Vừa qua, Văn phòng SPS Việt Nam (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết vừa nhận được thông báo của Chi Lê về việc thiết lập các yêu cầu kiểm dịch thực vật nhập khẩu đối với quả bưởi tươi (Citrus maxima) từ Việt Nam có hiệu lực từ ngày 14/10.
Đại diện Phòng Hợp tác quốc tế - Cục Bảo vệ thực vật cho biết, khi Chi Lê thông báo “thiết lập các yêu cầu kiểm dịch thực vật nhập khẩu” đối với một loại quả nào, tức là họ mở cửa thị trường cho loại quả đó.
Nhưng để vào được thị trường Chi Lê, quả bưởi nước ta phải vượt qua hàng rào kỹ thuật. Cụ thể ở đây là yêu cầu kiểm dịch thực vật.
Theo đó, lô hàng xuất khẩu sang Chi Lê phải có chứng nhận kiểm dịch thực vật do cơ quan kiểm dịch thực vật có thẩm quyền của Việt Nam cấp.
Hiện cơ quan có thẩm quyền thực thi trách nhiệm này là Văn phòng SPS Việt Nam. Đây là cơ quan đầu mối thực hiện các nghĩa vụ minh bạch hóa theo yêu cầu của Hiệp định về áp dụng các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (Hiệp định SPS) của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Văn phòng SPS thực hiện chức năng là kênh thông tin chính thức giữa Việt Nam và các thành viên WTO về các vấn đề SPS.
Trước đó đúng 1 năm, ngày 14/10, tại Hà Nội, Việt Nam và Chi Lê đã thảo luận về các vấn đề nhằm thúc đẩy thương mại nông sản giữa hai nước.
Chi Lê là một đất nước nhỏ nhưng khá phát triển về nông nghiệp và xuất khẩu nông sản tới hơn 190 thị trường trên thế giới.
Thay vì sản xuất dàn trải, Chi Lê tập trung đầu tư phát triển vào các sản phẩm sẵn có để đạt được chất lượng tốt nhất.
Việt Nam và Chi Lê có sự khác biệt nhau về mặt khí hậu và sản phẩm. Tuy nhiên chính sự khác biệt này là cơ hội để phát triển và thúc đẩy hợp tác thương mại nông sản giữa hai nước để bổ sung cho nhau.
Phía Chi Lê cam kết sẽ nỗ lực đáp ứng các yêu cầu của Việt Nam để có thể tiếp tục mở cửa cho 3 loại quả gồm anh đào, kiwi, việt quất sớm nhất.
Để trái cây Việt Nam rộng đường vào Chi Lê, hai bên đã thảo luận chi tiết các vấn đề để việc thực thi các hàng rào kỹ thuật sao cho đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng mà không gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Cụ thể, mỗi lô hàng bưởi xuất khẩu phải được xử lý chiếu xạ và phải được cấp chứng thư xuất khẩu.
Trong đó, phải ghi rõ lô hàng không có động vật chân khớp, là các loài có tên khoa học sau: Eutetranychus orientalis, Ferrisia virgata, Maconellicoccus hirsutus, Prays citri, P. endocarpa, Citripestis sagittiferella.
Ngoài ra, lô hàng phải được xử lý chiếu xạ 150 Gy để kiểm soát các loại ruồi đục trái như Bactrocera cucurbitae, Bactrocera dorsalis, được xác nhận trong giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật.
Chi Lê đã mở cửa cho nông sản xoài của Việt Nam và hiện nay sẵn sàng đón nhận thêm quả bưởi từ Việt Nam với các yêu cầu về hàng rào kỹ thuật nêu trên.