Trong thời gian tới, Bộ Công Thương triển khai loạt biện pháp nhằm phát triển thị trường trong nước, góp phần hình thành và phát triển các chuỗi cung ứng hàng hóa, trước hết là chuỗi cung ứng hàng nông sản thực phẩm thiết yếu của thị trường nội địa; Đẩy mạnh liên kết chuỗi, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất với các doanh nghiệp bán lẻ. Tăng cường đầu tư cho các hoạt động chế biến nhằm gia tăng giá trị cho hàng hóa nông sản, tối đa hóa nhuận và hỗ trợ tiêu thụ hiệu quả với các hàng hóa có tính mùa vụ cao.
Đặc biệt, Bộ Công Thương thực hiện loạt biện pháp nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thương mại, gắn kết giữa thương mại điện tử với các loại hình hoạt động thương mại truyền thống.
Xây dựng "Đề án phát triển nền tảng ứng dụng thương mại điện tử" để thúc đẩy kết nối giữa các nhà sản xuất và phân phối trên nền tảng liên kết chặt chẽ về thông tin từ nhà sản xuất đến hệ thống phân phối cùng sự hỗ trợ của Nhà nước.
Tổ chức triển khai giải pháp ứng dụng công nghệ Blockchain trong truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa có dán tem IDEA-Blockchain đối với một số mặt hàng nông sản nhằm nâng cao thương hiệu, đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông sản ra các nước phát triển trong bối cảnh hiệp định EVFTA được phê chuẩn; xây dựng giải pháp tổng thể cho hệ thống Sàn giao dịch dịch vụ logistics giữa các doanh nghiệp dịch vụ logistics và doanh nghiệp chủ hàng nhằm tạo thuận lợi cho dịch vụ giao hàng gắn với thương mại điện tử theo xu thế diễn biến tình hình dịch bệnh Covid hiện nay; hỗ trợ doanh nghiệp ngành Công Thương ứng dụng công nghệ số trong Chuyển đổi số tiếp cận cuộc CMCN 4.0 hướng tới tăng năng suất quản lý và đẩy mạnh hoạt động của doanh nghiệp; thiết lập email thương hiệu, tham gia sàn giao dịch TMĐT trong nước và quốc tế, ứng dụng các phần mềm quản lý thông tin khách hàng (CRM), phần mền quản lý sản xuất. phần mềm quản lý và bán hàng thông minh, xây dựng trang Landing Page,.... nằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh xúc tiến bán hàng trên môi trường mạng.
Số hóa hệ thống thông tin về thị trường: triển khai xây dựng kế hoạch nâng cấp Cổng thương mại điện tử quốc gia có địa chỉ tên miền là: www.ECVN.com; hệ thống thông tin xuất khẩu có địa chỉ tại: www.vietnamexport.com để cập nhật thông tin về tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam nói chung và các địa phương nói riêng theo tuần và kết nối giao thương; Thuận lợi hoá thủ tục hành chính trong hoạt động xuất khẩu thông qua hoạt động khai CO điện tử; xây dựng kế hoạch hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương trong hoạt động khởi tạo mã truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hoá (QR Code) trên Hệ thống truy xuất nguồn gốc...
Triển khai xây dựng trục kết nối dịch vụ thương mại điện tử (giai đoạn I), nhằm hỗ trợ các đơn vị cung cấp dịch vụ trực tuyến giới thiệu dịch vụ của mình trên hệ thống này, ngoài ra Trục còn được kết nối với các sàn TMĐT của địa phương nhằm liên kết giới thiệu các sản phẩm của địa phương; xây dựng, vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc giúp doanh nghiệp, hộ kinh doanh có thể khởi tạo mã QR Code, kết nối máy in tem truy xuất; giải pháp quản lý dữ liệu khách hàng trực tuyến cho các cá nhân/đơn vị (CRM giai đoạn 2); xây dựng cổng kết nối sản phẩm xuất khẩu cho hệ thống bán hàng trực tuyến toàn cầu Amazon.
Kết nối với các Tập đoàn bán lẻ trực tuyến hàng đầu thế giới để tạp thuận lợi cho doanh nghiệp và người tiên dùng tiếp cận với thương mại điện tử: Đẩy mạnh triển khai thực hiện biên bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương và Tập đoàn Amazon đẩy mạnh xuất khẩu thông qua thương mại điện tử; tiếp tục phối hợp với Amazon Global Selling triển khai các chuỗi các sự kiện, hội nghị, hội thảo, đào tạo tập huấn… hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thông qua trang thương mại điện tử Amazon.com; hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp bán hàng trên Amazon.com theo hướng phát triển và xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm, ngành hàng và triển khai gian hàng chung trên trang thương mại điện tử Amazon.com nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam mở rộng xuất khẩu, nâng cao giá trị sản phẩm Việt Nam.
Trước tình hình khó khăn của dịch Covid 19, thị trường trong nước đã bị tác động đáng kể. Mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3 ước tính đạt 390 nghìn tỷ đồng, giảm 4% so với tháng trước và giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 316,1 nghìn tỷ đồng, giảm 1,5% và tăng 4,7%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 33,9 nghìn tỷ đồng, giảm 18,4% và giảm 26,8%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 1,3 nghìn tỷ đồng, giảm 44,7% và giảm 62,3%; doanh thu dịch vụ khác đạt 38,7 nghìn tỷ đồng, giảm 7,1% và giảm 6,5%. Tính chung quý I/2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 1.246,1 nghìn tỷ đồng, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước - đây là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm gần đây, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 1,6% (cùng kỳ năm 2019 tăng 9,3%).