Các yếu tố tác động đến tỷ lệ an toàn vốn của ngân hàng thương mại tại Việt Nam: Phương pháp tiếp cận dữ liệu bảng

Bài báo: “Các yếu tố tác động đến tỷ lệ an toàn vốn của ngân hàng thương mại tại Việt Nam: Phương pháp tiếp cận dữ liệu bảng” do Nguyễn Hoàng Chung - Trường Đại học Thủ Dầu Một thực hiện.

Tóm tắt

Hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) tại Việt Nam đang phát triển một khuôn khổ quản lý rủi ro phù hợp với các nguyên tắc Basel II, tập trung vào tỷ lệ an toàn vốn (CAR), quy trình giám sát và các nguyên tắc thị trường. CAR cần duy trì ở mức tối thiểu 8% hoặc 9% tùy theo quy định, là yếu tố quan trọng để các NHTM có thể hấp thụ các cú sốc có thể xảy ra và đảm bảo sức khỏe tài chính của hệ thống NHTM. Nghiên cứu này cung cấp bằng chứng thực nghiệm các yếu tố tác động đến CAR của các NHTM Việt Nam, sử dụng cả biến kiểm soát cấp ngân hàng và biến vĩ mô. Kết quả cho thấy quy mô ngân hàng, tỷ suất sinh lời trên tài sản (ROA), tỷ lệ dự phòng rủi ro, lạm phát và lãi suất chính sách có tác động nghịch chiều đến CAR, trong khi đòn bẩy tài chính và tỷ lệ tín dụng có mối quan hệ đồng biến. Các khuyến nghị bao gồm việc cải thiện kiểm soát nội bộ và thích ứng với các điều kiện vĩ mô để duy trì mức CAR phù hợp, từ đó đảm bảo sự ổn định và bền vững của hệ thống ngân hàng.

Từ khóa: tỷ lệ an toàn vốn, ngân hàng thương mại, dữ liệu bảng, phương pháp hồi quy GMM hệ thống.

1. Đặt vấn đề

Hệ thống NHTM tại Việt Nam đang xây dựng hệ thống quản trị rủi ro theo nguyên tắc Basel II, bao gồm 3 trụ cột: tỷ lệ an toàn vốn (Capital Adequacy Ratio - CAR), quy trình kiểm tra của cơ quan giám sát và nguyên tắc thị trường. Trụ cột 1 yêu cầu duy trì tỷ lệ an toàn vốn (CAR) tối thiểu 8%, nhưng có sự khác biệt trong quy định, với một số NHTM yêu cầu 9%. Một số NHTM duy trì CAR cao trên 15%, điều này có thể ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn và lợi nhuận. Tuy nhiên, khi ngân hàng có CAR duy trì ở mức thấp thì khả năng ứng phó khủng hoảng, các cú sốc kinh tế bị suy giảm. Vì vậy, việc duy trì CAR ở mức phù hợp thông qua kiểm soát các yếu tố tác động bên trong NHTM và vĩ mô đến CAR sẽ giúp NHTM vừa sử dụng hiệu quả vốn, vừa duy trì hoạt động của NHTM được an toàn, bền vững.

2. Cơ sở lý thuyết

2.1. Khái niệm an toàn vốn

An toàn vốn (CAR) đo lường sự an toàn và lành mạnh cho NHTM và định chế tài chính (Aspal & Nazneen, 2014). Xác định mức độ an toàn vốn giúp các NHTM hấp thụ tất cả các khoản lỗ phát sinh trong tương lai và đảm bảo sức khỏe tài chính (Abusharba & cộng sự, 2013; Ebhodaghe & John, 1991) hoặc sử dụng đòn bẩy tài chính của NHTM một cách hiệu quả, bảo vệ lợi ích của các cổ đông, nhà đầu tư và người gửi tiền (Aspal & Nazneen, 2014). Theo đó, tỷ lệ này tối thiểu theo khuyến nghị của Basel không thấp hơn 8% (Ủy ban Giám sát Ngân hàng Basel, 2006). Tuy nhiên, do quy định về ngân hàng trung ương, cơ quan quản lý, giám sát hệ thống tài chính mỗi quốc gia thì tỷ lệ an toàn vốn có một điểm khác biệt như ở Ai Cập tỷ lệ an toàn vốn được duy trì ở mức tối thiểu là 10% (El-Ansary & Hafez, 2015). Tại Việt Nam, tỷ lệ này được Ngân hàng Nhà nước quy định không thấp hơn 9% nếu các NHTM tính tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư số 22/2019/TT-NHNN, không thấp hơn 8% nếu các NHTM tính toán tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư số 41/2016/TT-NHNN. Bên cạnh đó, tỷ lệ an toàn vốn tại các NHTM được hiểu là một chỉ tiêu kinh tế phản ánh mối quan hệ giữa vốn tự có và tài sản có điều chỉnh theo rủi ro của NHTM. Theo Basel 2 tính đến rủi ro hoạt động và rủi ro thị trường thì CAR = (vốn cấp 1 + Vốn cấp 2)/(tài sản có rủi ro + rủi ro thị trường + rủi ro hoạt động) không thấp hơn 8% (Lê Thanh Ngọc, Đặng Trí Dũng & Lê Nguyễn Minh Phương, 2015); một chỉ tiêu quan trọng để đánh giá năng lực của một NHTM về khả năng thanh toán và chống đỡ các bất định của nền kinh tế và hệ thống NHTM.

