Câu chuyện bảo vệ hiệu quả thị trường trong nước

Trục chính của quản lý nhà nước đối với thương mại trong nước thể hiện ở chỗ: “Bảo vệ hiệu quả thị trường trong nước”. Nói cách khác, sự điều tiết của thị trường, của doanh nghiệp, hay can thiệp của nhà nước và việc xây dựng ý thức công vụ cũng chỉ để hướng đến sợi chỉ đỏ xuyên suốt “bảo vệ hiệu quả thị trường trong nước”.

Biến động bất thường

Nhiều năm qua, thị trường trong nước là điểm sáng của nền kinh tế, với 3 dấu hiệu căn bản. Một là sức mua hàng năm tăng trưởng ở mức 2 con số, là bệ đỡ cho sản xuất và là một trong những trụ cột cho tăng trưởng. Hai là, hàng Việt chiếm tỷ lệ rất cao ở các kênh phân phối hiện đại và truyền thống. Và ba, Sự tham gia của các loại hình sở hữu vào lưu thông, đã hình thành nên thị trường ổn định, thông suốt trong cả nước, căn bản dẹp tan hiện tượng găm hàng sốt giá, ngay cả vào những dịp lễ tết.

Thế nhưng, khi những biến động từ các cuộc xung đột trên thế giới xảy ra, đơn hàng xuất khẩu trong nước sụt giảm, nhiều doanh nghiệp phải giãn việc, giảm giờ làm, thậm chí cắt giảm lao động đã tác động trực tiếp đến tiêu dùng trong nước. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 6/2023 ước đạt 505,7 nghìn tỷ đồng, chỉ tăng tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý II/2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1.520,2 nghìn tỷ đồng, tăng 1,6% so với quý trước và tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 3.016,8 nghìn tỷ đồng, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước (thấp hơn mức tăng của cùng kỳ năm 2022: 12,2%).

Cần bàn tay nhà nước và ý thức công vụ

Sự tăng trưởng chậm lại của tiêu dùng trong nước cho thấy, đây chính là thời điểm mà nhà nước phải can thiệp. Tại Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 của ngành Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thẳng thắn nhận định,  thời gian tới, dự báo tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định.

Bộ trưởng giao 6 nhiệm vụ cho ngành. Đối với thị trường trong nước, Bộ trưởng yêu cầu chú trọng triển khai có hiệu quả các giải pháp kích cầu tiêu dùng, phát triển thương mại trong nước, kết hợp chặt chẽ giữa thương mại truyền thống với hiện đại nhằm khai thác hiệu quả thị trường 100 triệu dân trong nước còn nhiều tiềm năng; đồng thời, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả, thị trường các mặt hàng thiết yếu để điều hành phù hợp, hiệu quả. Tăng cường công tác quản lý thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa và nâng cao năng lực phòng vệ thương mại, tạo môi trường sản xuất lành mạnh, bảo vệ sản xuất và lợi ích người tiêu dùng trong nước, phù hợp với các cam kết quốc tế.

Phương châm thực hiện 6 nhiệm vụ là củng cố, duy trì kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo điều hành, ý thức chấp hành trong thực thi công vụ, nhất là việc đề cao trách nhiệm trước pháp luật, lãnh đạo Bộ và nêu gương của đội ngũ cán bộ quản lý các cấp.

Ý thức công vụ giúp Cục Xúc tiến thương mại quản lý và triển khai tốt các đề án phát triển thị trường trong nước tập trung vào các nội dung chính như hội chợ công thương, hội chợ thương mại - du lịch, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP cấp vùng đã được triển khai tại các vùng kinh tế trọng điểm miền Bắc, Trung, Nam tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và các địa phương gặp gỡ giao thương, quảng bá hình ảnh, tiềm năng sản xuất, thương mại, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh. Đồng thời, cũng góp phần thúc đẩy hoạt động liên kết xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch giữa các vùng kinh tế trên cả nước.

Ngoài ra, Cục Xúc tiến thương mại đã tổ chức thành công chuỗi Chương trình kết nối giao thương giữa các nhà cung cấp địa phương với các hệ thống phân phối, doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại với quy mô lớn tại 3 khu vực:  miền Bắc , miền Trung –Tây Nguyên và miền Nam (vào tháng 7). Theo thống kê sơ bộ, chương trình đã thu hút 58 địa phương và 550 doanh nghiệp trưng bày, kết nối giao thương trực tiếp với các nhà phân phối, hệ thống siêu thị trong nước (Central Retail, WinCommerce, BRG, Mega Market, Winmart, Lotte) và 50 cặp giao thương trực tuyến với khách hàng quốc tế tại Hàn Quốc, Hà Lan, Ấn Độ, Trung Quốc, UAE...

