Báo cáo “Phục hồi kinh tế sau COVID-19 ở Đông Nam Á” được công bố tại hội thảo trực tuyến “Phục hồi kinh tế ở ASEAN+3: Động lực mới của tăng trưởng và lạc quan,” do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Văn phòng nghiên cứu Kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) phối hợp tổ chức ngày 13/5/2022.
Báo cáo xem xét các cơ hội tăng trưởng, chiến lược một số ngành và các cải cách ưu tiên có thể giúp các quốc gia trong khu vực thúc đẩy phục hồi kinh tế trong trung hạn.
Theo Tổng Giám đốc ADB khu vực Đông Nam Á Ramesh Subramaniam, triển vọng phục hồi ở Đông Nam Á là đáng khích lệ, nhưng không phải không có rủi ro dai dẳng, bao gồm sự bất ổn gia tăng từ tình hình căng thẳng Nga - Ukraine, sự xuất hiện của các biến thể coronavirus và hậu quả để lại của đại dịch thông qua thiệt hại lớn về việc làm và giáo dục, gián đoạn sản xuất, tăng trưởng năng suất giảm sút và niềm tin kinh doanh mong manh.
“Các ngành công nghiệp hỗ trợ với lợi thế cạnh tranh để thúc đẩy phục hồi xanh, có khả năng chống chịu và bao trùm sẽ không chỉ đòi hỏi các chính phủ có chính sách điều hành theo từng ngành, lĩnh vực cụ thể mà còn phải có các giải pháp đan xen nhằm khuyến khích môi trường kinh doanh thuận lợi, cải thiện cơ sở hạ tầng và liên kết nội vùng mạnh mẽ hơn”, ông Ramesh Subramaniam nhấn mạnh.
COVID-19 đã tạo ra những thách thức mới cho ngành du lịch. Có những dấu hiệu cho thấy đại dịch có thể dẫn đến sự suy giảm cơ bản về du lịch quốc tế đường dài, một vấn đề trở nên trầm trọng hơn khi các cuộc gặp gỡ, các sự kiện thông qua các công cụ kỹ thuật số ngày càng gia tăng. Để xây dựng lại ngành “công nghiệp không khói”, báo cáo khuyến nghị cần khôi phục nhu cầu du lịch thông qua các chiến dịch tiếp thị mạnh mẽ, tiêu chuẩn du lịch an toàn hơn, dịch vụ du lịch đa dạng hơn, nhân lực được nâng cao trình độ hơn và được trả lương cao hơn cũng như ứng phó quản lý khủng hoảng mạnh mẽ hơn để xây dựng khả năng phục hồi của ngành.
Trong khi ngành nông nghiệp ít bị ảnh hưởng bởi COVID-19, Báo cáo của ADB kêu gọi các chính phủ trong khu vực bổ sung các hoạt động chế biến nông sản có giá trị cao hơn để có thể hỗ trợ phục hồi sau đại dịch. Tăng cường lĩnh vực này sẽ đòi hỏi các tiêu chuẩn thực phẩm hài hòa, chuỗi cung ứng hiệu quả và minh bạch, sử dụng công nghệ và cải tiến quy trình để nâng cao chất lượng sản phẩm, các quy định hợp lý và quan hệ đối tác hiệu quả.
Những thách thức về cấu trúc cũng gặp phải với lĩnh vực điện tử của khu vực. Chúng bao gồm việc đa dạng hóa hẹp trong các chuỗi cung ứng điện tử, các sản phẩm và quy trình có giá trị gia tăng thấp, các công nghệ đột phá có thể mang lại tác động tiêu cực đến việc làm cũng như những thay đổi nhanh chóng về công nghệ và xu hướng tiêu dùng.
Để nâng cao tính năng động của ngành công nghiệp điện tử, Báo cáo nhấn mạnh sự cần thiết phải thúc đẩy các chính sách hỗ trợ cụ thể cho ngành như phối hợp nhịp nhàng hơn giữa doanh nghiệp địa phương, các tập đoàn điện tử quốc tế và chính phủ các nước; nâng cấp công nghệ của các khu, cụm kinh tế về điện tử; khuyến khích cho nghiên cứu và phát triển (R&D) lớn hơn; phát triển mạnh các kỹ năng và vốn con người.
Báo cáo cũng cho thấy thương mại kỹ thuật số có tiềm năng phát triển mạnh mẽ ở Đông Nam Á. Phần lớn thương mại kỹ thuật số của khu vực hiện tập trung vào thị trường kỹ thuật số, công nghệ thông tin và gia công quy trình kinh doanh (IT-BPO), trong khi phát triển phần mềm đang được phát triển ở một số quốc gia. Khi nhu cầu về các sản phẩm và dịch vụ kỹ thuật số ngày càng tăng, điều quan trọng là phải tăng cường kết nối kỹ thuật số, đầu tư vào các cơ sở hậu cần và phân phối, phát triển lộ trình CNTT-BPO, hỗ trợ phát triển và đào tạo kỹ năng cũng như suy nghĩ lại các quy định kỹ thuật số để bảo vệ người tiêu dùng.
Với sự bùng nổ của thương mại điện tử, việc nâng cấp lĩnh vực may mặc - đối tượng sử dụng lao động nữ đáng kể - cũng rất quan trọng. Cải thiện khả năng cạnh tranh thông qua các quy định kinh doanh được đơn giản hóa, áp dụng công nghệ kỹ thuật số nhanh hơn, tăng cường hoạt động R&D mạnh mẽ hơn, tập trung nhiều hơn vào hàng may mặc liên quan đến văn hóa, đào tạo kỹ năng và thiết lập các mô hình sản xuất và kinh doanh linh hoạt hơn có thể hỗ trợ tăng trưởng của ngành này.
Trưởng nhóm AMRO và Chuyên gia kinh tế trưởng về Giám sát khu vực cho biết Ling Hui Tan cho rằng: COVID-19 vừa là tác nhân vừa là chất xúc tác cho sự thay đổi. Dịch bệnh diễn biến phức tạp và kéo dài không thể tránh khỏi những tác động khác nhau ở các nền kinh tế khác nhau, trong đó một số nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn những nền kinh tế khác. Mặt khác, đại dịch đã thúc đẩy sự đổi mới trong các lĩnh vực như bán lẻ, tài chính và chăm sóc sức khỏe.., có thể hỗ trợ phát triển các nền kinh tế trong khu vực về lâu dài hướng tới tăng trưởng dựa trên năng suất cao hơn.