Chính sách tài chính cho phát triển bền vững thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam hiện nay

TS. NGUYỄN THỊ THÀNH VINH (Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, Đại học Thái Nguyên)

TÓM TẮT:

Trong hệ thống chính sách của Nhà nước về kinh doanh bảo hiểm, chính sách tài chính (CSTC) là yếu tố tác động mạnh mẽ nhất đến sự phát triển bền vững của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ (PNT). Bất kỳ một sự biến động nào của CSTC sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển của thị trường này theo chiều hướng tích cực hoặc tiêu cực. Do đó, xây dựng CSTC khoa học, ổn định sẽ quyết định tính bền vững của thị trường bảo hiểm PNT. Trong phạm vi bài viết, trên cơ sở khái quát thực trạng chính sách cho phát triển bền vững thị trường bảo hiểm PNT ở Việt Nam hiện nay, tác giả đề xuất một số kiến nghị nhằm hoàn thiện CSTC cho phát triển bền vững thị trường bảo hiểm PNT ở Việt Nam thời gian tới.

Từ khóa: bảo hiểm, phi nhân thọ, chính sách tài chính, thị trường, Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Thời gian qua, thị trường bảo hiểm PNT Việt Nam có bước phát triển đáng ghi nhận. Các yếu tố của thị trường từng bước được hoàn thiện; năng lực tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) PNT được cải thiện đáng kể; quản lý nhà nước được điều chỉnh phù hợp với yêu cầu phát triển của thị trường. Có nhiều nhân tố góp phần tạo nên những thành công đó. trong đó có 1 nguyên nhân quan trọng phải kể đến là CSTC cho phát triển thị trường bảo hiểm PNT được xây dựng và ban hành kịp thời; liên tục có sự thay đổi, điều chỉnh phù hợp để thúc đẩy thị trường này phát triển. Tuy nhiên, CSTC ở Việt Nam vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, nên còn nhiều bất cập, tồn tại nhiều nguy cơ đe dọa đến sự phát triển lành mạnh, bền vững của thị trường bảo hiểm PNT. Nhận thức đúng thực trạng CSTC cho phát triển bền vững thị trường bảo hiểm PNT để có giải pháp điều chỉnh, hoàn thiện hệ thống CSTC là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh hiện nay.

2. Chính sách tài chính cho phát triển thị trường bảo hiểm phi nhân thọ

CSTC đối với phát triển thị trường bảo hiểm PNT bao gồm hệ thống các quan điểm, mục tiêu, chủ trương và giải pháp về tài chính của Nhà nước đối với thị trường bảo hiểm PNT trong từng thời kỳ, nhằm thúc đẩy thị trường này phát triển, khai thác tối đa tiềm năng, phát huy vai trò là phương thức hiệu quả đảm bảo về mặt tài chính cho các tổ chức, cá nhân, giải quyết công ăn việc làm và huy động vốn đầu tư cho nền kinh tế... từ đó góp phần thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Các chính sách này được chia thành 3 nhóm:

Nhóm CSTC của Nhà nước: là tổng thể các quan điểm, các nguyên tắc, các mục tiêu, các quy định và các công cụ, phương tiện Nhà nước sử dụng để thúc đẩy phát triển nền kinh tế. Đây là sự can thiệp của Nhà nước thông qua việc sử dụng các công cụ tài chính đối với các chủ thể của nền kinh tế. Mọi CSTC của Nhà nước đều được đặt trên tầm nhìn về kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước. CSTC của Nhà nước bao gồm: Nhóm chính sách liên quan đến vốn và khả năng thanh toán, như: chính sách về vốn, dự phòng nghiệp vụ, đầu tư vốn, khả năng thanh toán...; Nhóm chính tài chính khác, như: chính sách thuế, ngân sách nhà nước, CSTC trung gian, gián tiếp; chính sách liên quan tài chính ngân hàng...

