Đây là một trong những nội dung tại Quyết định số 889/QĐ-BCT được Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành ngày 15/4/2024 về Chương trình hành động của ngành Công Thương thực hiện Nghị quyết 178/NQ-CP ngày 31 tháng 10 năm 2023 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 49-KL/TW ngày 28 tháng 02 năm 2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Xây dựng, triển khai đề án phát triển công nghiệp phụ trợ cho đường sắt
Chương trình hành động yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ Công Thương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, tổ chức nghiên cứu, quán triệt nội dung Nghị quyết 178/NQ-CP của Chính phủ trong toàn thể đội ngũ cán bộ đảng viên, công chức, viên chức, người lao động thuộc thẩm quyền quản lý.
Công tác tuyên truyền chỉ đạo của Chính phủ được tiến hành với hình thức đa dạng, phù hợp từng đối tượng để tạo nhận thức sâu sắc về cơ hội, thuận lợi, thách thức, tiềm năng, lợi thế của vận tải đường sắt, đổi mới tư duy và đẩy mạnh quyết tâm của các cấp, các ngành về nhiệm vụ phát triển vận tải đường sắt, phát triển khoa học, công nghệ, nhân lực xây dựng hệ thống đô thị văn minh, hiện đại, phân bổ nguồn lực nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế vận tải đường sắt.
Bên cạnh đó, xây dựng, triển khai đề án phát triển công nghiệp phụ trợ cho đường sắt, phát triển công nghiệp đường sắt đồng bộ, hiện đại gắn với các ngành công nghiệp khác. Ngoài ra, cần xác định danh mục công trình công nghiệp đường sắt được ưu đãi, mức ưu đãi hỗ trợ.
Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Công Thương theo chức năng thẩm quyền và nhiệm vụ được giao cụ thể hóa chương trình hành động thành các nhiệm vụ kế hoạch hàng năm của đơn vị; chỉ đạo, triển khai ngay các giải pháp, nhiệm vụ để tổ chức thực hiện theo chức năng, thẩm quyền phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị.
Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu Vụ Kế hoạch - Tài chính chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện chương trình hành động của Bộ Công Thương thực hiện Nghị quyết số 178/NQ-CP của Chính phủ; định kỳ hàng năm tổng hợp báo cáo và kiến nghị các biện pháp cần thiết để bảo đảm thực hiện Nghị quyết đồng bộ, có hiệu quả.
Các đơn vị định kỳ trước ngày 15 tháng 11 hàng năm, gửi báo cáo kết quả thực hiện về Vụ Kế hoạch - Tài chính để tổng hợp, gửi Bộ Giao thông vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo đúng quy định.
Phấn đấu khởi công một số tuyến đường sắt kết nối các cảng biển cửa ngõ quốc tế
Nghị quyết 178/NQ-CP ngày 31/10/2023 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 49-KL/TW ngày 28 tháng 02 năm 2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định các mục tiêu cụ thể.
Theo đó, đến năm 2025 hoàn thành các quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, kế hoạch sử dụng đất 05 năm (2021 - 2025), quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành đường sắt, quy hoạch chung xây dựng đô thị để cụ thể hóa Kết luận số 49-KL/TW và quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phấn đấu hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Triển khai công tác lập đề xuất chủ trương đầu tư các tuyến đường sắt xây dựng mới, đường sắt đô thị có lộ trình đầu tư trước năm 2030. Tiếp tục triển khai, hoàn thành các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường sắt quốc gia hiện có đã xác định nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư trung hạn 2021 - 2025.
Đến năm 2030 phấn đấu khởi công dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam các đoạn ưu tiên Hà Nội - Vinh, Thành phố Hồ Chí Minh - Nha Trang.
Phấn đấu khởi công một số tuyến đường sắt kết nối các cảng biển cửa ngõ quốc tế (Hà Nội - Hải Phòng, Biên Hòa - Vũng Tàu), cửa khẩu quốc tế (Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Lạng Sơn, Vũng Áng - Tân Ấp - Mụ Giạ), cảng hàng không quốc tế (Thủ Thiêm - Long Thành), tuyến đường sắt vành đai phía Đông khu đầu mối Hà Nội (Ngọc Hồi - Lạc Đạo - Yên Viên - Bắc Hồng - Thạch Lỗi), tuyến đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ; đầu tư hoàn thành tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân.
Phấn đấu xây dựng, đưa vào khai thác khoảng 50% tổng chiều dài đường sắt đô thị được quy hoạch tại Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Triển khai quy hoạch, tùy theo nhu cầu vận tải sẽ nghiên cứu huy động nguồn vốn đầu tư một số tuyến đường sắt đô thị tại các đô thị lớn có quy mô dân số trên 01 triệu dân.
Triển khai cải tạo, nâng cấp, điện khí hóa một số đoạn tuyến, tuyến đường sắt quốc gia hiện có để bảo đảm an toàn giao thông, nâng cao hiệu quả khai thác và thực hiện Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).
Đến năm 2045 hoàn thành đưa vào khai thác toàn tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Hoàn thành tuyến đường sắt khu đầu mối thành phố Hà Nội, khu đầu mối Thành phố Hồ Chí Minh; tuyến đường sắt kết nối với các đầu mối vận tải có lưu lượng lớn (cảng biển, khu công nghiệp, khu kinh tế), các tỉnh Tây Nguyên; tuyến đường sắt ven biển, đường sắt xuyên Á. Hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội (có tính kết nối với vùng Thủ đô) và Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2035; phấn đấu hoàn thành một số tuyến đường sắt đô thị tại các đô thị có quy mô dân số trên 01 triệu dân. Phấn đấu cơ bản hoàn thành cải tạo, nâng cấp, điện khí hóa các tuyến đường sắt hiện có, đáp ứng yêu cầu COP26.