Các yếu tố ảnh hưởng đến ý định nghỉ hưu sớm của người lao động tại Thành phố Hồ Chí Minh

Bài báo nghiên cứu "Các yếu tố ảnh hưởng đến ý định nghỉ hưu sớm của người lao động tại Thành phố Hồ Chí Minh" do Dương Thị Ngọc Liên - Vũ Thị Khánh Trang (Khoa Quản lý Công nghiệp - Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) thực hiện.

TÓM TẮT:

Nghiên cứu xác định các yếu tố ảnh hưởng đến ý định thực hiện nghỉ hưu sớm của người lao động tại Thành phố Hồ Chí Minh. Từ đó, đo lường mức độ ảnh hưởng của các yếu tố này lên ý định thực hiện nghỉ hưu sớm của họ. Dữ liệu được thu thập từ 199 người lao động tại Thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả cuối cùng cho thấy 6 nhân tố ảnh hưởng đến ý định nghỉ hưu sớm của người lao động trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, bao gồm: Tính chủ động trong công việc (β=-0,452), Căng thẳng về mặt thể chất (β=0,25), Thái độ đối với việc nghỉ hưu (β=0,223), Yếu tố xã hội (β=0,204), Yếu tố tài chính (β=0,118), Sự không ổn định trong cảm xúc (β=0,116). Từ kết quả thu được, nghiên cứu nêu một số hàm ý quản trị nhằm giảm ý định nghỉ hưu sớm của người lao động tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Từ khóa: nghỉ hưu sớm, người lao động, ý định, nghỉ hưu, Thành phố Hồ Chí Minh.

1. Đặt vấn đề

Nghỉ hưu sớm là xu hướng của những người tự chủ về mặt tài chính, đặc biệt là giới trẻ ngày nay.

Theo Tài (2023) dự kiến sẽ có tình trạng thiếu lao động ở một số lĩnh vực. Tình trạng nghỉ hưu sớm trong bối cảnh khan hiếm lao động đang đặt ra một thách thức nặng nề, tăng cường áp lực lên thị trường lao động, doanh nghiệp và nhà nước, làm gia tăng khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 135/2020/NĐ-CP về tuổi nghỉ hưu có hiệu lực từ ngày 01/01/2021. Tuy nhiên, việc thiết lập các quy định này không đồng nghĩa với việc đã hiểu rõ các yếu tố ảnh hưởng đến ý định nghỉ hưu sớm của người lao động. Nghiên cứu về ý định nghỉ hưu sớm ở Việt Nam còn hạn chế, đặc biệt là các nghiên cứu định lượng thực tiễn. Điều này làm cho việc đánh giá tác động của các chính sách mới trở nên khó khăn, có thể dẫn đến việc thiết kế chính sách không hiệu quả, không phản ánh đúng nhu cầu và mong muốn của người lao động. Như vậy cho thấy có một khoảng trống lớn trong việc nghiên cứu và hiểu biết về vấn đề này, cần được khám phá và phát triển thêm.

Nghiên cứu “Nhân tố tác động đến ý định thực hiện độc lập tài chính - Nghỉ hưu sớm của thế hệ Millennials tại Việt Nam” của Phùng (2022) mặc dù có quan tâm đến vấn đề nghỉ hưu sớm nhưng nghiên cứu này lại tập trung vào một xu hướng cụ thể mà chưa có sự đánh giá tổng quát. Điều này dẫn đến khó có thể đánh giá thực trạng hiện tại, cũng như cung cấp những hiểu biết sâu sắc về động cơ thực hiện của người lao động. Để giảm bớt áp lực lên hệ thống an sinh xã hội và tình trạng thiếu hụt lao động dự kiến trong những thập kỷ tới, điều quan trọng người lao động phải kéo dài thời gian làm việc (khỏe mạnh) của mình cho đến hoặc sau tuổi nghỉ hưu chính thức.

