Cách xác định luật áp dụng cho hợp đồng có yếu tố nước ngoài theo quy định của Liên minh châu Âu - So sánh với pháp luật Việt Nam

ThS. PHÙNG HỒNG THANH (Giảng viên Khoa Luật quốc tế, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, những quan hệ dân sự phát sinh giữa các thể nhân và pháp nhân từ các nước khác nhau xuất hiện ngày một nhiều hơn, nhất là trong lĩnh vực hợp đồng. Do đó, việc xây dựng những nguyên tắc nhằm xác định pháp luật điều chỉnh hợp đồng có yếu tố nước ngoài một cách hiệu quả là vấn đề cần được quan tâm nghiên cứu. Trong phạm vi bài viết này, tác giả phân tích những quy định của pháp luật Liên minh châu Âu về những quy định liên quan đến cách xác định pháp luật cho hợp đồng có yếu tố nước  ngoài. Từ những phân tích này, tác giả sẽ đưa ra một số kiến nghị ngắn gọn nhằm góp phần hoàn thiện Tư pháp quốc tế Việt Nam về quan hệ hợp đồng.

Từ khóa: Hợp đồng có yếu tố nước ngoài; luật áp dụng; pháp luật Liên minh châu Âu; tư pháp quốc tế.

1. Đặt vấn đề

Tư pháp quốc tế Liên minh châu Âu là tổng thể các nguyên tắc và quy phạm pháp luật do Liên minh châu Âu xây dựng và ban hành, nhằm điều chỉnh các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, có hiệu lực áp dụng thống nhất và trực tiếp đối với các thể nhân, quốc gia thành viên và các cơ quan, thiết chế của Liên minh châu Âu. Liên quan đến những quy định về cách xác định pháp luật áp dụng đối với quan hệ hợp đồng có yếu tố nước ngoài, phải kể đến Quy định Rome I1.

Quy định Rome I là Quy định điều chỉnh về việc lựa chọn pháp luật cho hợp đồng tại Liên minh Châu Âu. Quy định được xây dựng dựa trên Công ước về Luật áp dụng cho nghĩa vụ trong hợp đồng năm 1980 (Công ước Rome 1980) và cũng nhằm để thay thế cho Công ước này. Quy định Rome I có hiệu lực với tất cả các nước thành viên của Liên minh châu Âu trừ Đan Mạch, áp dụng cho các hợp đồng được giao kết từ ngày 18/12/2009. Quy định được xây dựng nhằm điều chỉnh các nghĩa vụ hợp đồng trong lĩnh vực dân sự và thương mại. Nội dung của Quy định Rome I tập trung vào 3 vấn đề cơ bản trong việc xác định pháp luật áp dụng cho quan hệ hợp đồng, bao gồm: quy định quyền tự do lựa chọn luật áp dụng của các bên tham gia hợp đồng; đưa ra nguyên tắc xác định luật áp dụng cho hợp đồng trong trường hợp các bên không chọn luật; và các nguyên tắc chọn luật cụ thể cho một số loại hợp đồng nhất định.

Theo Quy định Rome I, pháp luật áp dụng cho hợp đồng có yếu tố nước ngoài được xác định trong hai trường hợp cụ thể. Trường hợp thứ nhất là khi các bên trong quan hệ thỏa thuận lựa chọn pháp luật để áp dụng và trường hợp thứ hai là khi các bên trong quan hệ không lựa chọn pháp luật để điều chỉnh quan hệ của mình. Trong trường hợp thứ hai này, pháp luật nước ngoài sẽ được áp dụng theo sự dẫn chiếu của các quy phạm pháp luật xung đột.

2. Pháp luật áp dụng cho hợp đồng có yếu tố nước ngoài trong trường hợp các bên có thỏa thuận chọn luật

2.1. Pháp luật Liên minh châu Âu

Với cách quy định của Quy định Rome I, nguyên tắc đầu tiên để xác định pháp luật áp dụng cho hợp đồng đó là nguyên tắc tự do thỏa thuận chọn luật của các bên trong hợp đồng. Điều này được thể hiện ngay ở tên gọi của Điều 3  “Quyền tự do lựa chọn”. Theo đó, điều luật này khẳng định: “Một hợp đồng sẽ được điều chỉnh bởi pháp luật do các bên lựa chọn”. Rất nhiều bình luận đã khẳng định đây là nguyên tắc nền tảng, là trọng tâm của Quy định Rome I, để xây dựng khung pháp lý điều chỉnh cho các hợp đồng có yếu tố nước ngoài. Nguyên tắc này được kế thừa từ các quy định trong pháp luật Anh, cũng như Công ước Rome 1980 và nó được áp dụng rất phổ biến trong nhiều án lệ của Tòa án Anh.

