Các đề xuất, khuyến nghị nhằm vận dụng thành công kế toán quản trị trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa

PHẠM HOÀI NAM (Học viện Ngân hàng)

TÓM TẮT:

Kế toán quản trị ra đời, hình thành và phát triển gắn liền với nhu cầu thông tin quản trị của những nhà quản lý trong doanh nghiệp. Việc vận dụng kế toán quản trị trong doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng chịu sự ảnh hưởng của nhiều nhân tố. Các đề xuất, khuyến nghị nhằm nâng cao khả năng vận dụng thành công kế toán quản trị trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa được trình bày trong bài viết là kết quả của quá trình phân tích dữ liệu thu thập được của đại diện 175 doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam.

Từ khóa: kế toán quản trị, đề xuất, giải pháp, vận dụng kế toán quản trị.

1. Đặt vấn đề

Cách mạng công nghiệp 4.0, bất ổn kinh tế do đại dịch Covid-19 và thương chiến leo thang thời gian qua khiến thế giới phân cực, thương mại toàn cầu bị ảnh hưởng tiêu cực hơn bao giờ hết. Làn sóng công nghiệp 4.0 được kỳ vọng sẽ tạo ra một bước đột phá trong quá trình thực hiện kế toán quản trị (KTQT) trong các doanh nghiệp (DN) nói chung và đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) nói riêng. Trong điều kiện mới, các ứng dụng công nghệ mới hỗ trợ tích cực cho hoạt động quản lý và KTQT tại các doanh nghiệp theo hướng hiệu quả, minh bạch và chuyên nghiệp hơn. Mặt khác, các DNNVV vẫn là động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế ở mỗi quốc gia. Tại Việt Nam, DNNVV chiếm phần lớn trong hệ sinh thái các doanh nghiệp trong nền kinh tế, chiếm hơn 90% tổng số các DN, và đóng vai trò quan trọng với kinh tế, xã hội đất nước. Phần lớn các DNVVN Việt Nam đều nhận thức được vai trò to lớn của các công cụ KTQT với sự tồn tại và phát triển bền vững của doanh nghiệp. Do đó, các giải pháp nhằm đẩy mạnh vận dụng KTQT hiệu quả hơn trở thành chủ đề được quan tâm. Để có thể đưa ra các giải pháp này, bài viết tập trung vào trình bày các kết quả quan trọng nhất trong việc nhận diện các nhân tố ảnh hưởng, điều kiện nội tại và bên ngoài tác động đến công tác KTQT của các DNVVN, từ đó đóng góp cho các giải pháp tác động hiệu quả hơn.

2. Nội dung

2.1. Những kết quả cơ bản của nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng tới việc vận dụng KTQT trong các DNNVV

Từ kết quả của việc tổng hợp các lý thuyết, các nghiên cứu trong và ngoài nước trước đây về các nhân tố ảnh hưởng tới việc vận dụng KTQT trong các DNNVV, nghiên cứu xây dựng mô hình nghiên cứu bao gồm 7 nhân tố ảnh hưởng gồm: quy mô DN, yêu cầu chi phí tổ chức KTQT, văn hóa DN, trình độ của kế toán viên, chiến lược kinh doanh, áp lực cạnh tranh và nhận thức của người chủ/nhà quản trị DN. Sau đó, tác giả sử dụng phương pháp phân tích nhân tố khám phá (Exploratory Factor Analysis - EFA) để nhận diện và đo lường mức độ ảnh hưởng của 7 nhân tố ảnh hưởng đến khả năng vận dụng KTQT trong DNNVV. Cụ thể, nghiên cứu đã thực hiện 3 bước như sau: (1) Kiểm định chất lượng thang đo bằng hệ số Cronbach’s Alpha; (2) Phân tích nhân tố khám phá EFA và (3) Phân tích hồi quy và kiểm định giả thuyết.

Kết quả cơ bản của nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng tới việc vận dụng KTQT trong các DNNVV của từng bước như sau:

- Kiểm định chất lượng thang đo bằng hệ số Cronbach’s Alpha: Qua việc kiểm định độ tin cậy của 8 thang đo bằng kiểm định Cronbach Alpha, hệ số Cronbach Alpha của tất cả các thang đo đều lớn hơn 0,6. Vì vậy, tất cả các thang đo đều có ý nghĩa thống kê và đạt độ tin cậy cần thiết, 8 nhân tố này có đủ điều kiện để tiếp tục được sử dụng trong các phân tích tiếp theo.

- Kết quả phân tích nhân tố khám phá: Kết quả phân tích cho biết hệ số KMO = 0,815 > 0,5, như vậy phân tích nhân tố khám phá là thích hợp cho dữ liệu thực tế. Đồng thời, kết quả kiểm định Bartlett có giá trị Sig.=.000 < 0,05 cho thấy các biến quan sát có tương quan tuyến tính với nhân tố đại diện. Khi xác định tổng phương sai được giải thích có 7 nhân tố có Eigenvalue > 1 và tổng phương sai trích là 65,621% thỏa mãn điều kiện > 50%. Điều này có nghĩa là 65,621% thay đổi của các nhân tố này được giải thích bởi các biến quan sát. Từ các phân tích nêu trên có thể thấy rằng, phân tích nhân tố khám phá EFA là phù hợp với dữ liệu tổng thể.

- Kết quả phân tích hồi quy: Việc xem xét trong các nhân tố tác động đến việc vận dụng KTQT trong DNNVV Việt Nam được thực hiện bằng mô hình hồi quy tuyến tính. Trong đó, các biến đưa vào phân tích hồi quy được xác định bằng cách tính điểm của các nhân tố. Kết quả kiểm định phân tích hồi quy cho thấy các biến độc lập trong mô hình đều giải thích cho sự thay đổi của biến phụ thuộc, mô hình không có hiện tượng đa cộng tuyến giữa các biến độc lập và có 61,2% sự thay đổi về việc vận dụng KTQT được giải thích bởi 7 biến độc lập trong mô hình. Ngoài ra, còn 38,8% bị thất thoát bởi các nhân tố khác chưa được phát hiện. Cụ thể, thứ tự tác động của các nhân tố ảnh hưởng tới việc vận dụng KTQT trong DNNVV được sắp xếp theo thứ tự:Yếu tố chi phí, Trình độ nhân viên, Quy mô của DN, Chiến lược kinh doanh, Áp lực cạnh tranh, Văn hóa DN, Nhận thức của chủ DN, với mức độ đóng góp lần lượt là 23,8%, 19,6%, 18,1%, 16,3%, 7,8%, 7,4% và 7%.

2.2. Những đề xuất, khuyến nghị nhằm vận dụng thành công KTQT trong các DNNVV

Những đề xuất, khuyến nghị dựa trên mức độ tác động của 7 nhân tố đã nghiên cứu ở trên ảnh hưởng tới việc vận dụng KTQT trong DNNVV, tuy nhiên được đề xuất cho các DN có quy mô khác nhau được chia thành 2 loại: DN siêu nhỏ và DNNVV.

2.2.1. Giải pháp đối với DN siêu nhỏ

Để tạo điều kiện thuận lợi cho DN siêu nhỏ, Chính phủ đã ban hành những chính sách hỗ trợ đặc biệt như Thông tư số 132/2018/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán cho DN siêu nhỏ nhằm giúp các DN này có thể thực hiện được dễ dàng các quy định pháp luật về kế toán. Tuy nhiên, với KTQT tại DN nói chung và DN siêu nhỏ nói riêng, cơ sở pháp lý duy nhất vẫn là Thông tư số 53/2006/TT-BTC hướng dẫn áp dụng KTQT trong DN. Một điều có thể dễ dàng nhận thấy, hầu hết các DN siêu nhỏ chỉ thực hiện công tác kế toán tài chính, tập trung chủ yếu vào phục vụ cho nhu cầu quyết toán thuế. Hơn nữa, không ít các DN siêu nhỏ được phát triển từ hộ kinh doanh với nguồn lực hạn hẹp, năng lực tài chính yếu. Với quy mô siêu nhỏ, năng lực tài chính hạn chế, việc phải bỏ thêm một khoản chi phí để xây dựng, thiết kế, tổ chức KTQT thường khiến các người chủ e ngại. Do đó, các giải pháp đề xuất để đẩy mạnh việc áp dụng KTQT trong DN siêu nhỏ như sau:

- Thay đổi nhận thức của người chủ DN/nhà quản trị DN về việc sử dụng KTQT trong hoạt động của DN. Các nhà quản trị cần nhận thức rõ vai trò, nội dung, kỹ thuật KTQT để có thể thực hiện tốt hơn vai trò quản trị trong quá trình điều hành hoạt động của DN.

- Bước đầu xây dựng văn hóa hỗ trợ trong DN dựa trên đặc thù của DN siêu nhỏ là số lượng lao động ít, hướng tới mục tiêu chung để làm cơ sở thuận lợi cho việc triển khai KTQT sau này của DN.

- Đào tạo nhân sự làm công tác kế toán không những có chuyên môn nghiệp vụ mà còn có sự hiểu biết về đặc điểm hoạt động, nhu cầu quản trị của DN, từ đó có những phân tích, đánh giá chính xác trên cơ sở số liệu thu thập được.

- Bộ phận kế toán của DN siêu nhỏ có thể sử dụng một số kỹ thuật KTQT đơn giản và hiệu quả như sau:

(1) Nhận diện và phân loại chi phí:

Tại DN siêu nhỏ hầu hết các quyết định của nhà quản trị đều mang tính chất ngắn hạn, do đó nhà quản trị có thể sử dụng công cụ phân tích C-V-P để phân tích mối liên hệ giữa các yếu tố nội tại của DN để đưa ra quyết định. Và tiền đề để có thể thực hiện được phân tích C-V-P là phải phân loại chi phí theo mức độ hoạt động. Khi phân loại chi phí theo mức độ hoạt động thì chi phí được phân thành 2 loại: chi phí cố định và chi phí biến đổi. Thông tin về hai loại chi phí này được sử dụng nhiều trong quyết định ngắn hạn của DN, đồng thời được sử dụng trong quá trình lập định mức và dự toán chi phí, dự toán ngân sách.

(2) Phân tích mối quan hệ chi phí - khối lượng - lợi nhuận (C-V-P)

Phân tích C-V-P sẽ cần sử dụng các dữ liệu của các yếu tố nội tại trong DN siêu nhỏ như chi phí sản xuất - kinh doanh, sản lượng sản xuất, sản lượng tiêu thụ, đơn giá bán và lợi nhuận dự kiến. Các chỉ tiêu như sản lượng hòa vốn, doanh thu hòa vốn có thể giúp nhà quản trị đưa ra các quyết định phù hợp cho các tình huống khác nhau, tại thời điểm khác nhau dựa trên năng lực hiện có của DN.

(3) Dự toán

Tại DN siêu nhỏ, nhà quản trị có thể sử dụng dự toán để ước tính mức độ tiêu thụ của kỳ tới, từ đó chủ động triển khai các hoạt động khác của đơn vị. Một số dự toán cần thiết cho các DN siêu nhỏ có thể là: dự toán bán hàng, dự toán mua hàng và dự toán tiền. Vì trên thực tế, các DN siêu nhỏ được khảo sát chủ yếu tập trung vào lĩnh vực thương mại - dịch vụ nên việc lập 3 dự toán này là hoàn toàn phù hợp.

2.2.2. Giải pháp đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa

a. Tổ chức kế toán quản trị trong doanh nghiệp với chi phí hợp lý

Tại các DNNVV Việt Nam, khi xem xét đến việc tổ chức KTQT trong DN luôn cần quan tâm đến các vấn đề như chi phí về trang thiết bị, chi phí về nhân lực thực hiện KTQT và chi phí tư vấn.

Về nhân lực KTQT: Tác giả đề xuất mô hình tổ chức bộ máy kế toán của các DN là mô hình kết hợp giữa kế toán tài chính và KTQT, tuy nhiên sẽ phân công ít nhất một nhân sự đảm nhận công việc KTQT trong đó. Sự kết nối giữa bộ phận kế toán với các phòng ban, bộ phận khác đảm bảo thông tin KTQT có thể được cung cấp một cách thường xuyên, liên tục giúp các nhà quản trị đưa ra các quyết định kịp thời trong mỗi kế hoạch, mỗi tình huống, mỗi chương trình hành động cụ thể.

Về trang thiết bị: Các DNNVV cần tăng cường việc ứng dụng công nghệ thông tin vào việc xử lý số liệu. Tùy vào tình hình tài chính của DN, trình độ tin học của nhà quản trị mỗi đơn vị có thể lựa chọn phần mềm sao cho phù hợp. DN có thể lựa chọn phần mềm thương mại được thiết kế sẵn, hoặc thuê thiết kế phần mềm theo nhu cầu của DN kết hợp sử dụng những công cụ khác như Excel, Visio, PowerPoint,… để có thể thiết kế những báo cáo KTQT linh hoạt và hiệu quả hơn.

b. Nâng cao trình độ nhân viên KTQT

Để có tể tận dụng nguồn nhân lực hiện có của DN cần tạo điều kiện cho nhân viên KTQT được tham gia các khóa học về KTQT để nâng cao trình độ, hoặc có thể căn cứ vào tình hình tài chính của đơn vị để mời các chuyên gia về để tập huấn, hướng dẫn và triển khai bước đầu về KTQT trong DN. Bên cạnh việc nâng cao trình độ, nhân viên KTQT cũng phải được đầu tư về kiến thức và kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin. Việc này đảm bảo từ khâu thu thập dữ liệu từ các hoạt động, dự án, kế hoạch của DN; nhập dữ liệu đến việc xử lý dữ liệu để có thể xây dựng hệ thống KTQT thống nhất, đầy đủ, kịp thời cho DN.

c. Thay đổi quy mô của doanh nghiệp

Một DN nhỏ sẽ khó có thể dễ dàng có chỗ đứng trên thị trường nhưng lại dễ dàng bị các đối thủ cạnh tranh khác làm ảnh hưởng. Vì vậy, khi có quá nhiều đối thủ cạnh tranh trong khi DN không có khả năng mang lại sự khác biệt quá lớn, các DNVVN thay vì phải gồng mình để cạnh tranh thì có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh bằng sự liên kết. Các DNNVV cần xây dựng chiến lược gắn kết cộng đồng hay tạo ra môi trường sinh thái lành mạnh. Việc liên kết với DN khác giúp DN đa dạng hóa hoat động, phát huy được điểm mạnh và hạn chế những điểm yếu của chính DN mình.

d. Xây dựng chiến lược kinh doanh linh hoạt

Các DNNVV với lợi thế quy mô nhỏ, tính linh hoạt cao hơn nên có khả năng nhanh chóng tạo và nắm bắt thời cơ, đặc biệt là khai thác và tận dụng các thị trường ngách. Thị trường ngách các DN lớn chưa khai thác đến hoặc khó thâm nhập lại là cơ hội cho DNNVV, mang lại nhiều lợi thế cạnh tranh cho DNNVV. Các DNNVV phải tìm cách nắm bắt các xu hướng tiêu dùng của khách hàng, đáp ứng nhu cầu của khách hàng nhằm nâng cao lợi thế cũng như năng lực cạnh tranh của DN trên thị trường. Chính từ việc nhà quản trị DN có nhu cầu thông tin để xây dựng các chiến lược kinh doanh linh hoạt hơn nên tạo nên một nhu cầu thông tin về KTQT không hề nhỏ trong DN. Đây là cơ sở tốt để việc vận dụng KTQT nhằm tạo ra nhiều thông tin được diễn ra thuận lợi hơn.

e. Áp lực cạnh tranh của thị trường

Áp lực cạnh tranh sẽ là nguyên nhân dẫn đến sự khó khăn của DN nhưng đồng thời cũng tạo ra động lực để phát triển. Để có thể hạn chế những áp lực cũng như tận dụng cơ hội để phát triển này, các nhà quản trị có thể thông qua các kênh truyền thông để tuyên truyền đến mọi nhân viên của DN, trên cơ sở đó xây dựng một văn hóa DN vững mạnh, đồng lòng. Mặt khác, các DNNVV có thể liên kết với nhau tạo ra một chuỗi giá trị hợp lý, nhằm giảm bớt áp lực cạnh tranh, phát huy được ưu thế của DN trên thương trường.

f. Xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp vững mạnh

Văn hóa DN được xem như là điều kiện thiết yếu trong quá trình tạo niềm tin, xây dựng uy tín DN với khách hàng và thị trường. Trong điều kiện cạnh tranh gay gắt hiện nay, văn hóa DN được xem như một yếu tố cốt lõi để có thể thu hút được nhân tài, tạo sự đồng thuận cao trong đơn vị.

g. Nâng cao nhận thức của người chủ/nhà quản trị doanh nghiệp về KTQT

Trong DNNVV, người chủ/nhà quản trị DN phải nhận thức được tầm quan trọng, vai trò của thông tin KTQT thì việc tổ chức và triển khai KTQT mới được thực hiện và có hiệu quả. Người chủ DN hoặc nhà quản trị DN có tư vấn với người chủ về việc đầu tư để vận dụng KTQT, đồng thời khuyến khích, chỉ đạo các nhân viên trong đơn vị trong quá trình triển khai KTQT. 

3. Kết luận

Nhằm nâng cao khả năng vận dụng thành công KTQT trong các DNNVV thì nghiên cứu và phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến việc vận dụng KTQT có ý nghĩa cả trong lý thuyết và thực tiễn. Từ việc khẳng định vai trò quan trọng của KTQT trong DN, đến việc nhận diện 7 nhân tố ảnh hưởng tới việc vận dụng KTQT trong DN, cuối cùng là đo lường mức độ ảnh hưởng của từng nhân tố được nhận diện đó, đánh giá thứ tự quan trọng của từng nhân tố dựa vào kết quả phân tích hồi quy. Trên cơ sở đó, gợi mở một số giải pháp nhằm nâng cao việc vận dụng KTQT vào trong 2 nhóm DN là DN siêu nhỏ và DNNVV, phù hợp với đặc thù riêng của từng nhóm DN này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Tài chính (2006), Thông tư số 53/2006/TT-BTC ngày 12/06/2006 của Bộ Tài chính, hướng dẫn áp dụng kế toán quản trị trong doanh nghiệp.
  2. Lê Đình Hải (2018), Áp dụng phương pháp phân tích nhân tố khám phá trong việc nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến động lực làm việc của người lao động trực tiếp tại Tập đoàn Sentec Việt Nam, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Lâm nghiệp, 1. 167 -177.
  3. Hoàng Thị Tâm (2020). Kế toán quản tri doanh nghiệp nhỏ và vừa: Lợi thế từ cách mạng công nghiệp 4.0. truy cập tại https://congnghiepmoitruong.vn/ke-toa-n-qua-n-tri-doanh-nghiep-nho-va-vua-loi-the-tu-cach-mang-cong-nghiep-40-5515.html

Recommendations to improve the effectiveness of implementing management accounting in SMEs

Ph.D Pham Hoai Nam

Banking Academy

ABSTRACT:

The development of management accounting is associated with the needs for management information of business managers. The implementation of management accounting in companies in general and in small and medium-sized enterprises (SMEs) in particular is influenced by many factors. By analyzing data sets collected from 175 SMEs in Vietnam, this paper proposes some recommendations to improve the effectiveness of implementing management accounting in SMEs.

Keywords: management accounting, recommendation, solution, implementation of management accounting.  

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 8, tháng 4 năm 2021]