Vì vậy, nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến ý định nghỉ hưu sớm của người lao động tại Thành phố Hồ Chí Minh có tầm quan trọng và rất thực tế. Bài báo sẽ trình bày cơ sở lý thuyết, mô hình nghiên cứu, thiết kế nghiên cứu, cũng như kết quả và ý nghĩa của nó.

2. Cơ sở lý thuyết, mô hình và giả thuyết nghiên cứu

2.1. Cơ sở lý thuyết

Để thực hiện nghiên cứu này tác giả dựa trên cơ sở: khái niệm nghỉ hưu (Feldman, 1994), nghỉ hưu sớm (Inkenen, 2021), lý thuyết hành vi hoạch định (Theory of planned behavior - TPB) (Icek Ajzen, 1991), lý thuyết về nhận thức xã hội (Social Cognitive Theory - SCT) (Bandura, 1999).

Bên cạnh đó, tác giả đã thừa kế từ các nghiên cứu: Sejbaek và cộng sự (2012), Morten và cộng sự (2005), Astrid và cộng sự (2018), Moorthy và cộng sự (2012) để làm cơ sở xây dựng mô hình nghiên cứu đề xuất.

2.2. Mô hình nghiên cứu

Sử dụng cơ sở lý thuyết trên và kết hợp với phỏng vấn 5 chuyên gia, mô hình nghiên cứu chính thức gồm 10 biến độc lập, 1 biến phụ thuộc với 37 biến quan sát. 

Hình 1: Mô hình nghiên cứu 

NGHI HUU

Nguồn: Nhóm tác giả đề xuất

2.3. Giả thuyết nghiên cứu

  • Căng thẳng về thể chất: theo Sejbaek và cộng sự (2012), những người tham gia làm việc ảnh hưởng thể chất nhiều sẽ nghỉ hưu sớm hơn những người ít căng thẳng về thể chất. Nghiên cứu cũng chỉ ra sức khỏe ảnh hưởng đến việc nghỉ hưu sớm.

Giả thuyết H1: các căng thẳng về mặt thể chất có ảnh hưởng cùng chiều đến ý định nghỉ hưu sớm.

Cường độ làm việc: đề cập đến mức độ hao phí sức lao động, theo Sejbaek và cộng sự (2012), cường độ làm việc cao được coi là một yếu tố thúc đẩy nhân viên rời khỏi thị trường lao động. Vì điều này làm gia tăng áp lực, căng thẳng và mệt mỏi cho người lao động, kể cả việc làm giảm sự hứng thú, động lực và sự gắn bó với công việc. Do đó làm giảm sự tự tin, sự phát triển nghề nghiệp và đóng góp xã hội. Từ đó, người lao động có thể có ý định nghỉ hưu sớm để tìm kiếm những hoạt động có ý nghĩa hơn cho cuộc sống của mình

Giả thuyết H2: cường độ công việc có ảnh hưởng cùng chiều đến ý định nghỉ hưu sớm.

Khối lượng công việc: bao gồm những công việc, những nhiệm vụ được giao trong khoảng thời gian và nguồn lực cho phép phải hoàn thành.  Theo Astrid và cộng sự (2018), áp lực công việc cao cũng có thể làm tăng khả năng nghỉ hưu.

Giả thuyết H3: khối lượng công việc có ảnh hưởng cùng chiều đến ý định nghỉ hưu sớm.

Sự không ổn định trong cảm xúc: đề cập đến trạng thái tâm lý căng thẳng trong công việc. Cảm xúc căng thẳng có mối quan hệ tuyến tính với hành vi nghỉ hưu sớm. Thái độ tiêu cực đối với công việc cũng ảnh hưởng đến quyết định nghỉ hưu sớm của nhân viên (Beehr, 2000).

Giả thuyết H4: sự không ổn định trong cảm xúc có ảnh hưởng cùng chiều đến ý định nghỉ hưu sớm.