Nhóm chính sách của một địa phương, ngành, lĩnh vực: là những chính sách nhằm huy động và sử dụng các nguồn tài chính phục vụ cho mục tiêu hoạt động trong địa bàn địa phương, ngành, lĩnh vực. Các chính sách thuộc nhóm này vừa có tính độc lập vừa có tính phụ thuộc. Một địa phương có quyền chủ động trong khai thác, huy động, phân phối, sử dụng nguồn tài chính tại địa phương, nhưng vẫn phải tuân thủ các quy định chế độ tài chính quốc gia.

Nhóm CSTC của doanh nghiệp: là hệ thống các chính sách do doanh nghiệp xây dựng và áp dụng trong nội bộ doanh nghiệp nhằm thực hiện quá trình thu, chi tài chính của doanh nghiệp, đảm bảo mục tiêu hiệu quả trong hoạt động của doanh nghiệp.

Để đánh giá tác động của tài chính của Nhà nước, thị trường bảo hiểm PNT cần căn cứ vào một số tiêu chí chủ yếu sau:

- Sự cần thiết của chính sách: Sự cần thiết của một chính sách nằm ở việc xác định được những gì mà người dân và doanh nghiệp được hưởng từ chính sách đó; giải quyết được vấn đề bức xúc, khó khăn đang tồn tại trên thị trường; khắc phục được những bất cập của các chính sách đi trước; và chính sách đó sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các DNBH PNT khai thác hết tiềm năng của thị trường, quyền lợi của khách hàng luôn được đảm bảo.

- Tính hiệu lực của chính sách: Tính hiệu lực của CSTC được xem xét ở các kết quả thu được sau một khoảng thời gian thực hiện chính sách có phù hợp với mục tiêu đề ra ban đầu không? Nó còn được thể hiện thông qua việc chính sách được đưa ra dựa trên tình hình phát triển thực tế của thị trường, gắn kết những vấn đề nóng của nền kinh tế với việc thực hiện nghiên cứu định lượng; xem xét dự đoán bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước, nghiên cứu kinh nghiệm ở quốc gia trên thế giới, tiên liệu được các tác dụng không mong muốn, chứ không chỉ dựa trên suy luận cảm tính của chủ thể chính sách. Một CSTC với thị trường bảo hiểm PNT có tính hiệu lực thì sẽ bền vững, nghĩa là sẽ tồn tại được trong thời gian dài.

- Tính thống nhất của chính sách: Tính thống nhất của CSTC đối với thị trường PNT được thể hiện thông qua việc CSTC đối với thị trường bảo hiểm PNT không chồng chéo, mâu thuẫn với các chính sách trong các văn bản pháp luật khác. Nếu không đồng nhất, tồn tại sự trái chiều nhau sẽ gây khó khăn cho các DNBH PNT trong việc thực thi pháp luật, từ đó ảnh hưởng tới công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước về bảo hiểm.

- Tính hiệu quả của chính sách: Hiệu quả của CSTC thể hiện ở hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội và hiệu quả về môi trường. Hiệu quả kinh tế được đánh giá bằng các chỉ số như tốc độ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm, tốc độ tăng phí bảo hiểm giữ lại, khả năng thanh toán, tỷ lệ thâm nhập của thị trường bảo hiểm PNT... Hiệu quả xã hội được thể hiện thông qua sự hiểu biết, nhận thức của người dân về bảo hiểm, mức độ bao phủ của các DNBH PNT, số lượng sản phẩm bảo hiểm đặc biệt là sản phẩm mang tính cộng đồng, chi tiêu của dân cư cho bảo hiểm... Hiệu quả môi trường được đánh giá thông qua mức độ cạnh tranh trên thị trường, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm.

3. Một số vấn đề tồn tại của chính sách tài chính cho phát triển bền vững thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam

Có rất nhiều CSTC tác động đến sự phát triển bền vững của thị trường bảo hiểm PNT Việt Nam. Trong phạm vi bài viết, tác giả lựa chọn tập trung vào một số CSTC của Nhà nước, đối tượng áp dụng là các DNBH PNT ở Việt Nam bao gồm: chính sách về vốn, trích lập dự phòng nghiệp vụ, đầu tư vốn, khả năng thanh toán, thuế, chính sách ngân sách nhà nước hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp.

