TÓM TẮT:
Năng lực cạnh tranh của ngành Du lịch trong hội nhập quốc tế là tập hợp các yếu tố nguồn lực như tài nguyên tự nhiên, tài nguyên nhân văn, cơ sở vật chất kỹ thuật, tài chính, các chính sách, thể chế và con người của hoạt động của doanh nghiệp du lịch tạo ra một hình ảnh về sự phát triển du lịch bền vững, có hiệu quả. Tác giả cập nhật các dữ liệu thứ cấp và sơ cấp từ các nước trong khu vực: Campuchia, Lào, Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan để phân tích đánh giá năng lực canh tranh theo mô hình Kim cương của Porter, từ đó đề xuất giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành Du lịch trong hội nhập kinh tế quốc tế.
Từ khóa: Năng lực cạnh tranh, ngành Du lịch, hội nhập quốc tế, phát triển du lịch.
1. Đặt vấn đề
Sự phát triển mạnh mẽ của du lịch toàn cầu và những xu hướng du lịch mới xuất hiện trong thời gian gần đây đã và đang thúc đẩy cạnh tranh mạnh mẽ giữa các quốc gia trên thế giới trong việc thu hút khách quốc tế. Để hoạt động của các doanh nghiệp du lịch Việt Nam phát triển góp phần quan trọng vào việc thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam. Khả năng cạnh tranh thu hút khách du lịch quốc tế của các doanh nghiệp du lịch Việt Nam nói chung còn hạn chế so với nhiều đối thủ trong khu vực. Các doanh nghiệp du lịch về cơ bản còn thiếu chiến lược cạnh tranh, thiếu kinh nghiệm tiếp cận thị trường du lịch nước ngoài, thiếu đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm trong công tác thị trường. Nguồn tài chính dành cho hoạt động marketing, quảng cáo ở thị trường nước ngoài của nhiều doanh nghiệp du lịch Việt Nam còn hạn chế.
Trong điều kiện toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, đặc biệt là trong điều kiện Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), việc nâng cao năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực du lịch để thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam là một đòi hỏi cấp thiết. Các doanh nghiệp du lịch quốc tế của Việt Nam nếu không có đủ năng lực tiếp cận thị trường quốc tế và khu vực, thiếu một chiến lược cạnh tranh linh họat sẽ khó có khả năng cạnh tranh được với các đối thủ nước ngoài.
2. Cơ sở phân tích đánh giá năng lực cạnh tranh
Các chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh hoạt động doanh nghiệp du lịch của Crouch và Ritchie đánh giá toàn bộ kết quả hoạt động du lịch bằng 4 chỉ tiêu: 1) Kết quả hoạt động kinh tế; 2) Tính bền vững; 3) Sự hài lòng của khách du lịch; 4) Hoạt động quản lý và sử dụng một số chỉ số dựa trên bốn yếu tố này để xác định khả năng cạnh tranh của hoạt động doanh nghiệp du lịch. Cụ thể, một số chỉ tiêu như tổng chi tiêu của khách du lịch, tỷ lệ thù lao cho một người lao động trong lĩnh vực du lịch đối với toàn bộ thù lao cho người lao động, sự dễ dàng thành lập doanh nghiệp kinh doanh liên quan đến du lịch, GDP từ lữ hành và du lịch so với tổng GDP có thể được sử dụng để chỉ ra kết quả hoạt động kinh tế của khu vực này. Tương tự như vậy, bảo tồn sự nguyên vẹn của môi trường sinh thái, khả năng dân cư có thể sử dụng hạ tầng du lịch, mức độ hỗ trợ chính trị đối với các nỗ lực của ngành Du lịch, các khoản thuế thu được từ chi tiêu du lịch có thể được sử dụng để đo sự bền vững. Sự hài lòng của khách du lịch có thể được đánh giá bằng sự hài lòng đối với tất cả chất lượng dịch vụ du lịch. Hoạt động quản lý được chỉ ra bằng chất lượng của việc tham gia vào chương trình phát triển nguồn nhân lực và hỗ trợ, sự hài lòng với các hướng dẫn viên giúp khách lập kế hoạch chuyến đi, số lượng các sự kiện đặc biệt có chất lượng.
