Theo Báo cáo “Mức độ hài lòng của doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu: Kết quả khảo sát năm 2020” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Tổng cục Hải quan - Bộ Tài chính và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam công bố mới đây, Bộ Công Thương được đánh giá nằm trong top đầu về lĩnh vực quản lý an toàn thực phẩm (QLATTP) và quản lý chất lượng hàng hóa (QLCLHH).
Trong số các doanh nghiệp cho biết đã từng thực hiện thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành trong năm vừa qua, phần lớn các doanh nghiệp có thực hiện thủ tục cấp giấy phép và giấy tờ tương đương trong lĩnh vực QLCLHH của Bộ Công Thương.
Theo đó, tỷ lệ doanh nghiệp gặp thuận lợi cao nhất khi tuân thủ thủ tục này là đối với Bộ Công Thương với 41,6% số doanh nghiệp được thực hiện khảo sát.
Còn đối với mức độ thuận lợi khi thực hiện thủ tục cấp phép và giấy tờ tương đương trong quản lý chất lượng hàng hoá của năm 2020 so với năm 2018, tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá dễ hoặc tương đối dễ trong thực hiện thủ tục của các Bộ, ngành đều có sự cải thiện theo thời gian. Trong đó, Bộ Công thương cũng là một trong những cơ quan có chuyển biến rõ nét nhất với 37,7%.
Giống như lĩnh vực QLCLHH, lĩnh vực quản lý an toàn thực phẩm nhìn chung nhận được những đánh giá tích cực về mức độ thuận lợi trong việc tuân các thủ tục so với khảo sát năm 2018. Lĩnh vực quản lý an toàn thực phẩm (QLATTP) bao gồm 3 thủ tục chính: (1) Thủ tục cấp giấy phép và giấy tờ tương đương; (2) Thủ tục công bố hợp quy và (3) Thủ tục kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP).
Trước hết, đối với nhóm thủ tục cấp giấy phép và giấy tờ tương đương, Bộ Công Thương có 25,7% doanh nghiệp thực hiện thủ tục này cho biết là dễ hoặc tương đối dễ thực hiện.
Với nhóm thủ tục công bố hợp quy trong lĩnh vực quản lý an toàn thực phẩm, tỷ lệ doanh nghiệp gặp thuận lợi cao nhất khi thực hiện thủ tục tại Bộ Công Thương với 25,8%. Bên cạnh đó, mức độ thuận lợi khi thực hiện thủ tục kiểm tra an toàn thực phẩm trong lĩnh vực này cũng được các doanh nghiệp đánh giá có sự chuyển biến theo thời gian.
Báo cáo “Mức độ hài lòng của doanh nghiệp về việc thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu: Một số phát hiện từ kết quả khảo sát năm 2020” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Tổng cục Hải quan - Bộ Tài chính phối hợp thực hiện, với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) nhằm nắm bắt kịp thời các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp trong hoạt động xuất, nhập khẩu, từ đó kiến nghị tới các bộ, ngành sửa đổi các quy định pháp luật, nâng cao hiệu quả thực thi, góp phần tạo thuận lợi thương mại cho cộng đồng doanh nghiệp.
Thông qua phản hồi của 3.657 doanh nghiệp từ nhiều lĩnh vực như kinh doanh xuất nhập khẩu, sản xuất xuất khẩu, gia công, chế xuất, dịch vụ logistics và đại lý hải quan, kết quả khảo sát đã phản ánh tình hình thực hiện TTHC xuất nhập khẩu nói chung; đánh giá hiệu quả thực hiện thủ tục hải quan của các Cục Hải quan tỉnh, thành phố nói riêng; đồng thời đem lại góc nhìn của doanh nghiệp về những khía cạnh khác nhau liên quan đến TTHC xuất nhập khẩu.
Với mục tiêu đẩy mạnh xã hội hóa một số khâu dịch vụ kỹ thuật phục vụ công tác quản lý an toàn thực phẩm, đến nay Bộ Công Thương đã chỉ định 29 cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ quản lý nhà nước, trong đó có 13/29 cơ sở ngoài công lập; chỉ định/ủy quyền 11 cơ quan kiểm tra nhà nước về thực phẩm nhập khẩu, trong đó 6/11 cơ quan kiểm tra ngoài công lập; chỉ định 3 cơ sở kiểm nghiệm kiểm chứng.