Thứ nhất, chính sách về vốn đối với DNBH PNT còn nhiều bất cập. Quy định hiện hành về vốn pháp định thấp và đồng đều khiến các DNBH PNT chưa khai thác hết được tiềm năng của thị trường. Theo Nghị định số 73/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016, vốn điều lệ để thành lập DNBH PNT là 300 tỷ đồng, nếu kinh doanh thêm bảo hiểm hàng không hoặc bảo hiểm vệ tinh thì 350 tỷ đồng, nếu kinh doanh thêm cả 2 nghiệp vụ thì 400 tỷ đồng [3]. So với quy định cũ đã có sự điều chỉnh tăng với DNBH kinh doanh thêm nghiệp vụ bảo hiểm hàng không và vệ tinh. Tuy nhiên, mức vốn này vẫn còn thấp hơn nhiều so với các nước trên thế giới. Bên cạnh đó, việc quy định vốn pháp định đồng đều giữa các DNBH PNT ở Việt Nam cũng chưa phù hợp, bởi mỗi DNBH PNT triển khai các nghiệp vụ bảo hiểm khác nhau, mức độ rủi ro khác nhau thì số vốn cần phải tương ứng với các rủi ro đó. Hơn nữa, khi quy mô hoạt động của doanh nghiệp ngày càng mở rộng, rủi ro DNBH chấp nhận càng nhiều, nguồn vốn pháp định ban đầu nếu không được bổ sung sẽ ngày càng nhỏ so với mức trách nhiệm nhận bảo hiểm, biên khả năng thanh toán của doanh nghiệp vì thế mà giảm dần, điều này sẽ đe dọa khả năng thanh toán của chính DNBH đó và ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của toàn thị trường.

Thứ hai, chính sách trích lập dự phòng nghiệp vụ đối với DNBH PNT chưa thống nhất. Hiện nay, Nhà nước cho phép các DNBH PNT được lựa chọn một trong các phương pháp trích lập đã đưa ra, tuy nhiên thị trường bảo hiểm PNT Việt Nam hiện nay chưa có đội ngũ chuyên gia quản lý và đánh giá rủi ro chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, do thiếu các cơ sở đánh giá rủi ro, thiếu các tính toán thống kê đầy đủ trên cơ sở rủi ro phù hợp với từng DNBH PNT thì việc định phí vẫn chủ yếu dựa trên cơ sở kinh nghiệm và áp lực cạnh tranh trên thị trường. Dẫn đến việc tính toán dự phòng nghiệp vụ ở các DNBH PNT chỉ mang tính tương đối và mức độ sai lệch cao. Nghị định số 73/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016 của Chính phủ quy định mức trích lập dự phòng dao động hàng năm là l%-3% [3], do đó phí bảo hiểm giữ lại theo từng nghiệp vụ bảo hiểm là chưa hợp lý. Bởi vì bản chất của dự phòng dao động lớn là loại dự phòng được sử dụng để bồi thường khi có dao động lớn về tổn thất hoặc tổn thất lớn xảy ra mà tổng phí giữ lại trong năm tài chính, sau khi đã trích lập dự phòng phí và dự phòng bồi thường không đủ để chi trả phần trách nhiệm giữ lại. Nghĩa là, DNBH PNT chỉ phải trích lập dự phòng dao động lớn trong năm tài chính mà nghiệp vụ bảo hiểm kinh doanh có lãi để phòng ngừa cho năm tài chính bị thua lỗ.

