Chính thức khai mạc Diễn đàn Logistics Việt Nam 2022

Sáng nay 26/11/2022, tại Thành phố Hải Phòng, Bộ Công Thương đã phối hợp với Ủy ban nhân dân Thành phố Hải Phòng tổ chức Phiên Toàn thể Diễn đàn Logistics Việt Nam 2022 với chủ đề "Logistics xanh" . Sự kiện được tổ chức qua hình thức trực tiếp và trực tuyến.

logisics

Tham dự Diễn đàn Logistics Việt Nam 2022 có Đồng chí Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Ông Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Thành phố Hải Phòng.

Diễn đàn có khoảng thu hút khoảng 500 đại biểu đến từ các Bộ ngành, cơ quan Trung ương, cơ quan địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp thương mại, doanh nghiệp xuất nhập khẩu, doanh nghiệp dịch vụ logistics, cơ sở đào tạo - nghiên cứu, cơ quan truyền thông và các đơn vị có liên quan.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn Logistics Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, Diễn đàn Logistics Việt Nam 2022 là sự kiện thường niên được tổ chức lần thứ 10 (từ năm 2013 đến nay) với mục tiêu đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics, tạo mối liên hệ gắn kết giữa logistics với các ngành sản xuất, thương mại trong nước và xuất nhập khẩu.

Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu khai mạc Diễn đàn

Qua 9 lần tổ chức, Diễn đàn đã trở thành thương hiệu uy tín, có tính thời sự và ý nghĩa thực tiễn sâu sắc; thu hút được sự quan tâm và đánh giá cao của Lãnh đạo Chính phủ, các ban, bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp; là dịp để các bên liên quan cùng trao đổi, đối thoại về những vấn đề thời sự của Ngành và đề xuất, kiến nghị với cấp có thẩm quyền về những giải pháp nhằm hoàn thiện môi trường kinh doanh đối với ngành dịch vụ quan trọng này.

Tiếp nối thành công của Diễn đàn Logistics các năm trước, Diễn đàn năm nay được tổ chức với chủ đề "Logistics xanh" nhằm truyền tải thông điệp của Chính phủ về việc đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng theo hướng "xanh hóa", khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng sạch, thân thiện với môi trường gắn với sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị và Cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại Hội nghị COP26, nhất là đối với những ngành có mức độ tiêu thụ năng lượng và phát sinh khí thải lớn như ngành dịch vụ logistics.

Ngoài chủ đề của Phiên toàn thể, Diễn đàn còn có 02 Hội thảo chuyên đề về “Tối ưu hóa chi phí với trung tâm logistics và kinh tế tuần hoàn” và “Logistics Việt Nam chủ động thích ứng với bối cảnh mới”.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, Logistics là ngành dịch vụ được ví như những “mạch máu”của nền kinh tế quốc dân, có vai trò quan trọng trong việc kết nối, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Nằm trong khu vực phát triển năng động của thế giới, nơi luồng hàng tập trung giao lưu mạnh, cùng với nền kinh tế có độ mở lớn (trên 200%), xuất nhập khẩu và thương mại điện tử luôn tăng trưởng ở mức hai con số, Việt Nam được đánh giá là một thị trường có nhiều tiềm năng để phát triển dịch vụ logistics.

Nhận thức được tầm quan trọng đó, thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi cho ngành dịch vụ logistics phát triển.

Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ; sự vào cuộc tích cực, hiệu quả của các Bộ, ngành, địa phương; đặc biệt là nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp, ngành dịch vụ logistics Việt Nam đã có những bước phát triển đáng ghi nhận, duy trì mức tăng trưởng 2 con số, từng bước khẳng định được thương hiệu và vị thế của Ngành trong khu vực và thế giới.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành dịch vụ logistics Việt Nam cũng còn nhiều hạn chế, yếu kém, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của đất nước; chi phí logistics còn cao, năng lực cạnh tranh thấp; liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu và dịch vụ logistics chưa chặt chẽ, kém hiệu quả; sự thiếu hụt về nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao và những bất cập, thiếu tính kết nối về hạ tầng là những “điểm nghẽn” lớn kìm hãm sự phát triển của dịch vụ logistics thời gian qua.

