Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp vừa và nhỏ khi Việt Nam tham gia các FTA

THS. CHU THỊ THẢO (Khoa Kế toán - Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp)

TÓM TẮT:

Những năm gần đây, xu thế kinh tế của khu vực Đông Nam Á và thế giới đã tác động không nhỏ đến sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Chính điều này đã kéo theo một thực tế là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNVVN) phải đối mặt với sự khác biệt về nhiều khía cạnh liên quan đến hoạt động kinh doanh, thương mại như: tư duy kinh doanh, nhận thức, niềm tin, tâm lý khách hàng, văn hóa ứng xử... Do vậy, cách thức để phát triển mỗi doanh nghiệp (DN) nói riêng và nâng cao năng lực cạnh tranh của cộng đồng DNVVN nói chung chính là việc sử dụng có hiệu quả các giải pháp của Nhà nước, của cộng đồng xã hội và của chính các DNVVN. Việc áp dụng hiệu quả các giải pháp này không chỉ góp phần thúc đẩy sự phát triển của mội DN mà còn góp phần nâng cao vị thế của nền kinh tế Việt Nam trong khu vực và trên quốc tế. Bài viết bàn về giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp vừa và nhỏ khi Việt Nam tham gia các FTA.

Từ khóa: doanh nghiệp vừa và nhỏ, năng lực cạnh tranh, FTA.

1. FTA tạo ra thách thức đối với DNVVN

Một là, do quy mô vốn nhỏ nên các DNVVN không có điều kiện đầu tư nhiều vào nâng cấp, đổi mới máy móc, mua sắm thiết bị công nghệ hiện đại. Vốn ngân hàng đóng vai trò quan trọng đối với các DNVVN, nhưng thực tế nhóm doanh nghiệp này rất khó tiếp cận được. Tại Lễ phát động Phong trào thi đua “DN Việt Nam hội nhập và phát triển”, Ông Bùi Ngọc Tường, Tổng Giám đốc doanh nghiệp chuyên vận hành, quản lý các nhà máy nước sạch, cho biết DN của ông đang phải vay vốn ngân hàng với lãi suất lên tới 11%/năm tại các ngân hàng thương mại tư nhân. DN không thể tiếp cận được với nguồn vốn lãi suất thấp của nhóm ngân hàng quốc doanh, vì thiếu tài sản đảm bảo. “Diện tích nhà xưởng, đất của chúng tôi được Nhà nước cho thuê miễn phí, cán bộ ngân hàng nói nếu xảy ra rủi ro không thể thu hồi đất này (theo ông Tường).

Hai là, khó khăn về nguồn nhân lực. Đối với DN để bước lên bục vinh quang và được vinh dự là DN thành công thì nguồn vốn không hoàn toàn là yếu tố quyết định mà cốt lõi chính là tư duy và định hướng của người chủ DN. Nói cách khác, DN thành công phụ thuộc vào tầm nhìn của ông chủ và trình độ của lãnh đạo DN. Bên cạnh các chủ DN có xuất phát điểm từ hoàn cảnh khó khăn nhưng nhờ có trình độ, động cơ phát triển và họ đã thành công thì có không ít các “ông bà chủ” DN giàu lên từ hoạt động các lĩnh vực không liên quan kinh tế. Họ thành lập DN, mặc nhiên trở thành giám đốc, và là chủ doanh nghiệp. Đối với các vị “công tử đại gia” này nếu khả năng của họ có hạn mà không có tầm nhìn và sử dụng người thì chắc chắn DN hoạt động khó có hiệu quả…

Ba là, việc nắm bắt thông tin về FTA là vô cùng quan trọng vì nó có tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Tuy nhiên, nhiều DN, đặc biệt là các DNVVN Việt Nam hiện vẫn chưa được trang bị đầy đủ hoặc ít quan tâm về những lợi thế mà FTA và các tổ chức kinh tế khác (CPTPP, AEC…) Việt Nam đã gia nhập mang lại.

Bốn là, DN Việt Nam, nhất là các DNVVN đang phát triển chủ yếu theo chiều rộng (tăng về số DN, lao động, vốn), nhưng chưa cải thiện nhiều về chất lượng và chiều sâu.

Năm là, thị trường tiêu thụ hàng hóa trong nước đang tràn ngập các mặt hàng nhập khẩu có chất lượng, thương hiệu và giá cả cạnh tranh hơn từ các nước đối tác. Đây là thách thức lớn đối với các nhà sản xuất trong nước. Hàng hóa Việt Nam chưa có nhiều thương hiệu hấp dẫn khách hàng và chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng của các thị trường như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản…

Sáu là, môi trường kinh doanh của Việt Nam dù đã được cải thiện đáng kể, nhưng chưa đủ minh bạch, thông thoáng và còn thiếu một hệ thống pháp luật đồng bộ, hiệu quả. Trong khi đó, việc cải cách khung thể chế kinh tế sẽ đòi hỏi bản thân các DN phải tái cấu trúc cách tổ chức hoạt động, cách sử dụng các nguồn lực, cũng như hệ thống công nghệ… có như vậy, DN mới có thể tồn tại trong môi trường kinh doanh thay đổi.

