Nguồn nhân lực du lịch Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghệ số

TS. HUỲNH VĂN THÁI - ThS. VÕ XUÂN HẬU (Trường Cao đẳng Công Thương miền Trung)

TÓM TẮT: 

Cuộc cách mạng công nghệ số đã và đang tác động mạnh mẽ đối với các ngành, lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội Việt Nam, trong đó có du lịch. Xu thế công nghệ sẽ làm thay đổi các phương thức quản lý, kinh doanh và tiêu dùng du lịch. Bài viết được thực hiện trên cơ sở phân tích nguồn nhân lực du lịch trong cách mạng công nghệ số, những thành tựu và những hạn chế, đồng thời đặt ra yêu cầu và cơ hội cho việc đào tạo nguồn nhân lực du lịch. Từ đó, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm tạo sự đột phá trong đào tạo nguồn lực du lịch chất lượng cao thời kỳ hội nhập, để góp phần đưa ngành Du lịch của Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Từ khóa: Nguồn nhân lực, du lịch, đào tạo nguồn nhân lực, công nghệ số.

1. Giới thiệu

Nhân lực du lịch là khái niệm chỉ lực lượng lao động tham gia vào quá trình phát triển du lịch, gồm cả nhân lực trực tiếp và nhân lực gián tiếp. Trong đó, nhân lực trực tiếp là những người làm việc trong các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch; các đơn vị sự nghiệp du lịch; các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch. Còn nhân lực gián tiếp là bộ phận nhân lực làm việc trong các ngành, các quá trình liên quan đến hoạt động du lịch như văn hóa, hải quan, giao thông, xuất nhập cảnh, nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ công cộng, môi trường, bưu chính viễn thông, cộng đồng dân cư,... Điều đó cho thấy, nhân lực du lịch có độ bao phủ tương đối rộng và chất lượng của nó không chỉ tác động và đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển du lịch, mà còn góp phần không nhỏ vào sự phát triển các ngành, các lĩnh vực khác có liên quan. Thế giới đã và đang chuyển mạnh sang kinh tế tri thức và do đó, hàm lượng tri thức trong các sản phẩm du lịch cũng dần chiếm tỷ trọng cao. Trước đây, các loại hình du lịch truyền thống, gắn với tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí (nghỉ dưỡng biển, nghỉ dưỡng sinh thái thuần túy,...) là cơ bản. Hiện nay, nhiều sản phẩm du lịch mới đang hình thành, phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của mọi đối tượng du khách. Trong đó phải kể đến xu hướng du lịch phiêu lưu, du lịch trải nghiệm, du lịch thông minh, du lịch sáng tạo, công tác kết hợp nghỉ ngơi, du lịch chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe. Cuộc cách mạng công nghệ số đã và đang tác động mạnh mẽ đối với các ngành, lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có du lịch. Xu thế “số hóa” sẽ làm thay đổi sâu sắc phương thức quản lý, kinh doanh và tiêu dùng du lịch. Điều này đòi hỏi các địa phương, các điểm đến cần phải xây dựng được những sản phẩm và các chương trình du lịch mới lạ, độc đáo, kết hợp cả các giá trị tự nhiên, giá trị nhân văn và gắn liền với tính tiện nghi hiện đại. Đồng thời, để không bị tụt hậu và đáp ứng nhu cầu phát triển, ngành Du lịch của Việt Nam đang cần lực lượng nhân lực có tri thức phong phú và toàn diện hơn cả về kiến thức, chuyên môn, tay nghề, kỹ năng, ngoại ngữ,...

2. Phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam

Năm 2019, tỷ lệ lao động có chuyên môn về du lịch chiếm khoảng 42%/tổng số lao động toàn ngành Du lịch Việt Nam, 38% được đào tạo từ các ngành khác chuyển sang và khoảng 20% chưa qua đào tạo chính quy. Trong tổng số 42% lao động được đào tạo về du lịch thì chỉ có 10% lao động có trình độ đại học và sau đại học (chiếm 3,5%); 50% lao động có trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng (chiếm 20%); 40% còn lại là lao động được bồi dưỡng qua các lớp ngắn hạn. Khoảng 60% lao động trong lĩnh vực biết và sử dụng các ngoại ngữ khác nhau. Trong đó, tiếng Anh chiếm tỷ lệ cao nhất với hơn 50% nhân lực toàn ngành. Tại Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Thị Thanh Hương đã báo cáo tóm tắt những kết quả đạt được của ngành Du lịch trong năm 2019. Theo đó, năm 2019, du lịch Việt Nam ước đón 18 triệu lượt khách quốc tế (tăng 16% so với năm 2018); phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa (tăng 6%); tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 720.000 tỷ đồng (tăng trên 16%). Bên cạnh đó, Việt Nam nhận được nhiều giải thưởng du lịch toàn cầu, như: Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới; Điểm đến Golf tốt nhất thế giới 2019, Điểm đến hàng đầu châu Á hai năm liên tiếp; Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á;… Năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam liên tục được cải thiện trong bảng xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), xếp hạng 63/140 nền kinh tế. Tuy nhiên, chỉ số về nhân lực và thị trường lao động lại sụt giảm 10 bậc, từ vị trí 37 xuống vị trí 47. Trong khối ASEAN, chỉ số về nhân lực và thị trường lao động của Du lịch Việt Nam xếp thứ 6, xếp trên Lào (hạng 67) và Campuchia (hạng 95), xếp sau Singapore (hạng 5), Malaysia (hạng 15), Thái Lan (hạng 27), Philippines (hạng 37) và Indonesia (hạng 44). Điều đáng nói là chỉ số về nhân lực và thị trường lao động của hầu hết cả quốc gia khối ASEAN đều tăng, chỉ có Việt Nam và Lào bị sụt giảm thứ bậc trên bảng xếp hạng. Tính đến ngày 15/12/2019, hệ thống doanh nghiệp lữ hành và hướng dẫn viên có 720 doanh nghiệp được cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế mới. Hiện cả nước có 2.648 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, với 26.864 hướng dẫn viên, trong đó cấp mới 6161 thẻ hướng dẫn viên. Cũng tại thời điểm này có 118 cơ sở lưu trú trong phân khúc từ 4-5 sao được công nhận. Cơ sở lưu trữ cả nước có 30.000 với 650.000 buồng, tăng hơn 2.000 cơ sở lưu trú so với năm 2018. Hệ thống cơ sở đào tạo du lịch được hình thành, phân bố khá đều khắp theo các vùng du lịch. Cả nước hiện có 192 cơ sở đào tạo du lịch, trong đó có 62 trường đại học có khoa du lịch, 55 trường cao đẳng (trong đó có 10 trường chuyên về đào tạo du lịch, các trường còn lại có đào tạo ngành Du lịch) và 75 trường trung cấp, trung tâm dạy nghề.

Qua những số liệu phân tích trên, có thể nhận thấy công tác phát triển nguồn nhân lực du lịch của Việt Nam trong giai đoạn qua đã có những chuyển biến tích cực, thể hiện ở sự gia tăng ổn định về lượng và sự cải thiện đáng kể về chất. Tuy nhiên, phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam còn nhiều hạn chế, khó khăn, thách thức: sự phân bố lao động du lịch không đồng đều giữa các vùng, miền, địa phương trong cả nước dẫn đến tình trạng vừa thiếu vừa thừa giữa các vùng, miền và địa bàn trọng điểm du lịch; lao động chưa qua đào tạo chính quy và lao động trái ngành đang chiếm tỷ trọng lớn hơn số lao động được đào tạo chính quy về du lịch; ngoài ra, nhân lực ngành có khả năng sử dụng thành thạo máy tính và các thiết bị công nghệ phục vụ công việc, nhưng chủ yếu là các công việc giản đơn và số này tập trung chủ yếu ở khối cơ quan quản lý du lịch cấp cơ quan, chính quyền và ở các doanh nghiệp đặt tại các thành phố lớn,… Theo GS.TS. Đào Mạnh Hùng, so với các nước trong khu vực, chất lượng dịch vụ du lịch Việt Nam nói chung và tại các trung tâm du lịch lớn vẫn còn hạn chế. Một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến thực trạng đó là do nhân lực du lịch của chúng ta hiện nay vừa thiếu về số lượng lại vừa yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, do đó dẫn đến chất lượng phục vụ du lịch của nước ta còn thấp.

