Ngày 24/12, tại buổi làm việc với UBND Tp. Hồ Chí Minh về bình ổn hàng hoá dịp Tết Nguyên Đán 2019, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị 08 đảm bảo cung cầu, bình ổn thị trường Tết Nguyên Đán và những tháng đầu năm 2019, trên cơ sở đó Bộ Công Thương đã tổ chức các đoàn làm việc với các tỉnh, thành để thực hiện bình ổn cung cấp hàng hoá trước, trong và sau Tết. Riêng đối với Tp. Hồ Chí Minh, việc cung cấp hàng hoá không chỉ đối với thành phố mà còn cho toàn vùng phía Nam.
Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Tp. Hồ Chí Minh cho hay, thành phố sẽ không để tăng giá đột biến những mặt hàng trọng yếu. Thành phố sẽ phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện tốt nhất bình ổn giá dịp Tết và những tháng đầu năm 2019, đảm bảo anh sinh xã hội.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, thời gian qua thành phố đã làm tốt công tác bình ổn mặt hàng thiết yếu không chỉ dịp Tết mà còn cả năm. Vì thế thành phố tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, thông tin kịp thời cho các cấp liên quan đến điều hành giá; tăng cường phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, vệ sinh an toàn thực phẩm nhất là trong dịp Lễ, Tết. Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với thành phố để thực hiện tốt các công việc này.
Theo Phó giám đốc Sở Công Thương Tp.Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Huỳnh Trang, hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu cung ứng cho người tiêu dùng thành phố chủ yếu từ 3 nguồn chính là các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn thị trường (chiếm từ 30% - 40% thị phần), các chợ đầu mối (60% - 70%) và các doanh nghiệp khác (10% - 20%).
Đến thời điểm hiện nay, các doanh nghiệp đã cơ bản hoàn tất chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết, đủ khả năng cân đối cung – cầu thị trường, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng thành phố và các địa phương lân cận.
Cụ thể, lượng hàng hóa các doanh nghiệp tham gia Chương trình Bình ổn thị trường chuẩn bị cung ứng Tết với tổng nguồn vốn vay từ các ngân hàng là 19.650 tỷ đồng, tăng 1.480 tỷ đồng (8,14%) so năm 2017, qua đó chuẩn bị sản xuất, dự trữ cung ứng cho 2 tháng Tết là 18.424,8 tỷ đồng, tăng 612,7 tỷ đồng (3,44%) so với nguồn vốn chuẩn bị Tết Mậu Tuất 2018.
Lượng hàng chuẩn bị tăng 13,2% - 16,9% so kế hoạch thành phố giao như thịt gia cầm (chiếm 55,2%), trứng gia cầm (51,1%), thực phẩm chế biến (33,6%), thịt gia súc (31,7%), dầu ăn (34,5%), gạo (29,3%)...
Nguồn hàng hóa tại 3 chợ đầu mối nhập chợ bình quân trên 9.000 tấn/ngày, chủ yếu là các mặt hàng nông sản, rau củ quả, thịt gia súc, thủy hải sản. Dự kiến vào thời điểm cận Tết, lượng hàng về chợ tăng khoảng 80% so với ngày thường, lên đến 15.000-16.000 tấn/ngày.
Theo bà Nguyễn Huỳnh Trang, các doanh nghiệp tham gia Chương trình Bình ổn thị trường cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong 1 tháng trước Tết và 1 tháng sau Tết; đồng thời thực hiện giảm giá sâu trong 2 ngày cận Tết đối với các mặt hàng thiết yếu như thịt lợn, thịt gà, trứng gia cầm,...
Bên cạnh đó, trong tháng cận Tết nhằm kích thích mua sắm tiêu dùng, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố sẽ thực hiện nhiều chương trình khuyến mại, tập trung vào các mặt hàng Tết như nước giải khát, bánh, kẹo, mứt, quần áo...
Các hệ thống phân phối lớn như Sài Gòn Co.op, Satra, Aeon – Citimart, BigC dự kiến tổ chức nhiều Chương trình khuyến mại giảm giá từ 5% - 49% cho hàng ngàn mặt hàng phục vụ Tết.
Đánh giá tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, TP HCM là một trong những địa phương thực hiện rất tốt công tác chuẩn bị hàng hóa, bình ổn thị trường, giá cả dịp cuối năm. Đồng thời, tích cực trong công tác phối hợp, báo cáo công tác chuẩn bị hàng hóa và tình hình thị trường Tết Nguyên đán, giúp Bộ Công Thương nắm bắt sát được tình hình thị trường tại địa phương phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành chung.
Tuy nhiên, Thứ trưởng đề nghị, mặc dù đã chuẩn bị chu đáo song không vì thế mà có thể chủ quan. Trong thời gian tới, thành phố tiếp tục thực hiện kế hoạch đảm bảo các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhân dân đón Tết đầy đủ, chu đáo, an toàn, gắn công tác BOTT Tết với việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” phù hợp với tình hình thực tế của địa phương một cách có hiệu quả.
Bên cạnh đó, cần theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết trên địa bàn. Chủ động phối hợp, báo cáo tình hình thị trường Tết với Bộ Công Thương, nhất là thời điểm trước và trong Tết Nguyên đán 2019, có phương án hoặc đề xuất biện pháp ứng phó kịp thời nhằm ổn định thị trường khi cần thiết.
"Các tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán là thời điểm tình hình buôn lậu, vận chuyển hàng giả, hàng cấm, sản xuất hàng giả diễn biễn phức tạp. Vì vậy, Sở Công Thương cần đôn đốc chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường tập trung vào các nhóm hàng được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết, nhóm hàng lương thực, thực phẩm…" - Thứ trưởng đề nghị.