Hoa Kỳ dẫn dắt tăng trưởng toàn cầu
Theo dự báo của hãng tư vấn kinh tế Oxford Economics (Anh), nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng khoảng 6% trong năm nay nhờ việc triển khai tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 tại nhiều nơi trên toàn cầu và các nền kinh tế lớn bắt đầu tái mở cửa trở lại. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong gần 50 năm trở lại đây.
Hãng Oxford Economics cũng nhận định Hoa Kỳ sẽ đóng vai trò dẫn dắt trong quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu hậu đại dịch Covid-19. Điều này cũng phản ánh sự linh hoạt của nền kinh tế lớn nhất thế giới trước các biến động.
Trước đó, trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào năm 2008, Trung Quốc đã đóng vai trò chính trong thúc đẩy kinh tế toàn cầu phục hồi khi Hoa Kỳ trải qua quá trình phục hồi kinh tế yếu nhất lịch sử kể từ những năm 1930.
Lần đầu tiên kể từ năm 2005, nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng toàn cầu so với Trung Quốc trong năm nay. Quy mô nền kinh tế Hoa Kỳ hiện lớn hơn khoảng 30% so với quy mô kinh tế Trung Quốc do đó nếu cả hai quốc gia cố tốc độ tăng trưởng xấp xỉ nhau trong năm nay thì Hoa Kỳ sẽ đóng góp nhiều hơn Trung Quốc vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs (Hoa Kỳ) nhận định nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ tăng trưởng khoảng 7% trong năm nay so với mức suy giảm 3,5% trong năm 2020. Trong khi đó, Trung Quốc sẽ tăng trưởng 8% trong năm nay, cao hơn nhiều so với mức tăng 2,3% trong năm ngoái.
Bà Catherine Mann, nhà kinh tế trưởng toàn cầu tại ngân hàng đầu tư Citibank (Hoa Kỳ), nhận định “Hoa Kỳ sẽ trở lại vai trò đầu tàu toàn cầu trong năm nay”.
Liều thuốc cứu nền kinh tế Hoa Kỳ
Trong khi đó, đà phục hồi kinh tế của Hoa Kỳ được hỗ trợ bởi các gói kích thích kinh tế được tung ra liên tục, mức lãi suất siêu thấp của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED), chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 và các khoản tiết kiệm bị dồn nén trong thời gian dịch bệnh.
Suy thoái kinh tế tại Hoa Kỳ cũng như tại nhiều nền kinh tế khác do đại dịch Covd-19 gây ra không do sự bùng nổ của bong bóng tài sản hoặc nợ tích luỹ như các cuộc khủng hoảng kinh tế trước đây. Do đó, nền kinh tế Hoa Kỳ được dự báo sẽ bật dậy nhanh chóng sau đại dịch.
Các chương trình kích thích kinh tế của Chính phủ Hoa Kỳ với quy mô gần 3.000 tỷ USD được triển khai trong năm ngoái, bao gồm gói kích thích 900 tỷ USD hồi cuối tháng 12/2020 được xem là chìa khoá giúp nền kinh tế nước này phục hồi. Trong vài ngày tới, Tổng thống Joe Biden có thể ký ban hành gói kích thích nữa với quy mô 1.900 tỷ USD.
Sự phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế đã làm dấy lên lo ngại lạm phát có thể gia tăng cao. Tuy nhiên, Chủ tịch FED ông Jeremy Powell đã khẳng định tình hình lạm phát tăng đột biến trong thời gian tới khó có thể kéo dài. Ông Jeremy Powell cũng cho biết sẽ duy trì mức lãi suất siêu thấp như hiện nay cho đến khi thị trường việc làm Hoa Kỳ phục hồi và lạm phát duy trì trên 2%.
Nhưng sự phục hồi mạnh của Hoa Kỳ có thể tạo ra thách thức với các khu vực đang bị hụt hơi trong công cuộc tái mở cửa nền kinh tế như Châu Âu và một số thị trường mới nổi. Niềm tin của giới đầu tư quốc tế vào triển vọng tươi sáng của nền kinh tế Hoa Kỳ đã đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ cũng như đồng USD tăng lên. Điều này làm tăng gánh nặng nợ của các quốc gia đang đi vay bằng đồng USD.
Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đã lên tiếng cảnh báo về việc lợi suất trái phiếu liên tục tăng và cân nhắc các biện pháp can thiệp khẩn cấp như chương trình mua trái phiếu trị giá 1.850 tỷ EUR, tương đương 2.200 tỷ USD.
Các nhà kinh tế học thuộc tập đoàn tài chính JP Morgan (Hoa Kỳ) nhận định, vào giữa năm nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hoa Kỳ sẽ vượt tốc độ tăng trưởng kinh tế trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra.
Đối với Trung Quốc, nền kinh tế nước này đã trở lại ngang bằng với trước khi đại dịch xảy ra nhưng sẽ không đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn trước đây. Trong khi đó, khu vực Châu Âu và một số nền kinh tế mới nổi sẽ vẫn gặp nhiều khó khăn trong năm nay.
Việc triển khai tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 diễn ra chậm, kết hợp với việc không đưa ra các gói chi tiêu quy mô lớn như Hoa Kỳ do lo ngại gia tăng nợ đang khiến khu vực Châu Âu phục hồi chậm hơn so với Hoa Kỳ.
Ông Joerg Kraemer, nhà kinh tế trưởng tại tập đoàn tài chính Commerzbank, cho biết vấn đề về cơ cấu dân số và tăng trưởng năng suất yếu có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong những năm tới. Dân số Trung Quốc hiện đang có tốc độ gia hoá cao, đồng thời, tỷ lệ nợ trên thu nhập bình quân đầu người tại Trung Quốc đang tăng lên, ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế trong dài hạn.
Giới chức Trung Quốc cũng đã phát tín hiệu cho thấy sẽ giảm dần các biện pháp kích thích kinh tế trong năm nay nhằm kiềm chế nợ và bong bóng bất động sản.