Bên cạnh đó, Điều 3 cũng đưa ra những quy định chi tiết liên quan đến việc lựa chọn pháp luật của các bên. Theo đó, các bên có thể thể hiện sự thỏa thuận của mình bằng một điều khoản rõ ràng trong hợp đồng hoặc các bên cũng có thể thỏa thuận ngầm với nhau theo từng trường hợp cụ thể. Tòa án khi xét xử vụ việc sẽ có thể chấp nhận sự thoả thuận ngầm này nếu như nó có thể được chứng minh thông qua những điều khoản trong hợp đồng hoặc bằng các tình tiết của vụ việc. Đây là một quy định khá hay của Quy định Rome I và phù hợp với thực tiễn các giao dịch liên quan đến hợp đồng có yếu tố nước ngoài. Bởi lẽ không phải trong trường hợp nào các bên trong hợp đồng cũng thể hiện minh bạch, cụ thể việc lựa chọn pháp luật cho hợp đồng của mình. Và với cách quy định “thoáng” như vậy, thêm một lần nữa Quy định khẳng định mục tiêu đề cao nguyên tắc tự do trong việc lựa chọn pháp luật áp dụng cho hợp đồng của các bên.

Không chỉ dừng lại ở đó, các bên trong hợp đồng còn có thể thoả thuận lựa chọn luật để điều chỉnh một phần hoặc toàn bộ hợp đồng2. Tức là một hợp đồng có thể được điều chỉnh bởi pháp luật của nhiều nước khác nhau, phụ thuộc vào sự lựa chọn của các bên tham gia hợp đồng. Có thể xem qua một ví dụ giả định sau: Người mua (A) và người bán (B) ký kết một hợp đồng mua cổ phần liên quan đến việc kiểm soát công ty D. Bên thứ 3 (C) đảm bảo nghĩa vụ thanh toán cho A trong hợp đồng này. Hợp đồng giữa A và B quy định rằng, với mục đích xác định giá, những báo cáo tài chính của công ty D phải tuân theo pháp luật nước X - là nơi công ty D được thành lập. Bên cạnh đó, quyền và nghĩa vụ của A và B được điều chỉnh bởi luật nước Y, và nghĩa vụ đảm bảo của C sẽ phải tuân theo luật nước Z - nơi A được thành lập. Như vậy trong trường hợp này, theo đúng sự thoả thuận của các bên, pháp luật của 3 nước X, Y, Z sẽ đều được áp dụng để điều chỉnh những phần khác nhau của hợp đồng.

Về thời điểm chọn luật áp dụng, Quy định Rome I cho phép các bên trong hợp đồng có quyền thỏa thuận và thay đổi sự thỏa thuận của mình bằng một hệ thống pháp luật khác vào bất kỳ thời điểm nào3. Tuy nhiên, nếu trong trường hợp các bên có sự thay đổi sự lựa chọn luật áp dụng khác với hệ thống pháp luật ban đầu sau khi hợp đồng đã được ký kết thì sự thay đổi đó chỉ được chấp nhận khi thỏa mãn điều kiện không làm phương hại đến hiệu lực về hình thức của hợp đồng hoặc không gây ảnh hưởng xấu đến quyền lợi của bên thứ ba4.

Quy định Rome I cũng không giới hạn phạm vi áp dụng của luật do các bên lựa chọn để điều chỉnh hợp đồng. Điều này được hiểu là luật do các bên lựa chọn sẽ được áp dụng để điều chỉnh tất cả các vấn đề liên quan đến việc giải thích hợp đồng, thực hiện hợp đồng, quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng, hệ quả của việc vi phạm hợp đồng… Bên cạnh đó, hiệu lực về hình thức của hợp đồng cũng được điều chỉnh bởi luật do các bên lựa chọn5.

Tuy nhiên, bên cạnh việc thừa nhận quyền tự do của các bên tham gia quan hệ hợp đồng có yếu tố nước ngoài trong việc chọn luật điều chỉnh hợp đồng, Quy định Rome I cũng đưa ra những quy định hạn chế quyền tự do thoả thuận chọn luật của các bên trong những trường hợp nhất định.

Thứ nhất, việc thoả thuận chọn luật của các bên không được ảnh hưởng đến việc áp dụng các “quy phạm bắt buộc”

Các quy phạm pháp luật bắt buộc là những quy phạm được xem là vô cùng quan trọng đối với một quốc gia nhằm bảo vệ những lợi ích công của quốc gia đó, chẳng hạn như những quy định liên quan đến tổ chức chính trị, xã hội hay kinh tế của quốc gia. Những quy định này sẽ được áp dụng trong mọi tình huống thuộc phạm vi điều chỉnh của nó, không ngoại trừ pháp luật nào khác áp dụng cho hợp đồng theo quy định của Quy định Rome I. Sẽ không có quy định nào trong Quy định này có thể hạn chế việc áp dụng các quy phạm pháp luật bắt buộc của nước có Tòa án giải quyết vụ việc6.

Theo Quy định Rome I, sự thoả thuận chọn luật của các bên sẽ có thể bị từ chối nếu nó ảnh hưởng đến những quy phạm pháp luật bắt buộc trong pháp luật của nước có Tòa án hoặc pháp luật của nước có mối liên hệ chặt chẽ với hợp đồng, cụ thể đây có thể là quốc gia nơi các bên thực hiện nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng7. Trên thực tế đã có một số phán quyết do các Tòa án của các nước thành viên Liên minh châu Âu đưa ra liên quan đến việc áp dụng các quy phạm pháp luật bắt buộc.

