Bình Dương( siêu thị MM Mega Market), Công ty EB Bình Dương ( siêu thị Big C BD và Dĩ An, Công ty TNHH MTV Đông Hưng.