Bộ Tài chính cho biết, trước bối cảnh giá dầu thế giới và giá xăng dầu thành phẩm thế giới liên tục tăng dẫn đến giá xăng dầu trong nước tăng cao thời gian qua, để góp phần ổn định giá xăng dầu, kiềm chế lạm phát và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế mà Đảng và Nhà nước đã đề ra trong năm 2022, Bộ Tài chính đã và đang trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh chính sách thuế đối với xăng dầu trong năm 2022.
Giảm thuế bảo vệ môi trường xuống mức sàn
Để tiếp tục góp phần ổn định giá xăng dầu, kiểm soát lạm phát, thực hiện Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 08/6/2022 của Chính phủ, Bộ Tài chính đã nghiên cứu, xây dựng dự án Nghị quyết của UBTVQH về mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng, dầu, mỡ nhờn theo trình tự, thủ tục rút gọn được quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Dự án Nghị quyết đã được gửi xin ý kiến rộng rãi của các tổ chức, cá nhân. Ngày 29/6/2022, Bộ Tư pháp đã có ý kiến thẩm định về dự án Nghị quyết. Bộ Tài chính đã hoàn thiện hồ sơ dự án Nghị quyết và trình Chính phủ ngay trong ngày 30/6/2022 để trình UBTVQH thông qua tại Phiên họp tháng 7/2022.
Theo đó, Bộ Tài chính dự kiến trình Chính phủ để trình UBTVQH điều chỉnh mức thuế BVMT đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế đến hết ngày 31/12/2022 như sau:
Xăng: Giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít.
Nhiên liệu bay: Giảm từ 1.500 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít.
Dầu diesel: Giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 500 đồng/lít.
Dầu mazut, dầu nhờn: Giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít.
Mỡ nhờn: Giảm từ 1.000 đồng/kg xuống mức sàn 300 đồng/kg.
Dầu hỏa: Giữ mức 300 đồng/lít vì đây là mức sàn trong khung mức thuế.
Từ ngày 01/01/2023, mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 của UBTVQH.
Theo tính toán trên cơ sở dự kiến sản lượng tiêu thụ như năm 2019, nếu thực hiện giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn về mức sàn trong khung thuế như đề xuất nêu trên thì ước giảm thu NSNN bình quân một tháng (đã bao gồm cả phần giảm thuế GTGT) khoảng 1.400 tỷ đồng/tháng.
Trường hợp Nghị quyết được ban hành trong tháng 7/2022 và có hiệu lực từ ngày 01/8/2022 thì ước giảm thu NSNN (đã bao gồm cả phần giảm thuế GTGT) khoảng 7.000 tỷ đồng. Theo đó, tổng giảm thu NSNN do việc giảm thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2022 (tính cả phần giảm thu NSNN theo Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 và Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15) khoảng 32.538 tỷ đồng.
Với việc giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như đề xuất và giả định các yếu tố khác cấu thành giá cơ sở xăng dầu không thay đổi so với kỳ điều hành ngày 21/6/2022 thì tỷ trọng thuế trong giá cơ sở xăng dầu còn khoảng 20,47% đối với xăng E5RON92, khoảng 21,41% đối với xăng RON95 và khoảng 11% đối với dầu diesel.
Dự kiến trình phương án thuế nhập khẩu MFN trong tháng 8/2022
Để đa dạng hóa nguồn cung xăng (tránh bị động bởi phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ Hàn Quốc và ASEAN), đồng thời đảm bảo mức chênh lệch phù hợp với mức thuế suất theo các FTA mà Việt Nam đã ký kết, Bộ Tài chính đã nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị định về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi (dự thảo Nghị định đang được gửi xin ý kiến tham gia của các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp).
Bộ Tài chính hiện đang khẩn trương tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến tham gia của các Bộ, ngành, địa phương về dự án Nghị định về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi để trình Chính phủ (trong tháng 8/2022). Theo đó, trên cơ sở ý kiến tham gia, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh mức thuế suất MFN đối với xăng từ 20% xuống mức phù hợp. Đối với mặt hàng dầu hiện đang áp dụng mức thuế suất MFN là 7% đã đảm bảo phù hợp với cam kết quốc tế.
Các giải pháp về thuế TTĐB và thuế GTGT
Cùng với giải pháp điều chỉnh giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế và giải pháp điều chỉnh giảm mức thuế suất MFN từ 20% xuống mức phù hợp, Bộ Tài chính đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với xăng và giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với xăng dầu nhằm góp phần giảm giá mặt hàng xăng dầu, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh tế.
Theo Bộ Tài chính, quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu nêu rõ giá cơ sở xăng dầu được tính trên 04 yếu tố chủ yếu gồm:
(i) Giá xăng dầu thành phẩm thế giới;
(ii) Các khoản chi phí và lợi nhuận định mức;
(iii) Mức trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG);
(iv) Các khoản thuế.
Hiện hành, các sắc thuế áp dụng đối với mặt hàng xăng dầu và cơ cấu trong giá cơ sở xăng dầu gồm: thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với xăng, thuế bảo vệ môi trường (BVMT) và thuế giá trị gia tăng (GTGT).
Luật phí và lệ phí không có quy định về thu phí, lệ phí đối với xăng dầu. Tỷ trọng thuế trong giá cơ sở xăng dầu tính tại kỳ điều hành ngày 21/6/2022 khoảng 23,12% đối với xăng E5RON92; khoảng 24,04% đối với xăng RON95 và khoảng 12,61% đối với dầu diesel.