Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen (HSG) được mua 10% lượng cổ phiếu ESOP với giá 10.000 đồng/cổ phiếu

Mức giá bán cổ phiếu ESOP đợt này của Tập đoàn Hoa Sen (mã cổ phiếu HSG) đang thấp hơn khoảng 50% so với thị giá trên thị trường chứng khoán.
Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen Lê Phước Vũ
Ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen có quyền mua cổ phiếu ESOP nhiều nhất trong đợt phát hành lần này.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (mã cổ phiếu HSG - sàn HoSE) vừa công bố danh sách nhân sự được nhận quyền mua cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP). Danh sách gồm 162 thành viên, được chia làm 7 nhóm theo bậc chức danh.

Trước đó, Tập đoàn Hoa Sen đã có kế hoạch phát hành 5 triệu cổ phiếu ESOP với tỷ lệ phân bổ theo từng bậc chứng danh. Giá chào bán là 10.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn khoảng 50% so với thị giá hiện tại của cổ phiếu HSG.

Theo tài liệu công bố, tỷ lệ phân bổ cho nhóm cán bộ lãnh đạo cấp cao là 26%. Trong đó, ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen có quyền mua nhiều nhất với tỷ lệ 10%, tương đương 500.000 cổ phiếu HSG; ông Trần Ngọc Chu - Phó Chủ tịch HĐQT thường trực điều hành có quyền mua 400.000 cổ phiếu, tỷ lệ 8%; và ông Vũ Văn Thanh có quyền mua 150.000 cổ phiếu, tỷ lệ 6% trên tổng số cổ phiếu ESOP phát hành lần này.

Trong khi đó, tỷ lệ phát hành cho nhóm trợ lý cấp cao là 23%, cán bộ quản trị điều hành cấp cao là 20%; cố vấn cấp cao là 10%. Phần còn lại dành cho nhóm quản lý cấp trung và cấp cao.

Dự kiến đợt phát hành cổ phiếu ESOP trên sẽ được Tập đoàn Hoa Sen triển khai trong quý 3 - quý 4/2024, ngay sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận. Toàn bộ số cổ phiếu ESOP sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 01 năm kể từ ngày phát hành.

Sau đợt chào bán, ước tính vốn điều lệ của Tập đoàn Hoa Sen sẽ đạt 6.209 tỷ đồng, tương ứng tăng 0,81% so với hiện tại.

Về hoạt động kinh doanh, tính chung 9 tháng đầu niên độ tài chính 2023 - 2024, Tập đoàn Hoa Sen ghi nhận doanh thu thuần đạt 29.163 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 696 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với mức lỗ 410 tỷ đồng của 9 tháng đầu niên độ tài chính 2022 - 2023. Qua đó, hoàn thành 81% mục tiêu doanh thu và 174% mục tiêu lợi nhuận cả niên độ.

Giá cổ phiếu HSG Tập đoàn Hoa Sen
Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu HSG của Tập đoàn Hoa Sen từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Tập đoàn Hoa Sen (HSG): Lãi 3 quý đầu niên độ đạt 174% kế hoạch cả năm" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Trong một diễn biến có liên quan, Ủy ban châu Âu (EC) vừa ban hành thông báo khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép cán nóng (HRC) có xuất xứ từ Ai Cập, Nhật Bản và Việt Nam, nhập khẩu vào Liên minh châu Âu (EU).

Trước đó, EC đã công bố quy định về việc gia hạn biện pháp tự vệ đối với thép thêm 02 năm nữa, cho đến tháng 6/2026. Trong đó, Việt Nam cũng là một trong số các nước xuất khẩu sang EU chịu ảnh hưởng của việc gia hạn quy định này.

Theo đánh giá của hãng Chứng khoán Maybank, với quy định mới, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ chỉ có thể xuất khẩu khoảng 560.000 tấn/năm mà không phải chịu thêm thuế quan. Trong năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 1,16 triệu tấn thép HRC sang EU.

Với quyết định mới của EC, Chứng khoán Maybank dự báo các doanh nghiệp xuất khẩu tôn mạ tại Việt Nam nói chung và Tập đoàn Hoa Sen nói riêng sẽ là những đơn vị hưởng lợi nhiều nhất.

Do nguồn cung thép HRC đầu vào có giá thấp hơn vào thị trường EU bị hạn chế, sẽ khiến mặt bằng giá thép HRC tại đây neo cao như hiện nay hoặc làm chậm tốc độ giảm giá bán HRC ở đây so với các quốc gia khác. Từ đó, chênh lệch giá thép HRC giữa các khu vực sẽ gia tăng hơn, thúc đẩy biên lợi nhuận cho các doanh nghiệp Việt Nam chuyên xuất khẩu tôn mạ sang EU.

Duy Quang