Vào năm 2005, Công ty Unamar NV (được thành lập tại Bỉ) và Công ty NMB (quốc tịch Bungari) ký kết hợp đồng đại lý thương mại. Theo đó, Unamar sẽ thực hiện nhiệm vụ làm đại lý cho dịch vụ vận chuyển container của NMB. Trong hợp đồng thời hạn 1 năm của 2 công ty chứa đựng điều khoản lựa chọn luật Bungari và điều khoản trọng tài chỉ định cơ quan trọng tài thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp ở Sofia (Bungari) giải quyết tranh chấp. Hợp đồng được gia hạn hằng năm cho đến cuối năm 2008, khi NMB chấm dứt hợp đồng. Unamar đã khởi kiện tại Tòa thương mại Antwerp và yêu cầu bồi thường thiệt hại. NMB phản đối thẩm quyền của Tòa án bởi trước đó các bên đã có điều khoản trọng tài trong hợp đồng. Tuy nhiên Tòa án Bỉ vẫn quyết định rằng Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp nói trên. Đồng thời Tòa án cũng đưa ra phán quyết rằng, mặc dù hai bên có thoả thuận chọn luật áp dụng là luật Bungari tuy nhiên Điều 27 Luật Bỉ về hợp đồng đại lý thương mại phải được áp dụng như một “quy phạm pháp luật bắt buộc” nhằm bảo vệ quyền lợi của các đại lý thương mại8. Như vậy, có thể thấy trong thực tiễn áp dụng, quy phạm pháp luật bắt buộc thường được các Tòa án áp dụng khi nó liên quan đến quyền lợi của bên “yếu thế” hơn trong quan hệ hợp đồng.

Thứ hai, việc thỏa thuận chọn luật của các bên không được trái với trật tự công cộng của quốc gia có Toà án xét xử vụ việc

Cho đến thời điểm hiện nay, các học giả ghi nhận không nhiều những vụ việc thực tiễn liên quan trực tiếp đến các phán quyết của Tòa án các nước châu Âu về bảo lưu trật tự công cộng trong các hợp đồng có yếu tố nước ngoài. Tuy nhiên, có thể xem qua một vụ việc đã được ECJ9 giải quyết, như một điển hình cho việc gián tiếp áp dụng bảo lưu trật tự công cộng. Trong vụ tranh chấp giữa Ingmar GB Ltd. (được thành lập tại Anh) và Eaton Leonard Technologies Inc. (được thành lập tại California)10, ECJ đã đưa ra phán quyết cho một điều khoản chọn luật áp dụng áp dụng cho hợp đồng đại lý giữa hai công ty nói trên. Theo thỏa thuận hợp đồng, bên đại lý (Ingmar GB) sẽ thực hiện các hoạt động thương mại tại châu Âu và luật áp dụng cho hợp đồng này là luật của California (Hoa Kỳ). Tuy nhiên theo ECJ thì thỏa thuận này của các bên có khả năng vi phạm những tiêu chuẩn được đưa ra bởi Chỉ thị của Hội đồng (EEC) số 86/653 về việc áp dụng pháp luật của các nước thành viên châu Âu liên quan đến hoạt động của các đại lý tại các nước thành viên châu Âu. Và ECJ đã quyết định Chỉ thị nói trên sẽ phải được áp dụng khi đại lý thương mại tiến hành hoạt động của mình tại châu Âu mặc dù bên giao đại lý được thành lập tại một nước không phải thành viên của Liên minh châu Âu và hai bên đã có thỏa thuận chọn luật áp dụng. Phán quyết này của ECJ được xem là đã áp dụng bảo lưu trật tự công cộng trong trường hợp này11.

2.2. So sánh với pháp luật Việt Nam

Tại Việt Nam, quyền thỏa thuận chọn luật của các bên trong hợp đồng có yếu tố nước ngoài được ghi nhận ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau. Cụ thể, khoản 1 Điều 683 Bộ luật Dân sự 2015 quy định “Các bên trong quan hệ hợp đồng được thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng đối với hợp đồng”. Bên cạnh đó, trong lĩnh vực thương mại, khoản 2 Điều 5 Luật Thương mại 2005 cho phép các bên trong giao dịch thương mại có yếu tố nước ngoài được thoả thuận áp dụng pháp luật nước ngoài, tập quán thương mại quốc tế để điều chỉnh hợp đồng của mình. Trong lĩnh vực hàng hải, Điều 5 Bộ luật Hàng hải 2015 cũng ghi nhận các bên có quyền thoả thuận áp dụng luật nước ngoài hoặc tập quán hàng hải quốc tế trong các quan hệ hợp đồng để giải quyết tranh chấp. Trong hoạt động đầu tư nước ngoài, quyền thỏa thuận lựa chọn pháp luật nước ngoài và tập quán đầu tư quốc tế cũng được quy định tại khoản 4, Điều 4 Luật Đầu tư 2014.

