Các yêu cầu của EU đối với cá và nhuyễn thể nhập khẩu

Thị trường Liên minh Châu Âu là thị trường xuất khẩu quan trọng của thủy sản Việt Nam nhưng sản phẩm thủy sản muốn tiếp cận thị trường này phải đáp ứng một loạt các yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn chất
Liên minh Châu Âu (EU) là một trong những thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Trong năm 2013, giá trị thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào EU đạt 1,182 tỷ USD; chiếm tới 17% tổng giá trị thủy sản xuất khẩu (6,7 tỷ USD). Số doanh nghiệp Việt Nam được phép xuất khẩu thủy sản vào EU cũng lên tới 474 doanh nghiệp.

Tuy là thị trường lớn, giàu tiềm năng nhưng EU đề ra rất nhiều quy định, tiêu chuẩn, yêu cầu khắt khe về chất lượng các sản phẩm cá và nhuyễn thể nhập khẩu cũng như quy trình tiến hành nhập khẩu sản phẩm vào thị trường.

Quy trình xuất khẩu

Doanh nghiệp muốn xuất khẩu hải sản và các loại thủy sản khác sang EU cần liên hệ với cơ quan có thẩm quyền trong nước để được cấp phép, bao gồm: Tổng vụ Sức khỏe và Bảo vệ người tiêu dùng - Ủy ban Châu Âu, Văn phòng Thực phẩm và Thú y, Cơ quan An toàn thực phẩm Châu Âu.

Cơ quan quốc gia có thẩm quyền của nước thứ ba phải nộp yêu cầu lên Tổng vụ Sức khỏe và Bảo vệ người tiêu dùng của Ủy ban châu Âu để xuất khẩu cá và thủy sản hoặc các loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ sang EU. Tổng vụ Sức khỏe và Bảo vệ người tiêu dùng gửi bảng hỏi để điền và gửi lại. Đối với thủy sản nuôi trồng, kế hoạch kiểm tra dư lượng của nước nhập khẩu phải được nộp và phê duyệt ở bước này.

Sau khi đánh giá hồ sơ nộp về, Văn phòng Thực phẩm và Thú y sẽ tiến hành thanh tra để đánh giá tình hình tại chỗ. Dựa trên kết quả đánh giá/thanh tra và bảo lãnh của nước xuất khẩu, Tổng vụ Sức khỏe và Bảo vệ người tiêu dùng đề xuất đưa nước đó vào danh mục và các điều kiện cho phép nhập khẩu từ nước đó cùng với danh mục các cơ sở xuất khẩu được xuất khẩu của nước đó.

Nếu các nước thành viên ủng hộ đề xuất, Ủy ban châu Âu sẽ thông qua các điều kiện nhập khẩu cụ thể đó. EU sẽ chỉ cho phép nhập khẩu từ các tàu thuyền và cơ sở đã phê duyệt được phép xuất khẩu vào EU.

Kiểm tra chất lượng

Các sản phẩm thủy sản nộp đơn xin được nhập khẩu vào thị trường EU sẽ phải được tiến hành kiểm tra các tiêu chí sau: kiểm tra cảm quan; các chỉ số chỉ độ tươi; histamine; dư lượng và chất gây ô nhiễm; kiểm tra vi sinh; ký sinh; thủy sản có độc tố.

Kiểm tra cảm quan ngẫu nhiên phải được thực hiện bởi doanh nghiệp thực phẩm ở tất cả các công đoạn sản xuất, chế biến và phân phối. Nhân viên thú y có thẩm quyền phải tiến hành kiểm tra trong khi cập cảng/bốc dỡ hàng hoặc trước khi phân phối mỗi lô hàng nhằm xác minh xem hàng đủ hay không đủ điều kiện để tiêu dùng cho người. Khi kiểm tra cảm quan thấy có lý do nghi ngờ về sự xuất hiện của các yếu tố có thể ảnh hưởng đến sức khỏe con người, cơ quan chức năng của EU sẽ tiến hành lấy mẫu phù hợp để thẩm định.

