Chuẩn bị Đại hội bất thường, loạt lãnh đạo Ngân hàng LPBank (LPB) “rời ghế”

Ngân hàng LPBank (mã cổ phiếu LPB) vừa cho biết có thêm 02 Phó tổng giám đốc được miễn nhiệm chức danh theo nguyên vọng cá nhân. Trước đó, hồi tháng 6/2024, 02 Phó tổng giám đốc của ngân hàng này cũng xin nghỉ vì lý do cá nhân.
Ngân hàng LPBank
04 Phó tổng giám đốc được Ngân hàng LPBank miễn nhiệm trọng thời gian gần đây đều là các nhân sự gắn bó lâu năm với nhà băng này.

Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam (Ngân hàng LPBank, mã cổ phiếu LPB - sàn HoSE) vừa công bố thông tin về việc thay đổi nhân sự cấp cao.

Cụ thể, ngân hàng này đã có quyết định miễn nhiệm chức danh Phó tổng giám đốc đối với bà Nguyễn Thị Gấm và ông Lê Anh Tùng kể từ ngày 31/8/2024 theo nguyện vọng cá nhân.

Theo thông tin từ Ngân hàng LPBank, bà Nguyễn Thị Gấm sinh năm 1970, tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành tài chính kiểm soát và có chứng chỉ hành nghề kế toán kiểm toán quốc tế ACCA - UK. Bà có 30 năm kinh nghiệm kế toán tại các ngân hàng, trong đó có 16 năm tại Ngân hàng LPBank khi bắt đầu gia nhập ngân hàng vào năm 2008. Ngoài vị trí Phó tổng giám đốc, bà Nguyễn Thị Gấm còn từng đảm nhiệm vị trí kế toán trưởng của ngân hàng này.

Ông Lê Anh Tùng sinh năm 1972, tốt nghiệp cử nhân kinh tế. Ông có 24 năm kinh nghiệm làm việc tại các ngân hàng, trong đó có hơn 15 năm tại Ngân hàng LPBank. Ông được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc Ngân hàng LPBank kể từ ngày 1/6/2019 đến nay.

Sau quyết định miễn nhiệm, ban điều hành Ngân hàng LPBank hiện còn lại 7 thành viên gồm Tổng giám đốc Hồ Nam Tiến, 5 phó tổng giám đốc và một phó tổng giám đốc thường trực.

Trước đó, vào hồi tháng 6, Ngân hàng LPBank cũng miễn nhiệm 2 Phó tổng giám đốc gồm bà Lê Thị Thanh Nga và ông Nguyễn Thanh Tùng theo nguyện vọng cá nhân. Đây đều là những nhân sự gắn bó lâu năm với Ngân hàng LPBank khi gia nhập nhà băng này từ giai đoạn 2008 - 2009.

Loạt nhân sự cấp cao tại Ngân hàng LPBank “rời ghế” trong bối cảnh ngân hàng này chuẩn bị tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2024 nhằm trình cổ đông bầu bổ sung thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) và điều chỉnh phương án tăng vốn điều lệ năm 2024.

Giá cổ phiếu LPB Ngân hàng LPBank
Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu LPB của Ngân hàng LPBank từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Ngân hàng LPBank (LPB) muốn chia cổ tức bằng cổ phiếu, nâng vốn điều lệ lên gần 30.000 tỷ đồng" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Đối với phương án tăng vốn điều lệ, HĐQT Ngân hàng LPBank dự kiến trình cổ đông kế hoạch chia cổ tức với tỷ lệ 16,8%, tương ứng cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu LPB sẽ được nhận 168 cổ phiếu mới.

Phương án tăng vốn này nhằm thay thế cho phương án chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu vốn đã được Ngân hàng LPBank tạm dừng hồi cuối tháng 6/2024.

Nếu phương án tăng vốn mới được thông qua, vốn điều lệ của Ngân hàng LPBank sẽ tăng từ 25.576 tỷ đồng lên hơn 29.873 tỷ đồng, nằm trong Top các nhà băng có vốn điều lệ cao nhất toàn hệ thống.

Kể từ năm 2018 đến nay, Ngân hàng LPBank liên tục tăng thêm vốn điều lệ quy mô lớn từ 20% - 47% mỗi năm thông qua các hình thức khác nhau, chủ yếu là là chia cổ tức bằng cổ phiếu và chào bán cổ phiếu cho cổ đông. Riêng trong năm ngoái, ngân hàng này đã phát hành cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 19%, tương đương gần 3.300 tỷ đồng.

Lãnh đạo Ngân hàng LPBank cho biết, việc tăng vốn điều lệ là nhu cầu cấp thiết nhằm nâng cao năng lực tài chính, tăng khả năng cạnh tranh của ngân hàng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, tối đa hóa lợi ích cho cổ đông, khách hàng và đối tác.

Duy Quang