Những quy định trên cho thấy, pháp luật Việt Nam ghi nhận quyền tự do thỏa thuận chọn luật của các bên là một nguyên tắc nền tảng, được ưu tiên áp dụng trong việc giải quyết xung đột pháp luật về hợp đồng có yếu tố nước ngoài. Quy định này là hợp lý bởi dưới góc độ lý luận, nguyên tắc tự do ý chí là nguyên tắc cơ bản, xuyên suốt, đóng vai trò quan trọng được pháp luật dân sự Việt Nam thừa nhận trong các giao dịch dân sự nói chung. Và đây cũng là nguyên tắc tương đồng với quy định của pháp luật Liên minh châu Âu trong việc xác định luật áp dụng cho hợp đồng có yếu tố nước ngoài.

Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam cũng đặt ra những giới hạn cho việc thỏa thuận chọn luật của các bên để điều chỉnh hợp đồng có yếu tố nước ngoài, cụ thể:

- Việc chọn luật phải được quy định bởi điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc luật Việt Nam12.

- Hậu quả của việc áp dụng pháp luật được chọn không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam13.

- Pháp luật mà các bên lựa chọn là quy định về quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ, không bao gồm quy định về xác định pháp luật áp dụng14 (chỉ được áp dụng các quy phạm thực chất trong hệ thống pháp luật được các bên lựa chọn).

Ngoài những nguyên tắc chung này, tùy vào từng loại hợp đồng đặc thù, pháp luật Việt Nam cũng xây dựng những quy định riêng nhằm hạn chế thỏa thuận chọn luật. Chẳng hạn, đối với hợp đồng có đối tượng là bất động sản thì pháp luật áp dụng đối với việc chuyển giao quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản là bất động sản, thuê bất động sản hoặc việc sử dụng bất động sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ là pháp luật của nước nơi có bất động sản, các bên không được quyền chọn luật áp dụng15. Hay như những hợp đồng mang tính chất gia nhập như hợp đồng lao động hay hợp đồng tiêu dùng thì các bên chỉ có thể thỏa thuận chọn luật áp dụng với điều kiện pháp luật do các bên lựa chọn không ảnh hưởng đến quyền lợi tối thiểu của người lao động, người tiêu dùng theo quy định của pháp luật Việt Nam16.

Có thể thấy so với những quy định trước đây, Bộ luật Dân sự 2015 đã có những bước tiến rõ rệt trong việc xây dựng các quy định liên quan đến việc xác định pháp luật áp dụng cho hợp đồng có yếu tố nước ngoài trong trường hợp các bên có thỏa thuận chọn luật. Nhiều quy định liên quan đến vấn đề này khá giống với những quy định trong pháp luật Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, bên cạnh một số điểm nổi bật mà Bộ luật Dân sự 2015 đã xây dựng được, liên quan đến các điều kiện áp dụng pháp luật nước ngoài đối với hợp đồng có yếu tố nước ngoài, vẫn còn tồn tại những quy định chưa được triển khai cụ thể, đưa đến cách hiểu không thống nhất, gây ra một số hạn chế trong quá trình áp dụng trên thực tiễn. Vì vậy, để quyền chọn luật của các bên thực sự phát huy hiệu lực trên thực tế và để pháp luật nước ngoài có khả năng cao được các thẩm phán Việt Nam áp dụng thì cần phải xây dựng các quy định chi tiết về điều kiện chọn luật đối với các bên trong quan hệ hợp đồng. Với sự hiện diện của các quy định chi tiết này, Tòa án sẽ có cơ sở để áp dụng pháp luật nước ngoài trong những trường hợp đáp ứng được các điều kiện đặt ra, cũng như có thể từ chối áp dụng pháp luật nước ngoài một cách minh bạch và hợp lý nếu pháp luật được lựa chọn không đáp ứng được điều kiện chọn luật. Điều này sẽ hạn chế được tình trạng đa số Thẩm phán đều tránh né việc xem xét các tình tiết thể hiện yếu tố nước ngoài trong vụ việc cũng như bỏ qua việc áp dụng pháp luật nước ngoài khi xét xử như hiện nay.

Các điều kiện liên quan đến việc chọn luật nước ngoài để áp dụng cho hợp đồng được pháp luật Liên minh châu Âu quy định khá rõ ràng và cụ thể, như tác giả đã phân tích ở phần trên. Pháp luật Việt Nam có thể học tập những mô hình này để xây dựng những quy định tương tự.

3. Pháp luật áp dụng cho hợp đồng có yếu tố nước ngoài trong trường hợp các bên không có thỏa thuận chọn luật

3.1. Pháp luật Liên minh châu Âu

Trong các trường hợp khi các bên không có thoả thuận chọn luật áp dụng cho quan hệ hợp đồng có yếu tố nước ngoài thì vẫn có thể xác định được áp dụng theo sự chỉ dẫn của các quy phạm pháp luật xung đột trong từng trường hợp cụ thể, được quy định tại Điều 4, Điều 5 của Quy định Rome I.

Theo đó, tại khoản 1, Điều 4 Quy định đưa ra những nguyên tắc chung để xác định pháp luật áp dụng, căn cứ theo từng loại hợp đồng, như sau:

- Đối với hợp đồng mua bán hàng hóa được điều chỉnh bởi pháp luật của quốc gia nơi cư trú thường xuyên của bên bán.