Thứ ba, chính sách về đầu tư vốn đối với DNBH PNT chưa thực sự hợp lý. Quy định mua cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, chứng chỉ quỹ, góp vốn vào các doanh nghiệp khác tối đa 35% vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm chưa thực sự hợp lý trong điều kiện Việt Nam hiện nay, sẽ tạo ra rủi ro lớn trong hoạt động đầu tư của DNBH PNT. Bởi vì, theo phân tích của các chuyên gia chứng khoán, đặc điểm thị trường chứng khoán Việt Nam đa phần chịu ảnh hưởng bởi cách nhìn của nhà đầu tư cá nhân. Hiện nay, nhóm nhà đầu tư này đang đóng góp 84% tổng giá trị giao dịch hàng ngày của thị trường. Khi nhà đầu tư cá nhân cảm thấy không an toàn, hoặc nhìn triển vọng không tốt, họ sẽ ngay lập tức rút khỏi thị trường [1]. Chưa có quy định về tỷ lệ vốn đầu tư dài hạn. Bảo hiểm PNT là loại hình bảo hiểm có thời hạn bảo hiểm ngắn, thông thường không quá 1 năm, nếu như DNBH PNT đầu tư nhiều vào khoản mục dài hạn thì không đúng bản chất của vốn nhàn rỗi từ dự phòng nghiệp vụ của loại hình bảo hiểm này. Nếu DNBH PNT đầu tư quá nhiều vào dài hạn sẽ rất nguy hiểm, bởi tính thanh khoản của các khoản đầu tư dài hạn thường thấp, khi xảy ra tổn thất lớn DNBH PNT không thể rút vốn kịp thời để thực hiện cam kết. Đồng thời trong một khoảng thời gian dài, chính những tổ chức mà DNBH PNT đầu tư vào có thể gặp rủi ro thua lỗ, phá sản, ảnh hưởng tới khả năng bảo toàn vốn của DNBH PNT, từ đó ảnh hưởng tới khả năng thanh toán của doanh nghiệp.

Thứ tư, chính sách về khả năng thanh toán đối với DNBH PNT còn nhiều bất cập. Quy định đánh giá biên khả năng thanh toán của các DNBH PNT hiện nay được đề cập ở Thông tư số 50/2017/TT-BTC ngày 15/5/2017 của Bộ Tài chính [2], đã bao quát phần lớn các rủi ro tác động tới năng lực tài chính của DNBH PNT. Tuy nhiên, các tỷ lệ khấu trừ được đưa ra có một số điểm chưa thực sự phù hợp với thực tiễn khách quan, cũng như rủi ro tác động tới hoạt động kinh doanh của DNBH PNT. Chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu chính phủ, tín phiếu kho bạc, trái phiếu kho bạc, công trái xây dựng Tổ quốc, trái phiếu chính quyền địa phương và trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh là những tài sản có tính thanh khoản rất cao, có thể dễ dàng chuyển đổi thành tiền mặt. Theo quy định hiện nay, loại tài sản này được chấp nhận toàn bộ giá trị khi tính bên khả năng thanh toán, nhưng ngay cả trong điều kiện kinh tế vĩ mô tốt, không có sự biến động, thì khi chuyển đổi những tài sản này thành tiền cũng chỉ thu được lượng tiền mặt bằng 95% giá trị ghi trên sổ sách kế toán của DNBH PNT, bởi vì khi bán các tài sản này sẽ mất một khoản chi phí nhất định.

Thứ năm, chính sách thuế đối với DNBH PNT có điểm chưa phù hợp với thực tiễn. Quy định về thuế suất thuế GTGT với dịch vụ bảo hiểm cho hàng xuất khẩu chưa tạo điều kiện khuyến khích các doanh nghiệp trong nước xuất khẩu theo giá CIF (Cost, Insurance, Freight: chi phí, bảo hiểm, cước tàu). Quy định doanh thu chịu thuế thu nhập cá nhân với đại lý bảo hiểm chưa tạo điều kiện khuyến khích nghề đại lý bảo hiểm PNT. Do vậy, trong những năm gần đây, mặc dù số lượng đại lý bảo hiểm PNT tăng nhanh, nhưng chất lượng đại lý chưa cao, đại lý làm việc chưa chuyên tâm và mang tính hình thức; rất nhiều đại lý sau một thời gian ngắn làm việc không trụ nổi với nghề vì thu nhập quá thấp.