Số liệu để đánh giá 4 chỉ số này sẽ được dựa trên dữ liệu thứ cấp và các dữ liệu sơ cấp. Khó khăn lớn nhất khi nghiên cứu đánh giá khả năng cạnh tranh là cần có một tập hợp dữ liệu chuẩn để có thể so sánh được giữa các nước trong khu vực. Việc tiến hành điều tra để thu thập một bộ dữ liệu hoàn chỉnh về vấn đề này còn chưa hoàn chỉnh với phạm vi của nghiên cứu. Do đó, tác giả chỉ dựa vào những số liệu thứ cấp đã được sử dụng chủ yếu bởi các nghiên cứu quốc tế và các tổ chức phát triển khác. Tùy thuộc vào mục tiêu nghiên cứu, khả năng cạnh tranh có thể được xem xét ở 3 cấp độ cạnh tranh khác nhau (cấp doanh nghiệp, cấp ngành quốc gia và cấp nền kinh tế quốc gia). Trong nghiên cứu này, tác giả chỉ đề cập cạnh tranh ở cấp ngành quốc gia (Mô hình Kim cương của Porter), cụ thể: 1) Chiến lược công ty, cấu trúc ngành và đối thủ cạnh tranh; 2) Các điều kiện cạnh tranh; 3) Các điều kiện cần; 4) Các ngành bổ trợ và có liên quan.
Trong khuôn khổ phân tích mô hình cạnh tranh ngành quốc gia của Porter về các yếu tố có ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh của một ngành, các điều kiện về nguồn lực sẵn có là một trong bốn yếu tố xác định khả năng cạnh tranh của một ngành. Trong phần này sẽ đánh giá các nguồn lực có khả năng ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của ngành Du lịch Việt Nam trên cơ sở so sánh với một số đối thủ cạnh tranh chính trong khu vực, như: Campuchia, Lào, Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan. Số liệu sơ cấp thu được thông qua điều tra sẽ giúp hiểu được đánh giá của khách du lịch, dân cư, và các doanh nghiệp về khả năng cạnh tranh của ngành Du lịch Việt Nam. Số liệu sơ cấp sẽ xem xét liệu đánh giá của khách du lịch, dân cư và các doanh nghiệp có được minh chứng bằng những con số cụ thể hay không.
Số liệu thu được từ bảng theo dõi khả năng cạnh tranh do Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC) thực hiện có thể được sử dụng để đánh giá lợi thế so sánh của Việt Nam so với các nước trong khu vực. WTTC đã ghi lại số liệu về 8 tiêu chí, bao gồm: 1) Chỉ số nhân lực du lịch, 2) Chỉ số cạnh tranh giá, 3) Chỉ số phát triển cơ sở hạ tầng, 4) Chỉ số môi trường, 5) Chỉ số về tiến bộ công nghệ, 6) Chỉ số về nguồn nhân lực, 7) Chỉ số thể chế và 8) Chỉ số về phát triển xã hội. Trừ các chỉ số về cạnh tranh giá, và chỉ số môi trường sẽ được sử dụng trong phần đánh giá về khả năng sử dụng nguồn lực, 6 chỉ số còn lại có thể được sử dụng để đánh giá lợi thế so sánh ngành Du lịch của các nước trong khu vực.
Bài viết sẽ sử dụng kết quả nghiên cứu về khả năng cạnh tranh về lữ hành và du lịch của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) những năm gần đây để phân tích khả năng cạnh tranh của điểm đến du lịch Việt Nam vì báo cáo này được cộng đồng quốc tế quan tâm và hưởng ứng nhiều nhất. Báo cáo về năng lực cạnh tranh lữ hành và du lịch của WEF (The Travel and Tourism Competitiveness Report - TTCR) đã xác định lữ hành và du lịch là một trong những ngành kinh tế lớn nhất của thế giới, chiếm 11,05% GDP của thế giới, cung cấp trên 250 - 350 triệu việc làm và chiếm gần 11,7% tổng số việc làm của thế giới. Tại các nước đang phát triển, tầm quan trọng của ngành Du lịch ngày càng được đề cao và mở rộng phát triển về nông thôn tạo công ăn việc làm cho người lao động. Báo cáo TTCR đã xem xét ngành kinh tế du lịch của 124 nước với 3 phạm trù lớn bao gồm: khung pháp lý (chính sách và luật pháp, các quy định về an ninh, an toàn, ưu tiên của chính phủ về phát triển du lịch); môi trường kinh doanh và cơ sở hạ tầng (giao thông đường không, giao thông mặt đất, cơ sở hạ tầng du lịch, cơ sở hạ tầng thông tin và khả năng cạnh tranh về giá; nguồn lực về con người, văn hóa và nguồn lực tự nhiên (nguồn nhân lực, cảm nhận và nhận thức về du lịch quốc gia, nguồn lực tự nhiên và văn hóa).
