Bộ Công Thương đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua đại dịch

Trong đại dịch Covid-19, nhiều gói hỗ trợ doanh nghiệp, người dân đã được đưa ra. Đại diện các Hiệp hội ngành hàng đánh giá thế nào về các gói hỗ trợ này? Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đã có buổi làm việc với một số Hiệp hội ngành hàng chủ chốt để lắng nghe, cũng như tìm kiếm những giải pháp đẩy mạnh xuất nhập khẩu hậu Covid-19.

Đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh lên các lĩnh vực của nền kinh tế. Để đánh giá hiệu quả của những gói hỗ trợ đã ban hành, chiều ngày 29/4/2020, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đã có buổi làm việc với một số Hiệp hội ngành hàng chủ chốt để lắng nghe, cũng như tìm kiếm những giải pháp đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu hậu Covid-19, nhất là khi EVFTA sắp có hiệu lực.

“Đại diện cho Bộ Công Thương, Cục Xuất nhập khẩu sẽ lắng nghe những khó khăn, vướng mắc của các Hiệp hội trong giai đoạn mới của dịch bệnh, nhất là những vướng mắc khi tiếp cận các gói hỗ trợ của Chính phủ như: Tài chính - Ngân hàng; Lao động - Việc làm; hỗ trợ Thuế - Phí; chính sách thanh kiểm tra- Xử phạt hành chính...”, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương Trần Thanh Hải nói.

Nỗi lo thiếu nguyên liệu

Chia sẻ với Cục Xuất nhập khẩu, đại diện Hiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, ngành thủy sản bị tác động mạnh bởi sự lây lan của đại dịch Covid-19.

Quý I/2020, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt trên 1,61 tỷ USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, xuất khẩu sang những thị trường lớn bị ảnh hưởng dịch bệnh đều giảm mạnh, Trung Quốc giảm 27%, EU giảm 16%, Hàn Quốc giảm 1 % và ASEAN giảm gần 7%... Các mặt hàng giảm mạnh nhất là bạch tuộc giảm 24%, cá tra giảm là 29%, cá ngừ giảm 10%...

Cùng trong 3 tháng đầu năm, các doanh nghiệp thủy sản chỉ hoàn thành được 50% số đơn hàng đã ký, còn lại, từ 35-50% các đơn hàng bị hủy hoặc hoãn trong khi việc đàm phán, ký kết các đơn hàng mới đang và sẽ rất khó.

Khi đại dịch bùng phát, cá hộp là mặt hàng được ưa chuộng bởi thời gian bảo quản lâu. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu chế biến cá hộp rất ít, bởi trong nước, do phòng dịch ngư dân khai thác cầm chừng, trong khi đó, nguyên liệu nhập khẩu thì bị ách tách.

hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản
Đại diện Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, trong 1,2 tháng tới, nguồn nguyên liệu đối với các sản phẩm từ tôm, cá tra sẽ bị thiếu hụt

Tương tự với sản phẩm tôm và cá tra, xâm nhập mặn, nắng nóng đã khiến người dân hạn chế nuôi trồng thủy sản. Do vậy, thách thức trong 1,2 tháng tới là thiếu nguồn nguyên liệu đối với hai mặt hàng này.

Chia sẻ những khó khăn của các doanh nghiệp thành viên, đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, Quý I/2020, sản xuất thép các loại đạt hơn 5,7 triệu tấn, giảm 6% so với  cùng kỳ 2019. Trong đó, xuất khẩu thép các loại giảm sâu, tới 21,3% so với Quý I năm 2019.

Dự báo về bức tranh của ngành thép thời gian tới, Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, với thị trường thép trong nước, sau thời gian chững lại của Quý I/2020 nhu cầu sẽ tăng trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát.

Với nguồn cung ứng nguyên liệu, trong ngắn hạn tác động không nhiều, tuy nhiên, một số nguyên liệu như than cốc, than điện cực... sẽ có nguy cơ hạn chế nếu dịch bệnh chưa được kiểm soát, dẫn đến giá tăng. Với các đơn vị phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu, vật tư, phụ tùng nhập khẩu từ Trung Quốc bị ảnh hưởng lớn nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục kéo dài.

Bước sang tháng 4 và Quý II, tình hình sản xuất và bán hàng thép xây dựng sẽ khó khăn hơn do nhu cầu thấp và lo ngại dịch bệnh còn kéo dài. Kể cả khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát thì cũng sẽ rất khó khăn khi cuối Quý II sẽ bước vào mùa thấp điểm xây dựng.

Tương tự, nguyên vật liệu của ngành bông sợi chủ yếu nhập từ Trung Quốc, Mỹ, châu Âu... nhưng do tác động của dịch Covid-19, hiện nguyên liệu đã rất khan hiếm, đại diện Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam nêu thực trạng và cho biết, việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu thay thế đang rất chậm, và hệ quả là các doanh nghiệp thuộc ngành đang đứng trước nguy cơ thiếu nguyên liệu cho sản xuất.

50% hay 20%?

Trong quá trình làm việc, đại diện các Hiệp hội, ngành hàng đều đánh giá cao những giải pháp của Chính phủ, các Bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương giúp doanh nghiệp vượt khó.

Tuy nhiên, hầu hết các Hiệp hội đều cho rằng, các chính sách hỗ trợ đã có, song việc triển khai một số chính sách còn chậm, hầu hết các gói hỗ trợ này chưa đến tay doanh nghiệp.

