PV: Với dự thảo sửa đổi biểu giá điện hiện nay mà Bộ Công Thương đang lấy ý kiến, thưa ông cho biết cơ sở nào để chúng ta tính ra các bậc cho biểu giá này?
Cục trưởng Nguyễn Anh Tuấn: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã tiến hành nghiên cứu và xây dựng các phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho đối tượng khách hàng sinh hoạt và đối tượng khách hàng ngoài sinh hoạt.
Nguyên tắc chung của Bộ Công Thương trong việc triển khai xây dựng các phương án biểu giá bán lẻ điện đối với khách hàng sinh hoạt là đảm bảo:
Thứ nhất, chỉ cải tiến biểu giá bán lẻ điện, không điều chỉnh giá điện, nên cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sau khi được điều chỉnh phải giữ giá điện bình quân bằng với giá điện đã được Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 3/2019.
Thứ hai, chi phí tiền điện của đối tượng khách hàng sử dụng điện thấp không thay đổi sau khi cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Đây là đối tượng sử dụng điện dưới 201kWh/tháng, thường là người lao động, cán bộ công nhân viên chức, có thu nhập thấp hoặc trung bình trong xã hội.
Thứ ba, duy trì hỗ trợ của Chính phủ cho các hộ nghèo, hộ chính sách theo quy định. Theo tính toán của Bộ Tài chính hiện nay, hàng năm chúng ta đang hỗ trợ khoảng trên 1000 tỷ đồng cho đối tượng này. Trong quá trình xây dựng cơ cấu biểu giá bán lẻ điện mới, chính sách này vẫn được duy trì, hỗ trợ cho người nghèo và hộ gia đình chính sách.
Thứ tư, cơ cấu biểu giá bán lẻ bậc thang phù hợp với thực tế sử dụng điện của khách hàng và thay đổi khoảng cách giữa các bậc thang để làm sao giảm thiểu sự tăng giá điện vào thời điểm chuyển mùa ví dụ như từ mùa xuân sang mùa hè, khi nhiệt độ tăng, nhu cầu điện tăng lên.
Cuối cùng, trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi cơ cấu biểu giá bán lẻ điện có phương án điện 1 giá, Bộ Công Thương cũng chú trọng đáp ứng nhu cầu một số khách hàng trong lựa chọn cơ cấu biểu giá phù hợp nhất với thực tế sử dụng điện.
PV: Với biểu giá điện một giá, vấn đề thực hiện an sinh xã hội và công bằng trong giá điện được đảm bảo thế nào?
Cục trưởng Nguyễn Anh Tuấn: Hiện nay Bộ Công Thương đang xây dựng, đưa ra 2 phương án biểu giá bán lẻ điện.
Phương án thứ nhất là cơ cấu biểu giá bán lẻ bậc thang có 5 bậc, giảm 1 bậc so với hiện nay. Trong đó chúng tôi đã nâng bậc 1 từ 50kWh lên 100kWh, tức ghép bậc 1 và bậc 2 tạo thành bậc 1 mới để phù hợp với thực tế sử dụng điện của người dân đang ngày càng tăng lên.
Đối với bậc từ 101-200kWh chúng tôi giữ nguyên, ghép các bậc từ 201-300kWh với 301-400 kWh thành bậc mới.
Đối với sản lượng điện trên 400kWh là bậc cao nhất hiện tại thì chúng tôi chia làm đôi là bậc từ 401-700 kWh và bậc trên 700kWh.
Đối với cơ cấu biểu giá bán lẻ điện bậc thang này chúng ta đảm bảo là phần lớn các khách hàng sử dụng điện ở mức độ thấp, đặc biệt là khách hàng dưới 401kWh đều đảm bảo giá điện giữ nguyên như phương án biểu giá điện hiện nay, trừ một số khách hàng bậc 200-300kWh chi phí tiền điện sẽ tăng do ghép bậc 201-300 kWh và 301-400 kWh thành bậc mới, nhưng số tăng không nhiều, chỉ khoảng trên 7.000 đồng.
Phần lớn khách hàng sử dụng điện dưới 400kWh, là mức phổ biến nhất hiện nay, thì đều đảm bảo là giữ nguyên hoặc giảm chi phí sử dụng điện, đặc biệt các hộ sử dụng điện dưới 200kWh.
Đối với phương án 2, về nguyên tắc chúng tôi đề xuất vẫn giữ nguyên năm bậc thang giống như phương án 1, và như vậy chỉ thay đổi giá điện bậc thang cuối cùng là bậc thang 5 (trên 700kWh).
Với tính toán như vậy, chúng tôi đề xuất thêm 1 phương án giá 1 bậc, để các khách hàng sử dụng điện trên 800kWh (với phương án 2A) và trên 1.100kWh (với phương án 2B), cộng với cơ cấu hiện tại thì giá bán lẻ điện bình quân sinh hoạt vẫn bằng như hiện nay, là 2.056 đồng.
Phương án 2 này vẫn duy trì 5 bậc thang như ở phương án 1, và giá điện 4 bậc thang đầu giữ nguyên, nên toàn bộ chi phí tiền điện của các đối tượng nghèo, các đối tượng thu nhập thấp, cán bộ, công nhân viên chức, tất cả đối tượng khách hàng sử dụng điện dưới 700kWh thì giá điện tính theo bậc thang vẫn giống như biểu giá bậc thang tại phương án 1 chúng tôi đã nêu. Vì vậy, sẽ đảm bảo cho đa số người dân, tương đương 98%, theo đúng những tiêu chí đã nêu ở trên.
Tuy nhiên, hiện nay thì cũng rõ ràng là chưa có một phương án nào đáp ứng được toàn bộ mong muốn, yêu cầu tất cả các khách hàng sử dụng điện bởi có người sử dụng ít, có người sử dụng nhiều, có những người vào tháng nắng nóng lại sử dụng rất nhiều.
Vậy nên, Bộ Công Thương đưa ra các phương án này với mong muốn lấy ý kiến của các khách hàng sử dụng điện, các cơ quan, đơn vị và thông qua các kênh truyền thông để có thể thu thập thêm ý kiến của độc giả các báo, đài, truyền hình, từ đó tổng hợp ý kiến. Trên cơ sở đó chúng tôi sẽ hoàn thiện các phương án. Dự thảo này mới chỉ là lần thứ nhất, chúng tôi sẽ hoàn chỉnh thêm, tổng hợp thêm các ý kiến góp ý của tất cả các khách hàng sử dụng điện, để xây dựng được phương án có thể đáp ứng được phần lớn mong muốn, yêu cầu của khách hàng sử dụng điện. Trên cơ sở đó trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định phương án cuối cùng.
PV: Vậy với phương án điện một giá thì đối tượng sử dụng nào sẽ có lợi và giá điện có thực sự giảm so với áp dụng bậc thang không?
Cục trưởng Nguyễn Anh Tuấn: Như tôi nói trên, giá điện một giá chỉ là một lựa chọn trong các phương án biểu giá điện. Theo tính toán nếu ở phương án 2A, khách hàng sử dụng điện trên 800kWh/tháng, tức đối tượng sử dụng điện tương đối nhiều, hay với phương án 2B là khách hàng sử dụng điện trên 1.100kWh/tháng, thì việc áp dụng điện một giá sẽ thuận tiện hơn, chi phí tiền điện có thể sẽ thấp hơn so với giá điện bậc thang.
PV: Căn cứ nào để tính toán ra mức giá điện một giá trong phương án mới mà Bộ Công Thương đưa ra, thưa ông?
Cục trưởng Nguyễn Anh Tuấn: Việc tính toán giá điện một giá như tôi nói trên thì vẫn phải đảm bảo các nguyên tắc tính toán cải tiến biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt, có nghĩa là vẫn đảm bảo là giá bán lẻ điện bình quân sinh hoạt giữ nguyên, đảm bảo chi phí trả tiền điện của phần lớn khách hàng sử dụng điện ở mức dưới 701kWh là như cũ.
Đối với đối tượng trên 700kWh, chúng ta phải tính toán làm sao để tổng chi phí của họ cộng với chi phí của khách hàng sử dụng dưới 701kWh tính ra bình quân vẫn bằng phương án cũ.
Tất nhiên với phương án 1 giá này thì với khách hàng sử dụng dưới 801kWh nên sử dụng giá điện bậc thang, vì sẽ có lợi nhất. Còn đối với đối tượng trên 800kWh/tháng mới nên chọn phương án một giá. Đối với đối tượng sử dụng nhiều điện này, thứ nhất chi phí là một chuyện, nhưng bên cạnh đó họ sẽ khắc phục được điểm tồn tại của giá điện bậc thang, ví dụ như giá điện vào những mùa nắng nóng, vì 800kWh/tháng là họ sử dụng rất nhiều thiết bị điện trong nhà. Hè nắng nóng sẽ không còn đột biến nữa, bởi giá điện là một giá.
Thứ hai, hoàn toàn không có câu chuyện nhầm lẫn trong việc ghi chỉ số công tơ nữa khi áp dụng điện một giá. Và tôi xin nhấn mạnh lại, các khách hàng sử dụng điện dưới 801kWh/tháng áp dụng giá bậc thang thì tiền điện vẫn sẽ như thế, chỉ có đối tượng sử dụng điện trên 800kWh mới nên chọn phương án một giá.
Tuy nhiên, như tôi đã nói ở trên, đây vẫn chỉ là phương án để xin ý kiến, vì không có phương án nào có thể đáp ứng được tất cả mong muốn của khách hàng, vậy nên Bộ Công Thương đã xây dựng ứng dụng trên trang website của Bộ để xin ý kiến của đông đảo khách hàng. Chúng tôi cũng sẽ thông qua các trang website của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, trang chăm sóc khách hàng của các Công ty Điện lực để thu thập thêm ý kiến của các khách hàng sử dụng điện cũng như độc giả các báo, đài. Trên cơ sở đó chúng tôi sẽ hoàn chỉnh phương án cuối cùng làm sao phù hợp nhất với người dân để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.