Trước mắt, mối đe dọa xuất phát từ khả năng cạnh tranh khốc liệt của các doanh nghiệp du lịch lớn trong khu vực do tận dụng tính kinh tế nhờ quy mô được giảm nhẹ phần nào vì Việt Nam vẫn có khả năng cạnh tranh về giá cả. Khả năng cạnh tranh về giá của Việt Nam chủ yếu dựa trên cơ sở nền sản xuất nhỏ có giá cả thấp, thường là đặc trưng của các nước có thu nhập thấp. Ở Việt Nam, khách du lịch sẽ cần một lượng USD thấp hơn để mua cùng một giỏ hàng hóa hoặc dịch vụ. Tuy nhiên, đối với các khoản chi phí chính liên quan tới du lịch, như phòng ngủ và vé máy bay, một khoản chi tiêu lớn nhất của khách du lịch, thì hai đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam là Malaysia và Thái Lan vẫn có mức giá cạnh tranh hơn. Mức độ cạnh tranh về giá phòng ngủ được xác định trên cơ sở chỉ số giá khách sạn. Thái Lan là nước cạnh tranh nhất về giá khách sạn trong khu vực. Một điểm đáng lưu ý, Thái Lan là nước hấp dẫn du lịch nhất trong khu vực, với thị phần lớn nhất. Mặc dù Việt Nam có những mặt bằng giá cả chung thấp hơn Thái Lan, Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển vượt bậc trong thời gian tới dựa vào tài nguyên tự nhiên, an toàn và phòng chống tốt dịch bệnh.
3. Những giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh ngành Du lịch Việt Nam
3.1. Đổi mới và không ngừng hoàn thiện khung pháp lý và các chính sách liên quan đến du lịch như chính sách tiền tệ, chính sách đầu tư, xuất nhập cảnh, hải quan theo hướng tạo mọi thuận lợi cho du khách
Rà soát lại toàn bộ hệ thống quy phạm pháp luật để phát hiện những bộ luật nào chồng chéo, mâu thuẫn thì hủy bỏ, đổi mới và không ngừng hoàn thiện môi trường pháp lý và các chính sách liên quan đến du lịch như tỷ giá hối đoái, chính sách đầu tư, từng bước nới lỏng chính sách thị thực một cách hợp lý phù hợp với những cam kết của Việt Nam khi Hội nhập quốc tế và Luật Đạo đức du lịch thế giới của UNWTO theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho du khách.
3.2. Xây dựng chiến lược cạnh tranh điểm đến cả trung và dài hạn để nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam như một điểm đến mới đầy hấp dẫn của khu vực và thế giới
Trên cơ sở phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của du lịch Việt Nam tiến hành xây dựng chiến lược marketing cho du lịch Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035; trong đó xác định được những thị trường du lịch trọng điểm, với thế mạnh về đa dạng sinh học, địa hình, bản sắc văn hóa và truyền thống lịch sử oai hùng xây dựng chiến lược sản phẩm du lịch theo hướng du lịch biển, du lịch sinh thái kết hợp với du lịch văn hóa, lịch sử để tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo hấp dẫn du khách của những thị trường trọng điểm này.