Thứ sáu, chính sách ngân sách nhà nước hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp chưa tạo điều kiện thuận lợi cho DNBH PNT. Trong thời gian thực hiện Nghị định số 58/2018/NĐ-CP ngày 18/4/2018 của Chính phủ về bảo hiểm nông nghiệp [4], chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp, doanh thu phí bảo hiểm nông nghiệp có sự cải thiện đáng kể; tuy nhiên vẫn còn những hạn chế, bất cập như: thời gian thực hiện thí điểm chi ngân sách nhà nước hỗ trợ phát triển bảo hiểm nông nghiệp quá ngắn. Quy định hạn chế về đối tượng bảo hiểm, khu vực được hỗ trợ và mức hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp gây bất lợi cho hoạt động khai thác của DNBH PNT. Việc quy định mức hỗ trợ cao nhưng chưa thu hút được người dân tham gia bảo hiểm nông nghiệp; nên khi mức hỗ trợ giảm, rất khó để DNBH PNT có cơ hội tăng cường khai thác sản phẩm bảo hiểm này.

4. Một số kiến nghị

Đề án Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 xác định mục tiêu: “Phát triển toàn diện thị trường bảo hiểm an toàn, bền vững, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu bảo hiểm đa dạng của các tổ chức, cá nhân, bảo đảm an sinh xã hội; DNBH có năng lực tài chính vững mạnh, năng lực quản trị điều hành đạt chuẩn mực quốc tế, có khả năng cạnh tranh trong nước và khu vực” [2]. Để thực hiện tốt mục tiêu này, việc hoàn thiện CSTC cho phát triển bền vững thị trường bảo hiểm PNT là yêu cầu cấp bách. Theo đó, cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, việc hoàn thiện CSTC cho phát triển thị trường bảo hiểm PNT ở Việt Nam phải phù hợp với quá trình hội nhập quốc tế. Trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng, thị trường bảo hiểm PNT Việt Nam chịu sự tác động, vừa hợp tác vừa cạnh tranh với thị trường bảo hiểm PNT của các quốc gia trên thế giới và khu vực. Do đó, hệ thống CSTC phải tạo điều kiện cho các DNBH PNT Việt Nam tiếp cận và vận dụng các chuẩn mực của thế giới, như: quy định vốn tương ứng với rủi ro, phương pháp trích lập dự phòng nghiệp vụ, mở rộng địa bàn đầu tư vốn,… Có như vậy, thị trường bảo hiểm PNT Việt Nam mới có thể nhanh chóng thu hẹp khoảng cách với khu vực và thế giới, các DNBH PNT mới tìm ra con đường ngắn nhất để học hỏi các kinh nghiệm của quốc tế trong quá trình tổ chức và thực hiện kinh doanh, nhanh chóng mở rộng quy mô thị trường.

Hai là, hoàn thiện CSTC phải tạo điều kiện mở rộng quy mô thị trường bảo hiểm PNT. Thời gian qua, mặc dù thị trường bảo hiểm PNT đạt được tốc độ tăng trưởng cao, song còn bỏ ngỏ nhiều tiềm năng chưa khai thác hết. Việc mở rộng quy mô thị trường bảo hiểm PNT luôn đặt ra cấp thiết. Theo định hướng chiến lược, đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân khoảng 7%/năm; GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2030 đạt khoảng 7.500 USD [3]. Để thực hiện được mục tiêu chiến lược này, thị trường bảo hiểm PNT phải có quy mô lớn để đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, huy động nguồn vốn đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, các CSTC cho phát triển thị trường bảo hiểm PNT Việt Nam như: chính sách về vốn, chính sách dj phòng nghiệp vụ, chính sách đầu tư... phải hướng tới tăng cung, kích cầu thị trường.

Ba là, hoàn thiện CSTC đảm bảo cho thị trường bảo hiểm PNT phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, bảo vệ tối đa lợi ích của khách hàng tham gia bảo hiểm. Các CSTC cho thị trường bảo hiểm PNT phải thực hiện tốt vai trò “bà đỡ” cho việc mở rộng thị trường bảo hiểm PNT về quy mô, phát triển an toàn và lành mạnh. Phải hỗ trợ để thị trường bảo hiểm PNT có tác động tích cực đến việc ổn định kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân. Các DNBH PNT có khả năng tạo lập nguồn vốn lớn cho đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội; góp phần giải quyết công ăn việc làm cho xã hội,... Thị trường bảo hiểm PNT phát triển phải đồng thời với việc hiệu quả kinh doanh của các DNBH PNT được nâng cao, quyền lợi của khách hàng bảo hiểm được đảm bảo.