Phát biểu chào mừng Diễn đàn Logistics Việt Nam năm 2022, đồng chí Trần Tuấn Anh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, Logistics là ngành dịch vụ có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế của Việt Nam. Trong những năm qua, cùng với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, ngành logistics Việt Nam nói chung và năng lực hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics của các doanh nghiệp ở Việt Nam nói riêng đã được quan tâm đầu tư phát triển, chất lượng được nâng cao.

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ươngTrần Tuấn Anh phát biểu tại Diễn đàn

Diễn đàn được tổ chức lần thứ 10 cho thấy nỗ lực liên tục, không ngừng của cộng đồng các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics ở Việt Nam, đồng thời thể hiện nhận thức nhất quán, tinh thần trách nhiệm của Bộ Công Thương và các Bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững lĩnh vực kinh tế quan trọng này của đất nước.

Việt Nam hiện là quốc gia đứng đầu trong các nước ASEAN về số lượng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics được Cơ quan quản lý hoạt động hàng hải của Mỹ (FMC) cấp phép. Số lượng và chất lượng dịch vụ logistics được nâng cao, qua đó giúp xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ chiếm tỷ lệ ngày càng cao so với quy mô GDP, tăng từ 72,9% năm 2015 lên 93,3% năm 2021. Khối lượng vận tải hàng hóa của Việt Nam liên tục tăng ở mức mức cao trong giai đoạn từ 2015 tới nay, bình quân khoảng 17%/năm, từ mức 1,15 tỷ tấn (2015) lên 1,64 tỷ tấn (2021); Khối lượng hàng hóa luân chuyển tăng khoảng trên 30%, từ mức 230 tỷ tấn.km (2015) lên 303 tỷ tấn.km (2021). Đóng góp trực tiếp của lĩnh vực logistics vào GDP hàng năm ở mức 4 - 5%.

Cũng tại Diễn đàn, đồng chí Trần Tuấn Anh chỉ ra tồn tại của ngành Logistics như chi phí logistics của Việt Nam vẫn còn ở mức cao; việc đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp logistics với nhau, giữa doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu còn yếu, chưa hình hình thành được mạng lưới các doanh nghiệp logistics có quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt thị trường, thúc đẩy ngành logistics phát triển; Phát triển vận tải đa phương thức nhằm hạn chế tác động của hệ thống vận tải tới môi trường còn chậm; việc ứng dụng khoa học công nghệ chưa theo kịp yêu cầu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ và hiện đại... Cùng với đó, tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là lượng phát thải khí nhà kính tiếp tục gia tăng trong ngành vận tải và một số hoạt động dịch vụ logistics khác đã và đang tác động làm hạn chế tới phát triển logistics xanh tại Việt Nam.

Bối cảnh và thực trạng nêu trên đặt ra yêu cầu đối với ngành logistics vừa phải có các giải pháp đảm bảo vai trò của logistics trong việc duy trì các chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ vừa phải có tư duy, tầm nhìn, giải pháp khác biệt, định hình các hướng đi mới để bắt kịp với thế giới, thể hiện vai trò hàng đầu trong nỗ lực bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính. Điều này đặt ra thách thức với ngành logistics Việt Nam trong việc xanh hóa hoạt động của chuỗi cung ứng, tích cực đẩy mạnh cải tiến quy trình hoạt động, đầu tư công nghệ nhằm cải thiện hiệu suất chuỗi cung ứng đi đôi với cải thiện môi trường và phát triển bền vững...