3. Nguồn nhân lực du lịch trong cách mạng công nghệ số

Thuật ngữ “du lịch thông minh” xuất hiện ở Việt Nam trong khoảng vài năm trở lại đây, được nhắc đến nhiều khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 chính thức diễn ra. Công nghệ và du lịch đã có sự kết hợp khá tích cực và hoàn hảo. Những sản phẩm du lịch gắn với công nghệ đã và đang đóng một vai trò quan trọng trong hoạt động du lịch của mỗi du khách từ việc lựa chọn điểm đến cho đến thời gian lưu trú và trải nghiệm, sau cùng là những kỷ niệm được lưu giữ từ chuyến đi. Sự phát triển thị trường với sự góp mặt của những thế hệ tiêu dùng mới, cũng là một trong những lý do thay đổi tích cực đối với mô hình du lịch. Những khách du lịch này thích đi du lịch trong sự đam mê công nghệ mới, điều này tạo nên một bối cảnh mới, trong đó các phương tiện truyền thông xã hội, các ứng dụng công nghệ, blog, mạng xã hội và thời gian du khách dành cho nó trong suốt chuyến đi là một phần không thể thiếu trong trải nghiệm của mỗi du khách. Nhận thức được sự thay đổi này, ngành Công nghiệp du lịch cũng đã có những điều chỉnh trong mô hình kinh doanh và cung cấp sản phẩm của mình để thu hút đối tượng khách hàng, đồng thời đạt được mục tiêu kinh doanh. Đặc biệt, với sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong thời gian đầu năm 2020, với những dự đoán về xu hướng trong tiêu dùng, thương mại và xu thế phát triển cùng sự xuất hiện các ngành nghề kinh doanh trực tuyến mới dựa trên kinh tế số, theo nguyên tắc từ xa, hạn chế tiếp xúc sẽ làm cho ngành Công nghiệp du lịch có những chuyển biến sâu sắc. Chẳng hạn:

Đối với cá nhân có nhu cầu đi du lịch, đầu tiên phải tìm địa chỉ, tìm trên mạng, tìm kiếm chỗ lưu trú, các phương tiện đi lại và giá cả hợp lý nhất, mua vé máy bay rồi các chỉ dẫn đường đi…Chính điều này đòi hỏi các doanh nghiệp du lịch cần phải sẵn sàng cho sự chuyển đổi mạnh mẽ sang công nghệ số hóa. Đồng thời cần trả lời các câu hỏi: Khi khách du lịch tới Việt Nam, hoặc khách Việt Nam đi du lịch tới các điểm đến mới, họ không biết sẽ phải đi đâu? ở đâu? ăn gì? xem gì? mua gì?... Hiện nay, tất cả các thông tin đó được số hóa trên các ứng dụng có thể cài đặt lên điện thoại di động, dữ liệu số đã trở thành yếu tố quan trọng đối với doanh nghiệp du lịch, do vậy đội ngũ nhân sự của ngành Du lịch Việt Nam cần phải nắm vững các kiến thức và kỹ năng liên quan đến ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0 vào hoạt động du lịch.

Đối với các cơ sở đào tạo, đội ngũ giảng viên, phần lớn đều có trình độ, chuyên môn cao, dày dặn kinh nghiệm có khả năng truyền đạt tốt cho sinh viên nhiều kiến thức trên lớp học, tuy nhiên vẫn chưa thật sự khai thác tối đa và cập nhật lượng kiến thức mới, chưa tích cực trong việc ứng dụng các thiết bị công nghệ trong tìm kiếm thông tin, chưa đẩy mạnh hướng dẫn, đào tạo sinh viên nghiên cứu thực hành thông qua môi trường internet. Những kiến thức mang tính thực tế này sinh viên vẫn còn tiếp thu thông qua lý thuyết và sự truyền đạt từ phía giảng viên. Các công việc như đặt vé máy bay, vé xe, nhà hàng, khách sạn, món ăn,... hầu như sinh viên thiếu thực hành nên sinh viên vẫn chưa thật sự nắm bắt rõ về quy trình thực tế cũng như những lưu ý cần thiết khi thực hiện những quy trình này. Vì thế, để đáp ứng nhu cầu hiện nay, các cơ sở đào tạo cần đẩy mạnh hướng dẫn, đào tạo sinh viên nghiên cứu thực hành thông qua môi trường internet. Ngoài ra, cần quan tâm đưa tiếng Anh chuyên ngành vào chương trình giảng dạy du lịch, môi trường thực hành giao tiếp cho sinh viên để cải thiện khả năng giao tiếp của bản thân. Nếu không giỏi ngoại ngữ, những nhân viên trong ngành Du lịch cũng khó hoàn thành tốt nhiệm vụ và phát triển nghề nghiệp chuyên môn, không thể giúp khách du lịch hiểu tường tận về văn hóa Việt Nam và quảng bá hình ảnh đất nước ra bên ngoài, do vậy cần quan tâm đào tạo sinh viên du lịch khi tốt nghiệp ra trường với khả năng tiếng Anh tốt.

4. Giải pháp đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh cách mạng công nghệ số

4.1. Đối với ngành Du lịch

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách và các cơ chế quản lý về phát triển nhân lực, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy công tác phát triển nguồn nhân lực du lịch, bảo đảm thống nhất, chất lượng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập.

