Chính sách ổn định, rõ ràng: Lực đẩy phát triển công nghiệp ô tô

Tiếp tục chuỗi hoạt động, ngày 5/4 Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải - Trưởng đoàn công tác liên ngành của Chính phủ đã đến Nhà máy Ô tô Cửu Long - Hưng Yên (thuộc Công ty Cổ phần Ô tô TMT) nhằm

Trước đó, ngày 21/3/2017, tại Ninh Bình, Tổ công tác liên ngành đã có buổi làm việc đầu tiên tại Nhà máy sản xuất ô tô Huyndai Thành Công Việt Nam và ngày 27/3 làm việc tại Khu phức hợp Chu Lai - Trường Hải (Quảng Nam).

Tại buổi làm, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định, mục đích những chuyến thăm và làm việc của Đoàn là đánh giá toàn diện thực trạng ngành ô tô Việt Nam trong bối cảnh hội nhập hiện nay, đánh giá trong mối tương quan với thị trường khu vực; thăm và làm việc trực tiếp tại các nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô để đánh giá cơ hội, khả năng thích ứng của các doanh nghiệp trong nước báo cáo với Chính phủ để đưa ra chính sách phù hợp cho phát triển ngành công nghiệp ô tô. Thứ trưởng khẳng định, Tổ công tác sẽ thực hiện nhiệm vụ theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là “Đồng hành cùng doanh nghiệp”.

Tổ công tác làm việc với Công ty TMT

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, các chính sách phát triển công nghiệp ô tô thời gian tới của Chính phủ và Bộ Công Thương là tập trung vào 3 mục tiêu: Tiếp tục duy trì sản xuất, lắp ráp của các doanh nghiệp ô tô trong cả nước; Phát triển công nghiệp hỗ trợ; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh. “Chính sách cho phát triển công nghiệp ô tô trong thời gian tới sẽ không chung chung nữa mà đi vào vấn đề, mục tiêu cụ thể để đảm bảo có dung lượng lớn cho thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chia sẻ.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết thêm, hiện Bộ Công Thương đang tham gia cùng Ban Kinh tế Trung ương thực hiện xây dựng chiến lược phát triển ngành công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2030, trong đó có ngành công nghiệp ô tô. Bộ Công Thương sẽ tham mưu và đưa vào chiến lược nội dung tạo đều kiện tốt nhất để phát triển mạnh ngành công nghiệp ô tô thời gian tới.

Tại buổi làm việc, ông Bùi Văn Hữu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần ô tô TMT đã giới thiệu về quá trình hình thành và phát triển của doanh nghiệp. Hiện TMT Motor là một trong những đơn vị sản xuất lắp ráp và phân phối xe thương mại hàng đầu tại Việt Nam, luôn luôn bám sát định hướng của Chính phủ về phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, đóng góp một phần trong việc thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển. Đến nay, các dòng xe mang thương hiệu TMT phần nào đóng vai trò dẫn dắt thị trường xe thương mại với đầy đủ các phân khúc, chủng loại, đa dạng tải trọng từ 500 kg đến 40 tấn. Bên cạnh việc chú trọng sản xuất, kinh doanh, TMT luôn đặt yêu cầu bảo vệ môi trường lên hàng đầu.

Bàn về những vướng mắc và kiến nghị của doanh nghiệp, đại diện TMT mong muốn thời gian tới, chính sách phát triển công nghiệp ô tô cần ổn định, rõ ràng và “đi vào cuộc sống”. Đặc biệt cần quan tâm tới công nghiệp hỗ trợ để làm đòn bẩy cho doanh nghiệp trong nước.

Theo ông Bùi Văn Hữu, thực trạng công nghiệp ô tô nước ta đang phát triển theo chiều rộng, phát triển ồ ạt, chưa theo chiều sâu, thiếu trọng tâm dẫn đến ngành phát triển ì ạch. Điều này cũng đã khiến công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa có cơ hội phát triển. Bên cạnh đó, các cơ chế chính sách hiện nay đang có vướng mắc giữa các bộ ngành, không đi cùng với chiến lược phát triển công nghiệp ô tô đã khiến doanh nghiệp luôn bị rào cản trong quá trình sản xuất hay mở rộng quy mô hoạt động. Đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất dường như bị lép vế so với doanh nghiệp nhập khẩu.

Kiến nghị với Tổ công tác, ông Bùi Văn Hữu cho rằng, các bộ ngành sớm khắc phục bất cập về những quy định, tạo sự thống nhất trong quản lý và bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Bên cạnh đó, cần có quy chế công nhận lẫn nhau để giảm bớt chi phí, thời gian cho doanh nghiệp khi phải thực hiện kiểm tra những linh kiện nhập khẩu như gương, đèn, kính… điều mà xe nhập khẩu không phải thực hiện.

Ông Bùi Văn Hữu đề xuất, những doanh nghiệp lớn phải cùng ngồi để tìm tiếng nói chung, có sự hợp tác để đề xuất cơ chế tạo lực đẩy cho phát triển sản xuất trong nước. Đặc biệt, cần có sự quan tâm tới công nghiệp hỗ trợ, có cơ chế thích ứng cho lĩnh vực này sẽ kéo các ngành khác phát triển theo.

Thăm quan nhà xưởng sản xuất

Sau khi nghe Chủ tịch TMT Bùi Văn Hữu báo cáo tình hình sản xuất, kinh doanh của Nhà máy và trực tiếp thăm cơ sở sản xuất, tiếp xúc với những kỹ sư, người lao động, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, không phải ngẫu nhiên Tổ công tác chọn những cái tên như Huyndai Thành Công, Thaco Trường Hải, TMT Motor… tất cả đều mang tính định hướng, chú trọng bề sâu chứ không theo bề rộng. Thứ trưởng đề nghị, về việc phát triển bề sâu, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước nên có sự phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau để cùng phát triển, hạn chế nhập khẩu và gia tăng tỷ lệ nội địa hóa.

Thứ trưởng cũng khẳng định, đối với các vấn đề đang tồn tại của ngành ô tô, các bộ, ngành cũng đang phối hợp để tháo gỡ chính sách phù hợp với thực tế cuộc sống, đảm bảo quy định hiện hành về chức năng nhiệm vụ của các bộ, ngành và các quy định quốc tế. Những buổi làm việc với các doanh nghiệp cũng chính là để lắng nghe, nhằm có những hỗ trợ cụ thể, sát hơn tới doanh nghiệp. Muốn làm được điều này, các doanh nghiệp cũng cần phải đưa ra kiến nghị cụ thể hơn. Ví dụ, khi đặt ra vấn đề là sản xuất được sản phẩm và đưa vào chuỗi giá trị thì phải trả lời được câu hỏi: Đối với chính sách thuế, hạ thuế có phải là yếu tốt quyết định cho sản phẩm sản xuất ra được thị trường chấp nhận hay không?

Sau những buổi làm việc tại doanh nghiệp sẽ giúp Tổ công tác có cái nhìn toàn cảnh, thực tế để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước 01/5/2017.

Kiểm tra trước khi xuất xưởng

Thúy Hà