2.2. Các nguyên tắc đánh giá an toàn vốn ngân hàng

Để đánh giá mức độ an toàn vốn, Ủy ban Basel quy định 4 nguyên tắc cho NHTM, cụ thể: Một là, NHTM có quy trình đánh giá an toàn vốn phù hợp với rủi ro và môi trường hoạt động. Ban lãnh đạo phải đảm bảo đủ vốn để hỗ trợ rủi ro; Hai là, kiểm soát viên đánh giá chiến lược an toàn vốn của NHTM; Ba là, NHTM duy trì tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, có thể cao hơn; Bốn là, kiểm soát viên can thiệp để ngăn vốn giảm xuống mức tối thiểu, yêu cầu thực hiện các biện pháp phục hồi ngay lập tức.

2.3. Khảo lược các nghiên cứu liên quan

Theo Büyükşalvarci & Abdioğlu (2011) nghiên cứu các NHTM Thổ Nhĩ Kỳ giai đoạn 2006-2010, cho thấy tỷ lệ cho vay trên tổng tài sản (LOA), tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) và hệ số đòn bẩy tài chính (LEV) có tác động ngược chiều đối với CAR, trong khi tỷ lệ trích lập dự phòng tín dụng (LLR) và tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) có tác động cùng chiều. Abusharba & cộng sự (2013) nghiên cứu 11 NHTM Hồi giáo tại Indonesia giai đoạn 2009-2011, cho thấy lợi nhuận (ROA) và thanh khoản có tác động cùng chiều đến CAR. Dreca (2014) đã khảo sát 10 NHTM Bosnia từ 2005-2010 và kết luận quy mô NHTM, tỷ lệ cho vay, tỷ suất sinh lợi đều ảnh hưởng đáng kể đến CAR. Hewaidy & Alyousef (2018) đã xem xét các yếu tố thuộc về hoạt động NHTM và kinh tế vĩ mô tại Kuwait, cho thấy quy mô NHTM và chất lượng tài sản ảnh hưởng nghịch biến đến CAR. El-Ansary & cộng sự (2019) nghiên cứu về các NHTM Hồi giáo tại khu vực MENA cũng xác nhận ROA và tỷ lệ nợ xấu có mối quan hệ thuận chiều với CAR. Tại Việt Nam, Vũ Phương Hùng & Đặng Ngọc Đức (2020) xác định đòn bẩy tài chính và tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu có tác động cùng chiều đến CAR, trong khi tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản lại có tác động nghịch biến. Đào Thị Thanh Bình & Nguyễn Ánh Kiều (2020) cũng chỉ ra tỷ lệ tiền gửi và tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng ảnh hưởng cùng chiều đến CAR. Lê Hoàng Vinh & cộng sự (2022) cho thấy đòn bẩy tài chính và thanh khoản cũng ảnh hưởng ngược chiều đến CAR.