- Đối với hợp đồng cung cấp dịch vụ được điều chỉnh bởi pháp luật của quốc gia nơi cư trú thường xuyên của bên cung cấp dịch vụ.

- Đối với hợp đồng nhượng quyền thương mại sẽ được điều chỉnh bởi pháp luật của nước nơi cư trú thường xuyên của bên nhượng quyền.

- Đối với hợp đồng phân phối sẽ được điều chỉnh bởi pháp luật của nước nơi cư trú thường xuyên của nhà phân phối.

Mặc dù những quy định trên đã liệt kê khá nhiều các nguyên tắc áp dụng pháp luật cho từng loại hợp đồng cụ thể nhưng nhằm mục đích xây dựng một khung pháp lý linh hoạt, thích ứng với mọi tình huống phát sinh trên thực tế, Điều 4 tiếp tục đưa ra những nguyên tắc thay thế mang tính khái quát: “Nếu một hợp đồng không thể xác định được luật áp dụng theo các trường hợp trên hoặc các yếu tố trong hợp đồng phù hợp với nhiều căn cứ quy định tại khoản 1 thì pháp luật được áp dụng cho nghĩa vụ trong hợp đồng là pháp luật nơi cư trú thường xuyên của bên phải thực hiện nghĩa vụ”17. Đây là một cách quy định rất hay, bao quát mọi trường hợp phát sinh trên thực tiễn, giúp các bên tham gia quan hệ hợp đồng có yếu tố nước ngoài lẫn các cơ quan có thẩm quyền có cơ chế để xác định pháp luật cho hợp đồng trong tất cả các bối cảnh thực tế.

Bên cạnh đó, khoản 3 Điều 4 của Quy định tiếp tục đưa ra thêm nguyên tắc xác định pháp luật thay thế khác, được xem là thể hiện rõ “mối quan hệ gắn bó nhất” với hợp đồng: “Khi xác định rõ ràng rằng các yếu tố liên quan đến hợp đồng có mối quan hệ mật thiết với một quốc gia khác không phải là quốc gia được xác định ở trên thì pháp luật được áp dụng cho hợp đồng là pháp luật của quốc gia có mối liên hệ mật thiết đó”.

Nhìn chung, nguyên tắc xác định pháp luật áp dụng cho hợp đồng có yếu tố nước ngoài trong trường hợp thiếu vắng sự thoả thuận chọn luật của các bên được nêu tại Điều 4 được xây dựng dựa trên nền tảng tìm kiếm pháp luật có mối liên hệ gắn bó với hợp đồng. Yếu tố mối liên hệ gắn bó được xác định dựa vào nơi cư trú thường xuyên của bên phải thực hiện nghĩa vụ của hợp đồng hoặc nơi thực hiện hành vi hoặc nơi có tài sản tùy vào từng loại hợp đồng cụ thể. Việc xác định nơi cư trú thường xuyên căn cứ vào Điều 19 của Quy định, nếu như chủ thể của hợp đồng là doanh nghiệp hay tổ chức khác, có hay không có tư cách pháp nhân thì nơi cư trú thường xuyên được hiểu là nơi có cơ quan quản lý chính, nơi thường trú của cá nhân hoạt động kinh doanh là nơi người đó tiến hành hoạt động kinh doanh chủ yếu18. Nếu hợp đồng được ký kết bởi một chi nhánh, đại lý hay là một cơ sở kinh doanh khác mà theo đó việc thực hiện hợp đồng là nghĩa vụ của chi nhánh, đại lý hay cơ sở kinh doanh khác thì nơi cư trú thường xuyên được hiểu là nơi cư ngụ của chi nhánh, đại lý hay cơ sở kinh doanh đó19. Trong tất cả các trường hợp trên, thời điểm để xác định nơi cư trú thường xuyên là thời điểm hợp đồng được ký kết20.

Bên cạnh những nguyên tắc chung để xác định pháp luật áp dụng cho các loại hợp đồng thì Quy định Rome I cũng đưa ra những quy định cụ thể hơn cho một số loại hợp đồng đặc thù. Có thể kể đến như quy định dành cho loại hợp đồng vận chuyển. Đối với hợp đồng vận chuyển hàng hóa, pháp luật áp dụng sẽ là pháp luật của nước nơi thường trú của bên vận chuyển, miễn sao nơi nhận hoặc là nơi giao hàng hoặc nơi cư trú thường xuyên của bên được vận chuyển nằm trên quốc gia đó, nếu không đáp ứng được tiêu chí trên thì pháp luật của nước nơi giao hàng do các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng. Đối với hợp đồng vận chuyển hành khách, pháp luật được áp dụng là pháp luật của nước nơi thường trú của bên được vận chuyển miễn sao hoặc là nơi đến hoặc nơi đi được xác định là ở tại quốc gia đó, trong trường hợp các yêu cầu trên không thoả mãn thì pháp luật của nước nơi thường trú của bên vận chuyển sẽ được áp dụng22.

