Số vụ vi phạm tăng 19%
Báo cáo kết quả công tác Quản lý thị trường trong năm 2023, ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới cơ bản đã được kiểm soát. Tuy nhiên, các đối tượng buôn lậu sử dụng một số phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi, điển hình như không khai báo hoặc khai không đúng với thực tế hàng hóa; che giấu nguồn gốc, tuyến đường của lô hàng; hàng hoá vi phạm được cất giấu tinh vi, giấu lẫn trong hàng hóa không vi phạm, đánh tráo, rút ruột, thẩm lậu đối với hàng hóa quá cảnh; mua bán, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới thông qua sàn giao dịch điện tử và vận chuyển về Việt Nam qua đường chuyển phát nhanh; chủ yếu các mặt hàng như: Thuốc lá ngoại, đường cát, vải, hàng may mặc, rượu, hàng điện tử...
Trong thị trường nội địa, tình trạng vận chuyển, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc… vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó phát hiện.
Đáng chú ý, trong năm 2023, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không bày bán tràn lan như trước đây mà hàng hóa vi phạm sau khi qua biên giới được các đối tượng tập kết tại các kho hàng đặt tại nơi hẻo lánh, ít người qua lại, hoặc tại nhà riêng, sau đó các đối tượng lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh.
Đặc biệt, sau vụ khủng bố tại Đắk Lắk vừa qua, lực lượng Quản lý thị trường đã ra quân đồng loạt kiểm tra, xử lý nhiều cơ sở mua bán đồ quân trang, đồ rằn ri không rõ nguồn gốc. Ngoài ra, trước các đợt thi tốt nghiệp THCS và THPT vừa qua, lực lượng Quản lý thị trường cũng đã phối hợp với lực lượng Công an triệt phá đường dây mua bán thiết bị gian lận thi cử với quy mô lớn.
Liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm, trong cao điểm các dịp lễ, tết nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân tăng cao, hoạt động sản xuất, vận chuyển, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm trở nên sôi động, vì vậy tiềm ẩn nguy cơ về vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, hàng quá thời hạn sử dụng trà trộn bán trên thị trường. Năm 2023, Quản lý thị trường cả nước đã phát hiện, xử lý 6.773 vụ vi phạm; xử phạt vi phạm hành chính trên 36,3 tỷ đồng; trị giá hàng hoá tịch thu 31,6 tỷ đồng.
Đối với lĩnh vực xăng dầu, trong năm cơ bản hoạt động kinh doanh xăng dầu trên cả nước diễn ra bình thường, đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng. Với mặt hàng này lực lượng đã kiểm tra trên 3.080 vụ kiểm tra, xử lý 860 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính trên 31,8 tỷ đồng (tăng hơn 170%).
"Những kết quả kiểm tra, kiểm soát của lực lượng đã góp phần giữ ổn định thị trường; đảm bảo nguồn cung xăng dầu phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội và đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp; từ đó góp phần làm lành mạnh hóa thị trường, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng" - ông Trần Hữu Linh thông tin.
Như vậy, tính chung cả năm 2023, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã thanh tra, kiểm tra 71.928 vụ (tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2022); phát hiện, xử lý 52.351 vụ vi phạm (tăng 19%); chuyển cơ quan điều tra 174 vụ có dấu hiệu tội phạm (tăng 37%). Thu nộp ngân sách trên 501 tỷ đồng (tăng 2,2%).
Trong đó, thực hiện theo Kế hoạch 888, lực lượng đã kiểm tra phát hiện, xử lý 12.177 vụ vi phạm, số tiền xử lý vi phạm hành chính gần 431 tỷ đồng; trong lĩnh vực thương mại điện tử, kiểm tra phát hiện, xử lý 928 vụ, xử phạt trên 15 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm trên 6,3 đồng; khí dầu mỏ hóa lỏng LPG phát hiện, xử lý 1.102 vụ vi phạm; xử phạt gần 10 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm trên 437 triệu đồng.
Riêng đối với mặt hàng thuốc lá điếu, thuốc lá thế hệ mới, lực lượng đã phát hiện, xử lý 1.197 vụ vi phạm, số lượng bao thuốc và tương đương xử lý trên 44.169 bao; số lượng thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng trên 106.966 sản phẩm các loại; xử phạt vi phạm hành chính gần 7,3 tỷ đồng, trị giá hàng hoá vi phạm gần 6 tỷ đồng.
Cũng theo ông Trần Hữu Linh, năm 2023 là năm bản lề trước khi bước vào giai đoạn nước rút để hoàn thành mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm (2023-2025) và cũng là năm đánh dấu 5 năm Tổng cục hoạt động dưới mô hình ngành dọc tập trung thống nhất từ trung ương đến địa phương.
