Hội nghị do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì, với sự tham dự của Lãnh đạo các Bộ gồm Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; lãnh đạo Ủy ban nhân dân 25 tỉnh biên giới; lãnh đạo các Sở Công Thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giao thông vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Quản lý thị trường và các ban, ngành liên quan của 25 tỉnh biên giới.
Bước đầu hình thành kinh tế cửa khẩu
Theo báo cáo của Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, việc phát triển kinh tế khu vực biên giới đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong bối cảnh đầy khó khăn, các tỉnh biên giới đã chủ động khắc phục, nỗ lực vươn lên, vừa đảm bảo an ninh, quốc phòng tại khu vực biên giới, phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa duy trì phát triển kinh tế tại khu vực biên giới.
Kinh tế các tỉnh biên giới và khu vực biên giới tiếp tục duy trì tăng trưởng dương. Nhiều địa bàn có tốc độ tăng trưởng cao hơn mức trung bình của cả nước. Năm 2020, 15/25 tỉnh tăng trưởng cao hơn mức bình quân chung của cả nước. 6 tháng đầu năm 2021, 20/25 tỉnh tăng trưởng cao hơn mức bình quân cả nước. Nhiều tỉnh tăng trưởng với tốc độ 2 con số.
Sản xuất công nghiệp, nông nghiệp trên địa bàn khu vực biên giới tiếp tục phát triển. 2/3 số tỉnh có chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tăng trưởng cao hơn mức bình quân cả nước. Nông, lâm, thủy sản tăng trưởng ở mức khá. Quan hệ qua biên giới được các tỉnh biên giới, chính quyền khu vực biên giới duy trì tốt thông qua các cơ chế giao lưu, làm việc định kỳ, tạo điều kiện thuận lợi duy trì mô hình thông quan phòng dịch, đảm bảo thương mại qua biên giới không bị gián đoạn trong bối cảnh dịch Covid-19.
Bước đầu, một số hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp và thương mại tại khu vực biên giới đã được hình thành như hệ thống khu kinh tế cửa khẩu và cụm công nghiệp. Đến nay, đã thành lập 26 khu kinh tế cửa khẩu trên cả 3 tuyến biên giới với Lào, Campuchia và Trung Quốc. Các tỉnh biên giới, khu vực biên giới đã có 267 cụm công nghiệp hoạt động với tổng diện tích là 8.799 ha; tương ứng chiếm 36,6% số lượng và 39,4% diện tích các cụm công nghiệp đã hoạt động của cả nước.
Tuy nhiên quá trình phát triển kinh tế khu vực biên giới vẫn gặp nhiều khó khăn. Kinh tế - xã hội các vùng biên giới còn chậm phát triển, so với mặt bằng chung của tỉnh biên giới nói riêng và của cả nước nói chung. Cơ cấu kinh tế tại khu vực biên giới vẫn dựa vào nông nghiệp là chính, chưa hình thành vùng sản xuất tập trung, chưa áp dụng tiêu chuẩn, truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu, chưa hình thành chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ.
Sản xuất công nghiệp chưa tạo ra sản phẩm chủ lực, năng lực cạnh tranh yếu. Kim ngạch thương mại biên giới năm 2020 đạt 30 tỷ USD, chỉ chiếm 5,5% trong tổng kim ngạch thương mại của cả nước nói chung và trong tổng kim ngạch thương mại với Trung Quốc, Lào, Campuchia nói riêng (21,5%). Hạ tầng thương mại biên giới hiện chưa đáp ứng được tiềm năng và nhu cầu của hoạt động mua bán, trao đổi, lưu thông hàng hóa.