Trong trường hợp xác định pháp luật cho hợp đồng có yếu tố nước ngoài theo các nguyên tắc xung đột được phân tích ở trên, pháp luật nước ngoài sẽ chỉ được áp dụng nếu không trái với trật tự công cộng của quốc gia có Tòa án và không rơi vào trường hợp phải áp dụng các quy phạm pháp luật bắt buộc.

3.2. So sánh với pháp luật Việt Nam

Đối với quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng, về nguyên tắc nếu các bên không có thỏa thuận chọn luật hợp pháp thì việc xác định pháp luật áp dụng điều chỉnh quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng sẽ căn cứ vào sự chỉ dẫn của quy phạm xung đột.

Theo quy định của Điều 683 Bộ luật Dân sự 2015 thì trường hợp các bên không có thỏa thuận về pháp luật áp dụng thì pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng đó được áp dụng. Và điều luật này cũng liệt kê pháp luật của nước sau đây được coi là pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng:

- Pháp luật của nước nơi người bán cư trú nếu là cá nhân hoặc nơi thành lập nếu là pháp nhân đối với hợp đồng mua bán hàng hóa;

- Pháp luật của nước nơi người cung cấp dịch vụ cư trú nếu là cá nhân hoặc nơi thành lập nếu là pháp nhân đối với hợp đồng dịch vụ;

- Pháp luật của nước nơi người nhận quyền cư trú nếu là cá nhân hoặc nơi thành lập nếu là pháp nhân đối với hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng hoặc chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ;

- Pháp luật của nước nơi người lao động thường xuyên thực hiện công việc đối với hợp đồng lao động. Nếu người lao động thường xuyên thực hiện công việc tại nhiều nước khác nhau hoặc không xác định được nơi người lao động thường xuyên thực hiện công việc thì pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng lao động là pháp luật của nước nơi người sử dụng lao động cư trú đối với cá nhân hoặc thành lập đối với pháp nhân;

- Pháp luật của nước nơi người tiêu dùng cư trú đối với hợp đồng tiêu dùng.

Tuy nhiên trong trường hợp chứng minh được pháp luật của nước khác với pháp luật được nêu ở trên có mối liên hệ gắn bó hơn với hợp đồng thì pháp luật áp dụng là pháp luật của nước đó.

Có thể thấy, hiện tại Bộ luật Dân sự 2015 xác định pháp luật áp dụng cho hợp đồng trong trường hợp các bên không chọn luật, dựa vào nguyên tắc nơi có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng. Tại khoản 2, Điều 683 đã đưa ra dấu hiệu xác định mối quan hệ gắn bó nhất bằng cách liệt kê các nguyên tắc phù hợp với từng loại hợp đồng cụ thể như: hợp đồng mua bán hàng hoá, hợp đồng dịch vụ, hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng hoặc chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ. Đây là các nguyên tắc tương đồng với cách quy định trong pháp luật các nước trên thế giới. Cách quy định liệt kê như trên có ưu điểm là rõ ràng, dễ áp dụng cho các hợp đồng chuyên biệt, nhưng có nhược điểm là không đầy đủ và khó áp dụng cho các hợp đồng phức tạp có bản chất hỗn hợp. Ngoài ra, việc liệt kê như vậy chắc chắn sẽ không bao trùm được hết các quan hệ hợp đồng trên thực tế, như hợp đồng phân phối chẳng hạn.

4. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật Việt Nam về xác định luật áp dụng cho hợp đồng có yếu tố nước ngoài

Bên cạnh một số điểm nổi bật mà Bộ luật Dân sự 2015 đã xây dựng được, liên quan đến cách xác định pháp luật áp dụng đối với hợp đồng có yếu tố nước ngoài, vẫn còn tồn tại những quy định chưa được triển khai cụ thể, đưa đến cách hiểu không thống nhất, gây ra một số hạn chế trong quá trình áp dụng trên thực tiễn. Vì vậy, tác giả sẽ đưa ra một số đề xuất để hoàn thiện pháp luật Việt Nam về vấn đề này.

Thứ nhất, cần bổ sung quy định về điều kiện áp dụng pháp luật nước ngoài cho hợp đồng có yếu tố nước ngoài trong trường hợp các bên có thỏa thuận chọn luật

Việc pháp luật Việt Nam thừa nhận quyền tự do chọn luật của các bên để áp dụng cho hợp đồng có yếu tố nước ngoài là cách quy định phù hợp với pháp luật của các nước trên thế giới. Tuy nhiên, theo quan điểm của tác giả, để quyền chọn luật của các bên thực sự phát huy hiệu lực trên thực tế và để pháp luật nước ngoài có khả năng cao được các thẩm phán Việt Nam áp dụng thì cần phải xây dựng các quy định chi tiết về điều kiện chọn luật đối với các bên trong quan hệ hợp đồng. Với sự hiện diện của các quy định chi tiết này, Tòa án sẽ có cơ sở để áp dụng pháp luật nước ngoài trong những trường hợp đáp ứng được các điều kiện đặt ra, cũng như có thể từ chối áp dụng pháp luật nước ngoài một cách minh bạch và hợp lý nếu pháp luật được lựa chọn không đáp ứng được điều kiện chọn luật. Điều này sẽ hạn chế được tình trạng đa số thẩm phán đều tránh né việc xem xét các tình tiết thể hiện yếu tố nước ngoài trong vụ việc cũng như bỏ qua việc áp dụng pháp luật nước ngoài khi xét xử như hiện nay.