Do vậy, bám sát sự chỉ đạo, điều hành năm 2023 của Chính phủ, Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường đã triển khai tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm: Chủ động giám sát, tấn công hàng giả trên môi trường mạng, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin vào các khâu nghiệp vụ; đẩy mạnh đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, tăng cường kỷ luật, kỷ cương…
Những kết quả trên đã đóng góp vào hiệu quả quản lý nhà nước của ngành Công Thương trong thực hiện các giải pháp quản lý, điều hành chặt chẽ việc điều chỉnh cung cầu hàng hóa quan trọng của ngành; các giải pháp phù hợp để ổn định giá các nguyên vật liệu quan trọng và các hàng hóa dịch vụ tiêu dùng thiết yếu phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống người dân từ đó bình ổn thị trường, từng bước làm lành mạnh môi trường kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Chống hàng giả trên môi trường mạng là nhiệm vụ trọng tâm
Tuy nhiên, song hành cùng hoạt động giao thương ngày càng được mở rộng và phát triển, tình trạng vi phạm trong hoạt động thương mại, nhất là trên môi trường thương mại điện tử vẫn còn gia tăng và nhiều khó khăn thách thức. Vì vậy, để góp phần bình ổn thị trường, từng bước làm lành mạnh môi trường kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; đóng góp vào hiệu quả quản lý nhà nước; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng, năm 2024 Tổng cục tiếp tục tập trung vào các nhiệm vụ:
Thứ nhất, toàn lực lượng thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công Thương về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; đặc biệt chú trọng các ngành hàng, lĩnh vực thuộc định hướng kiểm tra năm 2024 của Bộ trưởng, các kế hoạch chuyên đề của BCĐ 389 quốc gia, Kế hoạch 888 và thực hiện nghiêm hoạt động kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chức năng, nhiệm vụ.
Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện hạ tầng pháp lý quan trọng như:
Phối hợp các đơn vị của Văn phòng Chính phủ để hoàn thiện dự thảo Quyết định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục đã trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2023 nhằm mục tiêu xây dựng tổ chức bộ máy hoạt động hiệu quả, phù hợp tầm nhìn phát triển của lực lượng.
Tổng hợp đánh giá hành vi vi phạm trên thực tiễn và căn cứ trên cơ sở quy định của Nghị định số 80/2023/ND-CP; rà soát, tham mưu Bộ phương án xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 99/2020/NĐ-CP đối với quy định xử phạt vi phạm hành chính trong kinh doanh xăng dầu nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, đồng thời rà soát quy phạm về xử phạt vi phạm trong kinh doanh khí để tham mưu hoàn thiện khi quy định mới về kinh doanh khí được ban hành.
Tổng hợp rà soát các nội dung trong thực tiễn thi hành Nghị định số 98/2020/NĐ-CP và Nghị định số 17/2022/NĐ-CP, đánh giá, nghiên cứu đề xuất tham mưu Bộ xây dựng trình Chính phủ xem xét sửa đổi bổ sung các quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng.
Thứ ba, triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án 319 về chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025 góp phần nâng cao năng lực công vụ của công chức Quản lý thị tường và góp phần tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử.
Thứ tư, về quản lý hoạt động công vụ và công chức Quản lý thị trường, tiếp tục siết chặt kỷ luật công vụ; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý đơn vị; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, lực lượng chức năng, các cơ quan thông tin truyền thông tại trung ương và địa phương để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao.
Thứ năm, Tổng cục kiến nghị Bộ xem xét, nghiên cứu xây dựng quy định về truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn. Thuốc lá thế hệ mới là mặt hàng có nguy cơ gây hại đến người sử dụng và có dấu hiệu vi phạm tăng cao. Loại hàng hóa này cũng được Tổ chức y tế thế giới (WHO) khuyến nghị Việt Nam ban hành quy phạm cấm thuốc lá điện tử và các sản phẩm thuốc lá nung nóng và đi kèm là các biện pháp thực thi mạnh mẽ, Tổng cục kiến nghị Bộ xem xét, phối hợp với Bộ, ngành liên quan sớm nghiên cứu ban hành các quy định quản lý và chế tài xử phạt vi phạm.
Hiệu quả từ công tác phối hợp ngang - dọc
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, những kết quả mà lực lượng đạt được không chỉ có sự phối hợp theo ngành dọc mà còn có sự đóng góp quan trọng của phối hợp “ngang” - giữa các lực lượng chức năng như Công an, Hải quan, Biên phòng và các cơ quan thanh tra chuyên ngành trong công tác xây dựng cơ chế chính sách và kiểm tra, xử lý vi phạm.