3.3. Đầu tư phát triển nguồn nhân lực du lịch để nâng cao tính chuyên nghiệp và nâng cao chất lượng dịch vụ
Nguồn lực con người là yếu tố quan trọng nhất mang tính quyết định để nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao chất lượng sản phẩm và chất lượng dịch vụ du lịch. Đó là đội ngũ lao động đủ về số lượng, cơ cấu hợp lý, cân đối, được đào tạo bài bản về chuyên môn, nghiệp vụ, có tính chuyên nghiệp cao, có phẩm chất đạo đức tốt, yêu nghề. Muốn vậy, Nhà nước cần tăng cường quản lý về công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực du lịch, từng bước chuẩn hóa đội ngũ lao động ngành Du lịch trong tất cả các lĩnh vực và ngành nghề du lịch theo yêu cầu thực tế ở trong nước, phù hợp với hệ thống tiêu chuẩn quốc tế, trước hết là bộ tiêu chuẩn nghề của Hiệp hội Du lịch ASEAN để tạo điều kiện hội nhập quốc tế của đội ngũ lao động du lịch. Do vậy, phải phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo, bồi dưỡng với cơ sở vật chất tốt để đào tạo, bồi dưỡng đảm bảo sự cân đối giữa các cấp, bậc đào tạo, ngành nghề đào tạo và có sự phân bố hợp lý giữa các vùng miền; tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước nhất là dự án phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam do Ủy ban châu Âu tài trợ.
3.4. Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành du lịch với nhiều hình thức huy động vốn khác nhau.
Qua đánh giá năng lực cạnh tranh, cơ sở hạ tầng du lịch của Việt Nam còn thiếu và kém chất lượng, nhất là thiếu trầm trọng các khách sạn cao cấp, các trung tâm hội nghị lớn, các trung tâm mua sắm, trung tâm vui chơi giải trí phục vụ khách du lịch MICE (loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, du lịch khen thưởng của các công ty cho nhân viên, đối tác... ; thiếu nhiều đường bay thẳng đến với các nước khiến chi phí máy bay cao hơn so với các nước trong khu vực. Nhà nước cần có nhiều cơ chế, chính sách để khuyến khích và thu hút vốn đầu tư khác nhau từ các thành phần kinh tế để xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch.
3.5. Xây dựng và phát triển hệ thống sản phẩm du lịch đa dạng và độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam, đảm bảo phát triển du lịch bền vững
Du lịch Việt Nam rất đa dạng cả về tài nguyên thiên nhiên cũng như tài nguyên nhân văn. Do phát triển thiếu quy hoạch và định hướng đã làm ảnh hưởng đến môi trường, phá vỡ tính gắn kết giữa tài nguyên nhân văn và tài nguyên thiên nhiên, đ làm mất đi những sản phẩm độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam. , Sản phẩm du lịch Việt Nam còn đơn điệu, mới chỉ đạt ở mức độ khai thác những gì sẵn có khiến du khách quốc tế cảm thấy nhàm chán. Điều này giải thích vì sao tỉ lệ du khách quốc tế trở lại lần thứ hai là rất thấp. Do vậy, xây dựng sản phẩm du lịch đa dạng và độc đáo, đảm bảo phát triển bền vững là nhân tố quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh.
3.6. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu thị trường, xây dựng thương hiệu điểm đến và hoạt động xúc tiến du lịch trên thị trường du lịch thế giới.
Việc này đòi hỏi phải thực hiện một cách hệ thống đồng bộ từ nghiên cứu thị trường, xây dựng sản phẩm, chương trình du lịch, xây dựng thương hiệu cho đến quảng bá sản phẩm. Cần thực hiện trên cơ sở phối hợp, hợp tác chặt chẽ giữa Tổng cục Du lịch, các sở văn hóa, thể thao và du lịch, các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn nói riêng và các Bộ, ban, ngành khác nói chung thì công tác xúc tiến và quảng bá du lịch mới có hiệu quả.