Bảy là, nguồn lực của DNVVN Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm, thâm nhập thị trường và phân phối sản phẩm do thiếu thông tin về thị trường, công tác marketing còn kém hiệu quả. Điều đó làm cho các mặt hàng của DNNVV khó tiêu thụ trên thị trường, năng lực kinh doanh còn hạn chế.

2. Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của DNVVN khi Việt Nam tham gia vào các FTA

Giải pháp tầm vĩ mô của Nhà nước và xã hội

Một là, Ttrong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay Chính phủ cần quan tâm nuôi dưỡng, hỗ trợ DNVVN Việt từng bước có năng lực cạnh tranh trên thương trường quốc tế; hình thành được các sản phẩm, thương hiệu Việt danh tiếng, mang tầm khu vực và thế giới; tăng cường hợp tác liên kết khu vực DN trong nước và khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); thúc đẩy các DNVVN tham gia chuỗi giá trị và mạng phân phối toàn cầu. Sản xuất kinh doanh hiệu quả đi liền với bảo vệ môi trường.

Hai là, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện khung chính sách, hành lang pháp lý tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho DNVVN phát triển.

Ba là, nâng cao nhận thức cho DNVVN thông qua công tác đào tạo, phổ biến, tuyên truyền về các khía cạnh, lĩnh vực cam kết của các Hiệp định WTO, TPP và FTA… tổ chức biên soạn các cẩm nang hướng dẫn DN về các cam kết trong những hiệp định thương mại Việt Nam đã ký kết.

Bốn là, nghiên cứu xây dựng Bộ chỉ số đánh giá đầy đủ, hiệu quả về việc hỗ trợ và phát triển DNVVN đối với các cơ quan Chính phủ, các địa phương có chỉ số yếu kém, chậm phát triển. Trên cơ sở đó, cải thiện chất lượng phát triển DN theo cả chiều rộng và chiều sâu, đáp ứng được xu hướng hội nhập quốc tế.

Năm là, khuyến khích, hỗ trợ DNVVN đầu tư phát triển khoa học công nghệ để không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cho DN… thông qua ưu đãi cụ thể như: DN thay đổi máy thiết bị mới ưu tiên vay vốn lãi suất thấp; miễn giảm thuế một số năm.

Sáu là, giải quyết tình trạng thiếu vốn cho doanh nghiệp. Trong khi doanh nghiệp thiếu vốn thì các ngân hàng kinh doanh và ngay cả Quỹ hỗ trợ phát triển không giải ngân được do những thủ tục quy định giá chặt chẽ của Nhà nước, làm cho các doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp dân doanh gặp nhiều khó khăn khi vay vốn hoặc khi doanh nghiệp có nhu cầu được bảo lãnh vay vốn. Vì vậy, cần có những quy định thông thoáng hơn để có sự bình đẳng trong chính sách vay vốn. Nhà nước cần tạo ra một khung pháp lý hợp lý hơn đối với các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là: DNVVN, chẳng hạn như: Cho phép dùng giá trị quyền sử dụng đất để góp vốn liên doanh với các tổ chức và cá nhân nước ngoài, giảm phí tiền sử dụng và chuyển mục đích sử dụng đất, giảm phiền hà trong thủ tục thuê đất đai…

Giải pháp tầm vi mô đối với các doanh nghiệp

Một là, để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, DNVVN cần nâng cao nhận thức, chủ động trang bị kiến thức, tìm hiểu sâu các quy định của WTO, các cam kết trong các Hiệp định CPTPP, hiệp định FTA… từ đó tận dụng cơ hội, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh để DN phát triển… DN phải hoạt động sản xuất kinh doanh bài bản, chuyên nghiệp, đúng pháp luật, bắt nhịp được những chuẩn mực của khu vực và quốc tế, doanh nhân phải năng động sáng tạo, có kiến thức, có bản lĩnh kinh doanh dám đương đầu với hội nhập để vươn ra biển lớn.

Hai là, trong cạnh tranh thương mại, các DNVVN luôn phải nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ thương hiệu, sản phẩm, trí tuệ kinh doanh, bí mật kinh doanh của doanh nghiệp mình. Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp của Việt Nam đã đối mặt với các vấn đề về bản quyền, sở hữu trí tuệ, kiểu dáng công nghiệp... dẫn tới hàng loạt các vụ tranh chấp, mâu thuẫn gây phiền hà cho hoạt động sản phẩm kinh doanh. Bởi vậy, tuân thủ quy tắc hoạt động của doanh nghiệp và biết bảo vệ các “nguồn tài nguyên” của doanh nghiệp sẽ giúp cho chính mỗi DNVVN phát triển thật sự.

