TÓM TẮT:
Ở Việt Nam, khu vực kinh tế tư nhân được xác định là “động lực quan trọng”, đã và đang đóng góp đáng kể cho việc phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Vì thế, việc nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng, thực thi các chính sách tài chính nhằm phát triển khu vực kinh tế tư nhân, từ đó rút ra bài học có thể ứng dụng vào Việt Nam trong thời gian tới là cần thiết. Bài viết dưới đây sẽ làm rõ những vấn đề đó.
Từ khóa: kinh tế tư nhân, chính sách tài chính, kinh nghiệm quốc tế, bài học kinh nghiệm.
1. Đặt vấn đề
Chính sách tài chính là công cụ phổ biến và hữu ích mà nhiều quốc gia trên thế giới đã, đang và sẽ còn tiếp tục sử dụng để hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển khu vực kinh tế tư nhân (KTTN) - khu vực được coi là năng động nhất và có vai trò lớn đối với bất kỳ nền kinh tế nào. Mặc dù mỗi quốc gia đều có những điểm đặc thù riêng, khu vực KTTN ở mỗi nước cũng có những đặc điểm không hoàn toàn giống nhau, nhưng việc tiếp thu và học hỏi kinh nghiệm từ các nước đã từng thành công trong xây dựng và thực thi các chính sách tài chính để thúc đẩy sự phát triển lớn mạnh của khu vực kinh tế này vẫn là một việc làm cần thiết và hết sức có ý nghĩa đối với những nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam hiện nay. Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả tập trung trình bày một số chính sách tài chính điển hình của các quốc gia trên thế giới cho phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) và doanh nghiệp khởi nghiệp (DNKN), bao gồm: chính sách thuế, chính sách tín dụng, chính sách hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước (NSNN); qua đó, rút ra bài học có thể ứng dụng vào Việt Nam.
2. Kinh nghiệm quốc tế về chính sách tài chính đối với phát triển kinh tế tư nhân
Nhận thức được tầm quan trọng của khu vực KTTN đối với sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế, chính phủ nhiều nước đã sử dụng chính sách tài chính như một giải pháp hiệu quả và tất yếu để thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế này. Các chính sách tài chính mà các nước sử dụng thường tập trung vào các nhóm chính sách cơ bản dưới đây:
2.1 Chính sách thuế
Ưu đãi thuế là một trong những công cụ tài chính được hầu hết các quốc gia trên thế giới sử dụng trong việc hỗ trợ và thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển, trong đó, phổ biến nhất là giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) cho các DNNVV và các DNKN.
Ở các nước, mức thuế TNDN được ưu tiên đối với DNNVV, thông thường các DNNVV giảm hơn so với mức thuế suất phổ thông khoảng 5%; phố biến ở các mức thuế suất 10%, 15%, 17%, 19% và 20%). Tuy nhiên, các DNNVV muốn được áp dụng chính sách giảm thuế nói trên cần phải thỏa mãn điều kiện quy định và các điều kiện này ở các nước là không giống nhau. Vì dụ như Thái Lan miễn thuế cho các DNNVV có thu nhập chịu thuế từ 300.000 Baht trở xuống. Tại Singapore, các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở tất cả các lĩnh vực được xác định theo tiêu chí doanh thu hoạt động không quá 100 triệu $ và số lượng lao động không quá 200 người. Tại Trung Quốc, DNNVV muốn được ưu đãi thuế thì phải đáp ứng 03 tiêu chí: (i) thu nhập tính thuế hàng năm dưới 3 triệu nhân dân tệ; (ii) số lao động dưới 300 người; (iii) tổng tài sản dưới 50 triệu nhân dân tệ. Tại Campuchia, các DNNVV được xác định theo tiêu chí doanh thu và số lao động: (i) doanh nghiệp nhỏ có doanh thu hàng năm trong khoảng 62.500 - 175.000 USD và số lao động trong khoảng 10-50 người; (ii) doanh nghiệp vừa có doanh thu hàng năm trong khoảng 175 nghìn đến 1 triệu USD và số lao động từ 51-100 người.