3.7. Các doanh nghiệp du lịch trong nước cần được đầu tư mạnh mẽ và áp dụng các công nghệ du lịch tiên tiến, đặc biệt là công nghệ thông tin và viễn thông vào hoạt động kinh doanh du lịch trực tuyến, tham gia vào các hệ thống phân phối chỗ toàn cầu (GDS)
nhằm phục vụ hoạt động marketing, quảng bá sản phẩm và tham gia mạnh mẽ vào chuỗi giá trị toàn cầu trong du lịch. Chỉ có sự chuẩn bị tích cực, chiến lược kinh doanh hợp lý, chủ động nắm cơ hội, hạn chế thách thức từ cạnh tranh của các doanh nghiệp nước ngoài thì các doanh nghiệp du lịch Việt Nam mới có khả năng tồn tại và phát triển. Cần tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực để học hỏi kinh nghiệm phát triển du lịch trong quá trình hội nhập. Trước mắt ưu tiên khắc phục những vấn đề về môi trường tại các điểm đến, đặc biệt tại các Di sản thế giới với việc thực hiện có hiệu quả các quy định về bảo tồn và phát huy các giá trị di sản.
3.8. Cần chủ động liên minh chiến lược để đối phó với cạnh tranh từ doanh nghiệp lữ hành gửi khách nước ngoài
Chiến lược kinh doanh phù hợp trong giai đoạn tự do hóa thị trường du lịch quốc tế đối với doanh nghiệp du lịch lữ hành trong nước hiện nay là trở thành các đối tác, liên minh chiến lược của các hãng lữ hành lớn và nổi tiếng trên thế giới dưới hình thức liên doanh, liên kết, hợp tác, tái cơ cấu tổ chức theo hướng linh hoạt. Điều này nhằm tận dụng nguồn khách và nghiệp vụ quản lý, điều hành du lịch tiên tiến của các doanh nghiệp nước ngoài. Các doanh nghiệp lữ hành trong nước cần coi liên doanh với các công ty lữ hành nước ngoài là một con đường để thâm nhập thị trường và phát triển nguồn nhân lực. Để làm được điều này, các doanh nghiệp lữ hành cũng phải tái cơ cấu tổ chức theo hướng tăng cường liên kết dọc và liên kết ngang trong mọi hoạt động. Cần vượt qua những rào cản về văn hóa, ngôn ngữ, xây dựng một cơ chế phân chia lợi ích hợp lý hướng tới mục tiêu dài hạn. Chỉ có như vậy mới tạo ra được mối quan hệ tỷ lệ thuận lợi ích giữa các doanh nghiệp du lịch trong nước và các hãng lữ hành gửi khách nước ngoài.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN VÀ THAM KHẢO:
- Phạm Trung Lương (2014). Phát triển Du lịch việt nam trong bối cảnh hội nhập, Viện nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam.
- Phạm Hải Yến (2013), Năng lực canh tranh của doanh nghiệp du lịch Việt Nam trong Hội nhập, Tạp chí Nghiên cứu Văn hóa, Số 4 tháng 6/2013.
- Đỗ Văn Tình (2013). Năng lực cạnh tranh của điểm đến du lịch Việt Nam trong bối cảnh Hội nhập kinh tế Quốc tế, Khoa QTKD Trường Đại học Duy Tân.
- Vũ Văn Phúc (2012), Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam sau 5 năm gia nhập WTO, NXB Chính trị quốc gia.
- Ngô Đức Anh (2007), 13 khả năng cạnh tranh và hướng phát triển, Tạp chí Du lịch, số 27/2007.
- Diễn đàn kinh tế thế giới, Báo cáo cạnh tranh toàn cầu.
- Viện nghiên cứu phát triển quản lý (IMD).
- Micheal Porter (2009), Chiến lược cạnh tranh, NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.
- Website Tổng cục Du lịch Việt Nam.
A STUDY ON ENHANCING THE COMPETITIVENESS OF THE TOURISM SECTOR DURING THE INTERNATIONAL ECONOMIC INTEGRATION
Ph.D VU VAN DONG
Vice Rector, Ba Ria - Vung Tau University
ABSTRACT:
In the contex of international integration, the competitiveness of tourism industry is a combination of factors such as natural resources, human resources, technical and financial infrastructure, policies, institutions and tourism enterprises. These factors together create the sustainable development for tourism industry. This study analyzes primary and secondary data sets from tourism industries of Cambodia, Laos, Indonesia, Malaysia, Singapore and Thailand to assess their competitiveness according to the Porter Diamond. Based on the study’s findings, some solutions are proposed to improve the competitiveness of the tourism sector during the international economic integration.
Keywords: Competitiveness, tourism, international integration, tourism development.