Nghiên cứu nhân tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa tại tỉnh Bình Dương

ThS. ĐẶNG MINH LUÂN (Khoa Quản trị kinh doanh - Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Nghiên cứu nhân tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tại tỉnh Bình Dương được phân tích bằng phương pháp kiểm định độ tin cậy của thang đo (Cronbach’s Alpha), phân tích nhân tố khám phá (EFA) và kiểm định mô hình hồi quy dựa trên kết quả khảo sát của 249 doanh nghiệp nhỏ và vừa. Kết quả kiểm định mô hình hồi quy cho thấy, 6 nhân tố có ý nghĩa ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của DNNVV, theo thứ tự: năng lực quản lý doanh nghiệp, năng lực vật chất, năng lực tài chính, năng lực đáp ứng thị trường, năng lực sáng tạo, năng lực Marketing.

Từ khóa: năng lực cạnh tranh, doanh nghiệp nhỏ và vừa, tỉnh Bình Dương.

1. Đặt vấn đề

Những năm gần đây đã có nhiều nghiên cứu, hội thảo về chủ đề đánh giá năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, tuy nhiên vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu cụ thể nhằm cung cấp những bằng chứng khoa học xác thực hơn. Nghiên cứu nhân tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của DNNVV tại tỉnh Bình Dương được thực hiện với mục tiêu xác định những nhân tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của DNNVV, tìm ra thang đo phù hợp cho những nhân tố này. Bằng những luận chứng khoa học, nghiên cứu sẽ cung cấp những gợi ý chính sách để các nhà quản lý và chính quyền địa phương có cơ sở hoạch định chính sách để các DNNVV ngày càng phát triển bền vững.

2. Cơ sở lý thuyết

2.1. Lý thuyết cạnh tranh cổ điển

Theo nghiên cứu của David Ricardo (1772 - 1823), các quốc gia không có lợi thế cạnh tranh tuyệt đối vẫn có thể có lợi thế cạnh tranh tương đối và việc mua bán trao đổi giữa hai quốc gia vẫn thực hiện được nhờ vào lợi thế này. Lợi thế cạnh tranh tương đối được tính bằng tỷ lệ (K) tiêu hao nguồn lực để sản xuất ra sản phẩm (a) so với sản phẩm (b) ở 2 quốc gia. Nếu quốc gia X nào đó có (K) thấp hơn quốc gia Y thì quốc gia X có lợi thế tương đối về sản phẩm (a) và ngược lại quốc gia Y có lợi thế về sản phẩm (b). Do đó 2 quốc gia sẽ tiến hành chuyên môn hóa sản xuất và trao đổi sản phẩm cho nhau để cùng có lợi.

Theo quan điểm cạnh tranh của Adam Smith (1723 - 1790), nguồn gốc của quá trình thương mại giữa hai hay nhiều quốc gia bắt nguồn từ quốc gia có lợi thế cạnh tranh tuyệt đối về ngành nào đó so với quốc gia khác. Lợi thế cạnh tranh được tính bằng thời gian hao phí lao động cần thiết để sản xuất ra sản phẩm nào đó ngắn hơn so với các quốc gia khác.

2.2. Lý thuyết cạnh tranh tân cổ điển

Các lý thuyết cạnh tranh của trường phái tân cổ điển dựa trên cơ sở thị trường tự do và cạnh tranh hoàn hảo, Theo Marshall thì cả cung và cầu trên thị trường đều như nhau. Do đó, sản xuất được điều khiển nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng thông qua thị trường, người sản xuất điều chỉnh quy mô sản xuất đến điểm tối ưu.

Lý thuyết cạnh tranh tân cổ điển có trọng tâm nghiên cứu là cơ chế quyết định giá cả, sản lượng, phân phối thu nhập thông qua nguyên lý cung - cầu, dựa trên các giả định về hành vi tối đa hóa thỏa dụng của người tiêu dùng trong điều kiện với một ngân sách giới hạn, hay tối đa hóa lợi nhuận của nhà sản xuất trong điều kiện cho phí bị giới hạn. Lý thuyết này chứng minh tính hiệu quả của nền kinh tế, đặc biệt ở cấp độ vi mô. Tuy nhiên, lý thuyết này phân tích phân phối nguồn lực ở trạng thái tĩnh, nên chưa làm rõ được các vấn đề trong điều kiện cạnh tranh không hoàn hảo.

