Kết thúc phiên họp chính sách trong ngày 11/03 (theo giờ địa phương), Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) cho biết sẽ đẩy nhanh đáng kể nhịp độ chương trình mua trái phiếu trị giá đến 1.850 tỷ EUR (tương đương 2.200 tỷ USD) trong 3 tháng tới. Bên cạnh đó, ECB cũng cho biết sẽ giữ nguyên mức lãi suất cơ bản siêu thấp như hiện nay.
Giới quan sát đánh giá đây là những động thái cực kỳ bất ngờ và khác biệt so với Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) trong bối cảnh lợi suất trái phiếu tăng mạnh trên thị trường toàn cầu. Động thái chính sách này cũng cho thấy ECB đang đối mặt với nhiều khó khăn hơn so với FED trong việc vực dậy nền kinh tế hậu đại dịch Covid-19.
Triển vọng kinh tế ngắn hạn của khu vực các quốc gia sử dụng đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) cũng kém “tươi sáng” hơn so với Hoa Kỳ. Theo dự báo mới nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), tăng trưởng kinh tế của khu vực Eurozone sẽ đạt 3,9% trong năm nay nhưng OECD cũng điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng của Pháp và Italy, hai nền kinh tế lớn thứ 2 và thứ 3 của khu vực Eurozone, do tốc độ phục hồi chậm tại hai quốc gia này.
Việc chậm triển khai tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 cũng như thông qua các loại vaccine tại các nước thành viên đã khiến một số quốc gia khu vực Eurozone tiếp tục vật lộn với sự lây lan của đại dịch Covid-19 và phải áp đặt các biện pháp phong toả.
Điều này đã kìm hãm đà phục hồi kinh tế tại đây. Một số quốc gia thành viên Eurozone cũng lo ngại việc đưa ra các gói kích thích kinh tế sẽ gia tăng gánh nặng nợ công – điều “ám ảnh” đối với nhiều quốc gia sau khủng hoảng nợ công hồi năm 2011.
Trong khi đó, việc đẩy nhanh tiêm chủng kết hợp với các gói kích thích kinh tế khổng lồ đang hỗ trợ hiệu quả quá trình phục hồi kinh tế của Hoa Kỳ. OECD dự báo tăng trưởng kinh tế Hoa Kỳ sẽ đạt tới 6,5% trong năm nay, tăng 3,3% so với dự báo trước đó.
Trong ngày 11/3 (theo giờ địa phương), Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã ký ban hành gói cứu trợ kinh tế khổng lồ 1.900 tỷ USD nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hậu đại dịch Covid-19. Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát trong năm ngoái, mức chi tiêu ngân sách liên bang của Hoa Kỳ nhằm chống lại các tác động của dịch bệnh đến nay đã vào khoảng 6.000 tỷ USD. Con số này lớn hơn rất nhiều so với mức chi tiêu chống lại suy thoái kinh tế trong Thế chiến 2 của Hoa Kỳ. Tổng thống Joe Biden dự kiến sẽ đề xuất các kế hoạch đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng với tổng trị giá 4.000 tỷ USD trong 10 năm tới nhằm hỗ trợ nền kinh tế Hoa Kỳ.
Tâm lý lạc quan trên khắp các thị trường tài chính về triển vọng tăng trưởng toàn cầu đang đẩy lợi suất trái phiếu tăng lên, gia tăng gánh nặng nợ và khiến ECB gặp nhiều thách thức. Giới chức điều hành ECB lo ngại đà tăng quá mức của lãi suất có thể huỷ hoại đà phục hồi kinh tế yếu ớt của Châu Âu.
Sau tuyên bố đẩy mạnh thu mua trái phiếu của ECB, lợi suất trái phiếu Châu Âu giảm trên diện rộng. Lợi suất trái phiếu chuẩn kỳ hạn 10 năm của Italy giảm xuống 0.577%, từ mức 0.681% trong ngày 10/03, chạm đáy thấp nhất trong 3 tuần qua. Lợi suất trái phiếu Đức giảm xuống -0.362%.
Các quan chức điều hành FED dự kiến sẽ có phiên họp vào ngày 16 – 17/3 tới đây nhằm quyết định chính sách điều hành trong thời gian tới. Trước đó, FED đã phát đi tín hiệu cho thấy sẽ không cố gắng kìm hãm đà tăng của lợi suất trái phiếu Chính phủ Hoa Kỳ cũng như không vội vàng siết chặt lại các công cụ tiền tệ cho đến khi đạt được các mục tiêu lạm phát và thị trường lao động trong “một khoảng thời gian”.