Cụ thể, đối với chính sách hỗ trợ tín dụng (gói hỗ trợ 250 nghìn tỷ đồng từ hệ thống ngân hàng), bà Phan Thị Thanh Xuân, đại diện Hiệp hội Da-Giày-Túi xách Việt Nam cho biết, theo khảo sát từ các doanh nghiệp thành viên, hiện tại, chỉ có rất ít doanh nghiệp được vay vốn với lãi suất ưu đãi giảm từ 0,5 đến 1,5 %. Và đa phần các doanh nghiệp ít vay mới vì còn đang tồn đọng các đơn hàng cũ.

lefaso
Với chính sách giảm tiền điện của Bộ Công Thương, trong 10 ngày đầu của tháng 4, doanh nghiệp đã được khấu trừ, bà Phan Thị Thanh Xuân, đại diện LEFASO cho biết

Trong khi đó, với chính sách giãn nợ thuế, hiện các doanh nghiệp đều đã báo cáo thuế và nộp xong thuế của năm 2019, trong khi đó chính sách chỉ áp dụng cho năm 2020 (hiện chưa tới kỳ báo cáo thuế), nên hầu như doanh nghiệp không được thụ hưởng chính sách này.

Đáng chú ý, với chính sách giảm tiền điện của Bộ Công Thương, trong 10 ngày đầu của tháng 4, doanh nghiệp đã được khấu trừ”, bà Xuân cho biết.

Về những khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi, đại diện Hiệp hội gỗ Việt Nam nêu rõ, hầu hết các doanh nghiệp chưa tiếp cận được nguồn vốn này, đặc biệt là nguồn vốn lãi suất 0% để trả lương cho người lao động bị mất việc làm.

“Các ngân hàng cũng là doanh nghiệp, nên ở thời điểm khó khăn hiện nay, ngân hàng khẳng định, việc cho vay có quá nhiều rủi ro”, đại diện Hiệp hội Gỗ Việt Nam thông tin.

Tương tự, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp đều phản ánh rằng, gói hỗ trợ về tài chính chưa đến tay các doanh nghiệp dệt may và kiến nghị cho phép các doanh nghiệp bị ảnh hưởng sẽ dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất đến hết 2020 mà không kèm theo điều kiện giảm từ 50% lao động trở lên, thay vào đó, điều kiện chỉ cần giảm từ 20%.

“Hiện nay rất nhiều doanh nghiệp, thậm chí là các doanh nghiệp lớn đang phải gồng mình, cố gắng bằng mọi phương án, trong đó có chuyển đổi sang sản xuất mặt hàng khẩu trang để có thể duy trì sản xuất và giữ chân người lao động.

Với những yếu tố như vậy, rất nhiều doanh nghiệp đã không đạt đến con số là 50% lao động nghỉ việc, do vậy, không được hưởng gói hỗ trợ này của nhà nước”, đại diện Hiệp hội Dệt may chia sẻ.

cục xuất nhập khẩu
Đại diện các Hiệp hội, ngành hàng đều đánh giá cao những giải pháp của Chính phủ, các Bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương giúp doanh nghiệp vượt khó

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Lắng nghe những khó khăn, kiến nghị của các Hiệp hội ngành hàng, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Phan Văn Chinh cho biết, Cục Xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục tổng hợp ý kiến của các Hiệp hội, đặc biệt các kiến nghị trong bối cảnh mới, trạng thái mới để báo cáo Lãnh đạo Bộ, báo cáo Chính phủ trong Hội nghị giữa Thủ tướng với doanh nghiệp vào những ngày đầu của tháng 5/2020.

Riêng chính sách do Bộ Công Thương đề xuất, trong đó có chính sách liên quan đến xuất nhập khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường xuất khẩu hàng hóa, nhập khẩu nguyên liệu... đã và đang được Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan triển khai tích cực và có hiệu quả.

Đặc biệt, phải nhắc đến gói hỗ trợ giảm giá điện 11.000 tỷ đồng do Bộ Công Thương đề xuất đã đi vào thực thi, bắt đầu có khấu trừ cho doanh nghiệp. Đây là tín hiệu đáng mừng, Cục trưởng Phan Văn Chinh thông tin.

Cục trưởng cục xuất nhập khẩu
Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Phan Văn Chinh nhấn mạnh, Bộ Công Thương sẵn sàng làm việc cùng với từng ngành hàng, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua những khó khăn do dịch bệnh gây ra

Tháo gỡ khó khăn về nguồn nguyên liệu cho các doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng ở thời điểm hiện tại và dự báo trong Quý II và III, Cục trưởng Phan Văn Chinh khẳng định, Bộ Công Thương đã và sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp .

Bộ Công Thương sẵn sàng làm việc cùng với từng ngành hàng, mặt hàng cụ thể để trao đổi về cách thực phối hợp, tổ chức công tác xúc tiến thương mại. Bộ Công Thương cũng sẽ trao đổi thêm với các Thương vụ, các thị trường nước ngoài để hỗ trợ thông tin, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua những khó khăn do dịch bệnh gây ra, Cục trưởng Phan Văn Chinh nhấn mạnh.

4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 82,94 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 26,45 tỷ USD, tăng 12,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 56,49 tỷ USD (chiếm 68,1% tổng kim ngạch xuất khẩu), tăng 1,5%.

Về nhập khẩu, 4 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 79,89 tỷ USD, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 33,58 tỷ USD, tăng 1,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 46,31 tỷ USD, tăng 2,9%.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2020, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt hơn 162,8 tỉ USD, tăng 3,4% so với cùng kì năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa 4 tháng ước tính xuất siêu 3 tỉ USD.

Hạ An