2.3. Lý thuyết cạnh tranh hiện đại

Lý thuyết cạnh tranh hiện đại đưa ra 3 nội dung cơ bản trong điều kiện kinh tế thị trường hiện đại: (1) cạnh tranh là một hiện tượng phổ biến mang tính tất yếu, là một quy luật cơ bản trong nền kinh tế thị trường; (2) cạnh tranh có tính hai mặt tích cực và tiêu cực; (3) cạnh tranh là động lực mạnh mẽ thúc đẩy các tổ chức kinh tế hoạt động hiệu quả hơn trên cơ sở nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả vì sự sống còn và phát triển cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, cạnh tranh cũng có nguy cơ dẫn đến tranh giành, khống chế nhau. Để phát huy được mặt tích cực và hạn chế bởi tính tiêu cực, cần duy trì môi trường cạnh tranh lành mạnh, hợp pháp và kiểm soát độc quyền, xử lý cạnh tranh không lành mạnh giữa các chủ thể kinh doanh. Qua nghiên cứu lý thuyết cạnh tranh cho thấy, năng lực cạnh tranh là cả một quá trình, có tính đa chiều, có tính tương trợ. Do đó, nghiên cứu về năng lực cạnh tranh cần gắn liền với các yếu tố khác nhau. Tình hình kinh tế, bối cảnh và trình độ phát triển của từng thời kỳ có thể gây nên sự cạnh tranh giữ các doanh nghiệp, không chỉ về năng lực thu hút và sử dụng các yếu tố sản xuất, khả năng tiêu thụ hàng hóa, khả năng phát triển sản phẩm, cải tiến sản phẩm mới. Đó là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố và sự ảnh hưởng (tác động) bởi các yếu tố như: năng lực quản lý, năng lực tài chính, chất lượng nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, khả năng cung cấp sản phẩm,…

2.4. Khái niệm năng lực cạnh tranh

Theo Porter (1990), đến năm 1990 năng lực cạnh tranh vẫn chưa được hiểu một cách đúng đắn và đầy đủ, cho đến nay chưa có định nghĩa nào được chấp nhận một các thống nhất. Đầu những năm 1990, tại Mỹ lần đầu tiên khái niệm năng lực cạnh tranh được đề cập đến, theo đó, doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh là doanh nghiệp có thể sản xuất sản phẩm và dịch vụ với chất lượng vượt trội, có mức giá thấp hơn các đối thủ trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, cách hiểu chung về năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp là khả năng duy trì, nâng cao lợi thế cạnh tranh trong việc sản xuất tiêu thụ sản phẩm, chiếm lĩnh thị trường, thu hút, sử dụng hiệu quả các yếu tố sản xuất (vốn, sức lao động, kỹ thuật - công nghệ,…) nhằm đạt tới lợi ích kinh tế cao nhất (tối đa hóa lợi nhuận) và bền vững, đảm bảo thu nhập cho người lao động và cho doanh nghiệp.

3. Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu sử dụng phương pháp định tính và phương pháp định lượng để xác định các nhân tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của DNNVV tại tỉnh Bình Dương. Từ kết quả khảo sát của 249 doanh nghiệp tại tỉnh Bình Dương trong khoảng thời gian từ tháng 1/2021 đến tháng 4/2021. Dựa trên cơ sở lý thuyết nghiên cứu xây dựng thang đo năng lực quản lý doanh nghiệp; năng lực tài chính; năng lực vật chất; năng lực marketing; năng lực đáp ứng thị trường, năng lực sáng tạo và năng lực cạnh tranh được thực hiện theo một trình tự chặt chẽ và khoa học. Dữ liệu nghiên cứu được xử lý bằng phần mềm SPSS; Phân tích kết quả bằng phương pháp kiểm định độ tin cậy của thang đo (Cronbach’s Alpha), phân tích nhân tố khám phá (EFA) và kiểm định mô hình hồi quy. Từ đó, tác giả tiến hành đánh giá sự ảnh hưởng của các nhân tố đến năng lực cạnh tranh của DNNVV tại tỉnh Bình Dương. (Hình 1)

4. Kết quả phân tích của nghiên cứu

Trước khi tiến hành thu thập dữ liệu để phân tích, tác giả tiến hành thảo luận với các nhà quản lý doanh nghiệp. Kết quả, tác giả đã hoàn thiện được mô hình nghiên cứu và bảng câu hỏi với 24 biến quan sát, 6 nhân tố được cho là ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của DNNVV và 4 biến quan sát cho nhóm biến phụ thuộc.

Nghiên cứu tiến hành khảo sát với tổng số mẫu thu về đạt yêu cầu để có thể tiến hành các bước phân tích tiếp theo là 249/300 mẫu, chiếm tỷ lệ 83% trên tổng số bảng khảo sát đưa ra.