Ông Đặng Văn Dũng - Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 đánh giá cao lực lượng Quản lý thị trường và các đơn vị thành viên thuộc Ban Chỉ đạo 389 Bộ Công Thương làm việc rất trách nhiệm, cố gắng và có nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Đặc biệt, trong năm qua, theo ông Dũng, sự phối hợp, hợp tác giữa Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia và Ban Chỉ đạo 389 Bộ Công Thương rất chặt chẽ, hiệu quả.
“Dấu ấn của công tác Quản lý thị trường trong năm 2023 đó là việc phối hợp, trình Chính phủ ban hành Đề án 319 về chống hàng giả trên thương mại điện tử đến năm 2025. Sự ra đời của Đề án là vô cùng cần thiết, cấp bách trong bối cảnh thương mại điện tử bùng nổ, bên cạnh những mặt tích cực, thương mại điện tử cũng đã, đang đặt ra những thách thức cho các lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh phòng, chống hàng giả” - ông Dũng đánh giá và cho rằng, trong năm 2023 lực lượng đã xử lý trên 52.000 vụ việc vi phạm, con số này một lần nữa khẳng định vị trí, vai trò là lực lượng chủ công trong công tác đấu tranh , phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Ấn tượng với kết quả công tác của lực lượng Quản lý thị trường trong năm vừa qua, tuy nhiên ông Nguyễn Minh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan cho rằng, công tác phối hợp giữa lực lượng Quản lý thị trường và Hải quan trong hoạt động kiểm tra, kiểm soát trên thương mại điện tử chỉ khoảng 5%, còn khá khiêm tốn so với thực trạng hiện nay. Do vậy, thời gian tới, ông Tuấn kiến nghị hai lực lượng sẽ đẩy mạnh công tác phối hợp hơn nữa trong điều tra, truy vết, phát hiện và xử lý các vụ việc vi phạm, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Trong khi đó, Thiếu tướng Đỗ Ngọc Cảnh - Cục trưởng Cục Phòng chống ma túy và Tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Quốc phòng cho biết, những năm gần đây hoạt động vận chuyển, buôn bán hàng giả qua biên giới đã giảm. Các đối tượng vi phạm lợi dụng những kẽ hở trong chính sách thông quan hàng hóa để cất giấu, ngụy trang đưa hàng vi phạm vào sâu trong nội địa. Hàng hóa vi phạm chủ yếu là hàng tiêu dùng, thực phẩm, pháo nổ... Mới đây, có vụ việc buôn lậu vàng qua cửa khẩu tại Quảng Trị.
Trên biển, các hành vi vi phạm chủ yếu là gian lận xăng dầu qua nghề cá. Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lợi dụng buôn bán hàng hóa, giấy tờ vận chuyển để buôn lậu xăng dầu...
“Thương mại điện tử bùng nổ, phát sinh thêm nhiều hành vi, thủ đoạn vi phạm mới, do vậy, cần phải có sự phối hợp tốt hơn, chắc chắn hơn giữa các lực lượng chức năng thì hiệu quả của công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả sẽ cao hơn rất nhiều” - Thiếu tướng Đỗ Ngọc Cảnh đề xuất và cho rằng, không chỉ tăng cường phối hợp ở cấp Trung ương mà sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng ở cấp địa phương cũng cần được chú trọng.
Đưa ra các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống hàng giả trên môi trường mạng, bà Lê Hoàng Oanh - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đề xuất, lực lượng Quản lý thị trường cả nước tăng cường phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số trong việc rà soát, phát hiện xử lý vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Cùng đó đề nghị hai bên đẩy mạnh hơn nữa công tác phối hợp đào tạo, tập huấn và nâng cao năng lực thực thi pháp luật về thương mại điện tử cho công chức Quản lý thị trường.
Cục trưởng Lê Hoàng Oanh đặc biệt kiến nghị Tổng cục tiếp tục ứng dụng công nghệ số trong công tác quản lý nghiên cứu và xây dựng giải pháp tổng thể để bảo vệ người tiêu dùng trên thương mại điện tử. Trong đó chú trọng công tác phối hợp xây dựng hệ cơ sở dữ liệu tập trung, chia sẻ thông tin giữa các Bộ, ngành trong công tác phát hiện sớm, đấu tranh, ngăn chặn hàng giả trên thương mại điện tử.
6 nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng Quản lý thị trường trong năm 2024
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên ghi nhận, biểu dương những kết quả quan trọng mà lực lượng Quản lý thị trường đã đạt được trong năm 2023.
