Chiếm 10% sản lượng xuất khẩu toàn cầu, “vua chanh leo” Nafoods Group (NAF) đón tin vui từ Mỹ

Cổ phiếu NAF của Nafoods Group đã tăng kịch biên độ trong bối cảnh chanh leo của Việt Nam sắp được xuất khẩu chính ngạch vào Mỹ.
Nafoods Group
Nafoods Group hiện là nhà xuất khẩu sản phẩm chanh leo hàng đầu ở khu vực châu Á, chiếm 10% tổng sản lượng xuất khẩu toàn cầu.

Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 8/2024, thị giá cổ phiếu NAF của Công ty Cổ phần Nafoods Group tăng kịch biên độ, lên mức 20.500 đồng/cổ phiếu. Đây cũng là mức giá cao nhất của cổ phiếu này trong vòng 28 tháng trở lại đây, kể từ tháng 4/2022.

So với thời điểm đầu năm, thị giá cổ phiếu NAF đã tăng 25%, giúp vốn hóa thị trường của Nafoods Group lên hơn 1.000 tỷ đồng. Bên cạnh mức tăng trưởng của thị giá, khối lượng giao dịch cổ phiếu NAF cũng đang cao đột biến trong 2 tuần trở lại đây.

Cổ phiếu NAF thu hút sự chú ý của giới đầu tư khi thị trường kỳ vọng Nafoods Group sẽ hưởng lợi trực tiếp từ việc chanh leo Việt Nam sắp được xuất khẩu chính ngạch vào Mỹ.

Cụ thể, ngày 27/8 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp Mỹ đã đạt được thống nhất về yêu cầu kỹ thuật đối với chanh leo của Việt Nam. Đồng thời, hai bên thống nhất kết thúc thảo luận kỹ thuật, chuyển sang thực hiện các thủ tục pháp lý, cho phép nhập khẩu chanh leo của Việt Nam vào Mỹ.

Việt Nam hiện là một trong 3 quốc gia xuất khẩu chanh leo lớn nhất thế giới, sau Peru và Brazil. Trước khi tiếp cận với thị trường Mỹ, chanh leo Việt Nam đã được xuất khẩu sang thị trường các nước như Hàn Quốc, trung Quốc, Australia, Hà Lan, Pháp...

Tại Việt Nam, Nafoods Group được biết đến là doanh nghiệp xuất khẩu chanh leo hàng đầu, chiếm 10% sản lượng xuất khẩu toàn cầu. Nhờ sở hữu chuỗi giá trị sản xuất khép kín từ giống - vùng trồng liên kết - chế biến - thị trường, Nafoods Group nắm giữ vị thế Top 1 nhà xuất khẩu sản phẩm chanh leo ở châu Á, Top 3 xuất khẩu sản phẩm dịch chanh dây cô đặc ở Việt Nam, và chiếm 60% thị phần cây giống chanh leo.

Ngoài chanh leo, doanh nghiệp này còn khai thác lợi thế các loại trái cây nhiệt đới như thanh long, xoài, dứa, dừa, đu đủ,… với nhiều sản phẩm đa dạng như trái cây sấy, nước ép trái cây cô đặc và trái cây đông lạnh.

Các sản phẩm của Nafoods Group chủ yếu được tiêu thụ tại khu vực châu Âu, châu Mỹ, châu Á và một số nước vùng Vịnh và thị trường nội địa.

Giá cổ phiếu NAF Nafoods Group
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu NAF của Nafoods Group từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Hoàng Anh Gia Lai (HAG): Heo và chuối sẽ giúp tạo dòng tiền lớn, giúp duy trì hoạt động liên tục" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Hiện tại, công ty đã xây dựng được chuỗi nhà máy phân bố đều khắp Việt Nam, bao gồm: tỉnh Nghệ An, tỉnh Long An, tỉnh Sơn La, tỉnh Gia Lai với tổng công suất 40.000 tấn sản phẩm mỗi năm. Riêng tại Gia Lai, công ty hiện được phép mở rộng vùng nguyên liệu liên kết với nông dân lên tới 3.000 ha.

Đặc biệt, Nafoods Group hiện sở hữu công nghệ sản xuất cây giống sạch bệnh và chọn tạo giống chanh dây mới với công suất sản xuất đạt 10 triệu cây giống sạch bệnh/năm, cung cấp trên 60% thị phần cây giống chanh dây sạch bệnh cho sản xuất.

Xét về kết quả kinh doanh, lũy kế 6 tháng đầu năm nay, Nafoods Group ghi nhận doanh thu thuần đạt 751 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ năm trước nhưng lợi nhuận trước thuế tăng 12%, đạt 76,3 tỷ đồng.

Năm nay, Nafoods Group đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 2.200 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 129 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 26,9% và 17,3% so với mức cao kỷ lục của năm 2023. Như vậy, sau nửa đầu năm công ty đã hoàn thành được 35% kế hoạch doanh thu và 50% kế hoạch lợi nhuận cả năm nay.

Duy Quang