Bốn là, nghiên cứu thành lập Hội đồng tư vấn quốc gia về bảo hiểm nhằm hỗ trợ cho việc soạn thảo, ban hành và thực thi hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm. Hội đồng tư vấn quốc gia về bảo hiểm sẽ tổng hợp và báo cáo Chính phủ về các vấn đề phát sinh trong thực tế, những bất cập đang tồn tại trên thị trường, các xu hướng phát triển trong tương lai của ngành bảo hiểm trên thế giới cũng như ở Việt Nam; tư vấn cho Chính phủ các chính sách về thị trường bảo hiểm trong từng thời kỳ; đề xuất các biện pháp chỉ đạo điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ để thực hiện có hiệu quả các chính sách, kế hoạch đã được quyết định.

Năm là, các Bộ, ngành liên quan cần tăng cường tuyên truyền, quảng bá nâng cao nhận thức của người dân, của cộng đồng doanh nghiệp về ý nghĩa, vai trò của bảo hiểm. Bên cạnh tuyên truyền về vai trò của bảo hiểm, các đặc tính của sản phẩm bảo hiểm, cần có sự tuyên truyền về ý nghĩa của hoạt động bảo hiểm tới kinh tế - xã hội. Phối hợp với Bộ Tài chính để thực hiện các chính sách của Nhà nước về kinh doanh bảo hiểm, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ phục vụ việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của ngành và địa phương.

5. Kết luận

Hoàn thiện CSTC cho phát triển bền vững của thị trường bảo hiểm PNT Việt Nam hiện nay có ý nghĩa thiết thực. Hoạt động này một mặt nhằm khắc phục triệt để những vấn đề đang tồn tại của chính sách tài chính hiện hành, mặt khác còn là giải pháp hữu hiệu nhằm triển khai thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu thị trường bảo hiểm với mục tiêu phát triển toàn diện thị trường bảo hiểm an toàn, bền vững, hiệu quả, doanh nghiệp bảo hiểm có năng lực tài chính vững mạnh, năng lực quản trị điều hành đạt chuẩn mực quốc tế, có khả năng cạnh tranh trong nước và khu vực.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Nguyễn Thu Mai (2019). Hạn chế nhà đầu tư cá nhân trên thị trường chứng khoán phái sinh hiện nay liệu có khả thi?. Truy cập tại: https://tinnhanhchungkhoan.vn/chung-khoan/han-che-nha-dau-tu-ca-nhan- tren-thi-truong-chung-khoan-phai-sinh-hien-nay-lieu-co-kha-thi- 258443.html.
  2. Bộ Tài chính (2017). Thông tư số 50/2017/TT-BTC, hướng dẫn thi hành Nghị định số 73/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật kinh doanh bảo hiểm, Hà Nội.
  3. Chính phủ (2016). Nghị định số 73/2016/NĐ-CP, quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật kinh doanh bảo hiểm, Hà Nội.
  4. Chính phủ (2018). Nghị định số 58/2018/NĐ-CP, về bảo hiểm nông nghiệp, Hà Nội.
  5. Thủ tướng Chính phủ (2019). Quyết định số 242/QĐ-TTg về Phê duyệt đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến cuối năm 2020 và định hướng đến năm 2025”, Hà Nội.
  6. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030. Truy cập tại: https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-xiii/chien-luoc-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-10-nam-2021-2030-3735.

The financial policy for the sustainable development of non-life insurance market in Vietnam

Ph.D Nguyen Thi Thanh Vinh

Thai Ngiyen University of Economics and Business Administration

Abstract:

In the State's policy system on insurance business, financial policy has the strongest impact on the sustainable development of the non-life insurance market. Any change of the financial policy will significantly affect the development of this market. Therefore, it is necessary to build a stable and scientific financial policy in order to facilitate the growh of non-life insurance market. This paper presents an overview on the policy system for the development of non-life insurance market in Vietnam, and proposes some solutions to enhance the financial policy in order to help the non-life insurance market develop sustainably in the coming time.

Keywords: insurance, non-life, financial policy, market, Vietnam.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 5  tháng 3 năm 2023]