Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng trong Diễn đàn Năng lượng Việt Nam 2020 với chủ đề “Phát triển năng lượng sạch: Xu thế và thách thức”. Diễn đàn do Bộ Công Thương tổ chức vào sáng 18/6/2020 tại Hà Nội trong bối cảnh nhu cầu năng lượng tại Việt Nam không ngừng tăng lên.
Những thách thức cho ngành năng lượng
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh, ngành năng lượng Việt Nam đã vươn lên mạnh mẽ, cơ bản đáp ứng nhu cầu cho năng lượng sản xuất kinh doanh, đời sống, đóng cho góp an ninh quốc phòng.
Thứ trưởng cho biết, nhu cầu năng lượng sơ cấp trong 10 năm qua, năm 2007-2017, tăng trưởng 14,6%, riêng sản lượng điện thực phẩm tăng trưởng bình quân 9,5%. Dự báo trong giai đoạn 5 năm tới, nhu cầu điện năng vẫn tăng trưởng 8,5-9,5%.
Đáng chú ý, theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh đến năm 2025, dự kiến nhu cầu công suất nguồn điện của hệ thống phải đạt 96.000 MW. Như vậy, trong giai đoạn 2021-2025, mỗi năm Việt Nam cần bổ sung thêm khoảng 6.000 MW. Trong khi đó, các nguồn điện năng chủ yếu như nhiệt điện, thủy điện cơ bản đều đã khai thác hết hoặc có những giới hạn phát triển.
“Đây là nhiệm vụ thách thức đặc biệt trong bối cảnh Quy hoạch điện VII được điều chỉnh. Mặc dù Quy hoạch này được điều chỉnh từ năm 2016 nhưng trước nhu cầu bảo vệ môi trường, đã phải trì hoãn, hoặc không được xây dựng hoặc chậm tiến độ.
Với vai trò quản lý ngành, Bộ Công Thương đã chủ động đưa ra nhiều giải pháp như tham mưu trình Chính phủ các cơ chế chính sách khuyến khích thúc đẩy phát triển năng lượng sạch, chiến lược phát triển năng lượng theo hướng sạch hơn, nhằm khai thác “năng lượng xanh” để tạo ra nguồn điện, nhiên liệu sạch hơn gắn với bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu”, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng cho rằng, phát triển mạnh năng lượng tái tạo đang phải đối mặt thách thức lớn. Bản chất của năng lượng sạch là dạng năng lượng không có sự ổn định, khó vận hành hơn so với năng lượng truyền thống. Điều này đặt ra thách thức, làm sao phá triển nhanh và mạnh, trong khi đó phải đảm bảo sự an toàn, tin cậy của hệ thống điện.
Nói rõ hơn về những thách thức trong phát triển năng lượng sạch, ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho rằng, mặc dù có sự phát triển mạnh mẽ, song việc phát triển năng lượng tái tạo quy mô lớn còn hạn chế.
Cụ thể, lưới điện truyền tải chưa được phát triển đồng bộ với tốc độ phát triển nguồn năng lượng tái tạo; chưa có đủ nguồn dự phòng, hệ thống tích trữ năng lượng để tích hợp năng lượng tái tạo ở quy mô lớn; chính sách phát triển năng lượng táo tạo không được áp dụng trong thời gian dài; chưa có cơ chế thu hút vốn đầu tư.
Đặc biệt, hiện nay, chưa có nghiên cứu tổng thể phát triển các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo nêu rõ.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Võ Quang Lâm - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, năng lượng tái tạo hiện nay phát triển nóng và tập trung ở một số địa phương nên ảnh hưởng lớn đến việc giải tỏa công suất cũng như việc điều độ, vận hành hệ thống điện.
Đặc biệt, hiện nay, chúng ta đang thiếu hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật cho điện mặt trời áp mái. Đây là vấn đề cần được quan tâm vì nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc vận hành hệ thống điện trung, hạ áp trong thời gian sắp tới.
Gợi mở vấn đề, ông Võ Quang Lâm chỉ ra, hiện nay một số nước phát triển rất nhanh, mạnh điện mặt trời áp mái. Đi đầu trong lĩnh vực này là Australia có 14.000 MW hay Đức trong 24.000 MW năng lượng tái tạo của nước này, có khoảng 7.000 MW điện mặt trời áp mái.
“EVN đang phối hợp với GIZ nghiên cứu thiết lập một hệ thống kỹ thuật cho điện mặt trời áp mái và trình Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt ban hành”, ông Võ Quang Lâm chia sẻ.
Ngoài ra, ông Nguyễn Tâm Tiến - Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Xây dụng Trung Nam cho rằng, chính sách của chính phủ đối với điện gió và điện mặt trời trong giai đoạn hiện nay rất thuận lợi cho việc phát triển nhưng vẫn còn rất nhiều thách thức như đối với điện mặt trời, nếu Chính phủ cho thời gian trong 2 năm là quá ngắn. Tuy nhiên, đây cũng là một trải nghiệm trong việc kêu gọi đầu tư điện mặt trời vì họ làm rất nhanh.