Ảnh minh họa

EU quy định sản phẩm thủy sản không được phép chứa dư lượng và các chất gây ô nhiễm với hàm lượng cao hơn hàm lượng cho phép trong Quy định (EC) số 1881/2006. Sản phẩm thủy sản cũng không được phép chứa vi sinh vật nguy hiểm cho sức khỏe của con người.

Chỉ tiêu histamine trong sản phẩm thủy sản được căn cứ dựa theo Quy định EC số 2073/2005.

Các loài giáp xác và nhuyễn thể vỏ cứng nấu chín sẽ được tiến hành kiểm tra vi sinh Salmonella; các loài nhuyễn thể hai vỏ và động vật da gai, các loài có bao và chân bụng sẽ được kiểm tra vi sinh Salmonella và E.coli. Thủy sản có dấu hiệu rõ ràng về việc bị nhiễm ký sinh trùng không được phép đưa ra thị trường để bán làm thức ăn cho người

EU nghiêm cấm việc nhập khẩu và bán ra thị trường các loại cá độc thuộc cá họ cá sau đây: Tetraodontidae, Molidae, Diodontidae, Canthigasteridae cũng như các loại thủy sản chứa biotoxins như Ciguatera hay các chất độc khác nguy hiểm cho sức khỏe của con người.

Một số yêu cầu cụ thể

EU quy định việc bảo quản thủy sản phải đáp ứng yêu cầu nhiệt độ đông lạnh: -18 độ C; sản phẩm tươi, ướp đã phải được giữ ở nhiệt độ đá tan; thủy sản sống phải được giữ sống trong toàn bộ quá trình bảo quản.

Theo Quy định EU số 178/2002, các sản phẩm thủy sản phải đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc tại tất cả các công đoạn sản xuất, chế biến và phân phối. Do đó, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu thủy sản cần phải lưu: tên, địa chỉ nhà cung cấp và danh tính sản phẩm được cung cấp; tên, địa chỉ người nhận trực tiếp và danh tính sản phẩm được giao; ngày và, nếu cần thiết, giờ giao dịch/giao hàng; khối lượng hoặc số lượng nếu phù hợp.

Sản phẩm thủy sản xuất khẩu vào EU cũng cần phải lưu ý các yêu cầu về ghi nhãn sản phẩm. Việc ghi nhãn sản phẩm thủy sản nói chung phải bao gồm đầy đủ: tên gọi mà theo đó sản phẩm được bán; danh mục các nguyên liệu; số lượng của một số nguyên liệu và loại nguyên liệu nhất định ghi theo tỷ lệ phần trăm; trọng lượng tịnh; hạn sử dụng tối thiểu hoặc “sử dụng trước ngày” hoặc “sử dụng đến ngày”; các điều kiện bảo quản và sử dụng đặc biệt nếu có; tên hoặc tên doanh nghiệp và địa chỉ của nhà sản xuất hoặc đóng gói và đánh dấu lô hàng.

Một số địa chỉ hữu ích tham khảo thông tin về xuất khẩu thủy sản và nhuyễn thể vào thị trường EU:

Trang thông tin điện tử về An toàn thực phẩm của Tổng cục Sức khỏe và Bảo vệ người tiêu dùng:

http://ec.europa.eu/food/index_en.htm

Thông tin chi tiết về các điều kiện nhập khẩu đối với động vật và sản phẩm động vật:

http://ec.europa.eu/food/animal/animalproducts/index_en.htm

Những câu hỏi chính về các quy định vệ sinh thực phẩm và kiểm tra chính thức đối với thực phẩm.

http://ec.europa.eu/food/international/trade/interpretation_imports.pdf

Mở rộng xuất khẩu – trang thông tin hỗ trợ xuất khẩu trực tuyến của Tổng vụ Thương mại:

http://exporthelp.europa.eu/index_en.html