Sản lượng công nghiệp giảm tốc nhanh nhất trong 6 năm qua
Bộ Công Thương cho biết trong 3 tháng đầu năm, sản lượng công nghiệp giảm với tốc độ nhanh nhất trong hơn sáu năm rưỡi qua. Cụ thể, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 5,8%; thấp hơn khá nhiều so với mức tăng 12,7% của cùng kỳ năm 2018 và 9,2% của cùng kỳ năm 2019.
Trong đó, theo đánh giá của Bộ Công Thương, ngành chế biến, chế tạo là ngành chịu tác động nhiều nhất với tốc độ tăng chỉ đạt 7,2%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 10,9% của cùng kỳ năm trước.
Cùng với đó, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng thấp ở mức 2,8% so với mức 8% cùng kỳ năm trước. Hơn nữa, theo ước tính chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 24,9% so với mức 15,6% của cùng thời điểm năm trước.
Điển hình một số ngành hàng có chỉ số tồn kho tăng cao như sản xuất chế biến thực phẩm tăng 27,5%; dệt tăng 36,2%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 45,4%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 47,2%; sản xuất kim loại tăng 48,8%; sản xuất xe có động cơ tăng 122,5%...
Một số ngành có chỉ số sản xuất quý I/2020 tăng cao so với cùng kỳ năm trước như sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 28,3%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế và khai thác quặng kim loại cùng tăng 22,4%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 14,3%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 8,9%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 8,4%...
Cũng trong quý I, có một số ngành có chỉ số sản xuất giảm mạnh như sản xuất máy móc, thiết bị giảm 15,4%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 10,4%; sản xuất đồ uống giảm 9%; hoạt động dịch vụ hỗ trợ và khai thác mỏ, quặng giảm 8,2%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 4,2%...
Ngoài ra, theo thống kê của Bộ Công Thương, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu Quý I/2020 giảm so với cùng kỳ như ô tô giảm 10,4%; xe máy giảm 0,9%; quần áo mặc thường giảm 3,1%; phân hỗn hợp NPK giảm 3,7%; thép cán giảm 4,3%; sắt, thép thô giảm 4,5%; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 9,9%; dầu thô khai thác giảm 9,3%; bia giảm 18,9%.
Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm tăng cao như linh kiện điện thoại tăng 34,7%; xăng, dầu các loại tăng 17,4%; thép thanh, thép góc tăng 17,2%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 11,3%; giày, dép da tăng 8,5%; than sạch tăng 7,9%; điện sản xuất tăng 7,1%.
Phát triển công nghiệp hỗ trợ, tái cơ cấu chuỗi liên kết
Lý giải về nguyên nhân thực trạng trên, Bộ Công Thương cho rằng, trong Quý I/2020, dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại một số quốc gia đã ảnh hưởng đến nguồn cung nguyên liệu nhập khẩu phục vụ cho sản xuất công nghiệp, đặc biệt là ngành chế biến, chế tạo cũng như tạo ra khó khăn mới về thị trường tiêu thụ.
Hiện nay, khi những khó khăn ở giai đoạn đầu của dịch bệnh có thể không còn gay gắt, bởi một số đối tác quan trọng của Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản đã cơ bản đã kiểm soát được dịch bệnh, các nhà máy sản xuất và cung ứng nhiều loại nguyên vật liệu được vận hành trở lại… thì khó khăn lớn hơn đã xuất hiện khi phạm vi dịch bệnh đã lan rộng ở quy mô toàn cầu.
Hầu như tất cả các đối tác xuất nhập khẩu của Việt Nam đều chịu tác động trực tiếp. Do vậy, khó khăn về thị trường đầu ra cho sản phẩm hàng hóa của Việt Nam sẽ là rất lớn, cùng với đó là những vấn đề về sản xuất và người lao động.
Trong cuộc họp trực tuyến triển khai Chỉ thị số 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid - 19 của Bộ Công Thương diễn ra chiều ngày 31/3 vừa qua, đại diện Cục Xuất nhập khẩu cho biết, hiện nay một số ngành hàng như dệt may, da giày, đồ gỗ... đang hứng chịu tác động kép về nguồn nguyên liệu sản xuất và thị trường đầu ra.
Rất nhiều đối tác giãn thời gian giao hàng trong tháng 3, hoãn đơn hàng trong tháng 4, 5 và tạm chưa đàm phán đơn hàng từ tháng 6 trở đi gây khó khăn cho hoạt động sản xuất thương mại của doanh nghiệp.
Mặt khác, đại diện Cục Xuất nhập khẩu cũng cho rằng, việc nhập khẩu vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nguồn linh kiện, phụ tùng nhập khẩu từ Trung Quốc theo đường bộ mất nhiều thời gian thông quan hơn so với thông thường do các cửa khẩu vẫn đang áp dụng các biện pháp kiểm dịch.
Các doanh nghiệp đang tìm cách đa dạng hóa phương thức vận chuyển linh phụ kiện nhập khẩu thay cho đường bộ, song việc này sẽ dẫn đến gia tăng chi phí (đường hàng không) và thời gian (đường biển), đồng thời khó đảm bảo lượng linh phụ kiện cũng như tiến độ phục vụ công suất sản xuất.
Một số doanh nghiệp đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung ngoài Trung Quốc, song đối với việc phân công sản xuất theo chuỗi toàn cầu hiện nay và tính chất đặc thù của sản xuất điện tử, việc tìm nguồn cung dự phòng này không dễ và chi phí cũng tăng cao, đồng thời không ổn định về số lượng và chất lượng... đại diện Cục Xuất nhập khẩu thông tin.
Trong bối cảnh trên, Bộ Công Thương khẳng định, để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những tháng còn lại trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ tiếp tục triển khai thực hiện việc ứng phó với dịch Covid-19 trên tinh thần chủ động, quyết liệt đồng bộ cả trong công tác phòng, chống dịch bệnh và trong công tác triển khai các giải pháp để xử lý khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Theo đó, trong nửa đầu Quý II/2020, Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị thuộc bộ tiếp tục rà soát, báo cáo về thực trạng, nhu cầu nguyên vật liệu đầu vào, đề xuất phương án tổ chức sản xuất và các giải pháp để đa dạng hóa, bảo đảm nguyên vật liệu cho sản xuất kinh doanh và bảo đảm đủ nguồn cung cho hoạt động sản xuất trong nước.
Đặc biệt, từ nay đến cuối năm, Bộ Công Thương sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp trọng điểm. Phối hợp với các địa phương phát triển mạnh các vùng sản xuất, các khu công nghiệp, khu kinh tế để chủ động hơn nguồn cung ứng nguyên liệu trong nước
Đồng thời, Bộ cũng đề xuất các chính sách để ưu đãi phù hợp, trước hết là đối với ngành dệt may, da giày và các ngành chịu ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19; có cơ chế khuyến khích sản xuất linh kiện, sản phẩm trung gian trong nước thay thế nhập khẩu.
Đặc biệt, chú trọng thúc đẩy tái cơ cấu trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Trong đó, xác định trọng tâm là khu vực công nghiệp hỗ trợ và ngay từ bây giờ cần tập trung tái cơ cấu các chuỗi liên kết để phục vụ cho sản xuất công nghiệp, đặc biệt là một số ngành công nghiệp chế biến chế tạo lớn của ta như dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ... theo hướng bền vững hơn với một số đối tác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ... tránh phụ thuộc quá lớn vào một hoặc một số ít đối tác hoặc thị trường, Bộ Công Thương nêu rõ.