Các điều kiện liên quan đến việc chọn luật nước ngoài để áp dụng cho hợp đồng được pháp luật Liên minh châu Âu quy định khá rõ ràng và cụ thể, như tác giả đã phân tích ở những phần trên. Pháp luật Việt Nam có thể học tập những mô hình này để xây dựng những quy định tương tự. Có thể điểm qua một số điều kiện phổ biến như sau:

(i) Về hình thức của thỏa thuận chọn luật: Cho phép các bên có thể thể hiện sự thoả thuận của mình bằng một điều khoản rõ ràng trong hợp đồng hoặc các bên cũng có thể thoả thuận ngầm với nhau theo từng trường hợp cụ thể. Tòa án khi xét xử vụ việc sẽ có thể chấp nhận sự thoả thuận ngầm này nếu như các đương sự có thể chứng minh được sự thoả thuận này. (ii) Về phạm vi áp dụng pháp luật được chọn: các bên trong hợp đồng có thể thoả thuận lựa chọn luật để điều chỉnh một phần hoặc toàn bộ hợp đồng. Tức là một hợp đồng có thể được điều chỉnh bởi pháp luật của nhiều nước khác nhau, phụ thuộc vào sự lựa chọn của các bên tham gia hợp đồng.

(iii) Việc thoả thuận chọn luật của các bên không được ảnh hưởng đến việc áp dụng các “quy phạm bắt buộc”. Khái niệm này không đơn giản để có thể định nghĩa và nhận diện. Tuy nhiên liên quan đến điều kiện này, các học giả Việt Nam đã từng tìm hiểu và đề cập trong những công trình nghiên cứu trước đây. “Đây là quy phạm điều chỉnh trực tiếp một số quan hệ có yếu tố nước ngoài. Mục đích chính của quy phạm áp dụng bắt buộc là để bảo vệ cơ cấu tổ chức hoạt động xã hội, kinh tế, chính trị của nước mà nó được thiết lập. Trong thực tế, quy phạm áp dụng bắt buộc là những quy phạm quốc nội mà vai trò tự nhiên của nó là điều chỉnh các quan hệ trong nước, nhưng chúng được áp dụng bắt buộc để điều chỉnh trực tiếp một vài chi tiết của quan hệ có yếu tố nước ngoài, đồng thời làm vô hiệu hoá các quy phạm xung đột đáng lẽ được áp dụng”23. Cũng theo các tác giả này, những quy định về ngoại hối của Việt Nam cũng có thể được coi là một loại quy phạm pháp luật bắt buộc. Như vậy, pháp luật Việt Nam cần bổ sung quy định về việc tuân thủ quy phạm pháp luật bắt buộc trong những trường hợp có liên quan.

Thứ hai, cần xây dựng các quy định chi tiết hướng dẫn thi hành các quy định của Bộ luật Dân sự 2015 về cách xác định pháp luật áp dụng cho hợp đồng có yếu tố nước ngoài trong trường hợp các bên không có thoả thuận chọn luật áp dụng.

Về điều kiện này, pháp luật Việt Nam có thể xây dựng quy định theo mô hình của Quy định Rome I như sau:

“Trong trường hợp không xác định được nơi có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng theo khoản 2 Điều 683 hoặc hợp đồng trùng khớp với nhiều hơn một dấu hiệu được liệt kê ở khoản này thì pháp luật áp dụng cho hợp đồng là pháp luật của nước nơi bên thực hiện nghĩa vụ chính của hợp đồng cư trú”.

Bên cạnh đó, khoản 3 Điều 683 là một điều khoản khá hay nhằm để mở cho các chủ thể áp dụng pháp luật trong trường hợp “chứng minh được pháp luật của nước khác với pháp luật được nêu tại khoản 2 Điều này có mối liên hệ gắn bó hơn với hợp đồng thì pháp luật áp dụng là pháp luật của nước đó”. Cách quy định này có ý nghĩa hướng hợp đồng đến một hệ thống pháp luật có mối liên hệ rõ ràng, thực chất, đảm bảo quyền lợi của các bên có liên quan. Tuy nhiên, để quy định này có thể triển khai trên thực tế cần có sự hướng dẫn rõ ràng hơn. Cụ thể, ai sẽ là chủ thể chứng minh pháp luật của một nước có mối liên hệ gắn bó hơn so với quy định của pháp luật? Và tính chất “gắn bó hơn” cần được hiểu và nhận diện như thế nào? Nếu chỉ quy định một cách khái quát như hiện nay thì e rằng quy định này sẽ khó được các thẩm phán áp dụng trong thực tiễn xét xử. Theo quan điểm của tác giả, nên quy định nghĩa vụ chứng minh thuộc về các đương sự. Nếu đương sự muốn áp dụng một hệ thống pháp luật có sự gắn bó chặt chẽ hơn với quan hệ mà mình tham gia, đương sự có nghĩa vụ phải chứng minh sự gắn bó đó. Tòa án sẽ dựa vào những tài liệu, chứng cứ do đương sự cung cấp để đưa ra quyết định cuối cùng.