Báo cáo đã chỉ ra nguyên nhân của các khó khăn hạn chế nêu trên gồm: Công tác quy hoạch đầu tư phát triển tại các tỉnh biên giới nói chung và khu vực biên giới nói riêng còn nhiều bất cập về chất lượng quy hoạch, thiếu tính dự báo, thiếu căn cứ lập kế hoạch. Cơ chế chính sách phát triển khu kinh tế cửa khẩu và hạ tầng thương mại biên giới còn nhiều bất cập, chưa có nhiều ưu đãi đột phá nên khó thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
Việc chưa kịp thời nâng cấp, mở mới các cửa khẩu, lối mở biên giới để theo kịp với nhu cầu giao thương giữa khu vực biên giới và các nước láng giềng cũng là một nguyên nhân hạn chế phần nào phát triển kinh tế của khu vực biên giới. Một số địa phương chưa nắm chắc và thực hiện đúng các quy định liên quan của Chính phủ liên quan đến quản lý cửa khẩu nên công tác xin phép, triển khai mở mới, nâng cấp cửa khẩu còn mất nhiều thời gian.
Báo cáo tổng hợp cũng đã trình bày tóm tắt hơn 200 kiến nghị của các tỉnh về phát triển kinh tế khu vực biên giới, được chia vào 8 nhóm vấn đề gồm: hạ tầng giao thông; nâng cấp, mở mới các cửa khẩu; hạ tầng thương mại biên giới; phát triển điện lực; phát triển công nghiệp; xúc tiến thương mại - xuất nhập khẩu; quản lý thị trường, v.v...
Tại Hội nghị, lãnh đạo các địa phương đã thẳng thắn trao đổi, phân tích sâu hơn những khó khăn, tồn tại và trình bày chi tiết, làm rõ hơn các kiến nghị, đề xuất của địa phương nhằm thúc đẩy kinh tế khu vực biên giới phát triển bứt phá trong thời gian tới. Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Giao thông Vận tải và đại diện các đơn vị của Bộ Công Thương đã phản hồi, trao đổi lại đối với các kiến nghị của địa phương trên tinh thần đồng hành, hỗ trợ các tỉnh biên giới phát triển.
Thiếu sót về hạ tầng
Phát biểu Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá, sau một thời gian làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Hội nghị đã cơ bản hoàn thành chương trình nghị sự đặt ra.
Trong đó, Hội nghị đã nghe báo cáo “Tình hình phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới, đất liền nước ta tiếp giáp với các nước bạn (được tổng hợp từ báo cáo của 25 tỉnh biên giới với các nước bạn Trung Quốc, Lào, Campuchia) và các ý kiến của địa phương, Bộ ngành Trung ương. Nhìn chung, báo cáo của Bộ Công Thương và các ý kiến phát biểu tại Hội nghị đều thống nhất nhận định:
Mặc dù còn nhiều khó khăn vướng mắc thậm chí là hạn chế, yếu kém, ngay cả khi phải đối mặt với đại dịch Covid-19 nhưng kinh tế tại các tỉnh khu vực biên giới nhất là khu vực biên giới cửa khẩu vẫn duy trì mức tăng trưởng dương. Nhiều địa phương có tốc độ tăng trưởng cao hơn mức bình quân của cả nước (năm 2020, có 15/25 tỉnh, 6 tháng trong năm 2021 có 20/25 tỉnh cao hơn mức bình quân của cả nước). Một số tỉnh tăng trưởng ở mức 2 con số, đơn cử như tỉnh Quảng Ninh.
Sản xuất công nghiệp, nông nghiệp của các tỉnh biên giới dần khá ổn định và tăng cao. 2/3 số tỉnh có chỉ số phát triển công nghiệp cao hơn bình quân của cả nước. Sản xuất nông, lâm thủy sản ở khu vực biên giới phát triển khá, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm hàng thiết yếu cho người dân trong đại dịch.
Phối hợp khá tốt với các nước bạn trong quản lý, điều hành hoạt động của các cửa khẩu. Linh hoạt vận dụng các quy định để kéo dài thời gian thông quan, mở thêm lối thông quan cho xuất khẩu hàng nông sản không bị ùn ứ. Các tỉnh biên giới đã cùng Bộ Công Thương và các Bộ, ngành trao đổi, đàm phán… với các Bộ, ngành, địa phương nước bạn để thông quan phòng dịch, không làm gián đoạn các hoạt động xuất nhập khẩu.
