Cần Thơ: Dành hơn 2 tỷ đồng lập đồ án Quy hoạch KCN công nghệ cao quận Ô Môn

Vị trí lập quy hoạch KCN công nghệ cao tại phường Phước Thới, quận Ô Môn, với quy mô diện tích khu đất quy hoạch khoảng 250 ha, dự toán chi phí lập quy hoạch xây dựng tạm tính hơn 2 tỷ đồng.
khu công nghiệp trà nóc
Khu công nghiệp Trà Nóc - TP. Cần Thơ

Ngày 4/6, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Dương Tấn Hiển đã ký ban hành Quyết định số 1231/QĐ-UBND phê duyệt đề cương, dự toán chi phí lập đồ án Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 Khu công nghiệp công nghệ cao quận Ô Môn.

Vị trí lập quy hoạch tại phường Phước Thới, quận Ô Môn, với quy mô diện tích khu đất quy hoạch khoảng 250 ha. Cơ quan tổ chức lập quy hoạch xây dựng và cơ quan thẩm định là Sở Xây dựng TP. Cần Thơ.

Mục tiêu lập Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 Khu công nghiệp công nghệ cao quận Ô Môn nhằm phục vụ công tác quản lý quy hoạch sau khi quy hoạch thành phố được ban hành, đồng thời phục vụ công tác mời gọi đầu tư.

Nội dung thực hiện quy hoạch gồm lập nhiệm vụ quy hoạch; khảo sát hiện trạng địa hình, kiến trúc, cảnh quan; thu thập tài liệu thông tin về khu vực dự án, các đồ án đã được phê duyệt, trong đó bao gồm các yếu tố địa hình, địa vật, kiến trúc, giao thông, thuỷ văn, thực vật phủ, các định hướng phát triển kinh tế xã hội, các quy hoạch ngành, lĩnh vực có liên quan đến đồ án quy hoạch. Đánh giá tổng hợp.

Lập phương án quy hoạch phân khu: trên cơ sở, phân tích đánh giá hiện trạng, các đồ án đã phê duyệt, cập nhật các định hướng liên quan, đề xuất phương án cơ bản đảm bảo đạt được mục tiêu đề.

Theo Quyết định nêu trên, dự toán chi phí lập quy hoạch xây dựng tạm tính hơn 2 tỷ đồng, từ nguồn vốn vốn đầu tư công. Thời gian thực hiện năm 2024 - 2025.

thành phố cần thơ
Đến năm 2030, Cần Thơ có 14 khu công nghiệp thuộc địa bàn các quận, huyện: Cái Răng, Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt, Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh, với diện tích khoảng 7.473 ha.

Theo Quy hoạch TP. Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1519/QĐ-TTg ngày 2/12/2023, đến năm 2030, Cần Thơ có 14 khu công nghiệp thuộc địa bàn các quận, huyện: Cái Răng, Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt, Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh, với diện tích khoảng 7.473 ha.

7 khu công nghiệp đã thành lập, tổng diện tích hơn 987 ha, gồm: Khu công nghiệp Trà Nóc 1 (135 ha), Khu công nghiệp Trà Nóc 2 (155 ha), Khu công nghiệp Hưng Phú 1 (262 ha), Khu công nghiệp Hưng Phú 2 (67 ha), Khu công nghiệp Thốt Nốt (74,87 ha), Khu Công nghiệp Vĩnh Thạnh - giai đoạn 1 (293,7 ha).

Cần Thơ định hướng thành lập thêm 7 khu công nghiệp mới, có tổng diện tích hơn 6.485 ha (tăng 6,5 lần so với diện tích hiện tại), khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật, gồm: Khu Công nghiệp Vĩnh Thạnh (giai đoạn 2) với diện tích hơn 606 ha; Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh 2 (519 ha); Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh 3 (675,45 ha); Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh 4 (815 ha); Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh 5 (2.550 ha); Khu công nghiệp Cờ đỏ - Thới Lai (1.070 ha); Khu công nghiệp công nghệ cao quận Ô Môn (250 ha).

Ngoài ra, thành phố sẽ tiếp tục nghiên cứu, mời gọi đầu tư các cụm công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn quận Bình Thủy (Cụm công nghiệp Bình Thuỷ 75 ha), huyện Thới Lai (Cụm công nghiệp Thới Lai 75 ha), huyện Cờ Đỏ (Cụm công nghiệp Cờ Đỏ 75 ha), huyện Vĩnh Thạnh (Cụm công nghiệp Vĩnh Thạnh 75 ha).

Cùng với phát triển công nghiệp, Cần Thơ cũng phát triển các khu chức năng: Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu nghiên cứu, đào tạo, góp phần thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Định hướng đến 2030, các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có diện tích dự kiến khoảng 1.700 ha.

Khánh Vy