Khả năng phát triển: công việc không phù hợp dẫn đến sự bất mãn và tình huống làm việc không thuận lợi khiến người lao động không muốn tiếp tục làm việc và khuyến khích họ nghỉ hưu. Nghiên cứu cho thấy việc thiếu thách thức, thiếu cơ hội phát triển và tăng trưởng trong công việc có thể đẩy mọi người đến việc nghỉ hưu (Elovainio & cộng sự, 2005).

Giả thuyết H5: khả năng phát triển có ảnh hưởng ngược chiều đến ý định nghỉ hưu sớm.

Tính chủ động: các đặc điểm công việc có động lực nội tại như kiểm soát công việc, kỹ năng tùy ý và quyền tự chủ có liên quan tiêu cực đến quyết định nghỉ hưu. Morten và cộng sự (2005), chỉ ra rằng, việc hạn chế quyền tự chủ trong công việc của cá nhân có thể ảnh hưởng đến ý định nghỉ hưu sớm, đặc biệt với nam giới. Nhân viên có tính chủ động cao thường ít nghỉ hưu sớm hơn (Astrid và cộng sự, 2018).

Giả thuyết H6: tính chủ động có ảnh hưởng ngược chiều đến ý định nghỉ hưu sớm.

Yếu tố tài chính: Beehr & cộng sự (2000) kết luận, tài chính là yếu tố dự báo mạnh mẽ nhất về quyết định nghỉ hưu dù dưới hình thức này hay hình thức khác. Bên cạnh đó, theo Astrid và cộng sự (2018), một người có khả năng tài chính dự đoán sẽ nghỉ hưu sớm.

Giả thuyết H7: yếu tố tài chính có ảnh hưởng cùng chiều đến ý định nghỉ hưu sớm.

Mục tiêu rõ ràng: theo Smith (2017), mục tiêu rõ ràng được sử dụng để miêu tả cá nhân tự bắt đầu, suy tính trước và duy trì kiên trì trong hành vi cải thiện và thay đổi kết quả, môi trường sống xung quanh. Những người có mục tiêu rõ ràng sẽ giảm những lo lắng về lương hưu (Ugwu và cộng sự, 2021). Người lao động có kế hoạch, mục tiêu rõ ràng càng chủ động việc nghỉ hưu (Parker và cộng sự, 2006).

Giả thuyết H8: mục tiêu rõ ràng ảnh hưởng cùng chiều đến ý định nghỉ hưu sớm.

Yếu tố xã hội: yếu tố xã hội hay còn được hiểu là chuẩn chủ quan tức là áp lực xã hội được nhận thức để thực hiện hay không thực hiện hành vi (Icek Ajzen, 1991). Theo Astrid và cộng sự (2018), những người xung quanh có tác động tích cực đến việc ngừng làm việc trước tuổi nghỉ hưu quy định. (Lusardi và cộng sự, 2017) kết luận những người có cha mẹ có thu nhập cao hơn thường có độ sẵn sàng cao hơn khi thực hiện các kế hoạch tài chính. Như vậy, sự chấp thuận của những người quan trọng càng lớn, ý định thực hiện hành vi càng tăng.

Giả thuyết H9: yếu tố xã hội có tác động cùng chiều đến ý định nghỉ hưu sớm.

Thái độ đối với việc nghỉ hưu: thái độ đối với hành vi là một khía cạnh quan trọng được mô tả trong mô hình TPB của Icek Ajzen (1991), biểu hiện sự đánh giá cá nhân về hậu quả có được từ việc thực hiện một hành vi cụ thể. Đây là việc đo lường mức độ đánh giá thuận lợi hay bất lợi của một cá nhân đối với một hành vi nhất định. Nghiên cứu của Lusardi và cộng sự (2010) đã chỉ ra người có thái độ tiêu cực thường giảm thiểu việc lập kế hoạch nghỉ hưu và gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thông tin liên quan. Do đó, việc thay đổi thái độ thông qua việc định hướng tư duy và có cái nhìn đúng đắn về đầu tư, tiết kiệm và lập kế hoạch nghỉ hưu có thể làm thay đổi thái độ, đồng thời tăng cường ý định thực hiện nghỉ hưu sớm.