Các địa phương biên giới cũng thực hiện khá tốt nhiệm vụ quan trọng là bảo vệ đường biên giới hòa bình, hữu nghị, không có xung đột. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm phòng chống Covid-19 được thực hiện khá nghiêm túc, hiệu quả.
Kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội tiếp tục được đầu tư, nhất là hạ tầng về giao thông, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp và hệ thống chợ, trung tâm thương mại, hạ tầng điện, nước và dịch vụ viễn thông, du lịch… Đến nay đã thành lập 26 khu kinh tế cửa khẩu (3 tuyến biên giới); các nhà máy điện (thuỷ điện, nhiệt điện, năng lượng tái tạo đóng góp 44% sản lượng điện cho Trung Quốc).
Hệ thống chính trị tại các khu vực biên giới, cửa khẩu tiếp tục được củng cố, phát huy.
Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Bộ trưởng cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế cần được khắc phục trong thời gian tới như: Trình độ phát triển chênh lệch; Kinh tế xã hội vùng biên giới còn chậm phát triển so với mặt bằng chung của tỉnh biên giới và cả nước; Cơ cấu kinh tế bất hợp lý khi kinh tế nông nghiệp vẫn là chủ đạo ở khu vực biên giới; công nghiệp và thương mại dịch vụ nhìn chung kém phát triển, chưa có sản phẩm chủ lực, sức cạnh tranh yếu; thương mại tiểu ngạch vẫn là chủ yếu.
Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp ở khu vực biên giới tuy là ngành chủ đạo nhưng còn rất manh mún, tự phát, chưa hình thành vùng sản xuất tập trung; chưa áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn hàng hoá, nhất là hàng hoá xuất khẩu, chưa quan tâm xây dựng thương hiệu sản phẩm và hình thành chuỗi liên kêt sản xuất, tiêu thụ.
Quy mô thương mại còn quá nhỏ so với tổng kim ngạch thương mại của cả nước. Năm 2020, đạt 30 tỷ USD, tương đương 5,5% tổng kim ngạch của cả nước, bằng 21,5% tổng kim ngạch thương mại với Trung Quốc, Lào, Campuchia.
Hạ tầng công nghiệp, thương mại khu vực biên giới nhìn chung còn rất hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, tiềm năng phát triển. Đặc biệt, có nơi chưa tương xứng với quy mô, tốc độ đầu tư của nước bạn. Hiện tại, hạ tầng thương mại hiện đại rất thiếu (như trung tâm logistics), các hạ tầng thương mại biên giới (như kho hàng, chợ, trung tâm thương mại) phân bố không đều và không đủ năng lực phục vụ lúc cao điểm.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, những tồn tại kể trên xuất phát từ một số nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân khách quan như: Thiếu vốn cho đầu tư phát triển (chủ yếu nhà nước ít, dàn trải); kết cấu hạ tầng giao thông thiếu và xuống cấp; tâm lý e ngại (nhất là tư nhân) đầu tư vào khu vực biên giới (rủi ro, lợi thế cạnh tranh thấp…).
Về nguyên nhân chủ quan, Bộ trưởng cho rằng đó là vấn đề của thiếu quy hoạch hoặc chất lượng quy hoạch kém, thiếu tầm nhìn dài hạn; công tác quản lý, tổ chức thực hiện quy hoạch hạn chế; Thiếu chủ trương nhất quán, cơ chế chính sách hợp lý đủ mạnh để phát triển khu kinh tế cửa khẩu và hạ tầng kinh tế, thương mại biên giới. Cùng với đó, công tác đầu tư quản lý cửa khẩu chưa theo kịp nhu cầu phát triển: Việc nâng cấp, mở mới cửa khẩu, lối mở biên giới chậm; Thủ tục cấp phép, thông quan còn rườm rà; Áp dụng công nghệ trong quản lý cửa khẩu còn hạn chế.