Quá trình đánh giá độ tin cậy của thang đo thông qua công cụ phân tích Cronbach’s Alpha nhằm loại bỏ các biến rác, để đảm bảo thang đo sử dụng trong nghiên cứu đạt độ tin cậy cao.

Hệ số Cronbach’s Alpha thể hiện sự tương quan giữa các biến quan sát trong thang đo, kết quả kiểm định Cronbach’s Alpha giữa các biến cho thấy, trong 24 biến quan sát đều đáp ứng theo điều kiện như đã nêu trên.

Như vậy, trước khi phân tích nhân tố khám phá (EFA), mô hình để phân tích bao gồm có gồm 6 nhóm nhân tố độc lập với 24 biến quan sát và 1 nhóm yếu tố phụ thuộc với 4 biến quan sát. Kết quả phân tích nhân tố khám phá với hệ số Kaiser-Meyer-Olkin = 0.845 thõa mãn điều kiện 0.05 ≤ KMO ≤ 1 và mức ý nghĩa thống kê của kiểm định Bartlett's (Bartlett sig) nhỏ hơn 0.05 nên dữ liệu này phù hớp với việc phân tích nhân tố. Tổng phương sai trích (Cumulative Eigenvalues) = 74,772 nên có 6 nhân tố được trích ra từ tập dữ liệu để đưa vào ma trận xoay nhân tố.

Để nhận diện sự ảnh hưởng của các nhân tố nghiên cứu tiến hành kiểm định mô hình hồi quy, với kết quả tại Bảng 1.

Phương trình hồi quy sau khi ước lượng như sau:

Y = 0,279 + 0,336*X1 + 0,172*X2 + 0,253*X3 + 0,035*X4 + 0,135*X5 + 0,068*X6

Y = 0,279 + 0,336 (năng lực quản lý doanh nghiệp) + 0,172 (năng lực tài chính) + 0,253 (năng lực vật chất) + 0,035 (năng lực marketing) + 0,135 (năng lực đáp ứng thị trường) + 0,068 (năng lực sáng tạo)

Kết quả mô hình hồi quy cho thấy các nhóm biến đều có ý nghĩa thống kê ở mức ý nghĩa 1% có nhóm biến X1 - Năng lực quản lý doanh nghiệp, X3 - Năng lực vật chất X5 - Năng lực đáp ứng thị trường; ở mức ý nghĩa 5% có nhóm biến X2 - Năng lực tài chính và ở mức ý nghĩa 10% có nhóm biến X4 - Năng lực Marketing và nhóm biến X6 - Năng lực sáng tạo. Hệ số beta của các biến đều mang dấu (+) tức quan hệ đồng biến với biến phụ thuộc, phù hợp với kỳ vọng của nghiên cứu, đồng nghĩa, khi các nhân tố được quan tâm và được doanh nghiệp tập trung phát triển thì năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cũng tăng lên.

5. Kết luận và hàm ý quản trị

5.1. Kết luận

Dữ liệu nghiên cứu được thu thập từ 249 DNNVV tại tỉnh Bình Dương. Nghiên cứu sử dụng phương pháp định tính để hoàn thiện các nhân tố và bảng câu hỏi khảo sát, phân tích định lượng bằng phương pháp kiểm định độ tin cậy của thang đo (Cronbach’s Alpha), phân tích nhân tố khám phá (EFA) và kiểm định mô hình hồi quy. Kết quả kiểm định mô hình hồi quy cho thấy có 6 nhân tố có ý nghĩa đến năng lực cạnh tranh của DNNVV. Thứ tự ảnh hưởng của các nhân tố như sau: năng lực quản lý doanh nghiệp, năng lực vật chất, năng lực tài chính, năng lực đáp ứng thị trường, năng lực sáng tạo, năng lực marketing.

5.2. Hàm ý quản trị

- Đối với năng lực quản lý doanh nghiệp

Quản lý doanh nghiệp là một quá trình tích lũy kiến thức thực tế của thị trường, giúp người quản lý ứng phó dễ dàng với các khó khăn doanh nghiệp gặp phải và hạn chế rủi ro trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Vì vậy, năng lực quản lý doanh nghiệp rất quan trọng với doanh nghiệp nói chung và đặc biệt là các DNNVV nói riêng. Với quy mô nhỏ và hạn chế về nguồn lực, vai trò người quản lý DNNVV rất quan trọng. Người quản lý doanh nghiệp cần cập nhật thường xuyên thông tin và nhu cầu thị trường để có những quyết định kịp thời đem lại hiệu quả cao cho doanh nghiệp.

