Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) được tổ chức từ ngày 23 - 27/6/2024 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Đại Liên, Trung Quốc với sự tham gia của 1.500 đại biểu cấp cao, bao gồm lãnh đạo và quan chức cao cấp của chính phủ, lãnh đạo các tập đoàn/ công ty, đại diện các tổ chức xã hội dân sự, lãnh đạo các tổ chức quốc tế.
Hội nghị năm nay có chủ đề “Những chân trời tăng trưởng mới”, tập trung vào 6 nội dung chính: (i) Nền kinh tế toàn cầu mới; (ii) Trung Quốc và thế giới; (iii) Doanh nghiệp trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo; (iv) Không gian phát triển mới cho các ngành công nghiệp; (v) Đầu tư vào con người; (vi) Kết nối khí hậu, thiên nhiên và năng lượng.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã tháp tùng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự nhiều sự kiện của Hội nghị và các hoạt động bên lề như: hội kiến với Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình; hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường; gặp Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda; Tọa đàm với cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo....
Trong khuôn khổ Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Giáo sư Klaus Schwab (Chủ tịch điều hành WEF) đã đồng chủ trì phiên Đối thoại với Lãnh đạo các tập đoàn lớn (CEO) của WEF vào sáng ngày 26/6/2024 để thảo luận cách thức thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hợp tác trong bối cảnh xã hội, kinh tế, chính trị và công nghệ trên thế giới ngày nay phát triển nhanh chóng.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã khẳng định một số nội dung được các CEO quan tâm và nêu tại phiên Đối thoại:
(i) Thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã có các giải pháp cần thiết để đảm bảo việc cung ứng điện trong mùa cao điểm cũng như cả năm 2024 nên sẽ không có tình trạng thiếu điện cho sản xuất và kinh doanh trong năm 2024;
(ii) Về chuyển dịch năng lượng, theo Quy hoạch điện VIII đã được Chính phủ phê duyệt, Bộ Công Thương đang thúc đẩy các giải pháp cụ thể để tăng nhanh sản lượng điện, trong đó chú trọng đến các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới và phát thải các-bon thấp với giá thành hợp lý. Bộ Công Thương cũng đã tích cực xây dựng các cơ chế đểthúc đẩy cạnh tranh ở khâu phát và truyền tải điện như hoàn thành việc xây dựng dự thảo Nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp và đã trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định trong thời gian rất sớm tới đây.
(iii) Về phát triển chuỗi cung ứng, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhận định Việt Nam có nhiều lợi thế để mở rộng chuỗi cung ứng do đã tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA.... đồng thời ngày càng thu hút được các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam qua các chính sách ưu đãi về đầu tư cũng như hỗ trợ kết nối với các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục ưu tiên phát triển chuỗi cung ứng bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, sạch và tuần hoàn.
(iv) Về kinh tế số (một trong hai nội dung hợp tác chính giữa Bộ Công Thương và WEF), Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết Việt Nam đã tham gia Nhóm chuyên gia triển khai Sáng kiến ASEAN số, gồm 05 trụ cột chính: Chính sách dữ liệu, Truy cập số, Kỹ năng số, Thanh toán điện tử và An ninh mạng. Mục tiêu của Sáng kiến là đưa ra các kiến nghị hành động giúp các nước ASEAN và khu vực hoàn thiện chính sách, hướng đến xây dựng hệ sinh thái số. Bên cạnh việc tham gia các hoạt động do WEF triển khai từ năm 2018 về kỹ năng số, thanh toán điện tử, Việt Nam cũng đang tích cực thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số và đàm phán Hiệp định khung về Kinh tế số của ASEAN.
Cũng trong khuôn khổ hoạt động tại Hội nghị WEF Đại Liên 2024, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có buổi tiếp xúc với Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào để thúc đẩy hợp tác song phương, khu vực và đa phương.
Tại buổi tiếp xúc, hai Bộ trưởng vui mừng ghi nhận những kết quả tích cực về kim ngạch thương mại song phương, theo đó kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu trong 5 tháng đầu năm 2024 lần lượt tăng 9,9% và 33,2% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh giữa hai nước đã có dấu hiệu khởi sắc, dần khôi phục đà tăng trưởng.
Với sự phối hợp của các Bộ, ngành, địa phương liên quan của hai bên, các vấn đề trọng điểm trong quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước đã được chú trọng giải quyết và đạt được những kết quả đáng chú ý, bao gồm duy trì ổn định chuỗi cung ứng hàng hóa, phối hợp phân luồng thông quan, đẩy nhanh tiến trình mở cửa thị trường đối với nông sản Việt Nam...
Hai Bộ trưởng thống nhất sẽ tổ chức Kỳ họp lần thứ 13 Ủy ban Hợp tác kinh tế thương mại Việt – Trung tại Trung Quốc vào thời điểm thích hợp trong năm 2024 để tiếp tục thảo luận và thống nhất các cơ chế thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại giữa nước, phù hợp với định hướng đã được Thủ tướng hai bên thống nhất.