Đơn cử, từ ngồn vốn khuyến công quốc gia, để khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh mạnh dạn đầu tư máy móc nâng cao chất lượng, mẫu mã, tăng năng suất... Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Cao Bằng đã hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất trong sản xuất các sản phẩm từ gỗ và tôn cho 03 cơ sở sản xuất, đó là HTX Trường Thịnh; Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Thiên Hương; Công ty TNHH Hùng Thịnh HT, đều đóng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
Hiệu quả từ các đề án
Với kinh phí hỗ trợ là 300 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia năm 2022. HTX Trường Thịnh tại xã Minh Tâm, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng đã mua sắm 01 máy bóc gỗ Model: YHXQ1500 công suất: 2,5m3/h, xuất xứ: Trung Quốc, máy mới 100% và 01 máy tu gỗ Model: YH1500, công suất: 3,7m3/h, xuất xứ: Trung Quốc, máy mới 100%.
Việc mua sắm máy móc, thiết bị trong sản xuất các sản phẩm từ gỗ đã giúp HTX nâng cao năng suất, tạo ra các sản phẩm có chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Góp phần tạo việc làm cho khoảng 15 lao động tại địa phương với mức thu nhập bình quân 5-6 triệu đồng/người/tháng, xoá đói giảm nghèo phù hợp với quy hoạch phát triển công nghiệp của tỉnh, tăng thu ngân sách cho địa phương. Xây dựng được một chuỗi liên kết giá trị từ nguyên liệu, sản xuất, chế biến các sản phẩm từ gỗ hiệu quả và phát triển bền vững.
Tương tự, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Thiên Hương tại tổ 11, phường Sông Bằng, thành phố Cao Bằng đã đầu tư phát triển sản xuất theo mô hình chế biến gỗ lâm sản thành phẩm và chế biến đồ gỗ gia dụng từ gỗ công nghiệp, từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia năm 2022 với tổng kinh phí là 686 triệu đồng, Công ty TNHH thương mại và Dịch vụ Thiên Hương đã đầu tư 01 máy cắt CNC (máy thay dao tự động 16 dao), tốc độ gia công: 20 ~ 60m/min, máy mới 100% hiện đại nhất trên địa bàn thành phố Cao Bằng.
Giám đốc, Công ty TNHH thương mại và Dịch vụ Thiên Hương cho biết: "Việc đưa máy móc thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến sẽ sản xuất ra các sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, phục vụ nhu cầu càng tăng của khách hàng, sản xuất ổn định và phát triển bền vững".
Đồng thời, sử dụng nguồn nguyên liệu trong và ngoài nước, khai thác năng lực sản xuất các sản phẩm từ gỗ, giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế cho công ty, góp phần chuyển đổi cơ cấu ngành và phù hợp với quy hoạch phát triển của tỉnh. Giải quyết việc làm cho trên 05 lao động có thu nhập ổn định, góp phần xoá đói giảm nghèo và tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương, góp phần tăng cường sự ổn định an ninh chính trị xã hội trên địa bàn thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng.
Tiếp nối những hiểu quả trên, từ nguồn vốn khuyến công quốc gia hỗ trợ là 300 triệu đồng. Công ty TNHH Hùng Thịnh HT cũng mạnh dạn đầu tư: 01 Máy cán tôn 1 tầng 11s; 01 Máy chấn tôn 6M; 01 Máy xẻ tôn; 01 Cầu trục 5t – Lk=11m, xuất xứ Việt Nam và Hàn Quốc, máy mới 100% vào sản xuất tôn, đã cho thấy năng suất được nâng cao, tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, mẫu mã đẹp, phục vụ các công trình xây dựng, phục vụ đời sống thiết thực cho người dân huyện Trùng Khánh và các vùng lân cận.
Khai thác năng lực sản xuất vật liệu xây dựng của đơn vị sản xuất ra các sản phẩm tại địa phương, giảm chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm hợp lý, góp phần chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho trên 15 lao động, phù hợp với quy hoạch phát triển công nghiệp của tỉnh, tăng thu ngân sách cho địa phương.
Tiếp tục phát huy hiệu quả
Có thể thấy, từ hiệu quả thực tế sau khi triển khai đề án, hy vọng rằng, trong thời gian tới, các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương sẽ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa về nguồn vốn để Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Cao Bằng xây dựng, triển khai thêm những đề án mới để hỗ trợ, khuyến khích các đơn vị sản xuất công nghiệp - công nghiệp nông thôn trong tỉnh, các đơn vị thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn trang bị thêm máy móc, thiết bị tiên tiến áp dụng vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế; tạo thêm việc làm cho lao động địa phương, tăng thu nhập, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động; góp phần xóa đói, giảm nghèo, ổn định an ninh chính trị và phát triển kinh tế xã hội địa phương.