Bên cạnh đó, các đề án tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về hàng hóa và dịch vụ Việt Nam đến người tiêu dùng trong nước đã được triển khai rộng khắp trên các phương tiện thông tin đại chúng hàng đầu như VTV, Thông tấn xã Việt Nam, các báo, tạp chí, cổng thông tin điện tử ngành Công Thương… qua đó góp phần quảng bá chất lượng hàng hóa Việt Nam, nâng cao uy tín và năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường trong nước.

Ý thức công vụ cũng công tác thúc đẩy tiêu dùng trong nước được thực hiện có hiệu quả, theo hướng tiếp tục thực hiện các biện pháp cân đối cung cầu, bình ổn thị trường góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, làm tiền đề triển khai các giải pháp kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy thương mại trong nước và các mục tiêu kinh tế vĩ mô của Chính phủ; triển khai kịp thời và hiệu quả các chương trình kích cầu tiêu dùng trong nước; Đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu và xúc tiến thương mại thị trường trong nước; tăng cường áp dụng thương mại điện tử trong hoạt động lưu thông, phân phối hàng hóa thông qua khuyến khích các hệ thống phân phối hiện đại, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển mạnh thương mại điện tử; tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình, Đề án về phát triển thị trường trong nước…

Đồng thời, triển khải đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ quản lý nhà nước trong các lĩnh vực phát triển công thương địa phương, xúc tiến thương mại, phòng vệ thương mại, quản lý cạnh tranh, quản lý thị trường và các mặt hoạt động khác, đảm bảo thị trường phát triển lành mạnh, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và bảo vệ lợi ích người tiêu dùng. Tăng cường phối hợp với ngành công thương địa phương để triển khai các chương trình, Kế hoạch, cũng như những hỗ trợ liên quan đến thúc đẩy xuất khẩu, phát triển thị trường trong nước, xúc tiến thương mại, công tác khuyến công...

Những nỗ lực trên đã có kết quả cụ thể sau 3 tháng. Theo phân tích của Tổng cục Thống kê, 9 tháng đầu năm 2023, các ngành thương mại, du lịch duy trì đà tăng trưởng cao, đóng góp tích cực vào tăng trưởng của khu vực dịch vụ. Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ 9 tháng năm 2023 tăng 6,32% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 1,87% cùng kỳ năm trước. Trong khu vực dịch vụ, đóng góp của một số ngành có tỷ trọng lớn vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế như sau: Bán buôn và bán lẻ tăng 8,04% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,8 điểm phần trăm; ngành vận tải, kho bãi tăng 8,66%, đóng góp 0,53 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,91%, đóng góp 0,4 điểm phần trăm; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 13,17%, đóng góp 0,33 điểm phần trăm.

Như vậy, trong các ngành dịch vụ, bán buôn và bán lẻ có đóng góp tích cực nhất vào tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Câu chuyện tiêu dùng trong nước cho thấy, bàn tay nhà nước can thiệp kịp thời, xây dựng ý thức công vụ cho công chức, viên chức thực hiện chức trách nhiệm vụ không chỉ đảm sự ổn định trở lại của chuỗi cung ứng hàng hóa, mà còn bảo vệ hữu hiệu hệ thống phân phối có đủ nguồn lực và tổ chức kênh tiêu thụ rộng khắp, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và sản xuất của nền kinh tế.

Nhưng điều quan trọng hơn, qua đây người dân và doanh nghiệp ngày càng nhận thức rõ ràng rằng, trong nền kinh tế thị trường với nhiều loại hình chủ sở hữu tham gia, cũng không thể thiếu bàn bàn tay nhà nước và ý thức công vụ của công chức, viên chức.

Vậy khi nào để thị trường điều tiết, khi nào để nhà nước can thiệp? Trong Quyết định 1163/QĐ-TTg Phê duyệt Chiến lược “Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã nói rất cụ thể: “Nhà nước chỉ tham gia điều chỉnh thị trường khi có bất ổn gây đột biến thị trường, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, đối với các vấn đề khác của thị trường, chỉ định hướng quản lý thông qua hệ thống thể chế, chính sách, các công cụ tài chính, tín dụng…”.

Và trục chính của quản lý nhà nước đối với thương mại trong nước thể hiện ở chỗ: “Bảo vệ hiệu quả thị trường trong nước”. Nói cách khác, sự điều tiết của thị trường, của doanh nghiệp, hay can thiệp của nhà nước và việc xây dựng ý thức công vụ cũng chỉ để hướng đến sợi chỉ đỏ xuyên suốt “bảo vệ hiệu quả thị trường trong nước”.

Đặng Duy Kiên