Có chính sách hỗ trợ, nâng cao năng lực đào tạo của các cơ sở đào tạo nghề du lịch trong cả nước gắn với việc ứng dụng công nghệ tiên tiến trong công tác đào tạo.

Tăng cường tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo và đào tạo lại cho nguồn nhân lực du lịch nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng về cách mạng công nghệ số với ngành Du lịch định kỳ hàng năm.

Tăng cường các lớp tập huấn, bồi dưỡng, tổ chức hội nghị, hội thảo về cách mạng công nghệ số với ngành Du lịch cũng là những biện pháp tích cực để nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy cho lực lượng lao động toàn ngành.

4.2. Đối với trường đào tạo

Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, giảng viên đặc biệt là trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp, ngoại ngữ, tin học đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực trực tiếp phục vụ sự chuyển dịch của nền sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong bối cảnh cách mạng công nghệ số.

Đổi mới chương trình, phương pháp và nâng cao chất lượng đào tạo tại các cơ sở đào tạo du lịch trong cả nước để đảm bảo nguồn nhân lực trong tương lai (người học tốt nghiệp) có thể đáp ứng ngay các vị trí việc làm với yêu cầu về trình độ, kỹ năng sử dụng công nghệ trong công việc trong bối cảnh cách mạng công nghệ số.

Phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo. Điều này tạo điều kiện cho sinh viên có thể tiếp xúc với thực tế ngay khi còn đang học. Đây là cơ hội để sinh viên có được những trải nghiệm, tích lũy kinh nghiệm từ thực tế.

4.3. Đối với doanh nghiệp kinh doanh du lịch

Tích cực triển khai công nghệ số, đẩy mạnh các loại hình kinh doanh trực tuyến, hình thành và thu hút sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp đối với hệ thống các sàn giao dịch du lịch điện tử.

Cần xây dựng cơ chế lương, thưởng linh hoạt để thu hút, giữ chân và phát huy vai trò nhân lực chất lượng cao làm việc tại doanh nghiệp.

Chú trọng công tác đào tạo và đào tạo lại thông qua việc tổ chức các lớp tập huấn ngắn hạn (cử cán bộ đi học hoặc mời chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực du lịch) để không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực chất lượng cao tại doanh nghiệp.

Có chính sách thích hợp nhằm tạo môi trường học tập thực tế cho sinh viên của các cơ sở đào tạo về du lịch trên địa bàn, cũng như tích cực trong việc hợp tác với các cơ sở đào tạo, nhằm hỗ trợ, tài trợ cho một số dự án đào tạo phát triển nhân lực du lịch tại cơ sở đào tạo.

Mỗi người lao động trong ngành cần tích cực học hỏi, nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ - đặc biệt là kiến thức, kỹ năng sử dụng công nghệ trong công việc, sẵn sàng tiếp cận và sử dụng công nghệ mới phục vụ công việc của bản thân.

 TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Trần Thị Thu Hà (2018), Định hướng đào tạo kỹ năng nghề nghiệp trong bối cảnh công nghiệp 4.0, Nghiên cứu và trao đổi, website: https://www.htc.edu.vn/rss/index.php?pageid=12668&topicid=139&pagenum=6
  2. Phạm Thị Thùy Linh (2020), Du lịch thông minh - Xu hướng phát triển tất yếu của ngành Du lịch Việt Nam, Tạp chí Công Thương, số 7 tháng 4 năm 2020.
  3. Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (2019), “Xu hướng phát triển của du lịch thế giới và tác động đối với du lịch Việt Nam”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học, Hà Nội.
  4. Chính phủ (2020), Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22/01/2020, Phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030.

 

THE HUMAN RESOURCE IN TOURISM INDUSTRY OF VIETNAM AMID THE DIGITAL REVOLUTION

Ph.D HUYNH VAN THAI

Master. VO XUAN HAU

Mien Trung Industry and Trade College

ABSTRACT:

The digital revolution has significantly impacted industries, fields and socio-economic aspects of Vietnam including the tourism industry. Technology trends will change the development of management, business and tourism. This paper analyzes the human resource in tourism industry amid the digital revolution, presents achievements and also points out requirements and opportunities for the training for human resource in tourism industry. Based on the paper’s analyses, some solutions are proposed in order to make breakthroughs in the high quality training for human resource in tourism industry during Vietnam’s international integration process, helping the tourism industry become a key economic sector of Vietnam.

Keywords: Human resources, tourism, human resource training, digital technologies.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 16, tháng 7 năm 2020]