Theo Bộ trưởng, năm 2023 Tổng cục đã chú trọng triển khai nghiên cứu, quán triệt và tổ chức thực hiện khá nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Bộ Công Thương, nhất là các chủ trương, chính sách, chỉ đạo có liên quan trực tiếp đến hoạt động của Ngành.
Cùng đó, Tổng cục đã chủ động tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong hoạt động công vụ của lực lượng (như các Đề án, Công điện, Chỉ thị và văn bản chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu; chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử; xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; chống buôn lậu, hàng gian lận thương mại trên các tuyến biên giới, vùng biển, cảng hàng không quốc tế và địa bàn nội địa), góp phần bảo vệ và thúc đẩy sản xuất, lưu thông hàng hóa trong nước.
“Kết quả đạt được tuy chưa như kỳ vọng nhưng đây cũng là những nỗ lực đáng ghi nhận”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng ghi nhận, năm qua Tổng cục đã triển khai khá tốt các đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường, thanh tra chuyên ngành đấu tranh với các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, góp phần lành mạnh hóa thị trường trong nước. Đặc biệt, duy trì tốt việc giám sát hoạt động của 100% cơ sở kinh doanh xăng dầu, kịp thời phát hiện, ngăn chặn những hành vi vi phạm, góp phần bình ổn thị trường, bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Cũng theo Bộ trưởng, trong năm qua nhiều vấn đề, vụ việc phức tạp đã được Tổng cục Quản lý thị trường xử lý khá tốt, từ đó củng cố được niềm tin của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương đối với lực lượng, góp phần lành mạnh hóa thị trường, tạo môi trường bình đẳng trong sản xuất kinh doanh (điển hình như: Vụ kiểm tra, thu giữ các sản phẩm không rõ nguồn gốc, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu ở Lạng Sơn, Ninh Thuận, Bắc Ninh, Lào Cai, Hà Nội...).
Ngoài ra, công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác Quản lý thị trường và sự phối hợp với các lực lượng chức năng trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả… có kết quả tốt hơn.
“Sự phối hợp giữa lực lượng Quản lý thị trường và các lực lượng chức năng khác đã chuyển biến tích cực, có hiệu quả bước đầu, tuy nhiên cần sự trao đổi chân thành, hợp tác chặt chẽ hơn nữa”- tư lệnh ngành Công Thương giao nhiệm vụ.
Mặt khác, theo Bộ trưởng, công tác kỷ cương hành chính, nề nếp trong toàn lực lượng đã được chấn chỉnh và có chuyển biến khá tích cực. Công tác cán bộ được kiện toàn, tạo được sự đồng thuận.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng chỉ ra những hạn chế, yếu kém trong tổ chức và hoạt động của toàn lực lượng như tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ còn khá phổ biến. Số vụ phát hiện và xử lý tuy có tăng so với năm trước nhưng so với thực tế vi phạm thì còn rất nhỏ, chưa phản ánh đúng thực tế tình trạng vi phạm pháp luật diễn ra trên thị trường kể cả trên môi trường điện tử và truyền thống. Kiểm tra, kiểm soát địa bàn của các tổ, đội, cơ sở chưa thực sự sâu sát; công tác thanh tra, kiểm tra chưa đi vào tính bản chất; áp dụng chế tài xử phạt không đủ sức răn đe. Công tác quản lý, giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức công vụ cho cán bộ, công chức ở nhiều đơn vị chưa tốt; sức ì trong đội ngũ cán bộ, công chức (nhất ở cấp cơ sở) còn lớn; công chức vi phạm quy định của Ngành (thậm chí vi phạm quy định pháp luật) còn nhiều; việc xử lý sai phạm ở một số nơi chưa nghiêm túc. Tình trạng nhũng nhiễu (thậm chí có dấu hiệu bảo kê) của một số cán bộ ở cấp cơ sở trong lực lượng khi thi hành công vụ vẫn còn thể hiện đâu đó…
Năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội nói chung và ngành Công Thương nói riêng được dự báo tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức, tình hình sản xuất của các doanh nghiệp nhìn chung còn khó khăn (do tổng cầu giảm và chi phí sản xuất gia tăng) sẽ dẫn tới hệ lụy là tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng bùng phát và ngày càng tinh vi hơn. Kinh tế nước ta ngày càng hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, cũng đặt ra nhiều vấn đề về quản lý hàng hóa nhập khẩu, nhất là hàng tạm nhập, tái xuất.
