Thực hiện kế hoạch hoàn thiện Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025 - 2035, tầm nhìn đến 2045 để có thể sớm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt, ngày 20/5, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức cuộc họp lấy ý kiến đối với Dự thảo Tờ trình Thủ tướng Chính phủ, Dự thảo Quyết định phê duyệt Chiến lược và Dự thảo Chương trình hành động thực hiện Chiến lược.
Tại đây, nhiều chuyên gia đại diện các Bộ, ngành, hiệp hội doanh nghiệp đã đóng góp nhiều ý kiến liên quan sát thực tới các vấn đề, nội dung được quan tâm trong hoạt động dịch vụ logistics.
Ông Phan Thông, Tổng thư ký Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam đề nghị làm rõ các khái niệm liên quan như: phí, phụ phí cảng biển, hạ tầng logistics…; vai trò, hoạt động của các Bộ, ngành trong phối hợp thực hiện các giải pháp phát triển logistics; kế hoạch và giải pháp phát triển vận tải đường sông; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam phát triển, qua đó góp phần tạo nguồn hàng cho các doanh nghiệp dịch vụ logistics…
Góp ý liên quan tới nội dung đào tạo nguồn nhân lực ngành logistics, ông Phan Thế Hùng - đại diện Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, Chiến lược cần quan tâm hơn đến nội dung đào tạo chuyên sâu về ngành dịch vụ logistics (bao gồm đào tạo bậc đại học, sau đại học, các lớp ngắn hạn bồi dưỡng chuyên gia…); thống nhất về khung chương trình đào tạo, trong đó xác định những lĩnh vực, chuyên ngành ưu tiên đào tạo… và có thể tính đến việc kết nối, lồng ghép với các chương trình đào tạo nhân lực chất lượng cao hiện có của Bộ GD&ĐT.
TS. Đinh Lê Hải Hà - Phó Viện trưởng Viện Thương mại và Kinh doanh quốc tế (Trường Đại học Kinh tế quốc dân), Trưởng Ban Đào tạo, Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam (VALOMA) kiến nghị cần nhấn mạnh hơn, làm đậm nét hơn các giải pháp phát triển các trung tâm gom hàng, kho hàng; giải pháp cho phát triển logistics tại thị trường trong nước, thương mại điện tử…
Cũng theo TS. Đinh Lê Hải Hà, trong khi đào tạo bậc đại học về Logistics và quản lý chuỗi cung ứng hiện khá phong phú với khoảng 60 cơ sở đào tạo và gần 2.000 sinh viên đang theo học, tuy nhiên đào tạo ngành này bậc sau đại học còn rất hạn chế, do vậy đề nghị cân nhắc nên sử dụng khái niệm và xây dựng khung chương trình đào tạo nhân lực ngành logistics để có phạm vi rộng hơn, phù hợp với từng bậc đào tạo, thay vì đào tạo nghề logistics…, đồng thời quan tâm đến nội dung đào tạo giảng viên ngành dịch vụ logistics, đi kèm là những giải pháp đào tạo đối tượng này.
Ông Ngô Khắc Lễ, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) đề nghị Chiến lược làm sâu thêm giải pháp phát triển nguồn hàng cho thị trường dịch vụ logistics Việt Nam trong tương quan phát triển và cạnh tranh của thị trường dịch vụ logistics trong khu vực và quốc tế.
Quan tâm tới các hoạt động cụ thể triển khai Chiến lược sau khi được ban hành, TS. Trần Thị Thu Hương, Trưởng Bộ môn Logistics và Chuỗi cung ứng, Trường Đại học Thương mại góp ý về nội dung dự thảo Chương trình hành động thực hiện Chiến lược.
"Về kết cấu Chương trình hành động, các giải pháp còn tản mạn, cần phân chia thành từng nhóm giải pháp để có được trọng tâm, trọng điểm. Nên thống nhất cơ quan chủ trì thực hiện các nhiệm vụ liên quan tới xây dựng và triển khai áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong hoạt động logistics là Bộ KH&CN, còn Bộ, ngành liên quan và các hiệp hội là các đơn vị phối hợp thực hiện", TS. Trần Thị Thu Hương khuyến nghị.
Liên quan tới nhiệm vụ về phát triển logistics nội bộ, TS. Trần Thị Thu Hương cho rằng, đây là hoạt động nội bộ, không thuê ngoài là hoạt động của chính các doanh nghiệp sản xuất, thương mại, xuất nhập khẩu thì nên giao cho các hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp sản xuất, thương mại, xuất nhập khẩu là đơn vị chủ trì thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh đó, TS. Hương cho rằng cần nhấn mạnh hơn nữa tới tính liên vùng trong thực hiện Chiến lược.
Ông Lê Mạnh Thắng, đại diện Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ NN&PTNT cho rằng, Chiến lược cần quan tâm hơn đến các giải pháp dịch vụ logistics gắn với các mặt hàng nông sản, qua đó góp phần nâng cao giá trị nông sản, giảm chi phí dịch vụ logistics trong giá thành hàng nông sản Việt Nam hiện còn khá cao.
Phó Trưởng Ban chỉ đạo, Trưởng Ban soạn thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam - 2035, tầm nhìn đến 2045, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, trước đó, ngày 28/12/2023, Bộ Công Thương đã có Công văn số 9270/BCT-XNK gửi các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, các hiệp hội và các cơ quan, đơn vị có liên quan đề nghị tham gia ý kiến xây dựng Chiến lược và báo cáo nội dung đánh giá, tổng kết kết quả thực hiện Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14 tháng 02 năm 2017. Đến nay, Bộ Công Thương đã nhận được ý kiến tham gia hồ sơ Dự thảo Chiến lược của 07 Bộ, 21 địa phương và Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam.
Về cơ bản, các ý kiến tham gia đều nhất trí với sự cần thiết xây dựng, ban hành Dự thảo Chiến lược và các quan điểm, định hướng phát triển ngành dịch vụ logistics tại Báo cáo Đề án Chiến lược, Dự thảo Tờ trình Thủ tướng Chính phủ, Dự thảo Quyết định phê duyệt Chiến lược.
Bên cạnh đó, các Bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội cũng đã đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung của hồ sơ Dự thảo Chiến lược. Bộ Công Thương đã tổng hợp đầy đủ giải trình, tiếp thu và hoàn thiện, chỉnh sửa lại dự thảo Chiến lược, dự thảo Tờ trình Thủ tướng Chính phủ, dự thảo Quyết định phê duyệt Chiến lược trên cơ sở các ý kiến tham gia.
Ông Trần Thanh Hải cho biết, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục tiếp thu, tổng hợp các ý kiến góp ý để bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo Chiến lược trình Lãnh đạo Bộ Công Thương xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo kế hoạch, sau khi Chiến lược được Thủ tướng Chính phủ ban hành, các Bộ ngành hiệp hội địa phương sẽ xây dựng, ban hành Kế hoạch triển khai Chiến lược. Do đó đề nghị các Bộ ngành hiệp hội địa phương tham gia xây dựng nội dung những Kế hoạch cụ thể này để triển khai Chiến lược hiệu quả, khả thi.