Cao Bằng: Thêm 68 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Cao Bằng có 68 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận OCOP, trong đó, có 4 sản phẩm đạt OCOP 4 sao, 64 sản phẩm đạt OCOP 3 sao, nâng tổng số sản phẩm đạt OCOP đến 144 sản phẩm.

Các sản phẩm OCOP vừa được công nhận thuộc 46 chủ thể, bao gồm: 14 hợp tác xã, 6 tổ hợp tác, 2 công ty và 24 hộ sản xuất, kinh doanh. Trong đó, có 61 sản phẩm đăng ký mới; 7 sản phẩm đánh giá lại do hết thời hạn công nhận.

Cao Bằng: Thêm 68 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP
Toàn tỉnh Cao Bằng hiện có 144 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, trong đó có 13 sản phẩm OCOP 4 sao, 131 sản phẩm OCOP 3 sao

Năm 2023 là năm đầu tiên thực hiện phân cấp cho UBND cấp huyện đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, ban hành kết quả đánh giá và cấp giấy chứng nhận cho các sản phẩm đạt 3 sao, trình UBND cấp tỉnh đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Đến nay, toàn tỉnh có 13 sản phẩm OCOP 4 sao, 131 sản phẩm OCOP 3 sao của 91 chủ thể, thuộc 4 nhóm sản phẩm, trong đó 124 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm; 11 sản phẩm thuộc nhóm đồ uống; 6 sản phẩm thuộc nhóm thủ công mỹ nghệ; 3 sản phẩm thuộc nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch.

Nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh Cao Bằng có năng lực sản xuất lớn, tiêu thụ ổn định như: Lạp sườn, thịt xông khói (Hợp tác xã Tâm Hòa); miến dong Tân Việt Á (Hợp tác xã nông sản Tân Việt Á); gạo nếp Hương Bảo Lạc (Doanh nghiệp tư nhân 668 Bảo Lâm)…Một số sản phẩm hướng tới thị trường xuất khẩu như: hồng trà, lục trà (Công ty TNHH Kolia) được xuất khẩu sang Trung Quốc, Australia; chiếu trúc, chiếu trúc hoạt hóa (Công ty TNHH Một thành viên 668) được xuất khẩu sang Đài Loan (Trung Quốc)…

Sau nhiều năm triển khai, sản phẩm OCOP của tỉnh từng bước khẳng định giá trị và chất lượng trên thị trường, được người tiêu dùng quan tâm. Chương trình OCOP đã có những tác động tích cực, đậm nét đến phát triển kinh tế nông thôn, chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang hướng liên kết chuỗi giá trị, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, có truy xuất nguồn gốc và nhu cầu thị trường. Khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, đặc biệt là các giá trị văn hóa vùng miền để hình thành các sản phẩm OCOP tích hợp “đa giá trị”, gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với dịch vụ, du lịch; nâng cao giá trị sản phẩm, phát huy vai trò của hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia sản xuất, tiêu thụ sản phẩm gắn với phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Thông qua Chương trình OCOP, nhiều địa phương quy hoạch vùng nguyên liệu đặc sản, khuyến khích các ngành nghề nông thôn, bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống. Hình thành nhiều sản phẩm OCOP vùng, miền, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm; có mẫu mã, bao bì đa dạng và thân thiện với môi trường, phù hợp yêu cầu thị trường, góp phần gia tăng giá trị, giúp các chủ thể mở rộng quy mô sản xuất và doanh thu.

Chương trình tạo việc làm cho lao động nông thôn; thúc đẩy hướng đi về phát triển sinh kế ở những vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn. Các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP có bước tiến về chất lượng, đảm bảo điều kiện, quy định về tem, nhãn mác truy xuất nguồn gốc sản phẩm và hầu hết có mặt tại các siêu thị, trung tâm thương mại, thị trường trong và ngoài tỉnh.

Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tỉnh Cao Bằng có từ 150 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó phấn đấu 04 - 05 sản phẩm tiềm năng 05 sao đề nghị Trung ương đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP Quốc gia; củng cố và nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được đánh giá, phân hạng; ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn; ít nhất có 40% chủ thể OCOP là hợp tác xã, 30% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa; 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định; ít nhất 50% làng nghề có sản phẩm OCOP; ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử…).

Huyền My