5. Kết luận

Dựa trên những phân tích trên, có thể nhận thấy Bộ luật Dân sự 2015 đã có những thay đổi khá căn bản về cách xác định luật áp dụng cho quan hệ hợp đồng có yếu tố nước ngoài. Những thay đổi này được đánh giá là tiến bộ và nhìn chung phù hợp với quy định của pháp luật Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, những cải cách pháp luật trong lĩnh vực này vẫn chưa thật sự triệt để và đầy đủ nên một số quy định sẽ có thể gặp phải vướng mắc trong quá trình thực thi. Do đó, để tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật Tư pháp quốc tế Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực hợp đồng có yếu tố nước ngoài, các nhà làm luật cần có những quy định, hướng dẫn chi tiết, cụ thể hơn nhằm giúp các chủ thể áp dụng luật có thể thực thi hiệu quả những quy định này.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

1Regulation (Ec) No 593/2008 of The European Parliament and of The Council of 17 June 2008 on the law applicable to contractual obligations (Rome I).

2Khoản 1 Điều 3 Quy định Rome I.

3Khoản 2 Điều 3 Quy định Rome I.

4Khoản 2 Điều 3 Quy định Rome I.

5Điều 12 Quy định Rome I.

6Điều 9 Quy định Rome I.

7Khoản 2, khoản 3 Điều 9 Quy định Rome I.

8Unamar v. Navigation Maritime Bulgare, http://eur-lex.europa.eu, truy cập ngày 05/04/2019.

9The European Court of Justice.

10ECJ, 9/11/2000, Case C-381/98 Ingmar GB Ltd v Eaton Leonard Technologies Inc. [2000] ECR I-09305.

11Prof. Dr. Burkhard Hess, Prof. Dr. Thomas Pfeiffer (2011), Interpretation of the Public Policy Exception as referred to in EU Instruments of Private International and Procedural Law, http://www.europarl.europa.eu, truy cập ngày 05/04/2019.

12 Khoản 2 Điều 664 Bộ luật Dân sự 2015; Khoản 1 Điều 5 Bộ luật Hàng hải 2015; Khoản 4 Điều 4 Luật Đầu tư 2014.

13Điều 666, 670 Bộ luật Dân sự 2015.

14Khoản 4 Điều 668 Bộ luật Dân sự 2015.

15Khoản 4 Điều 683 Bộ luật Dân sự 2015.

16 Khoản 5 Điều 683 Bộ luật Dân sự 2015.

17Khoản 2 Điều 4 Quy định Rome I.

18 Khoản 1 Điều 19 Quy định Rome I.

19Khoản 2 Điều 19 Quy định Rome I.

20Khoản 3 Điều 19 Quy định Rome I.

21Khoản 1 Điều 5 Quy định Rome I.

22Khoản 2 Điều 5 Quy định Rome I.

23Đỗ Văn Đại, Mai Hồng Quỳ, tlđd (16), tr.183.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ luật Dân sự năm 2015
  2. Bộ luật Hàng hải năm 2015
  3. Luật Đầu tư năm 2014
  4. Regulation (Ec) No 593/2008 of The European Parliament and of The Council of 17 June 2008 on the law applicable to contractual obligations (Rome I)
  5. Bryan A.Garner (2009), Black’s Law Dictionary 9th, West Pub Co,USA.
  6. Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh (2017), Giáo trình Tư pháp quốc tế, Nhà xuất bản Hồng Đức - Hội Luật gia Việt Nam.
  7. Đỗ Văn Đại, Mai Hồng Quỳ (2010), Tư pháp quốc tế Việt Nam, Nhà xXuất bản Chính trị quốc gia.
  8. Lê Thị Nam Giang (2010), Tư pháp quốc tế, Nhà xXuất bản Đại học quốc gia, TP. Hồ Chí Minh.
  9. Francisco J.Garcimartin Alferez (2008), The Rome I Regulation: Much ado about nothing?, The European Legal Forum.
  10. Ole Lando, Peter Arnt Nielsen (2008), The Rome I Regulation, Common Market Law Review, (45), pp.1687-1725.
  11. http://eur-lex.europa.eu

DETERMINING THE LAW FOR CONTRACTS WITH FOREIGN ELEMENTS UNDER THE EUROPEAN UNION’S REGULATIONS COMPARING TO VIETNAM’S REGULATIONS

Master. PHUNG HONG THANH

Lecturer, Faculty of International Law

Ho Chi Minh City University of Law

ABSTRACT:

In the context of increasing globalization and international integration, civil relations arise between natural persons and legal entities from different countries appear more and more, especially in contracts. Therefore, it is important to develop principles to effectively determine laws which adjust contracts with foreign elements. This article is to analyze the European Union’s regulations regarding how to determine the law for contracts with foreign elements. Based on these analyzes, the article presents some brief recommendations to perfect the Vietnam's private international law on contractual relations.

Keywords: Contract with foreign elements, applicable law, European Union law, private international law.