Tại Diễn đàn, đồng chí Trần Tuấn Anh đã nêu những chủ trương, định hướng lớn của Đảng trong việc thúc đẩy và nâng cao hiệu quả mối liên kết phát triển giữa các lĩnh vực trong nền kinh tế; giữa các địa phương và các vùng trong cả nước; vươn lên làm chủ một số chuỗi giá trị để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế chủ động, hiệu quả... vừa là yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra nhưng cũng là cơ hội, điều kiện thuận lợi để lĩnh vực logistics của Việt Nam có bước chuyển mình, phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Đông đảo đải biểu tham dự Diễn đàn Logistics Việt Nam năm 2022

Do đó, để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đất nước, xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường, việc phát triển "Logistics xanh" là đòi hỏi và xu hướng tất yếu đối với Việt Nam trong thời gian tới. Tại Diễn đàn đồng chí Trần Tuấn Anh đã đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, cùng trao đổi, làm rõ những vấn đề trọng tâm đề ra trong chương trình, gắn với chủ đề của Diễn đàn. Cụ thể :

Một là, Bộ Công Thương cần phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành, cơ quan liên quan tiếp tục tập trung cụ thể hóa và tham mưu thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng về phát triển dịch vụ logistics, đặc biệt là những chủ trương, định hướng mới được ban hành tại các Nghị quyết của Đảng như Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về "Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045"; các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh các vùng trong cả nước...

Hai là, khẩn trương nghiên cứu, xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành Chiến lược phát triển ngành logistics Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, bảo đảm đáp ứng những yêu cầu phát triển của lĩnh vực này trong bối cảnh và tình hình mới. Trong đó, chú trọng định hướng phát triển logistics xanh và các giải pháp thân thiện với môi trường; hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về dịch vụ logictics, vận tải đa phương thức, vận tải xuyên biên giới, nội luật hóa các cam kết quốc tế về logistics... tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho hoạt động logictics và phát triển logistics xanh tại Việt Nam. Cùng với đó, tiến hành rà soát, cập nhật, bổ sung các nội dung nhiệm vụ để triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics giai đoạn đến năm 2025. Chuẩn bị kế hoạch hành động cho giai đoạn 2026 - 2030.

Ba là, đặt trọng tâm vào xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện một cách thực chất chương trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong ngành logistics; coi đây vừa là yêu cầu vừa là động lực để đổi mới và phát triển bền vững ngành logistics Việt Nam trong thời gian tới. Trong đó, làm rõ nội hàm "logistics xanh" gắn với những yêu cầu, đòi hỏi để thực hiện logistics xanh trong bối cảnh và điều kiện mới hiện nay, nhất là trong việc ứng dụng thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thúc đẩy đổi mới sáng và hội nhập quốc tế sâu rộng. Nghiên cứu xây dựng và ban hành bộ tiêu chí đo lường mức độ phát triển logistics xanh hay (chỉ số năng lực phát triển logistics xanh - green logistics performance index) nhằm hỗ trợ kiểm soát hoạt động logistics xanh, đánh giá năng lực logistics xanh một cách thường xuyên, từ đó xây dựng những giải pháp phù hợp và hiệu quả.

Bốn là, đề xuất các chính sách, giải pháp để tăng cường liên kết, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, Bộ ngành, địa phương và với các Hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp nhằm thực hiện tốt các chủ trương, chính sách về phát triển lĩnh vực logisitcs ở Việt Nam và khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp hướng đến phát triển logistics xanh.

Năm là, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động liên kết, hợp tác quốc tế, đặc biệt là trong lĩnh vực đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm phát triển logistics xanh, logistics số, logistics thương mại điện tử... nhằm nâng cao năng lực, khả năng thích ứng, sức cạnh tranh và làm chủ một số chuỗi giá trị của doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực này thời gian tới.

Tại Diễn đàn Đại diện các Bộ, ngành, địa phương, các Hiệp hội, doanh nghiệp và tổ chức quốc tế đã phát biểu thảo luận, trao đổi cởi mở, thẳng thắn về hiện trạng, xu hướng phát triển, chia sẻ nhiều thông tin bổ ích về những bài học kinh nghiệm cũng như hiến kế, kiến nghị nhiều giải pháp, sáng kiến để tạo môi trường thuận lợi hơn cho phát triển dịch vụ logistics, nhất là phát triển logistics xanh trong giai đoạn mới.

Cũng tại Diễn đàn Logisitcs Việt Nam năm 2022, Bộ Công Thương đã tổ chức trao Băng của Bộ trưởng Bộ Công Thương cho các tập thể, đơn vị, các nhân có thành thành tích trong hoạt động của mình.

logisics 1

logisics 2

logisics 3

logisics 4

 

Thăng Long