3. Phương pháp nghiên cứu

3.1. Mô hình nghiên cứu và các biến

CARi,t = β + βi*Bank Variablesi,t + βj*Macro Variablesi,t + ui,t + εi,t

Theo đó, hệ số an toàn vốn (CAR) được thu thập từ số liệu của Ngân hàng Nhà nước, căn cứ theo quy định tại khoản 2, 3 Điều 9 Thông tư số 22/2019/TT-NHNN (sửa đổi, bổ sung Thông tư số 41/2016/TT-NHNN). Trong khi đó, nhóm biến kiểm soát nội bộ ngân hàng, với nhóm biến tương quan nghịch chiều với CAR bao gồm: Quy mô ngân hàng (SIZE) đo lường bằng Ln tổng tài sản; Tỷ lệ dự phòng rủi ro (LLR) đo lường bằng dự phòng rủi ro/tổng dư nợ; quy mô tín dụng (CRD) bằng tổng dư nợ/tổng tài sản. Ngoài ra, nhóm biến tương quan cùng chiều (+) với CAR bao gồm: Tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) đo lường bằng lợi nhuận sau thuế/tổng tài sản bình quân; tỷ lệ thanh khoản (LIQ) đo lường bằng tổng dư nợ cho vay/tổng tiền gửi khách hàng và đòn bẩy tài chính (LEV) bằng tổng vốn chủ sở hữu/tổng tài sản. Bên cạnh đó, nhóm biến kiểm soát vĩ mô bao gồm tăng trưởng GDP và tỷ lệ lạm phát (INF) thu thập từ số liệu của ngân hàng thế giới (World Bank, 2022) tương quan nghịch chiều với CAR.

3.2.  Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu áp dụng phương pháp định tính kết hợp định lượng thông qua ước lượng dữ liệu bảng (panel data) với các phương pháp ước lượng hồi quy OLS, FEM, REM, Driscoll & Kraay (1998) (D&K) và phương pháp hồi quy GMM hệ thống (SGMM) được áp dụng để xử lý các vấn đề liên quan đến biến nội sinh, đảm bảo các ước lượng là vững, không chệch.

4. Kết quả nghiên cứu và thảo luận

4.1. Thống kê mô tả dữ liệu

Bảng 1. Thống kê mô tả

TT

Variables

Số quan sát

Hệ số hồi quy

Sai số chuẩn

Giá trị nhỏ nhất

Giá trị lớn nhất

1

CAR

242

0,138

0,049

0,08

0,402

2

SIZE

242

11,63

1,15

8,92

14,21

3

ROA

242

0,012

0,009

-0,06

0,061

4

LLR

242

0,011

0,008

-0,01

0,054

5

LIQ

242

0,195

0,102

0,045

0,61

6

LEV

242

0,08

0,044

0,006

0,255

7

CRD

242

0,537

0,127

0,145

0,808

8

GDP

242

0,058

0,016

0,025

0,08

9

INF

242

0,037

0,022

0,006

0,09

10

INT

242

0,14

0,207

0,06

0,801

11

CVD

242

0,27

0,44

0

1

                 Nguồn: Tổng hợp của tác giả từ Stata17

4.2. Kết quả nghiên cứu

Bảng 2. Tổng hợp kết quả hồi quy ước lượng

TT

Biến

OLS

FEM

REM

D&K

SGMM

1

CAR

 

 

 

 

0,296***

[9,23]

2

SIZE

-0,0164***

[-4,50]

-0,0245***

[-3,12]

-0,0155***

[-3,44]

-0,0245**

[-3,00]

-0,009**

[-2,67]

3

ROA

-0,728**

[-2,48]

-1,102***

[-3,60]

-0,988***

[-3,38]

-1,102***

[-5,59]

-0,579***

[-4,46]

4

LLR

-0,230

[-0,80]

-0,263

[-0,82]

-0,239

[-0,80]

-0,263

[-1,11]

-0,0576

[-0,76]

5

LIQ

0,000

[0,01]

-0,0719*

[-1,92]

-0,0306

[-0,92]

-0,0719**

[-3,11]

0,00417

[0,29]

6

LEV

0,477***

[5,18]

0,524***

[4,89]

0,541***

[5,54]

0,524***

[3,76]

0,334***

[3,37]

7

CRD

0,0618**

[2,46]

-0,00157

[-0,04]

0,0354

[1,18]

-0,00157

[-0,05]

0,0357*

[1,86]

8

GDP

-0,0762

[-0,35]

-0,246

[-1,26]

-0,166

[-0,83]

-0,246*

[-1,91]

-0,0803

[-1,40]

9

INF

-0,308**

[-2,42]

-0,310**

[-2,21]

-0,253**

[-2,08]

-0,310

[-1,77]

-0,316***

[-3,57]  

10

INT

-0,0195

[-1,47]

0,00244

[0,17]

-0,0137

[-1,08]

0,00244

[0,33]

-0,0149**

[-2,40]

11

CVD

0,00170

[0,21]

0,00293

[0,34]

-0,0000

[-0,01]

0,00293

[0,70]

-0,0009

[-0,22]

 

Số quan sát

 

 

 

 

205

 

Số biến công cụ

25

 

Kiểm định AR(1) (p-value)

0.068

 

Kiểm định AR(2) (p-value)

0.526

 

Kiểm định Hansen (p-value)

