Hội nghị được tổ chức dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi, cùng với sự tham dự của hơn 250 đại biểu đến từ các Sở, Ban, ngành, doanh nghiệp của Thanh Hóa và một số tỉnh lân cận.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Thi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã giới thiệu khái quát về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và những lợi thế về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, năng lực của các doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa.
Ông Nguyễn Văn Thi cũng đánh giá Đông Bắc Á là thị trường trọng tâm, chiến lược và còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác đối với các sản phẩm thế mạnh của tỉnh Thanh Hóa.
Đồng thời, ông nhấn mạnh việc Cảng hàng không Thọ Xuân được nâng cấp thành Cảng hàng không quốc tế trong tương lai là động lực để các doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa nói riêng và Bắc Bộ nói chung đẩy mạnh các hoạt động vận chuyển hàng hóa và du lịch, mong muốn tỉnh Thanh Hóa phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Bộ Công Thương để hỗ trợ các doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu bền vững.
"Các doanh nghiệp phát triển thành công tương đương với việc tỉnh phát triển thành công”, ông Nguyễn Văn Thi khẳng định.
Gửi lời cảm ơn UBND, Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa đã hỗ trợ Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo lần này, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đánh giá cao thành tích xuất khẩu hơn 4 tỷ USD/năm của tỉnh Thanh Hóa với các mặt hàng đầy tiềm năng như sản phẩm lọc hóa dầu, sắt thép, xi măng, dệt may, da giày, tinh bột sắn, thủy hải sản, thực phẩm chế biến đóng hộp, hàng thủ công mỹ nghệ, v.v…
Thứ trưởng bày tỏ tin tưởng với tiềm năng sẵn có về quy mô kinh tế, vị trí chiến lược, nhân lực và tài nguyên cũng như sự sát sao, quan tâm tới doanh nghiệp của lãnh đạo tỉnh, Thanh Hóa sẽ sớm trở thành một cực tăng trưởng mới, cùng với Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Ninh tạo thành một tứ giác phát triển như mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị về "Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030 và tầm nhìn 2045".
Bên cạnh việc nêu bật vai trò, tầm quan trọng của khu vực Đông Bắc Á đối với xuất khẩu của Việt Nam nói chung cũng như Thanh Hóa nói riêng, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định doanh nghiệp cần thay đổi tư duy, chủ động tích cực nắm bắt thông tin thị trường, tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn sản xuất, nhập khẩu để khai thác tối đa cơ hội thị trường Đông Bắc Á.
Tại Hội nghị, bà Lê Hoàng Oanh - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương đã có một số chia sẻ về tiềm năng, cơ hội xuất khẩu sang khu vực Đông Bắc Á. Trong đó, giới thiệu chi tiết về dung lượng thị trường, tiềm năng và dư địa xuất khẩu, tiêu chuẩn nhập khẩu, thị hiếu của thị trường khu vực Đông Bắc Á đối với từng mặt hàng thế mạnh của tỉnh Thanh Hóa và đưa ra khuyến nghị cụ thể đối với doanh nghiệp trong từng lĩnh vực.
Trong khuôn khổ Hội thảo, các doanh nghiệp và cơ quan quản lý địa phương cũng đã có cơ hội giao lưu trực tuyến với 9 Tham tán thương mại, Trưởng Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc, Nhật Bản (Tokyo, Osaka), Trung Quốc (Bắc Kinh, Côn Minh, Nam Ninh, Quảng Châu), Đài Loan, Hồng Kông (Trung Quốc).
Nhiều băn khoăn, vướng mắc về cách thức tiếp cận thị trường, kênh phân phối hàng hóa, những khó khăn trong quá trình xuất khẩu nông sản, thủy sản đi các thị trường Đông Bắc Á của doanh nghiệp đã được các Tham tán, Trưởng Chi nhánh Thương vụ và lãnh đạo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi trực tiếp cung cấp thông tin, giải đáp cụ thể.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ ngành, địa phương tăng cường tổ chức các hoạt động tương tự nhằm kịp thời cung cấp thông tin, chính sách và cơ hội xuất khẩu đi thị trường nước ngoài đối với từng mặt hàng, ngành hàng cụ thể tới các doanh nghiệp, hiệp hội có nhu cầu; góp phần hỗ trợ hoạt động xuất khẩu phát triển theo hướng ổn định, bền vững hơn.