207 thương nhân đủ điều kiện
Cục Xuất nhập khẩu vừa công bố danh sách thương nhân được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo tính đến ngày 23/3/2021. Dựa trên danh sách này, cả nước có 207 thương nhân đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.
Trong danh sách, Cần Thơ có số lượng thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo lớn nhất cả nước với 44 doanh nghiệp, tiếp đến là TP.Hồ Chí Minh có 38 doanh nghiệp; Long An 25 doanh nghiệp; An Giang 21 doanh nghiệp; Đồng Tháp 19 doanh nghiệp; Hà Nội và Tiền Giang 8 doanh nghiệp; Kiên Giang, Nghệ An có 7 doanh nghiệp; Vĩnh Long 6 doanh nghiệp…
Một số địa phương chỉ có 1 thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, như: Đắk Nông, Trà Vinh, Tây Ninh, Bình Định, Hà Tĩnh, Nam Định...
Tín hiệu lạc quan trong xuất khẩu gạo
Trong những tháng đầu năm 2021, xuất khẩu gạo của Việt Nam đón nhận nhiều tin vui, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.
Cụ thể, số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan và Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Vinanet) cho biết, trong 2 tháng đầu năm 2021, lượng gạo cả nước xuất khẩu đạt trên 656.045 tấn, kim ngạch gần 359,46 triệu USD, giá trung bình đạt 547,9 USD/tấn, giảm mạnh 29,4% về lượng, giảm 16,5% về kim ngạch nhưng tăng 18,2% về giá so với 2 tháng đầu năm 2020.
Riêng tháng 2/2021 cả nước xuất khẩu được 308.472 tấn gạo, tương đương 167,71 triệu USD, giá trung bình 543,7 USD/tấn, giảm cả về lượng, kim ngạch và giá so với tháng đầu tiên của năm 2021, với mức giảm lần lượt 11,3%, 12,6% và 1,5%. So với tháng 2/2020 cũng giảm mạnh 42% về lượng, giảm 29,6% kim ngạch nhưng tăng 21,7% về giá.
Thống kê cũng cho thấy, trong tháng 2/2021, một số thị trường chủ đạo sụt giảm mạnh so với tháng 1/2021 như Philippines giảm trên 49% cả về lượng và kim ngạch, đạt 86.003 tấn, tương đương 46,25 triệu USD; Gana giảm 74% về lượng, giảm 70,5% về kim ngạch, đạt 10.202 tấn, tương đương 6,86 triệu USD; Malaysia giảm 63% cả về lượng và kim ngạch, đạt 6.341 tấn, tương đương 3,59 triệu USD.
Ngược lại, các thị trường chủ đạo tăng mạnh trong tháng 2/2021 gồm: Trung Quốc tăng 75,2% về lượng và tăng 77,5% kim ngạch, đạt 101.350 tấn, tương đương 53,5 triệu USD; Bờ Biển Ngà tăng 75,6% về lượng và tăng 51,6% kim ngạch, đạt 20.000 tấn, tương đương 10,06 triệu USD. Theo nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo, điều này cho thấy những tín hiệu lạc quan về xuất khẩu gạo trong năm 2021 trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp.
Chia với phóng viên về sức cạnh tranh của mặt hàng gạo của Việt Nam trên thị trường thế giới trong thời gian tới, đặc biệt, trong việc tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, ông Trần Quốc Toản - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu tin tưởng, trong thời gian tới chúng ta có đủ sức để cạnh tranh với gạo của các nước trên thị trường thế giới.
Bởi chúng ta đã có sự chủ động trong việc nâng cao giá trị hạt gạo; chúng ta cũng đã có sự thay đổi kịp thời các chủng loại gạo để sản xuất, đáp ứng nhu cầu, tín hiệu thị trường.
Không những vậy, theo Phó Cục trưởng Trần Quốc Toản, hiện nay, chúng ta đã xây dựng được thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường thế giới. Ví dụ như: gạo ST25 trong thời gian vừa qua liên tục đứng vị trí thứ nhất, thứ nhì về sản phẩm gạo ngon nhất thế giới. Và đặc biệt, Việt Nam cũng đã áp dụng được khoa học kỹ thuật vào trong quá trình sản xuất, từ nghiên cứu giống cho đến sản xuất, chế biến, bảo quản để xuất khẩu.
Đặc biệt, trong thời gian qua các hiệp hội, doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng đã có sự chủ động trong việc tìm kiếm thị trường cũng như trong việc thay đổi chủng loại gạo xuất khẩu phù hợp với nhu cầu và đáp ứng các nhu cầu khắt khe của các nước nhập khẩu, đồng thời thông tin cho người nông dân để có sự điều chỉnh trong quá trình sản xuất.
Và người nông dân cũng đã có sự thay đổi rất tích cực trong thời gian qua khi đã chủ động tìm hiểu và áp dụng các quy chuẩn kỹ thuật cao vào trong sản xuất; cũng đã nắm được các thông tin cơ bản về các hiệp định thương mại tự do có thể đem lại để tận dụng được các cơ hội từ hiệp định để sản xuất ra các loại gạo có giá trị gia tăng cao để xuất khẩu.
Trong năm 2020, chúng ta cũng đã tận dụng rất tốt cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do mới được ký kết và có hiệu lực như: EVFTA, UKVFTA… với những ưu đãi về mặt thuế quan đã giúp thương hiệu gạo Việt Nam được biết đến nhiều hơn. Nhờ đó, Việt Nam đang dần mở rộng xuất khẩu sang các thị trường tiêu dùng gạo cao cấp, gạo đặc sản với giá bán cao hơn so với gạo trắng, góp phần đem lại giá trị gia tăng cho doanh nghiệp và nông dân… Đây là bước tiền đề để cho các sản phẩm gạo của chúng ta có chỗ đứng trên thị trường thế giới, Phó Cục trưởng Trần Quốc Toản nhận định.
Ngoài ra, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cũng cho rằng, trong thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cũng đã tích cực trong việc hỗ trợ các hiệp hội, doanh nghiệp cũng như các hộ sản xuất lúa gạo trong công tác thông tin định hướng tình hình thị trường, trong công tác quy hoạch sản xuất, xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu cuả doanh nghiệp.
Và một yếu tố quan trọng nữa là sự vào cuộc kịp thời của Chính phủ, sự chỉ đạo của Chính phủ và sự phối hợp của các bộ, ngành trong điều hành xuất khẩu gạo thời gian qua. Những yếu tố đó đã tác động và tạo nên vị thế, giá trị gia tăng gạo của chúng ta.