“Thời gian qua, Bộ Công Thương cùng với các nhà đầu tư đã kiến nghị với Thủ tướng xem xét kéo dài thời điểm áp dụng cơ chế giá điện cố định cho các dự án điện gió tới hết ngày 31/12/2023. Sau năm 2023, các dự án điện gió sẽ áp dụng cơ chế đấu thầu, đấu giá cạnh tranh. Điều đó tạo sự hấp dẫn cho các nhà đầu tư và tạo sự công bằng với các nhà đầu tư”, ông Nguyễn Tâm Tiến kiến nghị.
Cần cơ chế để thu hút đầu tư
Nhận thức rõ vai trò quan trọng của năng lượng sạch, năng lượng tái tạo đối với nền kinh tế, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách chú trọng phát triển năng lượng năng lượng tái tạo. Đặc biệt, gần đây nhất, Nghị quyết số 55 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Bộ Chính trị ban hành đầu năm 2020 đã có nhiều đột phá trong phát triển năng lượng quốc gia.
Về phía Bộ Công Thương, Bộ đã và đang chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện các chỉ đạo tại Nghị quyết 55 thông qua quy hoạch phát triển ngành điện, trong bối cảnh nguồn năng lượng truyền thống như điện, than, phát triển thủy điện- vốn dĩ năng lượng sạch đã khai thác hết tiềm năng, điện than có nhiều hạn chế, quan điểm chỉ đạo không phát triển nhiều hơn nữa các dự án điện than.
Hiến kế để tạo lập môi trường thuận lợi, minh bạch, xóa mọi rào cản thu hút đầu tư vào phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, ông Hoàng Tiến Dũng cho rằng, chỉ khi tư nhân tham gia, ngành năng lượng sẽ phát triển theo tư duy thị trường và tính cạnh tranh sẽ cao hơn nhiều.
Để thu hút được khối tư nhân, cần phải bình đẳng trong đối xử và để bình đẳng, cạnh tranh rõ ràng thì phải công khai, minh bạch. Tư nhân tham gia sâu hơn vào ngành năng lượng không chỉ bảo đảm vững chắc hơn cho an ninh năng lượng đất nước, mà còn tạo môi trường minh bạch để nền kinh tế thực sự phát triển bền vững.
“Muốn phát triển năng lượng tái tạo hiệu quả và thu hút mạnh nhà đầu tư vào lĩnh vực này, về phía Bộ Công Thương theo kinh nghiệm của các nước phát triển trong lĩnh vực năng lượng tái tạo nên tập trung vào các nội dung như chính sách, hạ tầng truyền tải và điều độ vận hành hệ thống điện”, ông Hoàng Tiến Dũng khẳng định.
Trong khi đó, ông Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, muốn phát triển bền vững ngành năng lượng, năng lượng tái tạo cần có một cơ chế thông thoáng, tạo ra thị trường năng lượng tái tạo cạnh tranh, thu hút đầu tư từ khu vực bên ngoài, đặc biệt là khối doanh nghiệp FDI.
“Đây là sự nghiệp cần có sự chung tay của nhiều chủ thể, nhà quản lý, chính quyền địa phương, đặc biệt là các doanh nghiệp, hộ gia đình”, ông Bùi Quang Tuấn nhấn mạnh.
Kết luận Diễn đàn Năng lượng Việt Nam 2020 với chủ đề “Phát triển năng lượng sạch: Xu thế và thách thức”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến tham luận, phân tích của các diễn giả.
Thứ trưởng cho biết, đối với việc phát triển lưới điện nhằm giải tỏa công suất của các dự án năng lượng tái tạo, vừa qua Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép xã hội hóa đường dây truyền tải. Đồng thời, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội điều chỉnh một số quy định pháp luật hiện hành, cho phép xã hội hóa việc xây dựng, lắp đặt các dự án truyền tải.
Về vấn đề này, Thứ trưởng yêu cầu, các địa phương cũng cần phối hợp hỗ trợ ngành điện giải phóng mặt bằng lắp đặt hệ thống đường dây truyền tải phục vụ các nguồn điện gió, điện mặt trời hòa lưới quốc gia.
Đối với những ý kiến, đề xuất, tham luận của các đại biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng cho biết, Bộ Công Thương sẽ tổng hợp, nghiên cứu, đề xuất tham mưu cho Chính phủ ban hành các chính sách tháo gỡ các “điểm nghẽn” để phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo vừa đáp ứng yêu cầu kinh tế - xã hội, vừa đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Vấn đề phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo ở Việt Nam không nằm ngoài xu thế chung của khu vực và thế giới. Vì vậy, để đảm bảo chuyển dịch năng lượng công bằng, hài hòa lợi ích của các bên, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng đề nghị, cộng đồng doanh nghiệp, các địa phương cần tăng cường đối thoại, chia sẻ thông tin, giải pháp, bài học kinh nghiệm trong nước cũng như quốc tế và hợp tác cùng hành động tháo gỡ khó khăn, hóa giải điểm nghẽn cho phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của Việt Nam.