Giả thuyết H10: thái độ (tích cực) có tác động cùng chiều đến ý định nghỉ hưu sớm.

3. Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp định lượng được sử dụng thực hiện nghiên cứu này. Thang đo nghiên cứu gồm 38 biến quan sát. Nhóm tác giả thực hiện lấy mẫu thuận tiện, phi xác suất. Khảo sát bằng bảng câu hỏi 199 đáp viên. Phân tích dữ liệu bằng phần mềm SPSS 20.0. Quá trình phân tích bao gồm thống kê mô tả, kiểm định độ tin cậy bằng hệ số Cronbach’s Alpha, phân tích nhân tố khám phá EFA, phân tích hệ số tương quan Pearson, phân tích hồi quy tuyến tính. Dựa trên kết quả này và phỏng vấn chuyên gia để đề xuất các hàm ý quản trị.

4. Kết quả nghiên cứu

  • Sau khi kiểm định độ tin cậy của thang đo bằng hệ số Cronbach’s Alpha, kết quả toàn bộ thang đo của biến độc lập và biến phụ thuộc đều thỏa điều kiện thang đo tin cậy.
  • Sau đó, tác giả tiếp tục phân tích EFA. Kết quả có 11 biến đo lường bị loại và có 7 nhân tố độc lập được trích ra với 24 biến quan sát, bao gồm: Yếu tố tài chính, Tính chủ động trong công việc, Khả năng phát triển, Sự ổn định trong cảm xúc,  Yếu tố xã hội, Thái độ đối với việc nghỉ hưu, Căng thẳng về mặt thể chất. Có 6 nhân tố này đều có tương quan với biến phụ thuộc, tiếp tục đưa vào phân tích hồi quy đa biến. Kết quả: R2=61,8%, tất cả biến độc lập đều có sự tác động lên biến phụ thuộc: Tính chủ động trong công việc (β=-0,452), Căng thẳng về mặt thể chất (β=0,25), Thái độ đối với việc nghỉ hưu (β=0,223), Yếu tố xã hội (β=0,204), Yếu tố tài chính (β=0,118), Sự không ổn định trong cảm xúc (β=0,116).

5. Thảo luận kết quả

  • Như vậy, từ 10 nhân tố độc lập ban đầu, qua quá trình phân tích, ta có kết quả có 6 giả thuyết được chấp nhận và có hệ số β của các nhân tố trong phương trình hồi quy như sau: Các căng thẳng về mặt thể chất có ảnh hưởng cùng chiều đến ý định nghỉ hưu sớm (β=0,25); Sự không ổn định trong cảm xúc có ảnh hưởng cùng chiều đến ý định nghỉ hưu sớm (β=0,116); Tính chủ động trong công việc có ảnh hưởng ngược chiều đến ý định nghỉ hưu sớm (β=-0.452); Yếu tố tài chính có ảnh hưởng cùng chiều đến ý định nghỉ hưu sớm (0.118); Yếu tố xã hội có tác động cùng chiều đến ý định nghỉ hưu sớm (β=0,204); Thái độ (tích cực) có tác động cùng chiều đến ý định nghỉ hưu sớm (β=0,223).
  • Trong khi đó ở các nghiên cứu mà tác giả thừa kế, có sự khác biệt về các biến độc lập tác động lên biến phụ thuộc. Cụ thể, với Sejbaek và cộng sự (2012): Cường độ công việc, Khối lượng công việc, Sự không ổn định trong cảm xúc, Căng thẳng về mặt thể chất; với Morten và cộng sự (2005): Tính chủ động trong công việc, Căng thẳng về mặt thể chất, Sự không ổn định trong cảm xúc; với Astrid và công sự (2018): Căng thẳng về mặt thể chất, Yếu tố xã hội, Yếu tố tài chính; trong khi nghiên cứu của Moorthy và cộng sự (2012): Mục tiêu rõ ràng, Căng thẳng về mặt thể chất, Thái độ đối với việc nghỉ hưu, Yếu tố xã hội, Yếu tố tài chính.