2.2. Chính sách tín dụng
Chính sách tín dụng là một trong những chính sách quan trọng giúp khu vực tư nhân tiếp cận nguồn vốn nhanh và chủ động. Nhiều quốc gia đã thành lập các tổ chức hoặc các quỹ riêng biệt để cung cấp tín dụng ưu đãi cho khu vực kinh tế tư nhân (thường tập trung cho các DNNVV, DNKN). Ngoài ra, nhiều nước còn áp dụng cơ chế bảo lãnh tín dụng đối với các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân vốn là những doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn ngân hàng do hạn chế về tài sản đảm bảo để giúp các doanh nghiệp này thuận lợi hơn trong quá trình tiếp cận nguồn vốn vay từ các ngân hàng thương mại.
Tại Malaysia, chính phủ thành lập Chương trình đối tác đầu tư doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME Investment Partner Programme) nhằm cung cấp vốn đầu tư trong giai đoạn khởi nghiệp dưới hình thức là các khoản vay hoặc vốn chủ sở hữu. Ngoài ra, đối với DNNVV, Ngân hàng Trung ương Malaysia đã thành lập các quỹ đặc biệt để giúp đỡ các doanh nghiệp này vay vốn với lãi suất thấp (từ 4% đến 6%/năm) thông qua các ngân hàng thương mại, các tổ chức tài chính phát triển và tập đoàn bảo lãnh tài chính. Từ khi thành lập đến khoảng tháng 10/2019, quỹ đã hỗ trợ số tiền là 7,4 tỉ RM và được sử dụng cho vay quay vòng tương đương với 30 tỉ RM cho 77.000 doanh nghiệp.[5]
2.3. Chính sách hỗ trợ tài chính trực tiếp từ ngân sách nhà nước
Hỗ trợ tài chính trực tiếp từ ngân sách quốc gia thường được các chính phủ sử dụng để thúc đẩy sự phát triển của khu vực KTTN trong một số lĩnh vực đặc thù, hoặc đối với quá trình khởi nghiệp của các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế này.
Ở Mỹ, chính phủ đầu tư vốn từ NSNN vào DNKN theo hình thức hợp tác công - tư. Bên cạnh việc hỗ trợ cho các DNKN, chính phủ Mỹ còn thực hiện hỗ trợ tài chính trực tiếp (trợ cấp bằng tiền hoặc cung cấp các khoản vay) cho một số lĩnh vực đặc thù. Hai trong số các lĩnh vực đó là lĩnh vực nông nghiệp và lĩnh vực năng lượng sạch. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, chính phủ liên bang đã thực hiện hỗ trợ nông dân để giữ đất canh tác và trợ giá cho nông dân để họ duy trì lợi nhuận. Trong giai đoạn 1995 - 2010, hỗ trợ tài chính của chính phủ Mỹ cho nông nghiệp trung bình mỗi năm đã lên tới 52 tỷ USD. [6]
3. Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc xây dựng các chính sách tài chính cho phát triển kinh tế tư nhân
Từ những kinh nghiệm về việc xây dựng và thực hiện các chính sách tài chính cho phát triển kinh tế tư nhân của các quốc gia trên thế giới, trên cơ sở thực trạng các chính sách tài chính hỗ trợ, thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân đã được thực hiện tại Việt Nam thời
gian qua, tác giả xin đề xuất một số bài học kinh nghiệm có thể nghiên cứu ứng dụng vào Việt Nam như sau:
Thứ nhất, về chính sách thuế.