Ba là, trong kinh doanh, khách hàng hay người tiêu dùng của mỗi doanh nghiệp luôn được coi là “thượng đế”. Các “thượng đế” luôn đòi hỏi nhiều DNVVN phải đáp ứng các nhu cầu mong muốn của mình. Do vậy, bằng việc cung cấp sản phẩm tốt, chất lượng, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng, thỏa mãn nhu cầu khách hàng thì các doanh nghiệp đã tự tạo dựng được vị thế riêng cho mình. Việc nắm bắt nhu cầu, tâm lý của khách hàng hoặc nhóm khách hàng phù hợp với loại hình, ngành nghề kinh doanh của mỗi doanh nghiệp cũng chính là một giải pháp mà các DNVVN có thể thực hiện được và tạo ra những kết quả vô cùng khả quan.

Bốn là, mỗi DNVVN cần có phương hướng phát triển thông qua các kế hoạch, chiến lược, tầm nhìn, sứ mệnh hoạt động cụ thể. Đây được coi là cẩm nang cho sự phát triển của doanh nghiệp, đồng thời đây cũng chính là những hướng đi phù hợp nhất để mỗi doanh nghiệp nhanh chân bước tới thành công. Một giải pháp cũng được áp dụng đối với DNVVN đó là xây dựng tầm nhìn ngắn, trung và dài hạn trong sự phát triển của doanh nghiệp mình bằng việc xác định rõ các vấn đề về kinh tế, khách hàng, sự cạnh tranh, định hướng tương lai, triển vọng của doanh nghiệp, tính chuyên môn hóa cao trong việc tiếp xúc với khách hàng, uy tín, thương hiệu và giá trị cốt lõi mà mỗi doanh nghiệp cung cấp cho thị trường, xã hội...

Năm là, để hạn chế tối đa các thất bại như buộc phải giải thể, tự giải thế, tình trạng kinh doanh bị trì trệ, tạm, ngưng hoạt động thì các DNVVN cần thiết phải xác định được phạm vi và đối tượng mà doanh nghiệp mình hướng tới. Nói cách khác, trên cơ sở quy mô, tiềm lực của loại hình doanh nghiệp mình, các DNVVN cần có chiến lược phù hợp trong việc lựa chọn thị trường, phân khúc thị trường để khai thác, kinh doanh. Có thể nói, chọn lựa phân khúc thị trường phù hợp là một giải pháp và đồng thời cũng là sự chuẩn bị kỹ lưỡng, an toàn cho sự phát triển ổn định của mỗi doanh nghiệp.

Sáu là, chính mỗi DN cần khai thác hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ, thúc đẩy cho sự phát triển của DNVVN như: các giải pháp hỗ trợ từ nhà đầu tư trong và ngoài nước; các chính sách, kế hoạch hỗ trợ của Nhà nước về nguồn vốn, tài chính, công nghệ, quản trị, kinh doanh... Đồng thời, sự liên minh, liên kết của nhóm doanh nghiệp kinh doanh, hoạt động cùng ngành nghề dưới các hình thức như hợp tác kinh doanh, liên doanh, liên danh... cũng là một giải pháp phù hợp nhằm phát huy vai trò, thế mạnh của mỗi DN.

Bảy là, tận dụng tối đa những tiềm lực về vốn, nhân lực, thị trường, văn hóa, kinh nghiệm kinh doanh của các doanh nghiệp lớn để từ đó có nền tảng giúp các DNVVN học tập hoặc nhận được sự giúp đỡ trực tiếp từ các doanh nghiệp lớn. Đây cũng chính là sự tự thân vận động quan trọng của mỗi DNVVN trong kế hoạch thực hiện các chiến lược, mục tiêu kinh doanh của mình cùng với các đối thủ nặng ký trên thị trường. Hiểu về đối thủ và cân bằng hài hòa được các lợi ích với đối thủ trong kinh doanh sẽ tạo những cơ hội phát triển ổn định cho các DNVVN. Điều đó đồng nghĩa rằng, các DNVVN cần biết cách giữ mối quan hệ tốt đẹp với các DN lớn trong bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (2018), Báo cáo năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2018 (PCI 2018).
  2. Tổng cục Thống kê (2020), Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 2020.
  3. Các website: tapchitaichinh.vn, thoibaotaichinhvietnam.vn, trungtamwto.vn.

 Solutions to improve the competitiveness of Vietnam’s SMEs when Vietnam joins free trade agreements

Master. Chu Thi Thao

University of Economics – Technology for Industries

ABSTRACT:

The economic development trends in the Southeast Asia region and in the world has had significant impacts on Vietnam’s economic growth in recent years. Vietnam’s small and medium-sized enterprises (SMEs) also face differences in many business aspects such as business thinking, perception, customer psychology, behavioral culture. Therefore, it is important for each SME and also the SMEs community to improve their competitiveness by effectively using supports from the government, social community and SMEs themselves. This paper discusses solutions to improve the competitiveness of Vietnam’s SMEs when Vietnam joins free trade agreements.

Keywords: small and medium-sized enterprises, competitiveness, FTA.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 14, tháng 6 năm 2021]