Tham dự Hội thảo có lãnh đạo các Bộ: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường; lãnh đạo Văn phòng Chính phủ; lãnh đạo một số địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long; các tổ chức quốc tế, chuyên gia, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước;…
Tạo lập môi trường đầu tư thuận lợi cho phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới
Phát biểu tại Hội thảo, lãnh đạo các bộ, ngành, chuyên gia, doanh nghiệp, nhà đầu tư thống nhất khẳng định, Bến Tre là địa phương có tiềm năng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới rất đa dạng và phong phú, gồm: Năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng từ hydro xanh, amoniac xanh…
Từ tiềm năng, lợi thế được chỉ ra, các đại biểu đã đưa ra nhiều sáng kiến, đề xuất, phân tích, đánh giá, chia sẻ các nội dung cốt lõi, cơ bản về định hướng phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo; nguồn lực và giải pháp tài chính cho phát triển năng lượng mới; kinh nghiệm và công nghệ sản xuất hydro xanh trên thế giới; các tiềm năng và cơ hội đầu tư sâu rộng trong lĩnh vực năng lượng mới, năng lượng tái tạo tại tỉnh Bến Tre; đề xuất, kiến nghị những giải pháp phù hợp, khả thi nhằm đưa ngành năng lượng tái tạo, năng lượng mới tại Bến Tre nói riêng và cả nước nói chung phát triển mạnh mẽ, bền vững, hiệu quả trong tương lai.
Theo Quy hoạch điện VIII và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Bến Tre được quy hoạch phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo là: Công suất nguồn điện gió trên bờ (trên đất liền và gần bờ) đến năm 2030 là 1.100 MW. Công suất nguồn điện sản xuất từ sinh khối đến năm 2030 là 10 MW. Công suất nguồn điện sản xuất từ rác thải đến năm 2030 là 18 MW. Công suất nguồn điện mặt trời mái nhà đến năm 2030 là 17 MW. Điện gió ngoài khơi cho khu vực Nam Bộ là 1.000 MW...
Để đạt mục tiêu nêu trên trong thời gian tới, nhiều ý kiến cho rằng, Bến Tre cần tiếp tục quan tâm, tạo lập môi trường đầu tư thuận lợi, minh bạch, công khai quy hoạch, danh mục dự án đầu tư, rà soát và xóa bỏ các rào cản để thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư, phát triển các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng mới. Khuyến khích thu hút đầu tư nước ngoài có quy mô lớn, chất lượng, hiệu quả đối với các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng mới.
Đồng thời rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới. Thực hiện chính sách tín dụng linh hoạt, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn, đặc biệt là các doanh nghiệp có dự án năng lượng xanh. Hoàn thiện chính sách khuyến khích sản xuất, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.
Chú trọng thu hút các nhà đầu tư có năng lực, uy tín đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng các khu công nghiệp, khu chế suất sạch, sinh thái thông minh, hướng mạnh tới mục tiêu sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo trong sản xuất kinh doanh.
Nhiều ý kiến cũng đề xuất Bến Tre tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của các cấp chính quyền và cộng đồng về phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Khuyến khích, huy động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư tài chính cho các lĩnh vực hoạt động này.
Phát triển các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo là xu thế tất yếu
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, hiện nay năng lượng hóa thạch đã dần cạn kiệt và dần đi đến chấm dứt sứ mệnh lịch sử của mình và con người cũng ngày càng nhận ra được các mặt trái của năng lượng hóa thạch đối với môi trường sinh thái. Vì thế, việc phát triển các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo, năng lượng xanh là xu thế tất yếu.
Tuy nhiên, việc phát triển nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo không phải là việc làm dễ dàng, nhanh chóng, một sớm một chiều mà cần phải có thời gian, có quá trình phát triển và chuyển đổi. Quá trình này, bên cạnh thuận lợi cũng có không ít các khó khăn, thách thức.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình, Việt Nam là một trong những quốc gia hội tụ đầy đủ những đặc điểm địa lý, khí hậu lý tưởng để xây dựng và phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo như nhà máy năng lượng mặt trời, năng lượng gió (trên bờ và ngoài khơi), năng lượng từ hydro xanh...
Việc này có ý nghĩa vô cùng to lớn trong định hướng phát triển nền kinh tế Việt Nam trong tương lai, cũng như bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Thời gian qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm khuyến khích phát triển nguồn năng lượng tái tạo.
"Chúng ta đã nhận thức rõ được xu thế tất yếu phải phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng xanh, song vạn sự khởi đầu nan, những người đi tiên phong thường sẽ gặp nhiều khó khăn.
Vì vậy, tôi hoan nghênh Bến Tre và một số địa phương đã rất chủ động lựa chọn và đi tiên phong trong lĩnh vực này; đã hiện thực hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như hiện thực hóa xu hướng của nhân loại về sự phát triển tất yếu của nguồn năng lượng lượng tái tạo, năng lượng mới", Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình phát biểu.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình khẳng định, Chính phủ luôn đồng hành với các địa phương, doanh nghiệp trong tháo gỡ khó khăn; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách; quan tâm dành nguồn lực, thúc đẩy đầu tư cho phát triển nguồn năng lượng mới, năng lượng xanh, năng lượng tái tạo.
"Với sự chủ động lựa chọn, quyết tâm chính trị mạnh mẽ của lãnh đạo tỉnh Bến Tre về định hướng phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới trong thời gian tới cũng như thông điệp rõ ràng về các chính sách nhằm thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư trong phát triển nguồn năng lượng sạch, năng lượng xanh tại địa phương, tôi tin tưởng rằng Bến Tre sẽ ngày càng có nhiều các tổ hợp năng lượng mới, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và trở thành địa phương hình mẫu về phát triển nguồn năng lượng này", Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình bày tỏ.
Chiều cùng ngày, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cùng đoàn công tác của Chính phủ và lãnh đạo tỉnh Bến Tre đã có cuộc gặp gỡ với các nhà đầu tư năng lượng tái tạo.