Từ bối cảnh trên, tư lệnh ngành Công Thương đã đưa ra mục tiêu chung của công tác Quản lý thị trường trong năm 2024. Đó là tập trung đấu tranh, hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, phấn đấu tạo môi trường sản xuất, kinh doanh lành mạnh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và thúc đẩy sản xuất trong nước. Đồng thời tiếp tục phát hiện, đề xuất với Đảng, Nhà nước, Bộ Công Thương và các bộ, ngành chức năng những cơ chế, chính sách nhằm quản lý, vận hành nền kinh tế tốt hơn, hiệu quả hơn.
Hiện thực hóa các mục tiêu trên và kịp thời khắc phục những hạn chế, yếu kém của lực lượng, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị lãnh đạo, công chức, người lao động trong toàn lực lượng Quản lý thị trường tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ:
Một là, tiếp tục nghiên cứu, quán triệt thật sâu sắc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và của Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ (qua các Nghị định, Thông tư, Chỉ thị, Công điện…), cùng với khuyến nghị của các Bộ, ngành liên quan để thực hiện nghiêm, đúng, đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Quản lý thị trường, tạo môi trường lành mạnh cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời, qua thực tiễn quản lý, thực thi công vụ, Tổng cục và các đơn vị trực thuộc cần chủ động, tích cực tham mưu cho Chính phủ và các Bộ, ngành ban hành mới (hoặc sửa đổi, bổ sung) các quy định, cơ chế chính sách bảo đảm đồng bộ, khả thi (nhất là Nghị định về chức năng, nhiệm vụ của Tổng cục sau 5 năm thực hiện mô hình theo ngành dọc)
Hai là, tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý thật nghiêm các sai phạm, nhất là sản xuất kinh doanh hàng giả, kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
“Vừa qua, hầu hết địa phương mới quan tâm kiểm tra, xử lý vi phạm về niêm yết giá và xử phạt, không đủ sức răn đe, chưa đi vào nội dung có tính bản chất” - Bộ trưởng nêu rõ và chỉ đạo lực lượng tiếp tục tập trung kiểm tra, xử lý các sai phạm trong sản xuất kinh doanh một số mặt hàng thiết yếu như: xăng dầu, khí đốt, than đá, phân bón; các loại rau, củ, quả; thực phẩm, đồ uống, thuốc lá; thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh... Đồng thời, tăng cường phối hợp chặt chẽ với các lực lượng trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trong thương mại điện tử.
Ba là, tập trung chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo điều hành, ý thức chấp hành trong toàn lực lượng. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra nội bộ; kiên quyết xử lý kịp thời, đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân sai phạm, nhất là các hiện tượng (hành vi) bảo kê, tham nhũng, tiêu cực. Tổng cục cần quy định rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm tập thể lãnh đạo và người đứng đầu đơn vị nếu để xảy ra những vi phạm nêu trên (chú ý áp rõ khung xử lý đối với những vi phạm điển hình để đủ sức giáo dục và răn đe).
Bốn là, chú trọng làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng Quản lý thị trường hoạt động hiệu quả. Đồng thời, khẩn trương xây dựng, rà soát, hoàn thiện các quy chế phối hợp, chương trình hợp tác với Ban Chỉ đạo 389 và các lực lượng chức năng địa phương nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh với các hoạt động sản xuất kinh doanh bất hợp pháp, góp phần làm lành mạnh hóa thị trường.
Năm là, từng cấp, từng đơn vị cần chủ động rà soát, xử lý các vấn đề, vụ việc phức tạp, bức xúc, nổi cộm trong đơn vị để xử lý kịp thời, dứt điểm theo đúng nguyên tắc, điều lệ Đảng, pháp luật Nhà nước và phù hợp tình hình.
Chăm lo tốt hơn công tác cán bộ, nhất là các khâu: Giáo dục rèn luyện, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng, bổ nhiệm đề bạt, luân chuyển, điều động, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chính sách đối với cán bộ.
Sáu là, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông nhằm tạo sự thống nhất trong nhận thức, sự đồng thuận trong hành động và sự chia sẻ, ủng hộ của xã hội đối với các hoạt động của Ngành. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong mọi hoạt động, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn trên các mặt công tác trong toàn lực lượng.
“Nhiệm vụ trước mắt là cần phải mở đợt cao điểm đấu tranh phòng, chống gian lận thương mại trong dịp Tết Nguyên đán ở tất cả các mặt hàng. Trong đó xăng dầu là mặt hàng trọng điểm cần kiểm tra, giám sát. Hoạt động giám sát phải được thực hiện trên toàn bộ các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên cả nước”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo.
Về những kiến nghị đề xuất của các đơn vị chức năng, Bộ trưởng giao Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp với Văn phòng Bộ phân loại, tham mưu báo cáo lãnh đạo Bộ chỉ đạo giải quyết theo thẩm quyền (hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết) nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của lực lượng.