Về thuế TNDN: Ưu đãi về thuế TNDN là công cụ luôn được các quốc gia ưu tiên lựa chọn để thúc đẩy phát triển khu vực tư nhân. Phần lớn các quốc gia có xu hướng điều chỉnh giảm thuế suất phổ thông thuế TNDN, tuy nhiên trong những năm vừa qua Việt Nam cũng đã nỗ lực cải cách thuế TNDN theo hướng trên và hiện tại mức thuế suất thuế TNDN phổ thông (20%) cũng khá thấp so với nhiều nước trong khu vực nên việc tiếp tục giảm mức thuế suất phổ thông không còn là biện pháp hiệu quả nhất trong thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, chính phủ nhiều nước trên thế giới đã thực hiện giảm thuế suất thuế TNDN cho một số đối tượng doanh nghiệp đặc thù (các DNNVV, DNKN, doanh nghiệp hoạt động trong một số lĩnh vực đặc thù) thấp hơn mức thuế suất phổ thông. Hiện tại ở Việt Nam, mức thuế suất thuế TNDN dành riêng cho DNNVV là 20% (áp dụng từ ngày 01/7/2013 và sớm hơn lộ trình đề ra) nhưng mức thuế suất này hiện nay chưa thực sự hỗ trợ cho DNVVN, mặt khác do đại bộ phận các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân ở nước ta là DNNVV, thậm chí siêu nhỏ và vai trò của các doanh nghiệp này ngày càng quan trọng trong sự phát triển của kinh tế - xã hội của nước ta, nên trong thời gian tới, chính phủ cần xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng để học hỏi cách làm này từ các quốc gia đã thực hiện thành công như đã dẫn ở phần trên. Tác giả kiến nghị áp dụng mức thuế suất thuế TNDN trong khoảng 15% đối với DNNVV, DNKN nhằm phù hợp với thực tế cũng như kinh nghiệm của các nước và cũng không mâu thuẫn với Luật Hỗ trợ DNNVV của Việt Nam. Tuy nhiên, cũng cần xem xét và quy định rõ những DNNVV thỏa mãn điều kiện cụ thể nào thì được hưởng chính sách miễn giảm thuế nói trên. Ngoài các DNNVV, các DNKN, nhiều quốc gia trên thế giới cũng miễn giảm thuế cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ nhằm thúc đẩy các sản phẩm mới, nâng cao năng suất lao động. Do đó, Việt Nam cũng nên rà soát, nghiên cứu các chính sách ưu đãi thuế theo hướng khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các ngành sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng lớn như lĩnh vực công nghệ cao, lĩnh vực khoa học và công nghệ.
- Về các loại thuế khác: Ngoài thuế TNDN, một số loại thuế khác cũng được các quốc gia miễn giảm để khuyến khích, hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân, chẳng hạn như thuế xuất khẩu, nhập khẩu, thuế GTGT. Do đó, Việt Nam cần rà soát lại các ưu đãi thuế dành cho DNNVV - loại doanh nghiệp chiếm đại bộ phận trong các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân, nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế này.
Thứ hai, về chính sách tín dụng.
Hạn chế về tài chính là một trong những rào cản lớn cho việc thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển lớn mạnh. Hơn thế, việc tiếp cận với các nguồn vốn, đặc biệt là vốn tín dụng ngân hàng của các đơn vị kinh tế trong khu vực kinh tế này là rất khó khăn do thiếu tài sản đảm bảo. Vì thế, việc tìm giải pháp giúp khu vực kinh tế này dễ dàng tiếp cận, huy động
các nguồn vốn khác nhau, đặc biệt là vốn tín dụng ngân hàng luôn là một trong những nội dung quan trọng mà chính phủ các nước quan tâm. Ở Việt Nam, vấn đề tiếp cận vốn, đặc biệt nguồn vốn tín dụng ngân hàng thương mại của khu vực kinh tế tư nhân càng khó khăn hơn, do quy mô của đại bộ phận các đơn vị kinh tế thuộc khu vực này đều thuộc mức siêu nhỏ, không những thiếu tài sản đảm bảo mà năng lực xây dựng các kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính rất hạn chế. Bởi thế, các cơ chế bảo lãnh tín dụng cần được Nhà nước xây dựng và thực hiện một cách hiệu quả để hỗ trợ các đơn vị kinh tế này. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần hỗ trợ thêm cho họ về thủ tục vay vốn, về hoạt động xây dựng kế hoạch/chiến lược tài chính/kinh doanh. Việt Nam cũng đã hình thành một số quỹ để cấp tín dụng cho các DNNVV, hoặc các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đặc thù như Quỹ phát triển DNNVV, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia,...
