Luôn chú trọng nâng cao chất lượng
Tại buổi lễ, ông Lê Hoàng Khánh Nhựt nhấn mạnh, gần 1/2 thế kỷ hình thành và phát triển, DRC luôn xác định mục tiêu xuyên suốt đó là: Là nhà sản xuất, cốt lõi sản phẩm do mình tạo ra có được người tiêu dùng tin yêu hay không phải là yếu tố chất lượng. Chất lượng có tốt thì mới được người tiêu dùng chào đón.
Để đảm bảo được điều này thì suốt cả hành trình phát triển, DRC không ngừng đầu tư vào công nghệ, liên tục lựa chọn và hợp tác với các chuyên gia hàng đầu đến từ các quốc gia nỗi tiếng trong lĩnh vực sản xuất lốp xe, cập nhật đầu tư hệ thống thiết bị tiên tiến để đảm bảo đáp ứng yêu cầu công nghệ.
Chính yếu tố này đã giúp cho sản phẩm DRC đạt hầu hết các hàng rào về tiêu chuẩn kỹ thuật khắc khe của các quốc gia như Smartway, DOT cuar Mỹ; JIS của Nhật; EMART hay REACH của EU; INMETTRO của Brazil hay các nước Nam Mỹ. Bên cạnh đó, DRC cũng liên tục đa dạng hóa chủng loại và quy cách mẫu mã theo xu hướng của thị trường. Đó là 2 yếu tố quan trọng giúp cho DRC liên tục phát triển trong thời gian qua.
Hơn thế nữa, DRC lấy hiệu quả phục vụ người tiêu dùng làm thước đo giá trị của sản phẩm của mình. Vì thế, DRC đã giải quyết được hài hòa vấn đề chất lượng và chi phí cho người tiêu dùng.
Cần thêm hỗ trợ cho doanh nghiệp
Hiện, Việt Nam là một quốc gia có tốc độ phát triển logistics rất nhanh, đồng thời là thị trường tiêu dùng rất lớn với gần 100 triệu dân. Do đó, ông Nhựt cho rằng, Chính phủ nên có các giải pháp mạnh mẽ hơn nữa để tuyên truyền và lan tỏa tinh thần của Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam một cách mạnh mẽ hơn nữa trong hầu hết các lĩnh vực, trong đó có logistics. Đặc biệt, cần đánh vào lòng tự hào dân tộc với các sản phẩm thuần Việt có thương hiệu để khuyến khích và tuyên truyền cho người tiêu dùng.
“Nhờ Cuộc vận động, DRC đã kết nối thành công với các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp ô tô như Thaco, Chiến Thắng, Vinfast… và trở thành nhà cung cấp sản phẩm cho các doanh nghiệp này. DRC mong muốn các bộ ngành đẩy mạnh, lan toả mạnh mẽ hơn nữa Cuộc vận động đầy ý nghĩa này. Nhật Bản, Hàn Quốc đã ưu tiên sử dụng sản phẩm của mình tại các quốc gia, chỉ khi nào trong nước không có mới sử dụng sản phẩm khác. Do đó, thông qua Cuộc vận động, DRC mong muốn sẽ tiếp tục lan toả tinh thần yêu hàng Việt để sản phẩm của DRC tiếp tục chinh phục người tiêu dùng” – ông Lê Hoàng Khánh Nhựt thông tin.
Song song với đó, các doanh nghiệp như DRC đã mạnh mẽ đưa hàng hoá ra nước ngoài, rủi ro cao nhất là tài chính. Các quốc gia trên thế giới đều đã có công cụ để hỗ trợ doanh nghiệp tránh được tối đa rủi ro này. Đơn cử, Ấn Độ thành lập tổ chức Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu từ năm 1957, đến năm 2008 đã bảo hiểm khoảng 17% kim ngạch xuất khẩu của nước này. Năm 2001, Trung Quốc thành lập tổ chức Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu với tên gọi Tổng Công ty Sinosure.
Tính đến tháng 12/2009, Sinosure bảo hiểm cho trên 75 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu. Các quốc gia phát triển hơn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore đều có tổ chức Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu chuyên biệt như NEXI, KEIC, ECICS, trong đó NEXI của Nhật Bản là 1 trong 10 tổ chức BHTDXK lớn nhất thế giới. Ngoài lĩnh vực Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu ngắn hạn, tổ chức này còn cung cấp bảo lãnh đầu tư và bảo hiểm tín dụng đầu tư cho hầu hết các dự án đầu tư của Nhật Bản ở nước ngoài.
Do đó, chúng tôi đề xuất Chính phủ Việt Nam xem xét việc thành lập đơn vị bảo hiểm tín dụng xuất khẩu để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu mạnh tay hơn và quyết liệt hơn trong thương thảo đàm phán đem về nhiều hơn nữa cơ hội hợp tác và xuất khẩu cho các doanh nghiệp Việt Nam. Đây là yếu tố quyết định rất lớn, giúp cho các doanh nghiệp tránh được nhiều rủi ro trong xuất khẩu.