- Đối với năng lực vật chất

Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng, các doanh nghiệp lớn có lợi thế về quy mô sản xuất, công nghiệp sản xuất, chi phí sản xuất thấp. Trong khi đó, các DNNVV lại bị hạn chế về nguồn lực và quy mô sản xuất, nên nhân tố này được xem là rất quan trọng của doanh nghiệp. DNNVV cần tìm cách giảm chi phí, nâng cao năng suất, đặc biệt cần tìm hướng để thay đổi quy trình sản xuất phù hợp, áp dụng công nghệ sản xuất mới hoặc cải tiến công nghệ sản xuất để tiết kiệm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp.

- Đối với năng lực tài chính

Năng lực tài chính của doanh nghiệp chính là yếu tố quan trọng, là nhân tố trực tiếp tạo nên năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. Hiện nay, đa số các DNNVV thường gặp khó khăn trong việc huy động vốn. Do đó, doanh nghiệp cần tìm ra hướng tiếp cận nguồn vốn tối ưu nhất và có thể đảm bảo huy động được nguồn vốn trong những tình huống cần thiết, với chi phí thấp nhất để có kế hoạch cũng như quyết định sử dụng vốn hiệu quả cho doanh nghiệp.

- Đối với năng lực đáp ứng thị trường

Để tăng năng lực cạnh tranh, doanh nghiệp cần có năng lực sản xuất ổn định nhằm đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Doanh nghiệp cần quan tâm đến đội ngũ cán bộ công nhân viên sản xuất và cần đảm bảo số lượng luôn được duy trì ổn định song song với việc tích lũy kinh nghiệm trong sản xuất; được tào tạo nâng cao tay nghề trong quy trình sản xuất, cập nhật kiến thức liên quan đến quy trình sản xuất và áp dụng chuyển giao công nghệ mới nhằm cải tiến sản phẩm, để từ đó hoàn thiện và đáp ứng được các yêu cầu công việc cũng như đáp ứng được nhu cầu  thị trường.

- Đối với năng lực sáng tạo

DNNVV luôn bị hạn chế về nguồn vốn và nguồn nhân lực. Do đó, người quản lý doanh nghiệp nên khuyến khích nhân viên có những ý tưởng mới nhằm cải tiến quy trình làm việc, quy trình sản xuất và cải tiến sản phẩm. Đồng thời, doanh nghiệp cần tạo cho nhân viên một môi trường làm việc năng động, tích cực để nhân viên có động lực làm việc. Người đứng đầu doanh nghiệp cũng cần quan tâm đến những cố gắng và thành quả mà nhân viên mình đạt được để kịp thời động viên và có những hình thức khen thưởng xứng đáng.

- Đối với năng lực marketing

Hiện nay, đa số DNNVV hoạt động kinh doanh tính bền vững cao không cao, do đó để tồn tại và phát triển, doanh nghiệp nên xác định giá trị cốt lõi của doanh nghiệp để có thể tạo nên thương hiệu cho sản phẩm, xây dựng chiến lược marketing mang tính lâu dài và hiệu quả nhất, đồng thời cần tiết kiệm chi phí bán hàng và tìm ra cách quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp tốt nhất.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Apicha, B. (2012). Model of Thai Small and Medium Sized Enterprises. Organizational Capabilities: Review and Verification.

2. Chuhamas Chittithaworn, Md. Aminul Islam, & Thiyada Keawchana. (2010). Factors Affecting Business Success of Small and Medium Enterprises (SMEs) in Thailand. Malaysia: Shool of Business Innovation and Technopreneurship, Universiti Malaysia Perlis.

3. Man, & W.Y Ed Snape. (2008). Enterpreneurial Competencies and the Performance of Small and Medium Enterprises: An Investigation through a Framework of Competitiveness. Hong Kong (China): Hong Kong Polytechnic University.

 Factors affecting the competitiveness of small and medium-sized enterprises in Binh Duong Province

Master. DANG MINH LUAN

Faculty of Business Administration - Ho Chi Minh City University of Technology

ABSTRACT:

This study analyzes the factors affecting the competitiveness of small and medium-sized enterprises (SMEs) in Binh Duong Province. The study uses Cronbach's alpha, exploratory factor analysis and multiple linear regression analysis to anlyze data collected from 249 enterprises. The study’s results reveal that there are 6 groups of factors affecting the competitiveness of SMEs in Binh Duong Province. These groups of factors which are listed in descending order of impact level are enterprise management capacity, material capacity, financial capacity, market response capacity, creative capacity and marketing capacity. Base on the study’s findings, some managerial implications are proposed to improve the competitiveness of SMEs in Binh Duong Province.

Keywords: competitiveness, small and medium-sized enterprises, Binh Duong Province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 17, tháng 7 năm 2021]