Thứ ba, về chính sách hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước.
Trên thực tế Việt Nam cũng đã thực hiện việc trợ giá cho một số mặt hàng (nổi bật là nông sản) trong một số điều kiện nhất định để đảm bảo ổn định thu nhập cho người sản xuất. Đồng thời, Nhà nước cũng đã dành một khoản ngân sách để chi hỗ trợ các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế tư nhân nói riêng trong việc nâng cao năng lực quản lý và năng lực công nghệ, cũng như việc tiếp cận thị trường,... Tuy nhiên, trên thực tế không phải doanh nghiệp và nông hộ nào cũng tiếp cận được với những hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, việc xây dựng các chính sách hỗ trợ trực tiếp để hướng các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực cần phát triển, điển hình như sản xuất nông nghiệp công nghệ cao còn nhiều bất cập, do đó chưa thực sự tạo động lực cho các doanh nghiệp. Vì vậy, Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm này từ các quốc gia như Đức, Mỹ, Malaysia. Trong đó, mô hình hợp tác công - tư trong đầu tư vào các doanh nghiệp như ở Mỹ, tập trung ngân sách hỗ trợ trực tiếp cho nông nghiệp công nghệ cao,... là những mô hình mà Việt Nam cần thực hiện để sử dụng nguồn ngân sách có hiệu quả hơn.
4. Kết luận
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã ban hành và thực thi nhiều chính sách tài chính để mở đường, tạo những điều kiện thuận lợi hơn cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển, đặc biệt là các DNNVV và DNKN. Tuy nhiên, các chính sách này còn chưa đủ động lực để phát triển KTTN. Việc chỉ ra những chính sách tài chính đã được áp dụng thành công ở các nước nói trên là những gợi mở cho Việt Nam đổi mới chính sách tài chính cho phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong thời gian tới. Tuy nhiên, cũng cần nhấn mạnh rằng, chính sách tài chính chỉ là một cấu phần trong hệ thống các chính sách và giải pháp tổng thể cho phát triển kinh tế tư nhân. Vì vậy, việc đổi mới chính sách tài chính phải được đặt trong mối quan hệ tương quan với các chính sách khác nhằm hỗ trợ và thúc đẩy KTTN phát triển toàn diện.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Bộ Tài chính (2016), Quyết định số 1239/2016/QĐ-BTC về việc ban hành chương trình hành động của Bộ Tài chính thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 của chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Hà Nội.
- Quốc hội (2014), Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế, Hà Nội.
- 3. Quốc hội (2020), Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14, Hà Nội.
- OECD (2018), Financing SMEs and Entrepreneurs 2018: An OECD Scoreboard, OECD Publishing, Paris.
- John Tozzi. To fund a startup, go to Malaysia, <http://www.bloomberg.com/news/articles/2013-02-21/to-fund-a-startup-go-to- malaysia>, xem 21/11/2021.
- Chính phủ Mỹ đầu tư hơn 100 triệu USD phát triển năng lượng sạch,<http://icon.com.vn/vn-s83-125643-632/Chinh-phu-My-dau-tu-hon-100-trieu-USD-phat-trien-nang-luong-sach.aspx>, xem 21/11/2021.
Financial policies for the private sector development: International experiences and lessons learnt for Vietnam
Master. Ngo Anh Nguyet
Hanoi University of Natural Resources and Environment
ABSTRACT:
In Vietnam, the private sector is is considered an important engine of the economy and it has significantly contributed to the country’s socialist-oriented market economy development. Therefore, it is necessary to study international experiences in formulating and implementing financial policies to facilitate the growth of private sector and draw lessons learnt for Vietnam.
Keywords: private economy, financial policy, international experience, lessons learned.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 27, tháng 12 năm 2021]