Dập dịch để ổn định sản xuất
Chia sẻ tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh cho biết, với những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, điều khiến Bắc Ninh quan tâm nhất vào lúc này là khoanh vùng, không để dịch bệnh lây lan đến các khu công nghiệp. Tỉnh hiện có 10 KCN đang hoạt động, với nhiều doanh nghiệp lớn là mắt xích trong chuỗi giá trị toàn cầu. Mật độ công nhân lao động sống trên địa bàn Bắc Ninh rất đông, cao gấp 5 lần cả nước.
“Bắc Ninh đứng thứ nhất về quy mô sản xuất công nghiệp trên địa bàn cả nước, nếu xảy ra đứt gãy chuỗi sản xuất thì thiệt hại sẽ vô cùng lớn. Nếu chỉ tập trung phòng chống dịch thì rất dễ, nhưng vấn đề đặt ra là làm thế nào để “vừa tay cày, tay súng” thì mới đảm bảo được mục tiêu kép”, bà Nguyễn Hương Giang - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh chia sẻ.
Để thực hiện được mục tiêu đó, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh kiến nghị Bộ Công Thương ban hành khung hướng dẫn xây dựng kịch bản ứng phó (giãn cách dây chuyền sản xuất, tổ chức sản xuất….) với dịch bệnh phù hợp với diễn biến từng giai đoạn, trên cơ sở đó các địa phương có thể triển khai thực hiện.
Chia sẻ với quan điểm của tỉnh, đại diện Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương nhận định, cũng như Bắc Giang, Bắc Ninh là một trong những địa phương có hoạt động sản xuất công nghiệp và xuất khẩu lớn nhất cả nước. Do đó, thực sự cần duy trì sản xuất của hai địa phương này dù trong bối cảnh dịch bệnh. Việc cho phép doanh nghiệp hoạt động trở lại trong KCN cần được ưu tiên tạo điều kiện, với yêu cầu đảm bảo phòng dịch chặt chẽ.
Ngoài ra, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cũng đề nghị Bắc Ninh không chỉ quan tâm đẩy nhanh dập dịch tại các KCN đang có dịch, mà phải ngăn chặn không để dịch bệnh lây sang các KCN khác.
Liên quan đến vấn đề vắc xin, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo, tại tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, công nhân làm việc khu công nghiệp là đối tương được ưu tiên trong tiêm phòng vắc xin. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp FDI hay doanh nghiệp Việt Nam đều có trách nhiệm chia sẻ, tham gia đóng góp nguồn lực vắc xin.
Đảm bảo nguồn cung thiết yếu, bình ổn thị trường
Trong khi đó, về nguồn cung thiết yếu, ngành Công Thương Bắc Ninh thời gian qua đã chủ động xây dựng phương án điều tiết, đảm bảo cung ứng hàng hóa, ổn định giá cả, nên về cơ bản đến nay đáp ứng đủ phục vụ nhu cầu của người dân trên địa bàn, đặc biệt là người dân trong vùng cách ly.
Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết thường xuyên trao đổi với Sở Công Thương Bắc Ninh trong triển khai các biện pháp đảm bảo nguồn cung thiết yếu, bình ổn định thị trường, tháo gỡ khó khăn trong lưu thông hàng hóa. Đồng thời, xây dựng các phương án đảm bảo nguồn cung hàng hóa theo các diễn biến của dịch bệnh.
Dù không quá lo lắng, nhưng Bắc Ninh cũng không được chủ quan, sẵn sàng trước tình huống xấu hơn có thể xảy ra, theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải. Bộ Công Thương vẫn đang phối hợp chặt chẽ với tỉnh, khẳng định cung ứng đủ hàng hóa cho địa phương.
Về việc vận chuyển lưu thông hàng hóa giữa các địa phương bị chậm do dịch bệnh, Vụ Thị trường trong nước đang tích cực trao đổi, phối hợp với các địa phương để tháo gỡ khó khăn khi xe vận chuyển của doanh nghiệp phân phối bị ách tắc tại các chốt kiểm dịch.
Mặt khác, đại diện Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, các đội QLTT đang trực chiến 24/24 tại các chốt kiểm soát chống dịch, tập trung thực hiện tuyên truyền phổ biến, yêu cầu các cơ sở không tăng giá dược phẩm, khẩu trang…
An toàn mới sản xuất
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, việc phòng dịch ở Bắc Ninh trong thời điểm này có những yêu cầu khác so với tỉnh Bắc Giang. Ở Bắc Giang, dịch bệnh bùng phát trong các cơ sở công nghiệp và khu công nghiệp, hiện nay, những khu vực này đang được khoanh vùng, dập dịch. Còn ở Bắc Ninh, dịch bùng phát ngoài cộng đồng, dù có lan vào các KCN nhưng ở phạm vi chưa lớn, mới chỉ cục bộ một vài điểm.
Khẳng định việc bên cạnh tập trung phòng chống dịch vẫn phải duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đang sản xuất các mặt hàng xuất khẩu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, đầu tiên phải chỉ đạo, hỗ trợ, hướng dẫn các cơ sở sản xuất kinh doanh trong KCN thực hiện quy định về phòng chống dịch, nghiêm túc thực hiện 5K. Chủ động đánh giá mức độ an toàn của dịch bệnh, cập nhật bản đồ chung sống an toàn với Covid-19 để có phương án sản xuất phù hợp. Bên cạnh đó, cần khẩn trương truy vết, khoanh vùng, dập dịch nhất là những ổ dịch đã lan vào khu công nghiệp, khu chế xuất.
Về việc cho phép mở cửa hoạt động trở lại các cơ sở công nghiệp, Bộ trưởng đồng ý với đề xuất này. Tuy nhiên, vấn đề bây giờ là từng cơ sở công nghiệp phải tự đánh giá sự an toàn của cơ sở và xây dựng tốt phương án duy trì sản xuất theo từng cấp độ. Nếu an toàn thì có thể sản xuất 100%, hoặc nếu không được thật sự an toàn thì phải tìm phương án phù hợp theo tinh thần nếu đảm bảo an toàn thì mới sản xuất.
Bộ trưởng đề nghị Bắc Ninh chủ động phối hợp với các Bộ, ngành chức năng và Bộ Công Thương đề xuất với Chính phủ về việc cho phép nhập cảnh một số chuyên gia đầu ngành và chỉ đạo tổ chức thật tốt việc cách ly bắt buộc và việc tổ chức làm việc trực tuyến cho các chuyên gia khi nhập cảnh vào Việt Nam.
Liên quan đến cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, đây là một yêu cầu rất cấp bách, không được chủ quan. Bởi lẽ, hiện Bắc Ninh vẫn trong trạng thái bình thường, nhưng nếu giả định trong những ngày tới, số ca trong cộng đồng bùng phát nhiều hơn thì việc cung ứng các nhu cầu thiết yếu là vô cùng cấp bách. Do đó, ngành Công Thương địa phương phải xây dựng kịch bản để xử trí tình huống theo phương châm bốn tại chỗ.
Về phía mình, Bộ Công Thương khẳng định sẽ nỗ lực làm hết sức mình, góp phần cùng giúp Bắc Ninh vượt qua đại dịch và hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội.