TÓM TẮT:
Hệ thống thông tin kế toán (AIS) là nơi duy trì và tạo lập thông tin kế toán để các tổ chức phân tích, đánh giá, lập kế hoạch, và chẩn đoán các động thái của các hoạt động và tình hình tài chính (Anthony và cộng sự, 1994). Nếu không có hệ thống thông tin kế toán chất lượng sẽ không có thông tin kế toán chất lượng (Sacer và cộng sự, 2006). Do đó, việc xác định các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng của hệ thống thông tin kế toán là vấn đề cần thiết để tìm ra công cụ kiểm soát tốt nhất, làm giảm rủi ro, gia tăng độ tin cậy thông tin.
Xác định và đo lường mức độ tác động các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng hệ thống thông tin kế toán tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập khu vực Đông Nam Bộ là vấn đề cần thiết. Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng: Cam kết quản lý, trình độ nhân viên kế toán, kiểm soát nội bộ, chất lượng dữ liệu, văn hóa tổ chức có mối quan hệ cùng chiều đến chất lượng hệ thống thông tin kế toán. Từ kết quả nghiên cứu này, tác giả đề xuất một số giải pháp có ảnh hưởng trực tiếp đến việc nâng cao chất lượng hệ thống thông tin kế toán của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập khu vực Đông Nam Bộ.
Từ khóa: Chất lượng thông tin, chất lượng hệ thống thông tin kế toán, đơn vị sự nghiệp y tế công lập, khu vực Đông Nam Bộ.
1. Đặt vấn đề
Ngày nay, hệ thống thông tin kế toán (AIS) trong các tổ chức doanh nghiệp đã đóng một vai trò quan trọng, không chỉ trong việc ra quyết định, hoạch định, tổ chức, lãnh đạo, điều hành và kiểm soát, mà còn đóng vai trò trong phân tích, dự báo và phòng ngừa rủi ro. Nhiều quyết định được dựa trên thông tin thu được từ AIS và chúng được sử dụng làm cơ sở cho các quyết định phân bổ nguồn vốn sao cho hiệu quả, hợp lý, đem lại lợi ích hài hòa lớn nhất cho các cổ đông và vai trò của báo cáo tài chính là kênh chuyển thông tin hiệu quả cho những người bên ngoài cũng như bên trong tổ chức một cách đáng tin cậy và kịp thời (Noravesh, H., 2009, pp 117).
Việc nghiên cứu nâng cao chất lượng hệ thống thông tin kế toán ngày càng đóng vai trò quan trọng trong các tổ chức. Đơn vị sẽ mất đi cơ hội để đạt được lợi thế cạnh tranh khi họ cung cấp hệ thống thông tin kế toán kém chất lượng, điều này dẫn đến hệ lụy là sẽ làm cho những người sử dụng đưa ra những phán đoán hoặc dự báo thông tin bị sai lệch (Baltzan, 2012). Việc nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng hệ thống thông tin kế toán giúp cho các tổ chức, các nhà quản lý thấy được những tác động của hệ thống này đến công tác quản lý, góp phần nâng cao chất lượng hệ thống thông tin kế toán tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập khu vực Đông Nam Bộ.
2. Cơ sở lý thuyết, mô hình và phương pháp nghiên cứu
2.1. Cơ sở lý thuyết và mô hình đề xuất
Theo Grande và cộng sự (2011), hệ thống thông tin kế toán (AIS) được định nghĩa là công cụ ứng dụng công nghệ thông tin (IT) để giúp đỡ việc quản lý và kiểm soát các vấn đề liên quan đến kinh tế - tài chính của doanh nghiệp. Sajady và cộng sự (2008) khẳng định rằng, hệ thống thông tin kế toán hiệu quả sẽ nâng cao chất lượng báo cáo tài chính kế toán. Chất lượng thông tin nghèo nàn có thể có tác động xấu đến việc ra quyết định (Huang, Lee và Wang 1999).
Chất lượng của thông tin kế toán có thể được đánh giá bởi 4 thuộc tính là chính xác, kịp thời, đầy đủ và nhất quán (Xu, 2003). Al-Ibbini (2017) đưa ra quan điểm của mình về các biến đo lường chất lượng hệ thống thông tin kế toán có 7 thang đo bao gồm: Sự chính xác, Khả năng kiểm toán, Sự phù hợp, Tính bảo mật, Tính kịp thời, Tính linh hoạt và Sự hài lòng của người sử dụng.
Các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng hệ thống thông tin kế toán của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập khu vực Đông Nam Bộ như sau:
- Cam kết quản lý:
Cam kết quản lý là một phong cách lãnh đạo, nơi các nhà quản lý và cấp dưới tham gia cùng nhau trong việc xác định mục đích của việc làm, xác định mức độ trách nhiệm, và làm rõ các cam kết hoạt động (Chalk, 2008). Cam kết quản lý đề cập đến những lời hứa và hành động của quản lý hàng đầu nhằm phân bổ nguồn lực và hỗ trợ cho công việc. Cam kết quản lý là sự tham gia và nỗ lực để duy trì hành vi, giúp đỡ nhân viên đạt được mục tiêu của họ. Quản lý với mục tiêu cam kết cao sẽ nâng cao các cam kết của cá nhân có hành vi độc lập lớn, không bị chi phối bởi các biện pháp trừng phạt và áp lực bên ngoài và các mối quan hệ trong một tổ chức đạt mức độ tin cậy cao (Armstrong, 2006). Do đó, cam kết quản lý là điều kiện quan trọng để xây dựng và triển khai một hệ thống thông tin kế toán thành công.
Giả thiết H1: Cam kết quản lý tác động tích cực đến chất lượng hệ thống thông tin kế toán.
- Trình độ nhân viên kế toán
Barney và Wright (1998) chỉ ra rằng, nguồn nhân lực có nhiều khả năng là nguồn gốc duy trì lợi thế cạnh tranh của tổ chức. Nhân viên kế toán là một trong những thành phần chính của hệ thống thông tin kế toán khi họ tham gia vào việc nhập dữ liệu, xử lý đầu vào và đầu ra của thông tin dữ liệu kế toán. Nghiên cứu gần đây cung cấp bằng chứng rằng, nguồn nhân lực xem xét một phần quan trọng trong sự thành công của hệ thống thông tin kế toán. ALshbiel và Al-Awaqleh (2011) chỉ ra rằng, có một mối quan hệ tích cực giữa chất lượng nguồn nhân lực và hiệu quả thực hiện hệ thống thông tin kế toán trong các bệnh viện ở Jordan.
Giả thiết H2: Trình độ nhân viên kế toán tác động tích cực đến chất lượng hệ thống thông tin kế toán.
- Kiểm soát nội bộ
Moeller (2010) định nghĩa kiểm soát nội bộ là một quy trình được thiết kế bởi ban giám đốc, nhà quản lý, nhân viên của tổ chức nhằm mục đích hướng đến hiệu quả của các hoạt động, độ tin cậy của báo cáo tài chính và tuân thủ các luật hiện hành và các quy định. Kiểm soát nội bộ của hệ thống thông tin kế toán (AIS) nằm trong thành phần của hoạt động kiểm soát. Hoạt động kiểm soát thực hiện thông qua các chính sách và thủ tục để giảm thiểu rủi ro trong việc thực hiện các mục tiêu. Kiểm soát hệ thống thông tin kế toán bao gồm kiểm soát chung, kiểm soát phần phần mềm, phần cứng vật lý, hoạt động máy tính, bảo mật dữ liệu và việc thực hiện các quy trình hệ thống (Laudon và cộng sự, 2012).
Giả thiết H3: Kiểm soát nội bộ tác động tích cực đến chất lượng hệ thống thông tin kế toán.
- Chất lượng dữ liệu
Tất cả các quá trình trích xuất dữ liệu (thu thập dữ liệu, lưu trữ dữ liệu, và sử dụng dữ liệu) phải hoạt động đúng để đạt được dữ liệu chất lượng cao (Lee và Strong, 2003). Xu (2009) phát hiện ra rằng, kiểm soát đầu vào và nhân viên rất quan trọng đối với chất lượng dữ liệu của hệ thống thông tin kế toán. Dữ liệu không chính xác và không đầy đủ có thể làm giảm khả năng cạnh tranh, đầu ra của AIS phụ thuộc vào chất lượng của dữ liệu. Do đó, chất lượng dữ liệu rất quan trọng đối với hệ thống thông tin kế toán.
Giả thiết H4: Chất lượng dữ liệu tác động tích cực đến chất lượng hệ thống thông tin kế toán.
- Văn hóa tổ chức
Văn hóa đóng vai trò trong quản lý và có thể ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp đến ứng dụng công nghệ thông tin. Văn hóa tổ chức ảnh hưởng đến nhận thức khác biệt đối với hiệu quả hệ thống thông tin (Leidner và Keyworth, 2006). Jonh và Alony (2007) cho rằng, hệ thống thông tin cần được thiết kế liên kết chặt chẽ và phản ánh được văn hóa tổ chức. Hệ thống thông tin sẽ không vận hành tốt nếu không có văn hóa tổ chức và nguồn nhân lực. Nickels và Janz (2010) nhận định, văn hóa tổ chức đóng góp quan trọng đối với sự thành công của công nghệ thông tin, ảnh hưởng mạnh mẽ đến hệ thống thông tin kế toán. Laudon và cộng sự (2010) cho rằng, nhân tố văn hóa tổ chức là nhân tố quan trọng ảnh hưởng tích cực, quyết định đến thiết kế hệ thống thông tin và chất lượng hệ thống thông tin kế toán.
Giả thiết H5: Văn hóa tổ chức tác động tích cực đến chất lượng hệ thống thông tin kế toán.
2.2. Phương pháp và dữ liệu nghiên cứu
Nghiên cứu được thực hiện theo phương pháp nghiên cứu hỗn hợp là nghiên cứu định tính kết hợp với nghiên cứu định lượng. Đối với nghiên cứu định tính nhằm giải quyết mục tiêu nghiên cứu là các nhân tố nào ảnh hưởng đến chất lượng hệ thống thông tin kế toán của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập khu vực Đông Nam Bộ, tác giả thông qua các nghiên cứu trước và lý thuyết nền cùng với thảo luận chuyên gia để xác định mô hình và thang đo cho nghiên cứu chính thức. Đối với nghiên cứu định lượng nhằm giải quyết mục tiêu nghiên cứu là đo lường mức độ tác động các nhân tố đến chất lượng hệ thống thông tin kế toán của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập khu vực Đông Nam Bộ thông qua việc thu thập, phân tích dữ liệu khảo sát, và kiểm định các giả thiết của mô hình bằng công cụ SPSS 22.0.
Phương pháp chọn mẫu: Mẫu được chọn theo phương pháp ngẫu nhiên. Theo Tabachnick& Fidell (2007) khi dùng hồi quy bội, kích thước mẫu n nên được tính bằng công thức sau: n ≥ 50 +8p (p: số lượng biến độc lập), số mẫu được chọn trong bài nghiên cứu là 176 mẫu là phù hợp.
Tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu đặc điểm của Hội đồng quản trị tác động đến chất lượng hệ thống thông tin kế toán của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập khu vực Đông Nam Bộ Minh như sau:
3. Kết quả nghiên cứu
Sau khi kiểm định độ tin cậy các thang đo của các biến độc lập và biến phụ thuộc. Tác giả đánh giá mức độ phù hợp của mô hình hồi quy tuyến tính như sau: (Bảng 1)
Bảng 1. Đánh giá mức độ phù hợp của mô hình hồi quy tuyến tính đa biến
Mô hình |
Hệ số R |
Hệ số R2 |
Hệ số R2 - hiệu chỉnh |
Sai số chuẩn của ước lượng |
1 |
.901a |
.813 |
.807 |
.16134 |
(Nguồn: Tính toán từ phầm mềm SPSS)
Bảng 1 cho thấy, giá trị hệ số R2 - hiệu chỉnh = 0.807 > 0.5, do vậy, đây là mô hình thích hợp để sử dụng đánh giá mối quan hệ giữa biến phụ thuộc và các biến độc lập. Ngoài ra, giá trị hệ số R2 hiệu chỉnh là 0.807, nghĩa là mô hình hồi quy tuyến tính đã xây dựng phù hợp với dữ liệu 80.7%.
Bảng 2. Bảng kết quả các trọng số hồi quy
Coefficientsa |
||||||||
Mô hình |
Hệ số chưa chuẩn hóa |
Hệ số chuẩn hóa |
tstat |
Sig. |
Thống kê đa cộng tuyến |
|||
Beta |
Sai số chuẩn |
Beta |
Hệ số Tolerance |
Hệ số VIF |
||||
1 |
(Constant) |
-.701 |
.200 |
|
-3.500 |
.001 |
|
|
X1 |
.197 |
.020 |
.333 |
9.693 |
.000 |
.932 |
1.073 |
|
X2 |
.275 |
.022 |
.430 |
12.638 |
.000 |
.952 |
1.051 |
|
X3 |
.212 |
.020 |
.373 |
10.855 |
.000 |
.933 |
1.071 |
|
X4 |
.245 |
.022 |
.382 |
10.960 |
.000 |
.907 |
1.103 |
|
X5 |
.316 |
.035 |
.318 |
8.986 |
.000 |
.882 |
1.134 |
(Nguồn: Tính toán từ phầm mềm SPSS)
Căn cứ vào Bảng 2, phương trình hồi quy tuyến tính bội các nhân ảnh hưởng đến Chất lượng hệ thống thông tin kế toán của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập khu vực Đông Nam Bộ với các hệ số chuẩn hóa như sau:
Y = 0.333X1+ 0.430X2 + 0.373X3 + 0.382X4 + 0.318X5
4. Kết luận và kiến nghị
4.1. Kết luận
Mục đích của nghiên cứu là xác định và đo lường mức độ tác động của các nhân tố đến Chất lượng hệ thống thông tin kế toán của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập khu vực Đông Nam Bộ.
Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra được 5 nhân tố có tác động đến Chất lượng hệ thống thông tin kế toán của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập khu vực Đông Nam Bộ với mức độ tác động theo thứ tự từ cao đến thấp như sau: Trình độ nhân viên kế toán; chất lượng dữ liệu; kiểm soát nội bộ; cam kết quản lý; văn hóa tổ chức.
4.2. Kiến nghị
Tác giả đề xuất một số các kiến nghị về ảnh hưởng của các nhân tố đến Chất lượng hệ thống thông tin kế toán của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập khu vực Đông Nam Bộ như sau:
Thứ nhất, các cơ sở y tế công lập cần từng bước ổn định và tăng cường về mặt nhân sự, nhất là tăng số lượng và chất lượng kế toán viên hành nghề nhằm tăng dần quy mô hoạt động; Từng bước hoàn thiện các quy chế quản lý, nên xây dựng quy chế tuyển dụng, quản lý nhân viên, chế độ đãi ngộ, thăng tiến phù hợp với đặc thù của từng đơn vị.
Thứ hai, các cơ sở y tế cần áp dụng chính sách bảo mật dữ liệu thông tin kế toán ở mức cao trong việc áp dụng công nghệ thông tin trong hệ thống thông tin kế toán. Do vậy, hoạt động của các cơ sở y tế công lập cần tập trung vào một số nội dung: Ghi nhận thông tin rõ ràng, có ý nghĩa, đáng tin cậy và nhất quán, tiếp tục hoàn thiện và hướng dẫn chi tiết thực hiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán và kiểm toán.
Thứ ba, phải giáo dục, phổ biến cho mọi cán bộ, nhân viên hiểu công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ là việc của tất cả mọi người, mỗi cán bộ, công nhân viên cần đề cao tinh thần chủ động, trách nhiệm với công tác giám sát mọi hoạt động của bệnh viện. Các cơ sở y tế cũng cần công khai, phổ biến cho họ để họ nắm được, hỗ trợ Bệnh viện thực hiện đúng các quy định, thủ tục, quy trình này và phát hiện, phản ánh các hành vi sai sót của nhân viên y tế. Rà soát, cập nhật thường xuyên Quy chế chi tiêu nội bộ, xây dựng các định mức, tiêu chuẩn chi tiêu mới, hướng dẫn chi tiết theo các quy định pháp luật.
Thứ tư, sự hỗ trợ từ ban lãnh đạo ảnh hưởng rất lớn đến sự thành công của hệ thống thông tin kế toán, ban lãnh đạo phải xác định mục tiêu chiến lược, tầm nhìn phát triển phù hợp với phát triển tổ chức. Quản lý cấp cao cam kết học hỏi, tìm hiểu, đổi mới quy trình quản lý để có thể thực hiện quản lý chất lượng thông tin kế toán tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập.
Thứ năm, các cơ sở y tế công lập cần không ngừng hoàn thiện các giải pháp cải thiện nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho người lao động. Nâng cao được nhận thức của các tổ chức về văn hóa đơn vị, trước hết và quan trọng nhất là lãnh đạo, ban giám đốc, từ đó truyền đạt, lan tỏa xuống bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý và xuống tới người lao động.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Al-Hiyari, A., AL-Mashre, M. H. H., Mat, N. K., & Alekam, J. M. (2013). Factors that affect accounting information system implementation and accounting information quality: A survey in University Utara Malaysia. American Journal of Economics, 3(1), 27-31.
- Alshbiel, S. O., & Al-Awaqleh, Q. A. (2011). Factors affecting the applicability of the computerized accounting system. International Research Journal of Finance and Economics, 64, 36-53.
- Barney, J.B., Wright, P. M., (1998). On becoming a strategic partner: The role of human resources in gaining competitive advantage. Human Resource management, 37(1), 31–46.
- Chalk, David N (2008). Management by Commitment. Indiana: AuthorHouse.
- Laudon, K. C., & Laudon, J. P. (2012). Sistemas de información gerencial. Decimosegunda edición. Editorial Pearson, México.
- Moeller, Robert R (2010). IT Audit, Control, and Security. New Jersey: John Wiley & Sons, Inc.
FACTORS AFFECTING THE QUALITY OF ACCOUNTING INFORMATION SYSTEM OF PUBLIC HEALTH SERVICE AGENCIES LOCATED IN VIETNAM’S SOUTHEAST REGION
Master. Doan Thi Chuyen
Bien Hoa City Institute of Forensic, Dong Nai Province
Abstract:
The Accounting Information System (AIS) is the place to maintain and create accounting information for organizations to analyze, evaluate, plan, and diagnose the dynamics of their operations and financial situation (Anthony et al., 1994). Without quality accounting information, there is no quality accounting information (Sacer et al., 2006). Therefore, determining the factors affecting the quality of the accounting information system is essential to find the best control tool to reduce risks and increase information reliability.
Identifying and measuring the impact of factors affecting the quality of the accounting information system of public health service agencies located in Vietnam’s Southeast region is a necessary issue. This research’s findings reveal that management commitment, accounting staff capacity, internal control, data quality, and organizational culture have positive correlations with the accounting information system. Based on this research’s results, some solutions are proposed to directly improve the quality of accounting information systems of public health service agencies located in Vietnam’s Southeast region.
Keywords: Information quality, accounting information system quality, public health service agencies, Vietnam’s Southeast region.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 19, tháng 8 năm 2020]