0.387

                                                                                  Nguồn: Tổng hợp của tác giả từ Stata17

Ghi chú: [ ] là thống kê t; *, **, *** tương ứng mức ý nghĩa 10%, 5% và 1%

Kết quả nghiên cứu cho thấy nhóm các biến có ý nghĩa thống kê và tương quan nghịch chiều với CAR bao gồm quy mô NHTM (SIZE), tỷ suất sinh lời (ROA), tỷ lệ dự phòng rủi ro (LLR), lạm phát (INF) và lãi suất chính sách (INT). Ngược lại, nhóm các biến có ý nghĩa thống kê và tương quan đồng biến với CAR bao gồm đòn bẩy tài chính (LEV), tỷ lệ tín dụng (CRD). Hai kiểm định quan trọng trong phương pháp GMM đó là kiểm định Hansen Test (>0,25) và kiểm định tự tương quan bậc 2 [AR(2)>0,5] thoả điều kiện. (Bảng 2)

4.3. Thảo luận kết quả nghiên cứu

Trong nghiên cứu về mối quan hệ giữa quy mô NHTM và hệ số an toàn vốn (CAR), kết quả cho thấy quy mô NHTM (SIZE) có mối quan hệ ngược chiều với CAR. Các nghiên cứu trước đó cũng chỉ ra rằng NHTM quy mô lớn thường nắm giữ nhiều tài sản rủi ro hơn, dẫn đến giảm hệ số an toàn vốn. Bên cạnh đó, tỷ suất sinh lời trên tài sản (ROA) có mối quan hệ ngược chiều với CAR. Điều này phản ánh để đạt được lợi nhuận cao hơn, NHTM phải chấp nhận rủi ro lớn hơn. Mặc dù tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng lớn giúp duy trì CAR theo quy định, chi phí tăng lên cũng có thể làm giảm CAR. Cuối cùng, tỷ lệ lạm phát (INF) cũng tác động đến CAR. Khi lạm phát cao, chi phí vay mượn tăng, làm suy giảm chất lượng danh mục cho vay và tác động nghịch chiều đến mức an toàn vốn (Boyd & cộng sự, 2001). Ngược lại, Võ Hồng Đức & cộng sự (2014) cho thấy có sự tương quan cùng chiều giữa tỷ lệ tín dụng (CRD) và CAR. Kết quả nghiên cứu cho thấy các yếu tố nội tại và vĩ mô ảnh hưởng đến CAR của NHTM. Khi các NHTM Việt Nam hoạt động tín dụng hiệu quả, lợi nhuận tăng, giúp giảm thiểu rủi ro và cải thiện uy tín, từ đó dễ dàng huy động vốn hơn.

Ngoài ra, mặc dù các biến số còn lại không có ý nghĩa thống kê nhưng về mặt tác động có thể thấy được khi tăng trích lập các khoản dự phòng rủi ro tín dụng (LLR), sẽ làm giảm lợi nhuận giữ lại, giảm vốn tự có, dẫn đến làm giảm CAR của NHTM. Tiếp đến, hệ số thanh khoản (LIQ) càng cao, cũng là yếu tố góp phần làm tăng CAR (Phạm Hữu Hồng Thái, 2013; Võ Hồng Đức và cộng sự, 2014). Cuối cùng, kết quả nghiên cứu cũng thể hiện tương quan nghịch biến giữa GDP, biến số bất định đại diện qua Covid-19 (CVD) và CAR hay tốc độ tăng trưởng kinh tế khi suy thoái tác động làm giảm hiệu quả hoạt động kinh doanh và gia tăng rủi ro tín dụng NHTM nên NHTM cần duy trì tỷ lệ an toàn vốn cao để phòng ngừa tổn thất trong tương lai (Ruckes, 2004; Aktas và cộng sự, 2015). Khủng hoảng hay yếu tố bất định tác động đến hoạt động doanh nghiệp nói chung và ngành Ngân hàng nói riêng sẽ đặt ra các thách thức trong việc nâng cao hệ số an toàn vốn để hấp thụ các tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 gây ra.