Sự  khác biệt này là do  các nghiên cứu được thực hiện ở các quốc gia khác nhau nên dẫn tới có sự khác biệt về luật lao động, chính sách của bảo hiểm xã hội đối với người nghỉ hưu, môi trường làm việc, văn hóa của người lao động,…

6. Kết luận và hàm ý quản trị

6.1. Kết luận

Dựa trên lý thuyết TPB, SCT, thang đo từ các nghiên cứu đi trước và phỏng vấn chuyên gia, tác giả đã xây dựng mô hình nghiên cứu gồm 10 biến độc lập, 1 biến phụ thuộc và 38 biến quan sát. Sau quá trình kiểm định thang đo và phân tích, kết quả có 6 biến độc lập có tác động lên ý định nghỉ hưu sớm củ người lao động tại Thành phố Hồ Chí Minh, đó là: Tính chủ động trong công việc (β=-0,452), Căng thẳng về mặt thể chất (β=0,25), Thái độ đối với việc nghỉ hưu (β=0,223), Yếu tố xã hội (β=0,204), Yếu tố tài chính (β=0,118), Sự không ổn định trong cảm xúc (β=0,116).

6.2. Hàm ý quản trị

Từ kết quả nghiên cứu, để hạn chế việc nghỉ hưu sớm, tổ chức có thể tham khảo các giải pháp sau:

  • Xây dựng các giải pháp nhằm tăng tính chủ động trong công việc, đặc biệt là quá trình lựa chọn công việc của người lao động.
  • Chú trọng đến quá trình làm việc, đánh giá sự ảnh hưởng của công việc lên sức khỏe thể chất và tinh thần của người lao động. Từ đó, xây dựng các giải pháp nhằm giảm căng thẳng về mặt thể chất và sự không ổn định trong cảm xúc.
  • Xây dựng các chính sách liên quan đến các yếu tố tài chính. Có thể tập trung cải thiện các phúc lợi đảm bảo mức sống tốt cho những người lao động nghỉ hưu đúng hạn. Bên cạnh đó, cần có sự truyền thông cho người lao động nắm rõ chính sách của bảo hiểm xã hội khác biệt về lợi ích của người nghỉ hưu đúng hạn và trước hạn, nhằm giúp người lao động có sự thận trọng hơn trong quyết định nghỉ hưu.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Phùng T. Q. (2022). Nhân tố tác động đến ý định thực hiện độc lập tài chính - Nghỉ hưu sớm của thế hệ millennials tại Việt Nam. Truy cập tại: https://js.ktpt.edu.vn/index.php/jed/article/view/756.
  2. Thọ N. Đ. (2014). Phương pháp nghiên cứu khoa học trong kinh doanh. Nhà xuất bản Tài chính, Hà Nội.
  1. Trọng T. (2008). Phân tích dữ liệu nghiên cứu với SPSS. Nhà xuất bản Hồng Đức, Hà Nội.
  2. Tài N. L. H. (2023). Y tế Việt Nam hiện nay: Thách thức và cơ hội trong tương lai | Doctor có sẵn. Docosan Blog Site. 02/03/2024. Truy cập tại: https://www.docosan.com/blog/xu-huong/y-te-viet-nam-hien-nay/#Thieu_hut_nhan_luc_y_te_Viet_Nam_hien_nay.
  3. Astrid D. W. & et al (2018). Health, job characteristics, skills, and social and financial factors in relation to early retirement -results from a longitudinal study in the Netherlands. Scandinavian Journal of Work, Environment & Health, 40(2), 186-194 (n.d.).
  4. Bandura A. (1999). Social Cognitive Theory: An Agentic Perspective. Asian Journal of Social Psychology, 2(1), 21-41. https://doi.org/10.1111/1467-839x.00024.
  5. Beehr T. A., Glazer S., et al (2000). Work and nonwork predictors of employees’ retirement ages. Journal of Vocational Behavior, 57(2), 206-225. https://doi.org/10.1006/jvbe.1999.1736
  6. Elovainio M., Forma P., et al (2005). Job demands and job control as correlates of early retirement thoughts in Finnish social and health care employees. Work & Stress, 19(1), 84-92. https://doi.org/10.1080/02678370500084623.
  7. Feldman D. C. (1994). The Decision to Retire Early : A Review and Conceptualization. Academy of Management Review, 19(2), 285-311.
  8. Icek Ajzen (1991). The theory of planned behavior. Organizational Behavior and Human Decision Processes, 50(2), 179-211. https://doi.org/10.1016/0749-5978(91)90020-t.
  9. Inkinen S. (2021). Financial independence, Retire Early: Practicing FIRE and its effects on Consumers’ lives. https://urn.fi/URN:NBN:fi:aalto-202110319828.
  10. Lusardi A., & Mitchell O. S. (2017). How ordinary consumers make complex economic decisions: financial literacy and retirement readiness. Quarterly Journal of Finance, 7(3), 1750008. https://doi.org/10.1142/s2010139217500082.
  11. Lusardi A., Mitchell O. S., & Curto V. (2010). Financial Literacy among the Young. Journal of Consumer Affairs, 44(2), 358-380. https://doi.org/10.1111/j.1745-6606.2010.01173.x.
  12. M. Krishna Moorthy, T. D. (2012 ). A study on a retirement Planning Behaviour of Working Individual in Malaysia. International Journal of Academic Research in Economics and Management Sciences, 54-72.
  13. Morten B. and Per. E. (2005). Working Conditions and Early Retirement: A Prospective Study of Retirement Behavior. Research on Aging , DOI: 10.1177/0164027504271438.
  14. Parker S. K., Williams H. M., et al (2006). Modeling the antecedents of proactive behavior at work. Journal of Applied Psychology, 91(3), 636-652. https://doi.org/10.1037/0021-9010.91.3.636.
  15. Sejbaek C. S., et al (2012). Work-related factors and early retirement intention: a study of the Danish eldercare sector. European Journal of Public Health, 23(4), 611-616. https://doi.org/10.1093/eurpub/cks117.
  16. Smith L. (2017). Relationship of proactive personality, financial planning behavior and life satisfaction. PhD Thesis, Georgia State University. https://doi.org/10.57709/10446982.
  17. Ugwu L. E., Enwereuzor I. K., et al (2021). Proactive personality and social support with pre-retirement anxiety: Mediating role of subjective career success. Frontiers in Psychology, 12. https://doi.org/10.3389/fpsyg.2021.569065.

 

Factors influencing the early retirement intention of employees in Ho Chi Minh City

Duong Thi Ngoc Lien1

Vu Thi Khanh Trang1

1Faculty of Industrial Management

Ho Chi Minh City University of Technology,

Vietnam National University - Ho Chi Minh City

ABSTRACT:

This study identified and measured the factors influencing the intentions of workers to retire early in Ho Chi Minh City. The study’s data was collected from 199 workers in Ho Chi Minh City. The final results revealed that there are six factors affecting the early retirement intention of workers in the city, including Proactivity in Work (β=-0.452), Physical Stress (β=0.250), Attitude Toward Retirement (β=0.223), Social Factors (β=0.204), Financial Factors (β=0.118), and Emotional Instability (β=0,116). Based on these findings, the study suggested several managerial implications to reduce early retirement intentions of workers in Ho Chi Minh City. 

Keywords: early retirement, employee, intention, retirement, Ho Chi Minh City.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 17 tháng 7 năm 2024]