Cần thêm nhiều cơ chế, chính sách và quy hoạch tích hợp
Trên cơ sở đánh giá, phân tích nguyên nhân khách quan và chủ quan, cũng như thống nhất các ý kiến phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ ra tiềm năng, lợi thế của việc thu hút đầu tư phát triển kinh tế trẻ ở khu vực này là: Khai thác thị trường hơn 1,5 tỷ dân Trung Quốc; khai thác thị trường ASEAN và thị trường các nước mà Việt Nam là thành viên FTA. Bộ trưởng nhấn mạnh 8 nhóm giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới.
Thứ nhất, cần tập trung xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển công nghiệp - thương mại trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045, khẩn trương tích hợp Quy hoạch vùng, Quy hoạch tỉnh. Đồng thời, triển khai Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội nhất là phát triển công nghiệp - thương mại khu vực biên giới, cửa khẩu… tương xứng với tiềm năng, lợi thế của khu vực và tương thích với quy hoạch, đầu tư phát triển của nước bạn.
Thứ hai, cần nghiên cứu đề xuất chính sách hoặc ban hành chính sách địa phương đủ sức hấp dẫn, đồng bộ, khả thi để thu hút đầu tư hạ tầng kinh tế xã hội nhất là đô thị và công nghiệp thương mại nhất là đầu tư tư nhân. Huy động nguồn lực xã hội và khai thác quỹ đất, lợi thế kinh doanh thương mại tại vùng biên giới…
Thứ ba, cần ưu tiên bố trí phân bổ vốn ngân sách để đầu tư hạ tầng về giao thông, điện, nước, viễn thông và hạ tầng thương mại dịch vụ.
Thứ tư, tận dụng tốt quan hệ qua biên giới và các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký với các nước để thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao… phục vụ nhu cầu xuất khẩu.
Thứ năm, kịp thời, chủ động trong việc đề xuất nâng cấp, mở mới các cặp cửa khẩu để đáp ứng nhu cầu giao thương của người dân, doanh nghiệp các nước chung biên giới.
Thứ sáu, nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu chính ngạch. Hạn chế tới mức thấp nhất, tiến tới xóa bỏ tiểu ngạch trong thương mại khu vực biên giới.
Thứ bảy, có cơ chế, chính sách thật hấp dẫn nhằm thu hút các doanh nghiệp công nghiệp lớn cả trong và ngoài nước, đầu tư vào khu vực biên giới để tạo động lực cho phát triển kinh tế xã hội vùng biên giới của đất nước.
Cuối cùng là, cần chú trọng kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ thị trường, chống buôn lậu và gian lận thương mại, tạo môi trường lành mạnh cho thương mại biên giới phát triển.
Về những kiến nghị của địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ Công Thương đã nhận được hơn 200 kiến nghị rất cụ thể, chi tiết của 25 tỉnh, liên quan đến 8 nhóm vấn đề: mở mới, nâng cấp cửa khẩu, đầu tư hệ thống giao thông, đầu tư hạ tầng thương mại, xuất nhập khẩu, xúc tiến thương mại, phát triển điện năng; phát triển công nghiệp. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tổng hợp để báo cáo Chính phủ, Trung ương có chủ trương và cơ chế chính sách cụ thể.
Liên quan đến cơ chế phối hợp, Bộ trưởng đề nghị cần áp dụng chế độ thông tin thường xuyên giữa Bộ Công Thương và 25 tỉnh để Bộ kịp thời báo cáo Chinh phủ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. “Cố gắng duy trì 1 năm ít nhất 1 lần để có dịp kiểm điểm việc thực hiện ở các địa phương và chia sẻ kinh nghiệm thực hiện”, Bộ trưởng nhấn mạnh.