Cần chiến lược chuyển đổi sang nền kinh tế "năng lượng xanh"
Ngày 10/12/2019, tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp cùng Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức Hội nghị Cấp cao lần thứ 3 và Diễn đàn Các bên liên quan lần thứ nhất của Nhóm Đối tác Năng lượng Việt Nam (VEPG).
Tại Hội nghị, đã có 40 khuyến nghị chính sách cho lĩnh vực năng lượng được xây dựng, giới thiệu. Các khuyến nghị này tập trung vào 5 lĩnh vực ưu tiên chính: Năng lượng tái tạo, Hiệu quả năng lượng, Cải cách ngành năng lượng, Tiếp cận năng lượng và Dữ liệu và thống kê năng lượng.
Điểm nhấn của Hội nghị Cấp cao năm nay là việc giới thiệu bản Báo cáo Tiến độ năm 2019 bởi Ban thư ký VEPG. Báo cáo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của Nhóm Đối tác Năng lượng Việt Nam và các nhóm công tác kỹ thuật trong việc tạo ra cơ chế hợp tác hiệu quả và nền tảng đối thoại có giá trị; đưa chính phủ, các đối tác phát triển và các bên liên quan trong lĩnh vực năng lượng đến gần nhau hơn để cùng nhau hoạch định và đưa ra các khuyến nghị đối với các chính sách hiện hành mang tính chiến lược trong lĩnh vực này.
Đánh giá về bản báo cáo và các khuyến nghị từ phía VEPG, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, báo cáo đã nêu rất rõ các công việc mà các nhóm kỹ thuật làm được trong năm 2019 cho ngành năng lượng Việt Nam.
Tuy nhiên, VEPG cần mở rộng nghiên cứu, các khuyến nghị sang các lĩnh vực khác như: dầu khí, than, vì đây cũng là những nguồn năng lượng lớn của Việt Nam.
Thứ trưởng đặt vấn đề, VEPG có thể tập trung sâu hơn vào các đề khác nữa như việc làm thế nào thúc đẩy nhanh điện mặt trời áp mái tại nhà dân và các khu cụm công nghiệp, vì đây là tiềm năng lớn, trong khi Việt Nam vẫn đang thiếu cơ chế. Hay các vấn đề liên quan đến việc thu hút đầu tư điện năng lượng tái tạo vào các khu công nghiệp và bán điện trực tiếp cho các khách hàng mà không cần quá nhiều thủ tục; các chính sách cho năng lượng sinh khối...
Thứ trưởng Đặng Hoàng An cũng khẳng định, ngành năng lượng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế cũng như phúc lợi của người dân Việt Nam.
Điều quan trọng nhất hiện nay là phải có chiến lược mạnh mẽ và có tầm nhìn xa để hỗ trợ quá trình chuyển đổi Việt Nam sang một nền kinh tế hiện đại, xanh và toàn diện, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Trong 20 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng điện của Việt Nam hàng năm đều ở mức hai con số, thường từ 1,5 đến 1,8 lần tốc độ tăng trưởng GDP. Trong đó giai đoạn 2000-2010 là 13%; giai đoạn 2011-2016 là 11% và từ 2017 đến nay đều trên 10%.
Dự báo nhu cầu điện sẽ tiếp tục tăng trưởng cao cùng với quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa nền kinh tế của Việt Nam trong những năm sắp tới và để đáp ứng tốc độ tăng trưởng nhu cầu cao như vậy sẽ là một thách thức rất lớn.
Với thực tế này, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho rằng việc xây dựng chiến lược phát triển ngành năng lượng phù hợp, khả thi, bền vững phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam đang trở thành nhiệm vụ có tính quan trọng bậc nhất.
Cùng với đó, Thứ trưởng cũng lưu ý đến những hỗ trợ của các đối tác quốc tế và xác định tầm quan trọng và tính cấp thiết của việc nghiên cứu cũng như hợp tác phát triển khoa học công nghệ kỹ thuật và nâng cao nhận thức cộng đồng để cải cách ngành năng lượng theo cả chiều sâu và chiều rộng.
EU cam kết hỗ trợ Việt Nam phát triển năng lượng xanh
Ông Rainer Brohm, Điều phối viên quốc tế, Ban Thư ký VEPG cho hay, các nhóm công tác kỹ thuật đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc hỗ trợ 40 khuyến nghị chính sách cụ thể nhưng cũng đã xác định các lỗ hổng và các thách thức còn tồn tại.
Đơn cử như ở nhóm 1 về năng lượng tái tạo, VEPG thực hiện các hỗ trợ về giá FIT (là giá bán điện năng được sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo được cung cấp vào hoặc bán cho lưới điện) và hợp đồng mua bán điện PPA cho năng lượng gió được sửa đổi, cơ chế khuyến khích điện mặt trời áp mái được sửa đổi; các tham vấn và hỗ trợ cho giá FIT mới cho điện mặt trời và chương trình điện mặt trời áp mái; thảo luận về cơ chế đấu thầu và tích hợp năng lượng tái tạo vào lưới.
Song những thách thức ở nhóm 1 cũng được chỉ ra như về việc phát triển khung hỗ trợ (đấu thầu, giá FIT cho năng lượng sinh học, điện gió ngoài khơi); các biện pháp hỗ trợ tích hợp năng lượng tái tạo vào lưới...
Ở nhóm thứ 3 về tái cấu trúc ngành năng lượng, VEPG đã hỗ trợ thực hiện bắt đầu thị trường bán buôn điện Việt Nam vào đầu năm 2019; phát triển hợp đồng bán điện trực tiếp (DPPA) trong giai đoạn cuối sau khi tham vấn. Các thách thức ở đây là việc tiếp tục hoàn thiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh, trong đó liên quan đến các cơ chế về trợ giá, giá chéo, phí phân phối...
Ông Pier Giorgio Aliberti, Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam, cho biết tác động của biến đổi khí hậu là rất nghiêm trọng và ngày càng tăng lên về tần suất và cường độ cả ở Việt Nam cũng như trên thế giới.
Do vậy, quá trình chuyển đổi của từng quốc gia cũng như của thế giới sang các hệ thống năng lượng sạch phải được đẩy nhanh, với cam kết đầy tham vọng từ các chính phủ và với sự hỗ trợ mạnh mẽ của các đối tác phát triển.
“Liên minh châu Âu giữ cam kết hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi từ năng lượng nâu sang năng lượng xanh đồng thời đảm bảo khả năng tiếp cận năng lượng với giá phải chăng cho tất cả mọi người và bảo vệ khả năng cạnh tranh của Việt Nam,” ông Pier Giorgio Aliberti thông tin.
Trong khi đó, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cũng nêu rõ sự thành công của ngành năng lượng là một đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam và nhìn về phía trước, ngành năng lượng đang cần bước sang một đoạn tăng trưởng mới.
Nhóm Đối tác năng lượng Việt Nam (VEPG) được thành lập vào tháng 6/2017 theo thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và các Đối tác Phát triển với mục đích nhằm tăng cường hợp tác giữa các bên, kết nối và phối hợp hiệu quả hỗ trợ quốc tế cho ngành năng lượng tại Việt Nam.
Hiện nay, hoạt động của Nhóm đối tác năng lượng Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Công thương chủ trì và đại diện của Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam và Ngân hàng Thế giới là đồng chủ trì.
Mục tiêu chung của Nhóm Đối tác Năng lượng Việt Nam (VEPG) là hướng đến sử dụng hiệu quả hỗ trợ quốc tế cho phát triển năng lượng bền vững ở Việt Nam, phù hợp với luật pháp quốc gia và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên tham gia.