5. Kết luận

Nghiên cứu đã sử dụng 6 biến kiểm soát NHTM và 4 biến kinh tế vĩ mô để phân tích tác động đến CAR. Đối với các biến có ý nghĩa thống kê, nghiên cứu khuyến nghị các NHTM cần cải thiện các yếu tố này để giảm tác động tiêu cực đến CAR. Đối với biến vĩ mô, lạm phát (INF) và lãi suất chính sách (INT) có ảnh hưởng nghịch biến đến CAR với mức ý nghĩa 5% và 10%. Thêm vào đó, CAR trung bình của Việt Nam tính theo Thông tư số 41 tiếp cận Chuẩn mực quốc tế Basel II, được quy định tối thiểu là 8%. Và theo Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”, ngành Ngân hàng phấn đấu đến năm 2025, đạt tối thiểu 11% - 12% nhưng vẫn còn tương đối thấp so tiêu chuẩn quốc tế, hay khu vực (CAR bình quân của Indonesia là 22,6%; Philippines là 17,2%; Singapore là 17,1%; Thái Lan 19,6%; Malaysia 18,5%). Do đó, các cơ quan nhà nước cần triển khai các biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô và kết hợp chính sách tài chính hiệu quả để nâng cao CAR nhằm đảm bảo an toàn hệ thống NHTM. Trong đó, bao gồm việc duy trì mức vốn pháp định 3000 tỷ đồng tại Nghị định số 86/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ. Cũng theo số liệu thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, đến khoảng quý IV năm 2022, tổng vốn điều lệ của các tổ chức tín dụng đã tăng 10,5% so cuối năm 2021 và đạt ở mức 857.266 tỷ đồng. Về công tác quản trị rủi ro tín dụng NHTM, các NHTM thực hiện đồng bộ các biện pháp thu hồi nợ, bán nợ, nâng cao chất lượng thẩm định, điều kiện vay vốn, kịp thời phát hiện và cảnh báo sớm, chủ động trong công tác trích lập dự phòng để đảm bảo duy trì ổn định hệ số an toàn vốn của cả hệ thống NHTM. Cuối cùng, các NHTM hòa nhịp kịp thời với bối cảnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, số hóa các nghiệp vụ, quy trình xử lý nghiệp vụ, nâng cao hiệu suất vận hành thông qua ngân hàng số, trí tuệ nhân tạo,… giúp giảm thiểu chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động, an toàn trong hoạt động và quản trị rủi ro của các NHTM, tiến tới giảm thiểu rủi ro mang tính hệ thống trong ngân hàng.

Tài liệu tham khảo

1. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2019). Thông tư số 22/2019/TT-NHNN ngày 15/11/2019 quy định giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

2. Aspal, P., K. & Nazneen, A., (2014). An Empirical Analysis of Capital Adequacy in the Indian Private Sector Banks. American Journal of Research Communication, 2(11), 28-42.

3. Büyükşalvarcı, H., & Abdioğlu, H. (2011). Determinants of capital adequacy ratio in Turkish Banks: A panel data analysis. African Journal of Business Management, 5(27), 1199 -11209.

4. Dreca, N. (2014). Determinants of capital adequacy ratio in selected Bosnian banks. Dumlupınar Üniversitesi Sosyal Bilimler Dergisi, 12(1), 149 - 162.

5. El-Ansary, Osama & Hafez, Hassan (2015). Determinants of Capital Adequacy Ratio: An Empirical Study on Egyptian Banks (December 27, 2015). Corporate Ownership & Control, 13(1), Available at SSRN: https://ssrn.com/abstract=2708603

6. Ruckes, M. (2004) Bank Competition and Credit Standards. Review of Financial Studies, 17, 1073-1102. http://dx.doi.org/10.1093/rfs/hhh011.

6. Ruckes, M. (2004) Bank Competition and Credit Standards. Review of Financial Studies, 17, 1073-1102. http://dx.doi.org/10.1093/rfs/hhh011.

Determinants of capital adequacy ratio in Vietnamese banks: A panel data analysis

Nguyen Hoang Chung

Thu Dau Mot University 

Abstract

This study examines the development of a risk management framework within Vietnam’s commercial banking system, aligned with Basel II principles, with a focus on the Capital Adequacy Ratio (CAR), supervisory processes, and market discipline. CAR, a critical measure of a bank's capacity to absorb financial shocks and maintain stability, is mandated to be at least 8% or 9% depending on regulatory guidelines. Using both bank-specific determinants and macroeconomic variables, this study investigates the factors influencing CAR in Vietnamese commercial banks. The results reveal that bank size, return on assets (ROA), loan loss reserves, inflation, and policy interest rates negatively impact CAR, whereas financial leverage and credit ratios exhibit a positive correlation. To ensure banking stability and sustainability, the study recommends enhancing internal controls, aligning operational strategies with regulatory requirements, and adapting to evolving macroeconomic conditions

Keywords: Capital Adequacy Ratio (CAR), commercial banks, panel data, SGMM

Tạp chí Công Thương