Xác định thị trường trong nước là quan trọng nhất
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến căng thẳng như hiện nay, nhiều chuyên gia nhận định, giải pháp thúc đẩy, hỗ trợ tiêu thụ nông sản ở thị trường trong nước cần được chú trọng hơn bao giờ hết, nhất là khi chúng ta đã có nền tảng là kết quả to lớn từ Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Với ưu thế gần 100 triệu dân, thị trường trong nước được coi là cứu cánh cho các sản phẩm nông sản, trong đó có quả vải thiều Bắc Giang.
Thống kê của Sở Công Thương Bắc Giang cho thấy, hàng năm thị trường trong nước tiêu thụ từ 40 - 50% sản lượng vải thiều của Bắc Giang. Trên thực tế năm nay, để đẩy mạnh tiêu thụ vải ở thị trường nội địa, Bắc Giang đã thực hiện nhiều biện pháp quảng bá sản phẩm ngay từ khi vải chưa được thu hoạch.
Ông Lê Ánh Dương - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang thông tin, ở niên vụ 2021, Bắc Giang có 28.000 ha vải thiều, sản lượng ước đạt 180.000 tấn. Trong đó, hơn 200 ha vải xuất khẩu sang Nhật Bản với 30 mã vùng; 218ha xuất khẩu sang Hoa Kỳ, châu Âu (EU) với 18 mã vùng và 15.867 ha xuất khẩu sang Trung Quốc - 149 mã vùng.
Riêng huyện Lục Ngạn hiện có 15,45 nghìn ha vải thiều, tăng 160 ha so với năm 2020, sản lượng ước đạt hơn 120 nghìn tấn. Trong đó vải chín sớm khoảng 30 nghìn tấn. Dự báo thời gian thu hoạch vải sớm từ ngày 20/5, vải thiều chính vụ từ ngày 10/6 - 20/7.
Chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, việc tiêu thụ nông sản của Bắc Giang, đặc biệt là lưu thông, vận chuyển nông sản từ Bắc Giang sang các địa phương khác cũng như xuất khẩu qua các cửa khẩu đang gặp khó khăn. Do vậy, Bắc Giang xác định chuyển từ tỷ lệ tiêu thụ nội địa 50% như các năm trước lên 60%-70% sản lượng, trong đó tập trung tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố như Hải Phòng, Hà Nội, Lào Cai, Quảng Ninh, Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…
Song song đó, tỉnh cũng tập trung đẩy mạnh việc mở rộng thị trường tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên thông qua các hoạt động hội chợ, kết nối giao thương hướng đến phân khúc thị trường tại các chợ đầu mối, các siêu thị, hệ thống bán lẻ để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng trong nước”, ông Lê Ánh Dương cho biết.
Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho hay, trước đó, để hỗ trợ Bắc Giang tiêu thụ quả vải ngay trên sân nhà, Vụ đã phối hợp với Bắc Giang, Cục Xúc tiến thương mại, các tập đoàn phân phối, hệ thống bán lẻ, chợ đầu mối, doanh nghiệp, thương nhân trong nước để trao đổi thông tin về mùa vụ, các điều kiện tiêu thụ vải... Ngày 24/5 vừa qua, Bộ Công Thương cũng đã có văn bản gửi hệ thống phân phối lớn, đề nghị tăng lượng thu mua từ 1,5 đến 3 lần so với các mùa vụ trước.
Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cũng chia sẻ, Cục sẽ chủ trì phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số hỗ trợ địa phương quảng bá, xúc tiến tiêu thụ quả vải thiều qua trên môi trường số, đặc biệt là kênh thương mại điện tử.
"Việc đưa nông sản bán online sẽ tạo thêm một kênh phân phối bền vững cho sản phẩm tiềm năng của các địa phương, nâng cao năng lực chuyển đổi số cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và đặc biệt khuyến khích tinh thần người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, ông Vũ Bá Phú nhìn nhận.
Nhấn mạnh thị trường trong nước là giải pháp đắc lực giúp người nông dân Bắc Giang giải quyết được lượng hàng nông sản hiện nay, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, thị trường trong nước là quan trọng nhất ở thời điểm hiện tại. Những năm trước chỉ 50% sản lượng vải tiêu thụ ở thị trường trong nước thì nay phải lên gấp rưỡi. Khó khăn từ dịch bệnh sẽ chính là cơ hội để thực hiện các giải pháp tối ưu hóa thị trường 100 triệu dân lý tưởng.
Ưu tiên xuất khẩu chính ngạch
Bên cạnh việc tối ưu hóa thị trường trong nước, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đề nghị, tỉnh Bắc Giang cùng các Cục Vụ trực thuộc Bộ tiếp tục quan tâm đến hoạt động xuất khẩu quả vải với mục tiêu duy trì các thị trường xuất khẩu truyền thống và mức xuất như các năm.
Bộ trưởng chỉ đạo “có thể giảm sản lượng nhưng không giảm giá, chỉ ở mức bằng hoặc hơn để giữ được thương hiệu đồng thời giữ được thị trường”. Đặc biệt, Bộ trưởng nhấn mạnh đến việc đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu chính ngạch quả vải thay vì hoạt động xuất khẩu nhỏ lẻ, tiểu ngạch như hiện nay.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh yêu cầu, trong tình hình hiện nay, Bắc Giang cần đảm bảo quy trình 4 bước cho quả vải xuất khẩu.
Một là, tạo lòng tin về sự an toàn cho quả vải, đề nghị sớm liên hệ với Bộ Y tế để xác nhận quy trình kiểm soát an toàn đối với quả vải.
Hai là, tạo ra lòng tin về quy cách-số lượng-chất lượng và đề nghị giao cho Sở Công Thương và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Giang xác nhận vấn đề này.
Ba là, kêu gọi không chỉ riêng Bắc Giang mà đối với tất cả các địa phương là chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch.
Bốn là, trong quá trình lưu thông, vận chuyển quả vải, nếu có vấn đề phát sinh cần liên hệ ngay với Bộ Công Thương để tạo thuận lợi nhất cho Bắc Giang.
Thứ trưởng nhấn mạnh, “bài học ùn ứ nông sản ở năm 2020 vẫn còn hiện hữu, khi xuất khẩu tiểu ngạch gặp khó khăn, ùn ứ thì ở cửa khẩu Hữu Nghị cực kỳ thông thoáng. Do vậy, việc xuất khẩu chính ngạch quả vải là rất cần thiết. Chúng ta phải chuyển mạnh, chuyển ngay. Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các địa phương, cửa khẩu để bảo đảm thông quan dễ dàng, thuận lợi hơn nữa, ưu tiên luồng xanh ở các cửa khẩu chính ngạch cho sản phẩm vải thiều”.
Ngoài ra, để xúc tiến xuất khẩu quả vải Bắc Giang được thuận lợi, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng khẳng định, Bộ sẽ làm đầu mối kết nối Bắc Giang với các chi nhánh ở nước ngoài hỗ trợ, tạo điều kiện tuyên truyền, quảng bá và thúc đẩy kết nối, tiêu thụ, xuất khẩu vải thiều Bắc Giang ở thị trường các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, Singapore...