Báo cáo tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Công Thương ngày 15/1/2021, lãnh đạo TP. Hải Phòng cho biết trong những năm vừa qua, kinh tế Thành phố tăng trưởng khá cao, trung bình 14,57%/năm trong giai đoạn 2016-2019, gấp 1,68 lần mức tăng chung của cả nước.
Cùng với đó là nhu cầu sử dụng năng lượng của Thành phố tăng cao, tốc độ tăng trưởng tiêu dùng năng lượng khoảng 8,2%/năm, tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm bình quân giai đoạn 2016-2019 đạt 13,07%/năm.
Theo Quy hoạch phát triển điện lực Thành phố Hải Phòng giai đoạn 2016-2025, có xét đến năm 2035 được Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định số 4274/QĐ-BCT ngày 14/11/2018, công suất cực đại Thành phố Hải Phòng năm 2020 là 1.348MW, năm 2025 là 2.112MW, năm 2030 là 2.986MW và đến năm 2035 là 3.989MW.
Như vậy, so với năm 2020, nhu cầu công suất cực đại của Hải Phòng đến năm 2025 cần thêm 764MW, đến năm 2030 cần thêm 1.638MW, đến năm 2035 cần thêm 2.641MW.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của LNG trong bối cảnh phát triển năng lượng gắn liền với bảo vệ môi trường, ngày 22/7/2020, HĐND Thành phố đã thông qua Nghị quyết số 20/NQ-HĐND về Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó định hướng điều chỉnh Trung tâm nhiệt điện Hải phòng 3 tại Thủy Nguyên thành Nhà máy điện khí (LNG) Hải Phòng tại Cát Hải và Tiên Lãng.
Theo lãnh đạo Thành phố, việc đầu tư xây dựng các nhà máy điện khí LNG này sẽ góp phần đảm bảo đủ nguồn năng lượng của Hải Phòng cũng như khu vực miền Bắc, phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ, đột phá của Thành phố trong giai đoạn tới, đồng thời giảm phát thải nhà kính, hướng đến mục tiêu phát triển xanh và bền vững.
Cụ thể, Tổ hợp nhà máy điện khí LNG tại đảo Cái Tráp, huyện Cát Hải do Tập đoàn Vingroup - Công ty CP làm chủ đầu tư (dự kiến), có quy mô công suất 1.600MW, chia làm 2 giai đoạn (Giai đoạn I công suất 800MW, đưa vào vận hành năm 2025; Giai đoạn II công suất 800MW, đưa vào vận hành năm 2028).
Tổ hợp nhà máy điện khí LNG tại xã Hùng Thắng, huyện Tiên Lãng do Tập đoàn Exxon Mobil (Hoa Kỳ) làm chủ đầu tư (dự kiến), có quy mô công suất 4.500MW, chia làm 2 giai đoạn (Giai đoạn I công suất 3x750MW, đưa vào vận hành năm 2026-2027; Giai đoạn II công suất 3x750MW, đưa vào vận hành năm 2029-2030).
Các nhà máy này sẽ được đấu nối lên lưới điện quốc gia qua tuyến đường dây 220kV mạch kép và tuyến đường dây 500kV mạch kép về TBA 500kV Hải Phòng.
Lãnh đạo TP. Hải Phòng kiến nghị Bộ Công Thương xem xét đưa 2 tổ hợp nhà máy điện khí LNG vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch Điện VIII).
Ngoài ra, kiến nghị Bộ Công Thương tiếp tục nghiên cứu, đề xuất một số cơ chế, chính sách và hỗ trợ doanh nghiệp trong nước đầu tư, kinh doanh phát triển trung tâm logistics trên địa bàn Hải phòng để có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp dịch vụ nước ngoài. Đồng thời, đề xuất các giải pháp khai thác hiệu quả các FTA phù hợp với điều kiện của Thành phố Hải Phòng. Quan tâm, xúc tiến thu hút đầu tư các dự án phát triển cơ khí chế tạo điện tử gắn với phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Hải Phòng. Nghiên cứu xây dựng Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ, phát triển hạ tầng thương mại hiện đại đặc biệt là thương mại điện tử tại Thành phố.
Đánh giá cao những nỗ lực chung của Hải Phòng trong thời gian qua, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng Thành phố sẽ cần tiếp tục nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa để vươn lên thành trung tâm tăng trưởng mới của cả nước theo hướng bền vững, toàn diện và có tính lan tỏa.
Trong bối cảnh mới, cần tập trung thúc đẩy chuỗi cung ứng, gia tăng giá trị bền vững cho sản xuất công nghiệp.
“Bộ Công Thương sẽ chủ động “kéo” các Bộ, ngành cùng tham gia tháo gỡ nút thắt chung, rà soát và hoàn thiện các quy hoạch, đẩy mạnh cải cách hành chính và hệ thống dịch vụ công, xây dựng môi trường kinh doanh thận lợi để thu hút nguồn lực đầu tư, gia tăng hàm lượng nội địa cho các ngành sản xuất”, Bộ trưởng cho hay.
Đặc biệt, với việc Việt Nam thành công tham gia hàng loạt FTA thế hệ mới, Bộ Công Thương sẽ khẩn trương phối hợp với các Bộ, ngành để đồng hành cùng Hải Phòng phát triển đúng hướng lĩnh vực tiềm năng là logistics. Thành phố cũng cần quan tâm đến phát triển nguồn nhân lực để nâng cao năng lực cạnh tranh.
“Dứt khoán, không thể để chi phí logistics trở thành cản trở, mà phải là động lực thúc đẩy tăng trưởng của Thành phố”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Riêng về lĩnh vực năng lượng, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định quan điểm của Bộ Công Thương là ủng hộ xây dựng Hải Phòng trở thành trung tâm năng lượng bởi Thành phố có đủ điều kiện thuận lợi để phát triển hệ thống điện.
Trong đó, Bộ Công Thương tiếp thu các ý kiến, đề xuất của Hải Phòng trong bổ sung các dự án vào Quy hoạch Điện VIII. Sau khi Quy hoạch được ban hành, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục rà soát cụ thể việc triển khai thực hiện hiệu quả để có giải pháp điều chỉnh tiến độ của các dự án cho phù hợp nếu cần thiết. Tuy nhiên, nhu cầu và tính khả thi về phụ tải của các dự án là điều Bộ trưởng lưu ý các đơn vị cần nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng.